3 năm không tuyển đủ chỉ tiêu ngành đúng sứ mạng, HV Y dược cổ truyền VN nói gì?

23/10/2023 06:38
Thảo Ly
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-  Theo đề án tuyển sinh, tổng nguồn thu hợp pháp/ năm 2022 tăng hơn 33,9 tỷ đồng so với năm 2021 (tổng là hơn 82 tỷ đồng).

Học viện Y - Dược học cổ truyền Việt Nam (số 2, Trần Phú, Hà Đông, Hà Nội) được thành lập theo Quyết định số 30/2005/QĐ-TTg ngày 2/2/2005 của Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở Trường Trung học Y học cổ truyền Tuệ Tĩnh.

Học viện Y - Dược học cổ truyền Việt Nam có sứ mạng đào tạo nhân lực y tế chất lượng cao, chuyên sâu về Y học cổ truyền, Y khoa, Dược học và các ngành khác thuộc khối ngành sức khỏe; nghiên cứu khoa học, thừa kế, bảo tồn và phát triển y, dược cổ truyền; chuyển giao tri thức, cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh kết hợp Y học cổ truyền và Y học hiện đại, dịch vụ đáp ứng yêu cầu phục vụ xã hội và đất nước.

Với mong muốn xây dựng Học viện trở thành cơ sở giáo dục đại học hàng đầu trong nước và khu vực về đào tạo, nghiên cứu khoa học, khám chữa bệnh kết hợp Y học cổ truyền và Y học hiện đại góp phần phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Hiện, Học viện Y - Dược học cổ truyền Việt Nam do Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Quốc Bình là Chủ tịch Hội đồng trường; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Huy là Giám đốc học viện.

Ngành Y dược cổ truyền 2 năm liên tiếp tuyển không đủ chỉ tiêu

Qua tìm hiểu đề án tuyển sinh năm 2021, 2022, 2023, chỉ tiêu tuyển sinh của học viện được duy trì là 950 thí sinh ở 3 ngành học là ngành Y học cổ truyền (500 chỉ tiêu), ngành Dược học (200 chỉ tiêu) và Ngành Y khoa (250 chỉ tiêu).

Tuy nhiên, số sinh viên trúng tuyển nhập học của học viện có nhiều biến động trong 3 năm này, cụ thể như sau:

Số sinh viên nhập học của Học viện Y - Dược học cổ truyền Việt Nam theo thống kê tại đề án tuyển sinh năm 2021, năm 2022, năm 2023.

Số sinh viên nhập học của Học viện Y - Dược học cổ truyền Việt Nam theo thống kê tại đề án tuyển sinh năm 2021, năm 2022, năm 2023.

Theo bảng thống kê trên cho thấy, năm 2020, số sinh viên trúng tuyển nhập học của học viện là 1.019 thí sinh, tức tuyển vượt 69 thí sinh so với chỉ tiêu được phê duyệt. Cụ thể, ngành Y khoa có 324 thí sinh nhập học/300 chỉ tiêu (tức tuyển vượt 24 thí sinh); ngành Dược học tuyển sinh vượt 8 chỉ tiêu; ngành Y học cổ truyền tuyển vượt 37 chỉ tiêu.

Đến năm 2021, tỷ lệ nhập học của học viện tiếp tục vượt 20 thí sinh so với chỉ tiêu được phê duyệt. Trong đó, ngành Y khoa tuyển vượt 20 người, ngành Dược học tuyển vượt 8 người trong khi ngành Y học cổ truyền chỉ tuyển được 492 thí sinh/500 chỉ tiêu.

Đến năm 2022, tổng số thí sinh nhập học của học viện chỉ đạt 895 thí sinh/950 chỉ tiêu. Nhưng ngành Dược học và Y khoa vẫn tiếp tục tuyển vượt chỉ tiêu lần lượt là 7 thí sinh và 9 thí sinh. Riêng ngành Y học cổ truyền tuyển sinh thiếu 41 thí sinh mới đạt chỉ tiêu được duyệt (500 thí sinh).

