Có phải giáo dục Việt Nam dạy học sinh chỉ để thi, không giúp gì cho cuộc sống?

21/10/2018 08:06
BÙI NAM
(GDVN) - Đa số mọi người cho rằng, học là để thi vào các trường đại học, nhiều người coi đại học là con đường buộc phải đến, nếu không đỗ cuộc đời coi như mất tất cả.

LTS: Đặt ra câu hỏi "Có phải giáo dục Việt Nam dạy học sinh chỉ để đi thi?", tác giả Bùi Nam đã có bài viết chia sẻ cùng quý độc giả Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Thực trạng giáo dục chuộng bằng cấp, học sinh học bằng mọi giá để có được tấm bằng đại học… đã không còn phù hợp hay nói đúng hơn nó làm cho nền giáo dục thụt lùi trong giai đoạn hướng đến cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang ở rất gần.

Gần đây, bình luận về chất lượng giáo dục Việt Nam, tờ Thời báo Tài chính (Financial Times) của Anh cho rằng, dường như mục tiêu của hầu hết học sinh Việt Nam chỉ học để đạt kết quả cao khi đi thi chứ không giúp gì cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Tờ Thời báo Tài chính (Financial Times) nhận định so với các nước láng giềng ở Đông Nam Á, giáo dục Việt Nam tỏ ra trội hơn hẳn.

Thậm chí trên tầm thế giới, giáo dục Việt Nam cũng được đánh giá là “có tên tuổi” thể hiện ở việc Ngân hàng Thế giới (WB) xếp hạng Chỉ số vốn nhân lực của Việt Nam đứng thứ 48, vị trí rất cao đối với một quốc gia có thu nhập trung bình.

Việt Nam chi gần 6% GDP cho giáo dục – một tỷ lệ cao theo tiêu chuẩn toàn cầu, và cao hơn hẳn so với hầu hết các nước láng giềng.

Các nhà quan sát cho rằng ngoài việc Chính phủ chú trọng đầu tư cho giáo dục, học sinh Việt Nam đạt điểm cao còn nhờ các yếu tố văn hóa và lịch sử.

Những yếu tố này bao gồm niềm tin về giá trị thành công là do lao động mà có theo Khổng giáo và nhu cầu xây dựng lại đất nước sau chiến tranh.

Có phải giáo dục Việt Nam dạy học sinh chỉ để đi thi? (Ảnh minh họa: TTXVN).
Có phải giáo dục Việt Nam dạy học sinh chỉ để đi thi? (Ảnh minh họa: TTXVN).

Bảng xếp hạng của WB đối với Việt Nam dựa trên các bài kiểm tra Chương trình Đánh giá sinh viên quốc tế (PISA), do Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) điều hành và bao gồm các bài kiểm tra quốc tế do học sinh 15 tuổi thực hiện.

Tuy nhiên, một nhà quan sát cho rằng kết quả này bị ảnh hưởng vì vấn đề lấy mẫu bài thi, làm cho kết quả của Việt Nam dường như tốt hơn so với thực tế bởi vì những học sinh được lấy kết quả cho chương trình đánh giá lại là những học sinh có điều kiện và học giỏi, vì thế mà kết quả tổng thể được đẩy lên.

John Jerrim, giảng viên tại Viện Giáo dục Đại học London, nói: “Mẫu PISA cho Việt Nam bị lệch, vì chỉ tính đến những học sinh có điều kiện hơn và có thành tích cao hơn”.

Ông Jerrim cho rằng Việt Nam sẽ phải đối mặt với một “nghịch lý” trong tương lai, vì cải thiện giáo dục đồng nghĩa với việc ngày càng nhiều trẻ em tiếp tục đi học (và mức độ cạnh tranh cũng sẽ cao hơn).

Tuy nhiên, theo ông, ngay cả khi đưa ra những bất thường trong công tác thống kê, Việt Nam có thể đã làm khá tốt so với các nước khác có cùng mức độ phát triển.

Có đúng là học sinh Việt Nam học chỉ để đi thi?

