Bình Định: Tài liệu GDĐP được phê duyệt nhưng chưa thể in vì chờ quy định giá

06/03/2023 06:39
AN NGUYÊN
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-  Các văn bản chỉ đạo về việc biên soạn, thẩm định về tài liệu GD địa phương của Bộ có nhiều thay đổi, địa phương gặp lúng túng trong tổ chức thực hiện.

Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định có báo cáo về “tình hình thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông”.

Sách giáo khoa phù hợp với chương trình mới

Theo đánh giá của ngành giáo dục tỉnh Bình Định, nội dung sách giáo khoa phù hợp với mục tiêu, yêu cầu chương trình giáo dục phổ thông 2018 và phù hợp với đối tượng học sinh trong nhà trường.

Giá sách giáo khoa hiện nay cũng là vấn đề khó khăn đối với bộ phận không nhỏ người dân thất nghiệp, lao động phổ thông, có thu nhập thấp, vùng địa bàn xã miền núi. Ảnh minh họa: AN

Giá sách giáo khoa hiện nay cũng là vấn đề khó khăn đối với bộ phận không nhỏ người dân thất nghiệp, lao động phổ thông, có thu nhập thấp, vùng địa bàn xã miền núi. Ảnh minh họa: AN

Qua đó, tạo điều kiện cho giáo viên vận dụng sáng tạo các phương pháp và hình thức dạy học lấy học sinh làm trung tâm, khuyến khích học sinh tích cực, chủ động sáng tạo.

Lượng kiến thức truyền thụ phù hợp với học sinh, gắn liền với các hoạt động trong cuộc sống. Bài học kết hợp với hình ảnh minh họa sinh động. Câu hỏi đưa ra cho mỗi nội dung hoạt động lượng kiến thức cũng khá phù hợp.

Sách giáo khoa được trình bày hấp dẫn, gây hứng thú với học sinh. Kênh chữ chọn lọc, kênh hình gần gũi, trực quan có tính thẩm mỹ cao. Nội dung các bài học/chủ đề trong sách giáo khoa có những hoạt động học tập thiết thực, giúp học sinh biết cách định hướng để đạt mục tiêu học tập.

Các nhiệm vụ học tập trong mỗi bài học hướng đến việc phát triển kỹ năng nhận thức, kỹ năng tư duy, rèn khả năng tích hợp, vận dụng kiến thức mới cho học sinh.

“Sách giáo khoa được viết theo hướng mở tạo điều kiện cho giáo viên sử dụng và tổ chức dạy học linh hoạt, đặc biệt là hệ thống bài tập.

Các bộ sách giáo khoa có những sáng tạo riêng trong cách thức trình bày, thể hiện nội dung đối với cùng một yêu cầu cần đạt trong chương trình môn học/hoạt động giáo dục.

Các bộ sách giáo khoa khác nhau lựa chọn ngữ liệu, hình ảnh khác nhau, phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá được lựa chọn khác nhau làm đa dạng đáp ứng nhu cầu sử dụng của các địa phương với sự khác biệt đặc điểm kinh tế, xã hội, văn hoá”, báo cáo nêu.

Trong báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định cũng nêu rõ: “Về cơ bản giá sách giáo khoa phù hợp đối với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, mức sống của người dân.

Tuy nhiên, cũng rất khó khăn đối với bộ phận không nhỏ người dân thất nghiệp, lao động phổ thông, có thu nhập thấp; vùng địa bàn xã miền núi, vùng học sinh dân tộc thiểu số, vùng kinh tế khó khăn”.

Cấp sách miễn phí cho học sinh miền núi

Bên cạnh những thuận lợi khi triển khai, lựa chọn sách giáo khoa cho chương trình mới, các trường học trên địa bàn tỉnh Bình Định cũng gặp phải một số bất cập. Cụ thể, những năm đầu, các cơ sở giáo dục phổ thông thực hiện việc lựa chọn sách giáo khoa còn gặp rất nhiều khó khăn, lúng túng.

Các cơ sở giáo dục phổ thông có giai đoạn khá dài thực hiện công tác phòng chống dịch Covid-19 nên ảnh hưởng về thời gian nghiên cứu, thực hiện việc lựa chọn sách giáo khoa.

Khi tập huấn về bộ sách giáo khoa thì số lượng sách cung cấp quá ít, không đủ cho tất cả giáo viên tham khảo, giáo viên chủ yếu được các nhà biên soạn giới thiệu sách qua online, trực tuyến.

Việc thực hiện xã hội hóa sách giáo khoa cũng có mặt thuận lợi khi các cơ sở giáo dục có nhiều lựa chọn các bộ sách giáo khoa phù hợp về chất lượng, nội dung, đối tượng để giảng dạy, học tập.

Việc lựa chọn đúng theo tinh thần Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội là: “Thực hiện xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa; có một số sách giáo khoa cho mỗi môn học”.

Tuy nhiên, việc này "ngốn" khá nhiều thời gian của giáo viên trong nghiên cứu, lựa chọn sách giáo khoa, gây ảnh hưởng đến thời gian đổi mới việc giảng dạy.

Các nhà sách ở Bình Định đảm bảo cung ứng sách giáo khoa, sách bài tập, tài liệu tham khảo, tất cả học sinh đều mua được sách giáo khoa, các đơn vị trường học trực thuộc không có trường hợp học sinh nào không có sách giáo khoa để học.

Đồng thời các nhà cung ứng có chính sách hỗ trợ sách giáo khoa cho học sinh nghèo, học sinh thuộc diện chính sách để xây dựng tủ sách dùng chung trong các cơ sở giáo dục phổ thông.

Liên quan đến tài liệu giáo dục địa phương, ngành giáo dục Bình Định cho hay, sách lớp 3, lớp 7, lớp 10 đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt để đưa vào giảng dạy từ năm học 2022-2023 đảm bảo đúng tiến độ theo lộ trình. Tuy nhiên, hiện nay tài liệu giáo dục địa phương lớp 3, lớp 7, lớp 10 đang chờ quy định giá nên chưa in, phát hành được.

Các văn bản chỉ đạo về việc biên soạn, thẩm định về tài liệu giáo dục địa phương của Bộ Giáo dục và Đào tạo có nhiều thay đổi, địa phương gặp lúng túng trong tổ chức thực hiện.

Trên cơ sở những vướng mắc, bất cập trong việc triển khai, lựa chọn sách giáo khoa mới, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định kiến nghị Nhà nước cấp sách miễn phí cho học sinh vùng dân tộc thiểu số, miền núi vùng sâu vùng xa.

Đồng thời, các nhà xuất bản cần cung cấp đủ số lượng sách và gửi trước thời gian tập huấn để giáo viên có thời gian tham khảo.

AN NGUYÊN