6 nguyên nhân chính khiến nhiều giáo viên vẫn bất chấp dạy thêm sai quy định

27/04/2025 08:02
Minh Khôi
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Dạy thêm nhận tiền trái phép là thu lợi bất chính có thể coi là hành vi vi phạm pháp luật, lợi dụng chức vụ quyền hạn được phân công để trục lợi.

Ngày 14/2, Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT chính thức có hiệu lực với nhiều điểm mới được dư luận đồng thuận cao, kỳ vọng sẽ giúp dạy thêm vào nền nếp, Bộ Giáo dục và Đào tạo không cấm dạy thêm chỉ cấm dạy thêm tiêu cực, trái phép, giúp việc quản lý tốt hơn.

Theo tìm hiểu của người viết, các cơ sở giáo dục đã thực hiện khá tốt những quy định mới về dạy thêm trong nhà trường. Tuy vậy, đối với dạy thêm ngoài nhà trường, người viết tìm hiểu vẫn còn một số giáo viên dạy thêm trái quy định, dạy lén lút, dạy chui để thu tiền trái phép.

Thời gian gần đây, một số Sở Giáo dục và Đào tạo kiểm tra đột xuất các cơ sở dạy thêm như trung tâm, công ty hay hộ kinh doanh dạy thêm đã phát hiện nhiều vụ giáo viên vi phạm dạy thêm trái phép như dạy thêm học sinh tiểu học, dạy thêm học sinh chính khóa thu tiền,...

Giáo viên là nghề được xã hội xem là nghề cao quý, không chỉ dạy kiến thức mà còn là tấm gương mẫu mực về chấp hành nghiêm kỷ cương, pháp luật của Nhà nước, tuyên truyền về pháp luật,...nhưng vẫn dạy thêm trái phép là điều khó có thể chấp nhận.

hoc-them-1-4233-5626.png
Ảnh minh họa: Doãn Nhàn

Người viết cho rằng đây là 6 lý do chính giáo viên vẫn còn dạy thêm trái quy định.

Thứ nhất, một bộ phận giáo viên thu nhập được nhiều tiền từ việc dạy thêm

Điều quan trọng và ảnh hưởng nhất để giáo viên bất chấp quy định của Thông tư 29 và các quy định khác chính là vì tiền, vì thu nhập từ dạy thêm quá lớn, lớn gấp nhiều lần tiền lương được nhận chính thức nên bất chấp quy định, giáo viên vẫn tìm mọi cách lén lút dạy thêm nhận tiền trái quy định, hưởng lợi bất chính.

Giáo viên sẵn sàng kéo học sinh chính khóa, học sinh tiểu học dạy thêm để thu tiền, dù biết đồng tiền đó trái pháp luật.

Người viết bắt gặp cảnh giáo viên cho học sinh tiểu học vào trong nhà được đóng kín cửa cao tường, có thuê người canh gác để dạy thêm thu tiền trái phép, rất phản cảm.

Dẫu biết, về thu nhập thì ai cũng mong muốn có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống nhưng giáo viên là viên chức đã nhận lương, phụ cấp từ cơ sở giáo dục, được nhà nước đầu tư khoản kinh phí lớn, nhưng sẳn sàng vì tiền bất chấp quy định để dạy thêm trái phép là không thể chấp nhận.

Giáo viên không chỉ là nghề cao quý còn là người đứng trên bục giảng dạy kiến thức mà còn dạy về đạo đức, lẽ sống, pháp luật,...nếu giáo viên vi phạm thì không xứng đáng đứng trên bục giảng.

Giáo viên vì tiền mà bất chấp, khiến dạy thêm khó kiểm soát thì nên được xử lý nghiêm minh, không thể chấp nhận.

Thứ hai, coi thường quy định pháp luật, coi thường lãnh đạo trường học

Nguyên nhân thứ hai để giáo viên bất chấp quy định để được dạy thêm đó là sự bất chấp quy định, coi thường pháp luật, không tôn trọng pháp luật, coi thường sự quản lý của thủ trưởng và cơ quản quản lý.

Các quy định của Thông tư 29 về dạy thêm đã được triển khai từ các phương tiện thông tin và từ thủ trưởng rất nhiều lần, nếu cố tình vi phạm chắc chắn đây là hành vi coi thường pháp luật, coi thường thủ trưởng đơn vị.

Giáo viên đương nhiên am hiểu pháp luật, hiểu hết tất cả quy định về dạy thêm, học thêm, và biết nếu vi phạm sẽ chịu xử lý nghiêm khắc theo quy định.

Do đó, người nào vi phạm dạy thêm là hành vi cố tình, và có thể đã vi phạm thường xuyên ở nhiều lớp, kéo dài.

Đây là hành vi coi thường quy định của pháp luật, nếu dạy thêm nhận tiền trái phép là thu lợi bất chính có thể coi là hành vi vi phạm pháp luật, lợi dụng chức vụ quyền hạn được phân công để dạy thêm trái phép trục lợi, nhìn xa hơn hành vi này có thể coi là một dạng tham nhũng trục lợi.

Thứ ba, xử lý vi phạm dạy thêm thời gian qua có phần xuê xoa, dễ dãi, nương nhẹ

Đa số việc thanh tra kiểm tra dạy thêm học thêm gần như được báo trước, nên tới kỳ kiểm tra gần như không có giáo viên vi phạm, quy định kiểm tra hiện nay cũng chưa rõ ràng, phân cấp chưa cụ thể, hiệu trưởng quản lý nhưng không có chức năng kiểm tra tại trung tâm dạy thêm hay cơ sở dạy thêm có giáo viên vi phạm dạy thêm hay không.