Tại phiên họp thứ 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc cho ý kiến về Luật Giáo dục sửa đổi vào sáng 12/9.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã phát biểu ý kiến tâm huyết, thẳng thắn của mình; đồng thời chia sẻ thế hệ trước đây học không nặng nề mà rất nhiều kiến thức từ thửa nhỏ còn nhớ mãi, học sinh được hưởng 3 tháng hè trọn vẹn, trong khi giờ gần như không có nghỉ hè, học thêm quá nhiều, không có tuổi thơ vui chơi nhưng khi hỏi thì hầu như không biết gì, tức là học sinh chỉ có học, học và học nhưng hoàn toàn không có kinh nghiệm, kỹ năng sống, thực hành, vận dụng học xong hầu như không nhớ gì theo kiểu “kiến thức của thầy trả lại cho thầy”.

Có phải giáo dục Việt Nam dạy học sinh chỉ để thi, không giúp gì cho cuộc sống? ảnh 2Dưới mái trường có những con số phi thường đến khó tin

Bên cạnh đó nhìn vào kết quả học tập của học sinh ta thấy kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông trên 98%, kết quả xét tốt nghiệp trung học cơ sở, tiểu học đạt gần như 100%, bên cạnh đó tỷ lệ lên lớp thẳng của các cấp học, bậc học đều trên 95%,…

Nhìn vào kết quả trên chúng ta thấy rằng kết quả đạt được những năm gần đây rất cao nhưng đó là do áp lực thành tích đã “đẩy” kết quả học tập lên quá cao, giáo dục mà mọi thứ đều “cào bằng”, học giỏi hay yếu đều lên lớp sẽ dẫn đến ảo tưởng về năng lực của mình, dẫn đến khả năng cố gắng phấn đấu, động cơ, thái độ, học tập đều đi xuống.

Nếu chỉ kết quả học tập cao vút như hiện nay, đã không đặt ra yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục mà cả hệ thống chính trị và ngành giáo dục đang thực hiện một cách quyết liệt như hiện nay.

Đây cũng là một bất hợp lý mà Bộ Giáo dục và Đào tạo nên nhìn nhận lại trong các báo cáo tổng kết nhiệm vụ năm học, năm nào kết quả năm sau cũng cao hơn năm trước, kết quả thi tốt nghiệp tăng cao, các kỳ thi học sinh giỏi quốc tế đều có kết quả tốt hơn… Nếu kết quả đã rất cao, rất tốt sao phải đổi mới?

Tôi có trao đổi với nhiều phụ huynh và các em học sinh trên lớp là học để làm gì thì câu trả lời nhận được đa số là học để đi thi, thi vào các trường đại học, nhiều người coi đại học là con đường bắt buộc học sinh phải đến, không đỗ đại học thì cuộc đời coi như mất tất cả. Đây là một quan niệm sai lầm.

Qua đó, học sinh bị áp lực từ học tập, thi cử khủng khiếp, lao đầu vào học, học thêm,…trong khi đó lại không quan tâm đến sức khỏe, đến những kỹ năng để bước vào đời, đạo đức, kiến thức thật thì lại thiếu và yếu.

Khi nào mới dạy học gắn với hành như ý nguyện “Học đi đôi với hành” của Bác?

Thay vì quan điểm chỉ học và thi. Chúng ta nên thay đổi về cách tiếp cận, học, biết và thực hành vận dụng, theo đúng sở thích, năng lực sở trường.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã từng nói “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”.

Theo quan điểm của Bác Hồ kính yêu là “Học phải đi đôi với hành”, hành không phải là hành động cụ thể mà còn là cả thực tiễn mà cả thực tiễn sản xuất, trong lao động và sản xuất, phải luôn nghĩ đến vận dụng nguyên lý nào, lý thuyết gì để giải quyết công việc đạt hiệu quả cao nhất.

Có phải giáo dục Việt Nam dạy học sinh chỉ để thi, không giúp gì cho cuộc sống? ảnh 3Bình dân học vụ và tầm nhìn của Hồ Chủ tịch

Tư tưởng giáo dục của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tư tưởng dạy và học để làm người, học để làm việc, học để phụng sự Tổ Quốc, phụng sự nhân dân đã thấm nhuần trong mọi chính sách của Người về giáo dục.

