Bỏ hay giữ kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia?

21/05/2019 11:30
Diệu Linh
(GDVN) - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng cho biết, một số đại biểu đề nghị bỏ kỳ thi quốc gia, chỉ giữ lại thi đại học, cao đẳng.

Sáng nay (21/5), Quốc hội đã nghe báo cáo về những điểm còn ý kiến khác nhau ở dự án Luật Giáo dục (sửa đổi).

Ông Phan Thanh Bình - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho biết, một số đại biểu cho ý kiến đề nghị bỏ kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông, chỉ thực hiện kỳ thi tuyển sinh vào đại học, cao đẳng. Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị vẫn giữ kỳ tốt nghiệp Trung học phổ thông và giao các địa phương thực hiện.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, hiện nay việc tổ chức kỳ thi để cấp bằng tốt nghiệp Trung học phổ thông nhằm đánh giá mức độ đạt chuẩn giáo dục phổ thông của học sinh; cung cấp dữ liệu quốc gia cho việc nghiên cứu, xây dựng, điều chỉnh nội dung, phương pháp giảng dạy, chính sách giáo dục và tuyển sinh đại học, đồng thời tạo hành lang pháp lý để thể chế hóa giáo dục thường xuyên, tự học của người dân trong tương lai.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, việc tổ chức thi và cấp bằng tốt nghiệp Trung học phổ thông sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh khi tiếp tục việc học ở nước ngoài.

Ông Phan Thanh Bình - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội. ảnh: quochoi.vn
Ông Phan Thanh Bình - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội. ảnh: quochoi.vn

Ông Phan Thanh Bình cho biết, để linh hoạt cho Chính phủ trong tổ chức thực hiện thi tốt nghiệp Trung học phổ thông, dự thảo luật chỉ quy định nguyên tắc học sinh học hết chương trình Trung học phổ thông thì được dự thi để lấy bằng tốt nghiệp Trung học phổ thông, không quy định phương thức cũng như quy mô tổ chức thi (Điều 34).

Việc tuyển sinh cao đẳng, đại học của các cơ sở giáo dục được thực hiện theo cơ chế tự chủ quy định bởi luật Giáo dục đại học và luật Giáo dục nghề nghiệp.

Cho ý kiến về vấn đề này, đại biểu Phạm Văn Hòa - Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Đồng Tháp cho rằng, thi có người trúng có người trượt, nhưng cách tổ chức thi như thời gian qua thì cần xem lại có hợp lý không khi mà tỷ lệ học sinh đậu gần hết (99%).

Bỏ hay giữ kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia? ảnh 2

Bộ đang chuẩn bị những gì tốt nhất có thể để đối phó với...cấp dưới của mình

Theo Đại biểu Hòa, trước mắt vẫn quy định thi Trung học phổ thông nhưng cần có khoản giao Chính phủ nghiên cứu để sau này, tùy thực tế mà có thể bỏ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông, chỉ nên cấp bằng Trung học phổ thông với những điều kiện cụ thể để giảm chi ngân sách nhà nước vì kỳ thi rất tốn kém.

Việc thi tuyển sinh đại học cần tổ chức lại như trước kia để lấy được thí sinh có năng lực phù hợp với chuyên ngành, còn học sinh học lực trung bình thì có thể học nghề, lao động theo sở thích, năng lực, từ đó chất lượng đầu vào đại học được nâng lên, tiết kiệm cho gia đình và xã hội.

Cũng cho ý kiến về nội dung này, Đại biểu Phạm Trọng Nhân (đoàn Bình Dương) cho rằng, đối với những tiêu cực trong thi cử bị phát hiện trong thời gian qua không thể đổi hết cho nhà trường mà nguyên nhân còn đến từ phía nhiều gia đình.

Họ khoán trắng việc giáo dục cho nhà trường là không đúng, trong khi nhiều gia đình đã nuông chiều con cái dẫn tới các hành vi xấu, thiếu chuẩn mực, thậm chí là phi giáo dục khi tìm cách can thiệp vào kết quả thi.

Bệ đỡ từ gia đình và xã hội chưa đủ để các em hình thành nhân cách thì không thể trông đợi hết vào nhà trường.

Diệu Linh