Vẫn biết, đừng để nước mắt rơi trong phòng thi, nhưng...

01/07/2018 08:12
Đỗ Quyên
(GDVN) - Thà để mồ hôi rơi trên trang vở chứ không để nước mắt rơi trong phòng thi, nhưng dù cố gắng thế nào thì chúng em vẫn rơi nước mắt trước đề thi quá dài và khó.

LTS: Kỳ thi trung học phổ thông Quốc gia đã kết thúc, sau những cảm nhận và suy nghĩ về đề thi năm nay của các em thí sinh, tác giả Đỗ Quyên đã có bài viết chia sẻ.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết này.

Kỳ thi trung học phổ thông Quốc gia năm nay đã qua, hàng triệu học sinh thế hệ 2000 đã kết thúc 12 năm miệt mài đèn sách.

Thế nhưng niềm vui vỡ òa không có nhiều mà thay vào đó là những nỗi buồn, những giọt nước mắt lăn dài đầy tiếc nuối, những ấm ức khi bao nỗ lực, cố gắng đều bị chôn vùi bởi nhiều điều vô lý trong cách ra đề thi năm nay.

Tâm sự nhói lòng của những sĩ tử vừa rời kỳ thi trung học phổ thông Quốc gia (Ảnh minh họa: vov.vn).
Tâm sự nhói lòng của những sĩ tử vừa rời kỳ thi trung học phổ thông Quốc gia (Ảnh minh họa: vov.vn).

Đề thi vượt tầm nhận thức và mang nhiều tính may rủi

Đề thi Toán năm nay, được nhiều chuyên gia, nhiều giáo viên đánh giá là dài và khó.

Nếu theo quy định, một đề thi hợp lý là cần đạt bốn mức độ: nhận biết, thông hiểu, vận dụng thấp, vận dụng cao.

Học sinh trung bình sẽ đạt mức 5, 6 điểm. Học sinh khá đạt từ 7 đến 8 điểm. Học sinh giỏi và xuất sắc sẽ có mức điểm từ 9 đến 10 điểm.

Đề thi quốc gia thường có 2 mức độ "60% cơ bản và 40% nâng cao".

Thế nhưng 60% kiến thức cơ bản trong đề toán năm nay chỉ có học sinh khá, giỏi làm được. Học sinh trung bình may ra sẽ không bị điểm liệt.

Riêng 40% nâng cao gần như học sinh khá giỏi đều “khóc thét”, đến giáo sư dạy toán, giáo viên dạy chuyên toán cũng phải vật vã vài tiếng đồng hồ mới giải xong.

Liệu như thế, đề thi Toán năm nay có gọi là hợp lý? Là vừa sức?

Đề Toán sẽ khó đạt điểm 8 trở lên

Nhiều em học sinh khá giỏi cho biết “con làm thua những bạn khoanh bừa. Một số bạn có lực học bình thường nhưng lại ăn may khi khoanh bừa 20 câu khó nhưng đã có tới hơn chục câu làm đúng.

Đề thi tiếng Anh được học sinh phản hồi là các đề không cùng mức độ, đề khó đề dễ, điển hình như 2 nhóm đề có bài School Dog và Camera khó hơn hẳn.

Một số đề khác mức độ dễ hơn. Vì thế, đề mang nặng tính hên xui “hay không bằng hên”.

Đây là điều không công bằng cho tất cả các thí sinh. Khá nhiều học sinh hồ hởi chia sẻ “nhiều câu con chẳng hiểu gì nhưng khoanh bừa mà lại trúng”.

Một số em lại rầu rĩ “con xui vớ phải đề khó, khoanh bừa lại chẳng đúng câu nào. Con còn thua những bạn thường ngày học kém hơn”.

Những lời tâm sự nhói lòng

Một học sinh lớp 12 nói rằng: “Chúng em thường nghe nói chỉ cần ôn luyện kiến thức trong sách giáo khoa là được. Hay là những kiến thức cơ bản chỉ cần nắm chắc là chúng em dễ dàng lấy được 5, 6 điểm.

Nhưng thật sự nó không đơn giản như thế. Chúng em đã phải thức đến tận 1, 2 giờ sáng để ôn bài nhưng vừa chợp mắt đã phải vùng dậy để tiếp tục học bài từ 4 giờ sáng.

Ngay sau môn Toán, nhiều sĩ tử đã mất hoàn toàn nhuệ khí

Ngoài kiến thức ôn trong sách còn phải học biết bao kiến thức bên ngoài nhưng mà thi vẫn thấy kiến thức vượt tầm nhận thức của mình.

Chúng em thường động viên bản thân rằng: "Thà để mồ hôi rơi trên trang vở chứ không để nước mắt rơi trong phòng thi".

Nhưng dù cố gắng thế nào thì chúng em vẫn rơi nước mắt trước đề thi quá dài và khó như thế.

Nhiều bạn của chúng em đã hoàn toàn suy sụp và suy nghĩ đến những điều tiêu cực do thất vọng vì bao công sức bỏ ra đã trở thành công cốc.

Sau khi thi xong, nhiều bạn đã phải trốn tránh những lời hỏi thăm từ gia đình, từ người thân, từ những bạn bè thân thiết chỉ vì quá xấu hổ, quá thất vọng.

Nhìn ba mẹ ngày đêm vất vả, lo lắng cho con chỉ mỗi việc học để thi nhưng dù cố gắng chúng em cũng không thể đem niềm vui đến cho ba mẹ.

Chúng em thật sự đau lòng. Nếu lười học, chúng em đã không tiếc, không đau, không thất vọng đến thế”.

Một em khác hiện đang học tại một ngôi trường khá tên tuổi cũng chia sẻ tâm tình: “Em tiếc cho mình nhưng còn thương các bạn học nhiều hơn em rất nhiều.

Thầy giáo thắc mắc về đáp án môn Toán trong kỳ thi quốc gia

Chúng em học ngày, học đêm, lúc nào cũng vùi đầu vào đống sách vở.

Hết học kiến thức trong sách lại làm những bài tập nâng cao. Hết giải đề thầy cô ra lại làm đề của các chuyên gia nơi khác. Học đến quên ăn, quên ngủ.

Có bạn chỉ ngủ 2 tiếng mỗi ngày để học. Học mệt quá thì gục xuống chồng sách để thiếp đi vài phút rồi lại choàng dậy học tiếp.

Đến sát ngày thi không dám nghỉ vì sợ trượt, thi hết môn này về nhà lại lăn lộn với môn tiếp.

Nếu ai còn nghĩ đề vừa sức hoặc do bọn em không chịu học thì xin hãy ngồi ngay ngắn vào bàn, lấy giấy bút, cầm đề, bấm thời gian và giải bài ạ.

Nếu sau đó, còn nói đề dễ, đề phù hợp thì em không còn gì để nói thêm”.

Những lời bộc bạch trên đã nhận được nhiều sự đồng tình của mọi người đặc biệt là những học sinh vừa trải qua kỳ thi căng thẳng vừa qua. Bởi, các em cũng chính là nạn nhân của một nền giáo dục thi cử.

Đỗ Quyên