Nước mắt học trò và những góc khuất giảng đường ít người biết

01/04/2018 06:00
Nguyễn Văn Lự
(GDVN) - Thầy cô nào làm học trò sợ và xa lánh mình, thầy cô đó dù chuyên môn có giỏi thế nào cũng là người thất bại, là người nên thay đổi.

LTS: Câu chuyện về việc học sinh bật khóc kể rằng giáo viên không nói gì trong lớp đang được dư luận hết sức quan tâm.

Nhân chuyện này, thầy Nguyễn Văn Lự chia sẻ những tâm sự về những góc khuất trong ngành giáo dục mà ít người biết đến.

Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Những giọt nước mắt học trò Phạm Song Toàn - học sinh Trường trung học phổ thông Long Thới, huyện Nhà Bè, Thành phố Hồ Chí Minh đã rơi để mong nỗi buồn bay lên trời.

Dường như, em Phạm Song Toàn đã nói giùm biết bao học sinh nước ta trong tâm bão học đường hiện nay.

Thầy cô và học trò tất bật, ngày đêm hăng say, nhiệt tình đến quên thời gian và nhu cầu bản thân.

Học trò như những chiến sĩ nhỏ, những tiểu siêu nhân trên sới đấu. Thầy cô như người lái đò trên dòng sông dài toàn ghềnh thác.

Những giọt nước mắt thầy trò, nước mắt học đường, chưa biết bao giờ sẽ ngừng tuôn rơi.

Nữ sinh Phạm Song Toàn bật khóc khi đề cập đến giáo viên "không nói gì cả" trong lớp (ảnh: P.L)
Nữ sinh Phạm Song Toàn bật khóc khi đề cập đến giáo viên "không nói gì cả" trong lớp (ảnh: P.L)

Khi thầy cô im lặng trên bục giảng, học trò sẽ cảm thông và quan tâm chia sẻ.

Những bức xúc chuyện nhà, chuyện buồn riêng một vài ngày sẽ dần nguôi ngoai.

Học sinh bây giờ tinh ý và rất yêu kính thầy cô, biết vui buồn san sẻ với thầy cô, nhất là học trò trung học.

Trên bục giảng, thầy cô căng thẳng hay cáu giận, bực dọc về bài vở, chuyên môn hay vì quan hệ đồng nghiệp, hay nhiều lí do nghề nghiệp cũng là điều khó tránh khỏi.

Học trò cảm nhận được và sẽ điều chỉnh ngay trật tự, chăm chú để thầy cô hoàn thành bài học.

Cô giáo bất lực, ngồi khóc trong sự hoang mang và rối trí của học trò phạm quy, không thực hiện lời thầy hay nói lời xúc phạm cũng không hiếm.

Nước mắt học trò và những góc khuất giảng đường ít người biết ảnh 2Nữ sinh Sài Gòn bật khóc nói về giáo viên “không nói gì cả” trong lớp

Thầy cô vội vàng hành xử chửi mắng, thậm chí cãi nhau và dùng cả vũ lực với trò cũng không phải hiếm.

Giới hạn khoảng cách trong quan hệ thầy và trò đã bị xóa nhòa khi thầy cô không giữ được bình tĩnh, không nhận thức đúng vị thế của mình.

Một lời xin lỗi của thầy cô sẽ làm học sinh nhớ mãi và thêm nể phục, thêm quý yêu.

Không ít thầy cô vẫn bảo thủ xưng gọi mày-tao để thêm gần gũi, thân mật. Học trò thời nay đoán hiểu ngay, dù là cách xưng hô anh /chị và tôi không như mọi ngày của thầy cô.

Đôi lúc, các em thỉnh cầu xin thầy đừng gọi chúng em là anh/chị cũng là mong được thầy cô bao bọc và chỉ bảo tận tình.

Các em hiểu và tôn suy thầy cô như cha mẹ thứ 2, như người hoàn hảo, như thần tượng của mình, cho dù, con người trên bục giảng và đời thường ấy rất khác nhau.

Trong lưu bút, trong giao tiếp hàng ngày, không ít các trò gọi thầy cô là bố, mẹ và sẵn sàng chia sẻ cả những câu chuyện chưa bao giờ kể và định kể cho bố mẹ thật của các em.

Thầy cô chân chính và tận tụy yêu thương trò, mong giúp đỡ các trò và vì sự trưởng thành của học trò bao giờ cũng chiếm trọn tình yêu kính của các em đến mãi về sau.

Nước mắt học trò và những góc khuất giảng đường ít người biết ảnh 3Chúng ta đã lắng nghe học sinh, tại sao không hỏi giáo viên mong muốn gì?

Cuộc đời ngắn ngủi nhưng chúng ta nhớ nhất, yêu nhất thầy cô chủ nhiệm và thầy cô chủ nhiệm thương yêu và tin tưởng học trò nhất.

Thầy cô nào làm học trò sợ và xa lánh mình, thầy cô đó dù chuyên môn có giỏi thế nào cũng là người thất bại, là người nên thay đổi.

Trường học bây giờ cần thiên lương, cần tình thương nhiều hơn kiến thức (kiến thức hàn lâm quá, mấy ai dùng được).

Trong quan hệ với trò, thầy cô tự đặt mình trong vai vừa là thầy vừa là trò để nhìn nhận và hành xử mọi việc từ phát ngôn, hành vi đến công việc đúng nhất, hiệu quả nhất.

