Không nên xóa bỏ Ban đại diện cha mẹ học sinh!

29/09/2017 07:58
Trần Vũ
(GDVN) - Hạn chế lạm thu trong trường học, không nhất thiết phải xóa bỏ Ban đại diện cha mẹ học sinh, cũng không “Cần sửa Thông tư 55", cấm hẳn thu hội phí phụ huynh.

LTS: Câu chuyện về lạm thu tiền trường cùng sự tiếp tay của Ban đại diện cha mẹ học sinh đã được báo chí và mọi người nói tới rất nhiều trong thời gian qua.

Nhưng, có một thực tế không thể phủ nhận đó là vai trò và những đóng góp của Ban đại diện cha mẹ học sinh đối với ngành giáo dục là không hề nhỏ.

Trước câu hỏi có cần thiết phải xóa bỏ Ban đại diện cha mẹ học sinh hay không, tác giả Trần Vũ đã có những phân tích và quan điểm về vấn đề này.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Tình trạng lạm thu trong trường học với nhiều khoản không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh, thật sự gây bức xúc trong dư luận.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã có yêu cầu: "Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát các văn bản của Bộ đảm bảo chặt chẽ, minh bạch trong thực hiện xã hội hóa theo đúng quy định của pháp luật. 

Các khoản tài trợ, đóng góp tự nguyện phải đảm bảo đúng tính chất tự nguyện của người, tổ chức tài trợ, đóng góp. 

Tuyệt đối không lợi dụng danh nghĩa xã hội hóa để tổ chức thu các khoản đóng góp mang tính cào bằng, áp đặt" (Báo Thanh niên, ngày 20/9/2017).

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo chấn chỉnh lạm thu đầu năm học (Ảnh minh họa: Báo Tiền phong).
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo chấn chỉnh lạm thu đầu năm học (Ảnh minh họa: Báo Tiền phong).

Qua thanh tra ở một số địa phương như: Hà Nội, Hải Phòng, Hà Tỉnh, Nghệ An; Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định là có lạm thu trong trường học.

Cụ thể mới đây do lạm thu 10 triệu đồng/học sinh, Ủy ban nhân dân huyện An Dương, Thành phố Hải Phòng đã ra quyết định tạm đình chỉ công tác 15 ngày đối với Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đặng Cương.

Trước đó Ủy ban nhân dân huyện Thủy Nguyên,Thành phố Hải Phòng cũng ra quyết định tạm đình chỉ công tác 15 ngày đối với Hiệu trưởng Trường trung học cơ sở Minh Tân ( Báo Công lý ngày 21/9/2017).

Chính vì thế, trong dư luận xã hội, có ý kiến cho rằng: “Loạn” thu đầu năm: Nên xóa bỏ Ban đại diện cha mẹ học sinh” (Báo Lao động ngày 19/9/2017)  hoặc "Bỏ Ban phụ huynh, Hiệu trưởng vẫn còn lòng tham, lạm thu có hết không?" (Báo Giáo dục Việt Nam ngày 21/9/2017); hoặc “Dẹp Hội phụ huynh sẽ không còn chỗ cho trường đá bóng trách nhiệm” (Báo Giáo dục Việt Nam, ngày 22/7/2017).  

Không nên xóa bỏ Ban đại diện cha mẹ học sinh! ảnh 2

Lạm thu là do Hiệu trưởng, sao lại xóa bỏ Hội phụ huynh?

Vậy có cần thiết phải xóa bỏ Ban đại diện cha mẹ học sinh trong nhà trường hay không ?

Trước hết, ở điều 3 Luật Giáo dục 2005, ghi rõ: “Ban đại diện cha mẹ học sinh được tổ chức trong mỗi năm học ở giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông, do cha mẹ hoặc người giám hộ học sinh từng lớp, từng trường cử ra để phối hợp với nhà trường thực hiện các hoạt động giáo dục”. 

Ngoài ra, điều 46 Điều lệ trường phổ thông của Bộ Giáo dục và Đào tạo có quy định:

“Mỗi lớp có một Ban đại diện cha mẹ học sinh tổ chức trong mỗi năm học gồm các thành viên do cha mẹ, người giám hộ học sinh cử ra để phối hợp với giáo viên chủ nhiệm lớp, giáo viên bộ môn trong việc giáo dục học sinh. 

Mỗi trường có một Ban đại diện cha mẹ học sinh được tổ chức trong mỗi năm học gồm một số thành viên do các Ban đại diện cha mẹ học sinh từng lớp cử ra để phối hợp với nhà trường thực hiện các hoạt động giáo dục”.

Luật đã quy định như thế, thì Ban đại diện cha mẹ học sinh trong nhà trường, rõ ràng là không thể xóa bỏ được, dù không đồng tình với việc lạm thu trong nhà trường hiện nay.

Do vậy, để giải quyết vấn đề lạm thu trong nhà trường, không nên vì quá bức xúc mà vội vàng nghĩ đến việc xóa bỏ Ban đại diện cha mẹ học sinh; nên chăng ngành giáo dục và các cơ sở trường học cần tìm các biện pháp có hiệu quả, để hạn chế tình trạng lạm thu trong nhà trường là giải pháp hợp lý nhất.