Theo tư tưởng của Người nói đến giáo dục là phải nói đến dân trí đó chính là trình độ hiểu biết, tri thức của người dân bắt đầu từ biết đọc, biết viết đến các lĩnh vực khác của đời sống.

Người đã dạy “Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang sánh vai các cường quốc năm châu hay không chính là nhờ một phần lớn công học tập của các cháu”.

Ý nguyện của Bác “Học đi đôi với hành” nó vừa là nguyên lý giáo dục vừa là phương pháp học tập hiệu quả.

Áp lực về thi cử, phải đỗ đại học bằng mọi giá kể cả dùng quyền, dùng tiền,…đã dẫn đến tình trạng vi phạm quy chế thi cử điển hình như vụ vi phạm nghiêm trọng tại Sơn La, Hà Giang, Hòa Bình trong năm học qua.

Chính vì áp lực trên nhiều em gia đình đặt quá nhiều kỳ vọng, tạo nhiều áp lực nên các em thi không đỗ vào đại học và nghĩ quẩn có nhiều em đã tự vẫn sau khi trượt đại học, hay nhiều em thần kinh sau đó có vấn đề,…áp lực khủng khiếp trên đã gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội.

Phải nhìn nhận thẳng thắn rằng việc dạy học chỉ để đi thi, học bất chấp để có được bằng cấp,…đã ăn sâu vào suy nghĩ của rất nhiều người từ học sinh, phụ huynh, giáo viên và các các cán bộ quản lý giáo dục nên nó đã tồn tại từ rất lâu và cũng không dễ dàng xóa bỏ.

Thực trạng hiện nay có hàng trăm ngàn cử nhân thất nghiệp, hàng nghìn cử nhân ra trường không đáp ứng nhu cầu tuyển dụng, nhiều cử nhân phải đi làm công nhân, làm mướn hay thất nghiệp,…một phần cũng là do chạy theo bằng cấp, học không gắn liền với thực tiễn, nhu cầu đổi mới, không đáp ứng nhu cầu tuyển dụng, học không theo kịp thời đại.

Những tư tưởng về việc học chỉ để đi thi, chỉ để đạt kết quả học tập cao trong các kỳ thi mà không gắn với việc thực hành, vận dụng hay nói đúng ra là học vẹt đã biến các em học sinh chỉ lao đầu vào học, biến cho các em trở thành cái máy học, học và không biết thực hành, không biết vận dụng, sáng tạo…

Giáo dục, chọn người làm, kinh phí hay 99% đỗ tốt nghiệp?

Nói đúng ra rằng việc học hiện nay không đáp ứng được nhu cầu của xã hội, nói một cách đau lòng như nhận xét của tờ Thời báo Tài chính (Financial Times) của Anh cho rằng, dường như mục tiêu của hầu hết học sinh Việt Nam chỉ học để đạt kết quả cao khi đi thi chứ không giúp gì cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, có nghĩa là chúng ta sẽ bị tụt hậu nếu chúng ta vẫn duy trì việc học chỉ để đi thi như hiện nay.

Đã có những lần thay đổi chương trình sách giáo khoa nhưng sự đổi mới chưa được triệt để, giáo dục hiện nay vẫn còn gắn với áp lực thành tích, thi cử mà chưa gắn với nền giáo dục thực hành như Bác Hồ mong muốn.

Hy vọng lần đổi mới sắp tới đây sẽ không còn học sinh nào tự tử vì thi không đỗ, hay không còn việc chạy trường, chạy lớp, gian lận thi cử, mọi em học sinh đều có thái độ, động cơ học tập đúng đắn, việc học tập đạo đức của học sinh phải được đưa lên hàng đầu.

Rất mong khi thực hiện chương trình mới, việc tổ chức các hoạt động học tập, giáo dục với kiến thức thực tiễn sản xuất, kinh doanh của địa phương, trong nước và thế giới, sáng tạo và bổ ích theo hướng tiếp cận công việc và nền công nghiệp cách mạng 4.0 trong tương lai.

BÙI NAM