Theo thống kê, tuyển sinh hệ đại học liên thông chính quy cố định trong 3 năm (năm 2021, 2022, 2023) của Học viện Y - Dược học cổ truyền Việt Nam đều là 10 chỉ tiêu/năm.

Trước đó, đề án tuyển sinh năm 2022, học viện đăng tải thông tin kết quả khảo sát sinh viên tốt nghiệp năm 2020 có việc làm trong khoảng 12 tháng kể từ khi được công nhận tốt nghiệp, tuy nhiên tại đề án tuyển năm 2023, thông tin này tiếp tục được đăng tải lại một lần nữa. Cụ thể, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp đã có việc làm ngành Y học cổ truyền là 74,12% và ngành Dược học là 97,22%.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, đại diện Học viện Y - Dược học cổ truyền Việt Nam cho biết: “Học viện Y - Dược học cổ truyền Việt Nam có sứ mạng đào tạo nhân lực y tế chất lượng cao, chuyên sâu về Y học cổ truyền, Y khoa, Dược học và các ngành khác thuộc khối ngành sức khỏe. Ngoài ra, học viện tổ chức nghiên cứu khoa học, kế thừa, bảo tồn và phát triển y, dược cổ truyền; chuyển giao tri thức, cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh kết hợp Y học cổ truyền và Y học hiện đại, dịch vụ khác đáp ứng yêu cầu phục vụ xã hội và đất nước.

Mặc dù tỷ lệ sinh viên ngành Y học cổ truyền nhập học không đạt 100% chỉ tiêu nhưng trong những năm vừa qua, số chỉ tiêu cũng như số thí sinh nhập học ngành Y học cổ truyền vẫn cao nhất trong 3 ngành đào tạo đại học của học viện. Do vậy, việc tuyển không đủ chỉ tiêu được duyệt không ảnh hưởng đến công tác đào tạo của học viện.

Đồng thời, học viện có kế hoạch tự đánh giá chương trình đào tạo ngành Y học cổ truyền trong năm 2024 để rà soát và nâng cao chất lượng đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu người học và nhu cầu nhân lực của xã hội”.

Sau 2 năm nguồn thu hợp pháp/năm tăng mạnh

Về nguồn thu hợp pháp/năm của học viện, theo đề án tuyển sinh 3 năm gần đây cho thấy, tổng nguồn thu hợp pháp/năm của năm 2021 là hơn 82 tỷ đồng, đến năm 2022 đạt 116 tỷ đồng và năm 2023 đạt mức 125 tỷ đồng.

Tại đề án tuyển sinh năm 2021, học phí dự kiến với sinh viên theo hệ đại học chính quy là 14,3 triệu đồng/năm. Đến năm 2022, học phí dự kiến tại đề án tuyển sinh là 24,5 triệu đồng/năm và giữ nguyên mức thu học phí này trong năm học 2023-2024 đối với sinh viên hệ đại học chính quy theo học 3 ngành Bác sĩ Y khoa, Bác sĩ Y học cổ truyền và ngành Dược sĩ.

Lý giải về nguyên nhân nguồn thu hợp pháp khác của học viện trong 2 năm gần đây tăng mạnh, về phía Học viện Y - Dược học cổ truyền Việt Nam cho hay: “Học viện khi xây dựng dự toán nguồn thu học phí theo năm học 2021-2022, 2022-2023 tăng theo lộ trình của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/08/2021 của Chính phủ. Nhưng do ảnh hưởng tình hình dịch bệnh COVID- 19, mức thu học phí không tăng mà vẫn giữ mức thu của năm học 2020-2021.

Nguồn thu của học viện năm 2022 là 82 tỷ đồng và dự kiến nguồn thu năm 2023 là 86,4 tỷ đồng tăng hơn 4,4 tỷ đồng so với năm 2022. Nguồn thu không tăng nhiều theo dự kiến là do năm học 2023-2024 vẫn chưa tăng mức thu học phí theo Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/08/2021 của Chính phủ”.

Thảo Ly