Rượu bia ngày tết, xin đừng quá đà

15/02/2018 07:49
Thanh An
(GDVN) - Những bài học, hậu quả sau mỗi dịp Tết cổ truyền dân tộc luôn nhắc nhở chúng ta trước khi nâng ly để hòa vào những tiếng dzô dzô nơi bàn nhậu.

LTS: Uống rượu bia dường như đã trở thành một thói quen, một cách chúc tụng của người Việt vào dịp Tết. Tuy nhiên, ngày nay, việc sử dụng rượu bia quá mức đã dẫn đến những hệ lụy vô cùng nguy hại.

Chia sẻ những hậu quả khôn lường do bia rượu quá đà vào ngày Tết, tác giả Thanh An đã có bài viết.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết này.

Những năm qua, nước ta đã “vươn lên” để trở thành một trong những nước tiêu thụ rượu bia đứng trong tốp đầu của thế giới.

Những quán rượu bia được mở ngày một nhiều, không chỉ ở phố phường mà chốn thôn quê bây giờ cũng không thiếu.

Các đại lí bia rượu cũng được các các công ty mở rộng và tiếp thị tới mọi nẻo đường xa xôi hẻo lánh. Chưa bao giờ, rượu bia lại dễ dàng mua như bây giờ.

Ngày Tết, chuyện “chén chú, chén anh” mừng vui xuân mới là điều không thể nào tránh khỏi đối với nam giới, nhưng đừng quá đà, đừng mải mê bên bàn nhậu để dẫn đến việc rượu bia “điều khiển” mình.

Rượu bia ngày tết, xin đừng quá đà (Ảnh minh họa: vtv.vn).
Rượu bia ngày tết, xin đừng quá đà (Ảnh minh họa: vtv.vn).

Vẫn biết văn hóa nước mình trọng nghĩa tình nên ngày Tết anh em họ hàng, bằng hữu, xóm giềng đến chúc Tết nhau là đều nâng ly chúc nhau. Mỗi nhà một ly, nhiều nhà nhiều ly sẽ dẫn đến say xỉn lúc nào không biết.

Nhất là ngày Tết, nhiều khi chúng ta lại không coi trọng thời gian để cùng nhau bên ly bia, chén rượu để hết mình vì nhau đến tàn cuộc nhậu.

Vì thế, nhiều người mải vui từ cuộc nhậu này sang cuộc nhậu khác, từ ngày này sang ngày khác của dịp Tết mà có những hành vi, thái độ, ngôn từ chưa đẹp trong mắt mọi người.

Nghiêm trọng hơn nữa là có những cuộc xô xát, đánh nhau, gây nên những tai nạn rủi ro khi tham gia giao thông.

Vì thế, trong một gia đình, người ông, người cha sẽ là những người tạo ra tấm gương cho con cháu mình noi theo, học tập. Vui xuân, đón xuân thì nhất thiết phải tỉnh táo để thưởng ngoạn xuân mới.

Bởi trong gia đình mà những người trụ cột cứ mải đắm chìm trong men rượu thì con cháu cũng dễ dàng sa vào những chiến rượu và nhiều khi dẫn đến những hệ lụy đau lòng không đáng có.

Hệ lụy từ rượu bia sau mỗi kỳ nghỉ Tết năm nào chúng ta cũng phải chứng kiến, những con số thống kê tai nạn giao thông của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia lại khiến chúng ta nhói lòng và bao người phải ngậm ngùi thốt lên 2 chữ “giá như”.

Rượu bia ngày tết, xin đừng quá đà ảnh 2Rượu bia, đánh nhau và văn hóa ứng xử

Chỉ tính ba năm gần đây: năm 2015 có 536 vụ, làm chết 317 người, bị thương 509 người; năm 2016 có 284 vụ, làm chết 182 người, bị thương 275 người; năm 2017 có 368 vụ, làm chết 203 người, bị thương 417 người.

Hầu hết các vụ nêu trên là tai nạn giao thông đường bộ và có nguyên nhân chính từ rượu bia.

Ngoài những tai nạn ngoài ý muốn thì rượu bia còn làm ảnh hưởng đến sức khỏe của mỗi con người thường xuyên lạm dụng chúng.

Thực tế ngày Tết bên cạnh những chai rượu, chai bia được sản xuất, chưng cất theo một quy trình nghiêm ngặt đảm bảo chất lượng thì cũng có rất nhiều hàng giả, hàng kém chất lượng được đưa ra thị trường đã đến với người tiêu dùng.

Và dĩ nhiên khi chúng ta sử dụng những loại rượu bia kém chất lượng, nồng  độ cồn cao, thậm chí là cồn và nước lã thì sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của bản thân người sử dụng.

Khi rượu bia vào người mà chúng ta không làm chủ được bản thân, đến nhà anh em, bạn bè cũng dễ dẫn đến những lời nói, lời chúc không được chỉn chu, thấu đáo, vừa lòng gia chủ.

Đôi khi lại gây mất lòng nhau, mà ngày Tết thì đa phần người dân nước mình lại kiêng kỵ những điều như vậy.

Hơn nữa, nó sẽ gây nên một hình ảnh không đẹp khi những người đến chúc Tết nhau mà khuôn mặt đỏ phừng phừng, nồng nặc mùi rượu bia không kiểm soát được những hành vi và ngôn phong của mình.

Ngoài ra, khi chúng ta tham gia giao thông mà nồng độ cồn trong người cao rất dễ bị lực lượng chức năng xử lý. Hiện nay, khung hình phạt cho những người có nồng độ rượu bia trong người cao là tương đối nặng, còn bị giữ xe, giữ hoặc tước bằng lái.

Quy định xử phạt đã được thực hiện lâu nay như sau: “Phạt tiền từ 2 - 3 triệu đồng đối với người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn nhưng dưới 50mg/100ml máu hoặc chưa vượt quá 0,25mg/1 lít khí thở;

Rượu bia ngày tết, xin đừng quá đà ảnh 3Ngày Tết, đừng để mất vui vì chai bia chén rượu

Phạt tiền từ 7 - 8 triệu đồng đối với người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn vượt quá 50-80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,25 đến 0,4ml/1 lít khí thở;

Phạt tiền từ 16-18 triệu đồng đối với người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn vượt quá 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,4mg/1 lít khí thở”.

Nhưng có lẽ điều quan trọng hơn cả vẫn là tính mạng của mỗi người khi tham gia giao thông.

Nếu không muốn uống, có lẽ cũng không ai ép mình trong những ngày vui đón Tết. Bản lĩnh, văn hóa của người tham gia các cuộc nhậu là biết chối từ khi cảm thấy không cần thiết hoặc thấy mình đã đủ để dừng lại đúng lúc.

Bởi phía sau những cuộc vui, những ly bia, chén rượu là tính mạng của bản thân, là gia đình, là vợ con của mình nữa.

Bạn nhậu có thể mời mình, khích mình, thậm chí là chê bai mình nhưng bạn nhậu không ai có thể lo lắng cho gia đình mình, vợ con mình được. Vì thế, sự làm chủ bản thân trong ngày Tết là điều mọi người cần phải hướng tới trong các cuộc vui.

Đừng để người thân phải lo lắng, phải ngậm ngùi, đừng để nỗi đau cho những người ở lại và xã hội phải gánh chịu.

Những bài học, hậu quả sau mỗi dịp Tết cổ truyền dân tộc luôn nhắc nhở chúng ta trước khi nâng ly để hòa vào những tiếng dzô dzô nơi bàn nhậu.

Thanh An