Những năm qua, vi phạm dạy thêm chủ yếu được phát hiện qua phản ánh của người dân, rất ít vụ việc phát hiện qua thanh tra của các cơ quan quản lý giáo dục, thanh tra các cấp, nên vẫn không có tác dụng răn đe.

Mà số vụ việc sau khi phán ánh, có một số hiệu trưởng bao che cho vi phạm giáo viên (vì giáo viên bị xử lý thì hiệu trưởng cũng bị ảnh hưởng) hoặc giáo viên dạy thêm tự xử lý chứng cứ, ngụy tạo chứng cứ,…nên gần như số vụ việc phát hiện, xử lý vi phạm dạy thêm cả nước chỉ đếm trên đầu ngón tay, số vụ việc vi phạm cao gấp nhiều lần.

Chính vì xử lý không nghiêm, nương nhẹ, một số vụ việc bao che,…nên vi phạm vẫn tái diễn, có giáo viên bị xử lý nhiều lần nhưng vẫn tái phạm vì số tiền thu nhận từ dạy thêm quá lớn, còn lại có những giáo viên vi phạm dạy thêm nhiều năm liền nhưng không hề bị xử lý nên tác dụng răn đe không có.

Người viết cho rằng nếu tiếp tục xử lý xuê xoa, dễ dãi như thời gian qua, dù Bộ Giáo dục và Đào tạo có ban hành Thông tư 29 rất đúng, trúng nhưng tình trạng dạy thêm trái phép sẽ vẫn tiếp diễn, dạy thêm sẽ còn nhiều biến tướng.

Thứ tư, phụ huynh vẫn còn chạy theo thành tích, lo sợ bị đối xử không công bằng

Lý do chính để giáo viên dạy thêm thu tiền chính là việc dùng điểm số, thành tích để học sinh học thêm nhiều hơn, học sinh học thêm sẽ được đối xử tốt hơn, được điểm số cao hơn, có thể được khen thưởng.

Chính vì lý do đó để con được thành tích cao, được khen thưởng, phụ huynh không tiếc tiền để con em họ học thêm, để được điểm cao, được khen thưởng, đua nhau học thêm hình thành từ đó, bất chấp hậu quả.

Để học sinh được tự học, được trải nghiệm,…thì sự phát triển đó mới bền vững, lâu dài học thêm nhiều khiến học sinh thụ động, về lâu dài hại nhiều hơn lợi.

Thực tế, có tình trạng phụ huynh không cho con học thêm với giáo viên dạy chính khóa, nhưng khi phụ huynh điện thoại hỏi thăm tình hình học tập sinh hoạt của con em mình thì được trả lời lạnh nhạt, học trong lớp thì bị đối xử không tốt nên đành chịu tốn tiền để học thêm với giáo viên chính khóa.

Thứ năm, học sinh học theo phong trào, học vì điểm số

Vẫn có một bộ phận học sinh học thêm theo phong trào, vì không học thêm nên bị o ép về học tập, điểm số nên đành phải học thêm, các em còn nhỏ nên khó chịu nổi những o ép về quá trình học tập, điểm số,…nên đành chấp nhận đi học thêm để lấy được sự quan tâm, để điểm số được “đẹp” hơn.

Thực chất việc này cũng do giáo viên, nếu giáo viên có lương tâm, giáo viên không dạy thêm mà dạy hết mình trên lớp, yêu thương học sinh thì tất nhiên sẽ không có dạy thêm, học thêm trái phép.

Thứ sáu, kiểm tra dạy thêm thường báo trước

Hiện nay các cuộc thanh tra dạy thêm, học thêm với 2 hình thức kiểm tra thường xuyên và kiểm tra đột xuất nhưng đa số các cuộc kiểm tra thường là báo trước, rất ít cuộc kiểm tra đột xuất.

Khi kiểm tra dạy thêm đoàn kiểm tra của Phòng/Sở Giáo dục thường báo cho đơn vị và người được kiểm tra trước 1 tuần lễ, nên khi kiểm tra gần như không có phát hiện sai phạm.

Nhưng sau khi đoàn kiểm tra rời đi, việc dạy thêm trái phép quay trở lại bình thường, giáo viên vẫn ung dung dạy thêm trái phép mà không bị xử lý.

Khi dạy thêm, giáo viên cũng "dạy" học sinh cách qua mặt hiệu trưởng hay người khác bằng cách là không nhận đã học thêm với giáo viên đang dạy đó, nên gần như số vụ phát hiện vi phạm dạy thêm, học thêm nhỏ giọt nhưng số vụ vi phạm thực tế là con số rất lớn.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cần nghiên cứu có hành lang pháp lý để có phương án thu hồi số tiền giáo viên nhận trái phép từ dạy thêm không đúng quy định, dạy thêm trái phép nên tiền nhận cũng trái phép phải được thu hồi và xử lý nghiêm về hành chính, hình sự nếu cần thiết.

Phải có các giải pháp đồng bộ từ cơ quan chức năng, từ sự giám sát của nhà trường, gia đình, xã hội thì mới thực hiện nghiêm được Thông tư 29 về dạy thêm khi đó mới có môi trường giáo dục trong sạch, lành mạnh, góp phần công bằng trong giáo dục.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Minh Khôi