Thi sáng tạo, thầy cô toàn làm hộ học sinh

14/04/2016 12:17
Đỗ Quyên
(GDVN) - Ngành giáo dục hiện nay có không ít cuộc thi dành cho chính học sinh nhưng được thầy cô làm hộ để đạt yêu cầu chỉ tiêu cấp trên giao.

LTS: Hưởng ứng Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc, nhiều địa phương đã phát động cuộc thi này. Mặc dù cuộc thi đã phát huy tính tư duy sáng tạo của thanh thiếu niên, nhi đồng, tạo sân chơi khoa học bổ ích thì vẫn còn tồn tại nhiều bất cập. 

Trong bài viết này, cô giáo Đỗ Quyên mạnh dạn chỉ ra điều đó. Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả. 


Nói: “Thầy cô giáo hiện nay đang bị bội thực với những cuộc thi” cũng chẳng sai chút nào bởi mỗi năm học, thầy cô phải tham gia không biết bao nhiêu các cuộc thi từ cấp trường đến cấp quốc gia. 

Thực tế, trong số những cuộc thi ấy, có không ít cuộc thi dành cho chính học sinh nhưng được thầy cô làm hộ bởi áp lực của việc thi đua vì thành tích. 

Còn nhớ, trong vòng thi chung kết cuộc thi sáng tạo dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng một tỉnh miền Trung năm 2014-2015, khi Ban tổ chức gọi điện cho học sinh trong mô hình dự thi để xác minh và nghe các em trình bày thêm về ý tưởng, cách thiết kế, chất liệu làm nên sản phẩm….thì nhiều học sinh trả lời ú ớ, không biết gì. 

Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên và bi hài chuyện thầy cô gắn nhầm tên (Ảnh minh họa của baobinhphuoc.com.vn)
Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên và bi hài chuyện thầy cô gắn nhầm tên (Ảnh minh họa của baobinhphuoc.com.vn)

Ban tổ chức thấy lạ vì sản phẩm ghi tên các em mà những câu hỏi trên các em lại không thể trả lời được. Chuyện này chỉ thầy cô mới hiểu. Bởi rõ ràng, sản phẩm là của thầy cô nhưng đề tên học sinh vào cho hợp lệ. 

Tại sao lại có việc “gắn nhầm tên”? Làm sao thầy cô lại làm cái điều không nên làm như vậy?

Cuộc thi sáng tạo dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng hàng năm đều được triển khai rộng rãi ở nhiều địa phương với mục đích: “Nhằm khơi dậy tiềm năng và phát huy tư duy sáng tạo của thanh thiếu niên, nhi đồng. Giúp các em trau dồi kiến thức, rèn luyện kỹ năng sáng tạo, xây dựng ước mơ các em trở thành nhà sáng chế trong tương lai”. 

Thi sáng tạo, thầy cô toàn làm hộ học sinh ảnh 2

Phát động cuộc thi "Tuổi trẻ học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh"

(GDVN) - Sáng 29/3, Bộ GD&ĐT tổ chức Lễ khai mạc Cuộc thi "Tuổi trẻ học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh năm 2016” tại Trường Đại học Thủy Lợi Hà Nội .

Khi hưởng ứng cuộc thi, các trường học đã triển khai cho giáo viên trong trường để hướng dẫn, định hướng cho học sinh có kế hoạch chuẩn bị cho một cuộc thi đạt hiệu quả cao nhất. 

Nếu học sinh cấp 2, cấp 3 tỏ ra hào hứng làm sản phẩm với khả năng của mình thì học sinh Tiểu học (lớp 4, lớp 5) hầu như chẳng biết làm gì nên các em không thích thú. 

Vì sợ không có sản phẩm để tham gia dự thi nên Ban giám hiệu một số trường đã giao chỉ tiêu cho mỗi khối phải có 2 sản phẩm để nộp trong cuộc thi cấp trường, lựa chọn sản phẩm dự thi cấp cao hơn. 

Cứ như vậy, năm nào đến ngày nộp sản phẩm, giáo viên dạy lớp 4, lớp 5 lại “vắt óc” để nghĩ ý tưởng làm gì và làm như thế nào?

Chính vì áp lực này nên chuyện thầy cô mặc nhiên sao chép ý tưởng trên mạng rồi giáo viên viết lời thuyết minh, chọn ra vài học sinh giỏi của lớp cho các em thuyết trình trước lớp, trường và cuối cùng là mang sản phẩm đi “đánh xứ người”. 

Rõ ràng, mục đích của cuộc thi là tốt nhưng cách tổ chức với mật độ quá nhiều như hiện nay đã gây áp lực không nhỏ cho người tham gia. Chưa nói đến việc, nhiều trường ép chỉ tiêu xuống các tổ chuyên môn mà giáo viên không muốn mang tiếng thờ ơ với các hoạt động của nhà trường, thiếu nhiệt tình…nên thầy cô làm qua loa cho xong.  

Để tránh tình trạng giáo viên làm đối phó, tránh việc học sinh lấy ý tưởng của người khác thành sản phẩm của mình, để cuộc thi thanh niên, nhi đồng như đúng tên gọi của nó để học sinh được sáng tạo. Còn vì thành tích, còn chỉ tiêu thì ắt sẽ sinh ra dối trá.

Đỗ Quyên