Tôi cho rằng, trước hết, trong Đại hội cha mẹ học sinh đầu năm học, hiệu trưởng cần hướng dẫn cho giáo viên chủ nhiệm các lớp triển khai nhiệm vụ của Ban đại diện cha mẹ học sinh được quy định ở điều 4 và điều 6, trách nhiệm của cha mẹ học sinh quy định ở điều 8 Thông tư 55 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho tất cả phụ huynh thông suốt, để họ phối hợp tốt giữa giáo dục nhà trường với giáo dục gia đình, cụ thể như:

Không nên xóa bỏ Ban đại diện cha mẹ học sinh! ảnh 3

Hội phụ huynh là rất cần thiết, Bộ sẽ xem xét lại điều lệ hoạt động

“Phối hợp với giáo viên chủ nhiệm lớp và các giáo viên bộ môn tổ chức các hoạt động giáo dục học sinh…; tham gia giáo dục đạo đức cho học sinh; bồi dưỡng, khuyến khích học sinh giỏi, giúp đỡ học sinh yếu kém, vận động học sinh đã bỏ học trở lại tiếp tục học tập; giúp đỡ học sinh nghèo, học sinh khuyết tật và học sinh có hoàn cảnh khó khăn khác” (điều 4 Thông tư 55 của Bộ Giáo dục và Đào tạo).

“Phối hợp với Hiệu trưởng hướng dẫn, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chủ trương chính sách về giáo dục đối với cha mẹ học sinh nhằm nâng cao trách nhiệm chăm sóc, bảo vệ, giáo dục học sinh; tổ chức giáo dục học sinh hạnh kiểm yếu tiếp tục rèn luyện trong dịp nghỉ hè ở địa phương” (điều 6 Thông tư 55 của Bộ Giáo dục và Đào tạo).

“Phối hợp với giáo viên chủ nhiệm, các giáo viên bộ môn của lớp để chăm sóc, quản lý, động viên học sinh tích cực, tự giác học tập, rèn luyện đạo đức, tuân thủ quy định của Điều lệ và nội quy nhà trường” (Điều 8 Thông tư 55 của Bộ Giáo dục và Đào tạo).

Đây là những nhiệm vụ chính của Ban đại diện cha mẹ học sinh và trách nhiệm của cha mẹ học sinh, mà nhiều năm nay ở nhiều trường học, do không nắm vững, nên phụ huynh nghĩ rằng cứ đến dự hội nghị cha mẹ học sinh đầu năm là để đóng tiền trường.

Nếu như, Ban đại diện và cha mẹ học sinh làm tốt được nhiệm vụ trên đây sẽ là đóng góp thiết thực góp phần cùng với nhà trường giáo dục học sinh.

Còn việc cùng với Hiệu trưởng nhà trường đề xuất thu các khoản tiền mà Ban đại diện cha mẹ học sinh không được quyên góp của người học theo điều 10 thông tư 55 của Bộ Giáo dục và Đào tạo là không đúng với chức năng, nhiệm vụ của Ban đại diện cần phải được ngăn chặn. 

Không nên xóa bỏ Ban đại diện cha mẹ học sinh! ảnh 4

Không được quyên tiền từ phụ huynh để xây dựng trường

Ngoài ra, ở nhiều trường học, cha mẹ học sinh do không nắm được Thông tư 55 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ở điều 8: 

“Từ chối ủng hộ khi được Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp, Ban đại diện cha mẹ học sinh trường đề xuất các khoản ủng hộ, nếu bản thân không tự nguyện”. 

Và điều 10 về các khoản thu mà Ban đại diện cha mẹ học sinh không được quyên góp, nên nhiều phụ huynh mỗi lần đi họp là một lần là phải “cắn răng” đóng góp, những khoản này do hiệu trưởng đề xuất hoặc gợi ý thu với Trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh của trường, dù biết nhưng không dám có ý kiến phản biện vì con đang học tại trường.

Thế nên, để hạn chế lạm thu trong trường học, không nhất thiết phải xóa bỏ Ban đại diện cha mẹ học sinh, cũng không phải: “Cần sửa Thông tư 55, cấm hẳn thu hội phí phụ huynh học sinh dưới mọi hình thức” (Báo Giáo dục Việt Nam ngày 07/9/2017).

Điều cần thiết nhất là nhà trường phải triển khai quy định về nhiệm vụ của phụ huynh học sinh, của Ban đại diện cha mẹ học sinh, quy định về việc thu, quản lý và sử dụng kinh phí của Ban đại diện cha mẹ học sinh theo Thông tư 55 của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho tất cả phụ huynh nhất là những thành viên trong Ban đại diện thông suốt, để họ không làm “cánh tay nối dài” của hiệu trưởng.
 
Bởi điều 47 Điều lệ trường phổ thông của Bộ Giáo dục và Đào tạo còn có quy định: “Huy động mọi lực lượng và nguồn lực của cộng đồng chăm lo cho sự nghiệp giáo dục, góp phần xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục của nhà trường.

Xây dựng phong trào học tập và môi trường giáo dục lành mạnh, an toàn, ngăn chặn những hoạt động có ảnh hưởng xấu đến học sinh; tạo điều kiện để học sinh được vui chơi, hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao lành mạnh phù hợp với lứa tuổi”.

Trần Vũ