Ba góp ý về việc sửa đổi chùm Thông tư bổ nhiệm, xếp lương giáo viên

20/03/2022 07:13
Minh Khôi
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Hiện nay có tình trạng giáo viên có trình độ thạc sĩ, đại học,… công tác ở bậc tiểu học vẫn hưởng lương trung cấp khiến nhiều người bức xúc.

Ngày 3/12/2021, Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 324/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại cuộc họp về các vấn đề Đại biểu Quốc hội chất vấn tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, liên quan tới việc đổi mới, sắp xếp, nâng cao chất lượng các đơn vị sự nghiệp công lập cả về đầu mối trường lớp, số lượng, chất lượng giáo viên, cán bộ quản lý theo tinh thần Nghị quyết 19-NQ/TW; biên chế giáo viên, chế độ phụ cấp đối với giáo viên vùng cao; chính sách cho học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.

Về việc rà soát, sửa đổi các văn bản quy định theo thẩm quyền của Bộ Giáo dục và Đào tạo liên quan đến việc bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp, xếp lương giáo viên, Phó Thủ tướng yêu cầu: Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính và các cơ quan có liên quan khẩn trương, rà soát để sửa đổi các Thông tư số: 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT ngày 02/02/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập, trong các trường tiểu học công lập, các trường trung học cơ sở công lập, các trường trung học phổ thông công lập cho phù hợp với các quy định tại Nghị định số 89/2021/NĐ-CP ngày 18/10/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; bảo đảm công bằng; không có sự chênh lệch quá lớn về chức trách, nhiệm vụ giữa các hạng chức danh nghề nghiệp, nhất là về tiêu chuẩn đạo đức.[1]

(Ảnh minh họa: VTV)

(Ảnh minh họa: VTV)

Trước đó trong phiên họp Quốc hội, trước đó, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Hội trường Quốc hội ngày 11/11, xung quanh chất vấn của các đại biểu liên quan đến vấn đề biên chế giáo viên, các loại chứng chỉ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã có một số giải trình, đề xuất với Bộ Giáo dục và Đào tạo nhanh chóng rà soát và sửa đổi một cách hết sức khẩn trương đối với chùm Thông tư 01, 02, 03, 04.

Trên tinh thần cầu thị, thận trọng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng hứa tiếp thu, sửa đổi theo hướng có lợi cho giáo viên và cũng đã thực hiện việc khảo sát lấy ý kiến giáo viên về bổ nhiệm xếp lương giáo viên trên phần mềm Temis tại địa chỉ taphuan.csdl.edu.vn.

Ba góp ý về bổ nhiệm, xếp lương giáo viên

Chùm Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành có hiệu lực 20/3/2021 đến nay đã 1 năm nhưng vẫn không thể thực hiện được tại nhiều địa phương do có quá nhiều bất cập, bất hợp lý trong quá trình triển khai.

Đây cũng là vấn đề khó cho Bộ trưởng đương nhiệm vì những vấn đề về bổ nhiệm, xếp lương bất cập, bất hợp lý xuất phát từ chùm Thông tư 20, 21, 22, 23/2015/TTLT-BNV-BGDĐT trong thời gian trước đây đã dẫn đến khi ban hành Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT tiếp tục gây bức xúc trong đó có nhiều vấn đề do lịch sử để lại.

Do đó, người viết có các góp ý, kiến nghị sau gửi đến Bộ Giáo dục và Đào tạo để việc bổ nhiệm, xếp lương giáo viên hợp lý như ý kiến của Bộ trưởng Bộ Nội vụ, chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ.

Thứ nhất, về các chứng chỉ

Trong chùm Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT ở tiêu chuẩn các hạng mầm non, phổ thông công lập không còn yêu cầu có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học.

Tuy nhiên, các thông tư này yêu cầu giáo viên biết sử dụng ngoại ngữ, tin học các hạng nên nhiều nơi vẫn yêu cầu giáo viên có minh chứng về việc biết sử dụng ngoại ngữ, tin học là các chứng chỉ ngoại ngữ, tin học.

Do đó, khi sửa đổi chùm Thông tư 01, 02, 03, 04 này, mong Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định rõ không yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ, tin học khi bổ nhiệm, chuyển xếp lương, thăng hạng.

Bên cạnh đó, về chứng chỉ chức danh nghề nghiệp thì tại chùm Thông tư 01, 02, 03, 04 thì gần như mỗi hạng đều yêu cầu chứng chỉ chức danh nghề nghiệp khi chuyển xếp lương từ Thông tư cũ sang mới, thăng hạng.

Chính phủ đã ban hành Nghị định 89/2021/NĐ-CP có nhiều thay đổi về chứng chỉ chức danh nghề nghiệp đối với viên chức, chỉ còn lại 1 chương trình bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp dùng chung. Tức là đối với giáo viên mầm non, phổ thông chỉ cần duy nhất 1 chứng chỉ chức danh nghề nghiệp chuyên ngành.

Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có các thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 89/2021/NĐ-CP, vì vậy nhiều nơi vẫn tỏ ra lúng túng, bối rối.

Khi bổ nhiệm giáo viên chuyển xếp lương từ thông tư cũ sang mới thì có cần chứng chỉ chức danh nghề nghiệp hay không? Hay khi nào giáo viên cần bổ sung chứng chỉ chức danh nghề nghiệp? Các chứng chỉ chức danh nghề nghiệp theo các hạng trước đây có được xem như thay thế chứng chỉ chức danh nghề nghiệp mới hay không?,… là những câu hỏi chưa có lời giải đáp.