Hiểu mình, hiểu trò, tôn trọng trò cũng là tôn trọng và yêu quý chính mình làm nên vẻ đẹp nhân cách người thầy. Không ai tránh được sai lầm, thiếu sót.

Điều quan trọng nhất là người thầy cần biết trọng danh dự và nhân cách của mình và luôn nỗ lực tránh điều sai phạm để lúc nào cũng điềm tĩnh và nhiệt huyết, đĩnh đạc và gần gũi, thân tình trên bục giảng cũng như trong cuộc sống.

Thầy trò trong Hội trường Trung học phổ thông Chuyên Vĩnh Phúc 2017.
Thầy trò trong Hội trường Trung học phổ thông Chuyên Vĩnh Phúc 2017.

Trong buổi gặp gỡ, đối thoại với quan chức Giáo dục thành phố Hồ Chí Minh, ngày 23/3/2018, em Phạm Song Toàn và các bạn đã xúc động bày tỏ nguyện vọng rất chính đáng của học trò.

Thầy cô im lặng, chỉ quan tâm nội dung bài giảng, giao bài tập, suốt hơn hơn học kỳ qua; cô chủ nhiệm “rất uy quyền, học sinh rất sợ”[1] có thể chỉ là một cô giáo dạy Toán của lớp em Toàn.

Chúng ta, học trò và phụ huynh mừng nếu đó chỉ là cá biệt!

Nhiều bạn đọc không thể hiểu chuyện gì đang diễn ra trong nhà trường phổ thông hiện nay.

Hàng trăm bài báo mỗi ngày về giáo dục nhưng chưa thấy nhiều câu chuyện chân thật được về học đường, về học trò. Góc khuất lấp của học đường còn bị che lấp do nhiều nguyên nhân.

Không ai còn nghi ngờ phủ nhận trong nhà trường phổ thông nhiều việc, nhiều thứ làm thầy và trò căng thẳng.

Đó là áp lực của chương trình, nội dung kiến thức, áp lực chỉ tiêu và thành tích, áp lực các cuộc thi, áp lực công việc linh tinh, hồ sơ sổ sách, công việc đoàn thể…

Áp lực từ cuộc sống xã hội và gia đình, áp lực của các quan hệ xã hội và tình cảm…

Nước mắt học trò và những góc khuất giảng đường ít người biết ảnh 5Các biện pháp giúp ngăn chặn học sinh, phụ huynh xúc phạm đến nhà giáo

Một xã hội đang rất nhiều thay đổi và phức tạp hiện nay đã góp phần làm tăng thêm những áp lực học đường.

Ở trường học, không chỉ thầy cô chịu áp lực mà ngay học sinh cũng rất khổ sở và căng thẳng.

Phải chăng đó chính là nguyên nhân làm cho nhiều học sinh trầm cảm hoặc bỏ ngang học tập, lêu lổng và suy đồi đạo đức?

Phải chăng đó là nguyên nhân đẩy một số thầy cô đến thái độ hành xử tiêu cực chỉ lo làm xong việc mà quên đi thiên chức của người kỹ sư tâm hồn, nhân cách mẫu mực trên bục giảng?

Phải chăng nhiều bất công và bức xúc quá nên nhiều thầy cô đã trút giận lên đầu học sinh, đã dùng cực hình, đã nói lời thô tục?

Thầy và trò đều khốn khổ, bế tắc và trở nên xa cách, thậm chí đối kháng[2].

Phải chăng, quan hệ thầy trò bị lỏng lẻo và đứt vỡ bất cứ lúc nào là do thầy yếu kém và không nghiêm trị từ lớp mẫu giáo?

Phải chăng do chủ trương bắt phải lên lớp, em không học bài cũng lên, em ý thức kém, vô lễ cũng lên?

Phải chăng, nhiều phụ huynh mải kiếm sống và làm giàu mà gửi hết “trăm sự nhờ thầy” để con cái lộ chuyện mới than khóc?...

Tưởng chừng mong ước nhỏ bé bình dị của học trò thời nay được đến trường, được học tập và tu dưỡng, được sống giữa tình thầy, tình bạn vui vẻ và thân thương dễ dàng lắm!

Tưởng như thầy cô nào cũng hết lòng vì học sinh, hết lòng vì sự nghiệp trồng người!

Tưởng như thầy cô nào cũng đủ can đảm và nghị lực chiến thắng bản thân để làm trọn thiên chức người thầy trên bục giảng và cuộc sống!

Xin đừng để những đôi mắt học trò rơi lệ. Xin đừng để học trò biết những giọt buồn trên khóe mắt và trong trái tim của thầy cô!

Những giọt lệ của các em có thể làm thay đổi các nhà quản lí giáo dục, có làm thay đổi thầy cô giáo hay không?

Chúng ta kỳ vọng sau năm 2019, học trò và thầy cô giáo sẽ thân thiện và hiểu nhau hơn sau những trải nghiệm học tập và vui chơi.

Tài liệu tham khảo:

[1] http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Nu-sinh-Sai-Gon-bat-khoc-noi-ve-giao-vien-khong-noi-gi-ca-trong-lop-post184708.gd

[2] http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/guong-mat-tre/vu-thay-giao-va-nu-sinh-danh-nhau-ca-hai-cung-nhan-sai-357505.html

Nguyễn Văn Lự