Thực tế tuy đã giảm từ 3-4 chứng chỉ chức danh nghề nghiệp còn 1 chứng chỉ nhưng người viết vẫn thấy băn khoăn với cái gọi là chứng chỉ chức danh nghề nghiệp, thực tế nó không cần thiết, không phù hợp với giáo viên.

Sáng 9/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, chủ trì phiên họp lần thứ nhất của Ban Chỉ đạo.

Trong phiên họp, người đứng đầu Chính phủ hoan nghênh việc vừa qua một số cơ quan đã rà soát, bỏ các văn bằng, chứng chỉ, quy định không cần thiết, tránh hình thức, chạy vạy, tiêu cực, việc này được dư luận và xã hội ủng hộ.

"Tinh thần bám rất sát thực tiễn, cái gì thực sự cần thì đưa vào quy định, quy trình, tiêu chuẩn, cái gì không cần thì dứt khoát bỏ", trích phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính [2]

Do đó, người viết rất hy vọng Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục có tham mưu bỏ chứng chỉ chức danh nghề nghiệp cho giáo viên.

Thứ hai, xem xét việc chia hạng giáo viên

Mục đích của việc phân chia hạng là để giáo viên ở hạng cao thực hiện công việc cao hơn hạng thấp, hiệu quả hơn giáo viên hạng thấp nên được hưởng lương cao hơn.

Nhưng từ khi triển khai việc chia hạng từ năm 2015 đến nay thì gặp vô số vấn đề bất cập vì chia hạng nhưng giáo viên các hạng đều thực hiện công việc như nhau, thậm chí nhiều giáo viên hạng IV thực hiện tốt, được tôn trọng hơn giáo viên hạng I, nhiều giáo viên hạng I, II vi phạm kỷ luật,…

Có thể, việc chia hạng phù hợp với 1 số ngành nghề khác nhưng đối với giáo viên thì không phù hợp, bất hợp lý.

Việc chia hạng III, IV khiến giáo viên tâm tư, bức xúc, nhiều phụ huynh cũng không muốn cho con em mình học với giáo viên hạng III, IV.

Do đó, người viết tiếp tục kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục nghiên cứu, xem xét bỏ việc chia hạng giáo viên.

Do đó người viết kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo nhân dịp này có thể xem xét bỏ việc chia hạng, nghiên cứu việc trả lương theo vị trí việc làm theo tinh thần Nghị quyết của Trung ương là hợp lý nhất.

Thứ ba, quan tâm giáo viên chưa đạt chuẩn và trên chuẩn mới

Hiện nay khi Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực từ 01/7/2020 thì trình độ chuẩn nhà giáo đã nâng lên đáng kể như giáo viên từ tiểu học trở lên phải có trình độ đại học, giáo viên mầm non phải từ cao đẳng trở lên.

Có nhiều giáo viên trước đây từ đạt chuẩn, trên chuẩn công tác nhiều năm, đạt nhiều thành tích từ trên chuẩn thành dưới chuẩn, xếp ngạch lương, hệ số lương không đạt chuẩn cũng khiến giáo viên trên rất tâm tư.

Vì thế, người viết kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét đối tượng trên, nhất là giáo viên có thành tích, thời gian công tác nếu còn trong lộ trình nâng chuẩn (31/12/2030) thì được xếp lương là đạt chuẩn.

Thực tế, những giáo viên lớn tuổi khó có thể theo học để nâng chuẩn, một số người sắp về hưu lại mang tiếng giáo viên chưa chuẩn thì không hợp lý.

Bên cạnh đó, cũng có nhiều giáo viên có tinh thần cầu tiến, ham học hỏi nên đã đạt trên chuẩn, họ đầu tư công sức, tiền bạc để học nâng chuẩn để phục vụ giảng dạy nên mong Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét đối tượng này.

Hiện nay có tình trạng giáo viên có trình độ thạc sĩ, đại học,… công tác ở bậc tiểu học vẫn hưởng lương trung cấp, rất bức xúc.

Nghị định 115/2020/NĐ-CP có quy định về đặc cách xét thăng hạng thì rất mong Bộ Giáo dục và Đào tạo khi sửa đổi chùm Thông tư 01, 02, 03, 04/2021 bổ sung cụ thể các trường hợp đặc cách thăng hạng để đảm bảo quyền lợi cho giáo viên có thời gian dài có trình độ trên chuẩn nhưng hưởng lương dưới chuẩn.

Trên đây là ba vấn đề người viết xin được kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo khi sửa đổi chùm Thông tư về bổ nhiệm, xếp lương giáo viên. Hy vọng lần sửa đổi này sẽ hợp lý, khắc phục những hạn chế của Thông tư 01, 02, 03, 04, công bằng và hợp lý đối với giáo viên.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/ket-luan-cua-pho-thu-tuong-vu-duc-dam-ve-cac-van-de-bo-nhiem-xep-luong-giao-vien-798287.html

[2] https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chinh-tri/thu-tuong-bo-cac-van-bang-chung-chi-khong-can-thiet-duoc-du-luan-ung-ho-821492.html

[3] Nghị định 115/2020/NĐ-CP

[4] Chùm Thông tư 01-04/2021/TT-BGDĐT

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Minh Khôi