Ngày 16/1, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức chương trình Giao lưu, tôn vinh những tấm gương điển hình tiên tiến cấp học mầm non. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ dự và trao bằng khen cho các thầy cô.
Tại buổi lễ, 127 giáo viên bậc học mầm non là những tấm gương điển hình đã được nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo.
Phát biểu tại chương trình Giao lưu, tôn vinh những tấm gương điển hình tiên tiến cấp học mầm non, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh sự quan trọng của bậc học mầm non trong hệ thống giáo dục quốc dân, đặt nền móng cho sự phát triển toàn diện con người Việt Nam. Điều này đã được khẳng định trong Luật Giáo dục năm 2019.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tặng bằng khen cho các giáo viên mầm non điển hình (Ảnh: Thùy Linh) |
Theo Bộ trưởng, với việc huy động hơn 5 triệu trẻ đến trường được chăm sóc giáo dục hàng ngày, giáo dục mầm non không chỉ tạo điều kiện tốt nhất cho trẻ phát triển mà còn giúp hơn 10 triệu cha mẹ yên tâm công tác, tập trung lao động sản xuất đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội.
Giáo dục mầm non là nghề đòi hỏi nhiều kỹ năng, áp lực cao nhất, học sinh bé nhất, thời gian làm việc trong ngày dài nhất, lương thấp nhất so với bảng lương trong ngành giáo dục… Các thầy cô đến trường chăm sóc trẻ từ tinh mơ và trở về vào lúc chiều muộn, đối tượng của các thầy cô là trẻ nhỏ và rất hiếu động do đó để đảm bảo tuyệt đối an toàn cho trẻ trong suốt thời gian ở trường, các thầy cô phải luôn chân tay, luôn mắt, không một giây phút nào được lơ là.
Mặc dù hiện nay Đảng, Nhà nước và xã hội đã rất quan tâm, đã có nhiều chính sách nhưng hiện nay đời sống của giáo viên mầm non nhìn chung còn gặp nhiều khó khăn, nhận thức xã hội và chính sách chưa tương xứng với vị trí, vai trò và sự đóng góp của các thầy cô giáo mầm non.
Nâng chuẩn giáo viên, đôi điều trăn trở! |
“Trong những năm gần đây, giáo viên mầm non đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận: Việc hoàn thành các mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi đã tạo nên diện mạo mới cho bậc học nền tảng.
Hệ thống trường lớp mầm non ngày một khang trang, mạng lưới ngày càng đáp ứng cao hơn nhu cầu tới trường của trẻ. Hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ được đổi mới, trẻ được chuẩn bị sẵn sàng, phát triển toàn diện về thể chất, tinh thần, tình cảm kỹ năng xã hội, ngôn ngữ….để chuẩn bị vào học lớp 1. Điều này được bạn bè quốc tế đánh giá cao”, Bộ trưởng nói.
Cũng theo người đứng đầu ngành giáo dục, để đạt được những thành tựu đó cùng với sự quan tâm của Đảng, Chính phủ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, phải kể đến vai trò của các thầy giáo viên mầm non.
Bao thầy cô bám thôn, bám bản, nỗ lực, dốc lòng dốc sức huy động trẻ đến trường chăm từng bữa ăn giấc ngủ bao tấm gương hi sinh cả niềm vui của gia đình để đến chăm sóc, giáo dục trẻ ở vùng sâu, vùng xa.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ kể, có cô giáo đã tâm sự ngày nào cũng đón các cháu đến trường nhưng rất ít cơ hội được đưa con mình đến trường.
Toàn quốc có 127 giáo viên cấp mầm non được tôn vinh (Ảnh: Thùy Linh) |
Bộ trưởng hi vọng: “Trong thời gian tới, giáo dục mầm non tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29, Luật giáo dục 2019, tôi mong muốn mỗi thầy cô đã và sẽ mãi là tấm gương sáng về tình yêu nghề, mến trẻ; tâm huyết, đổi mới, sáng tạo, luôn rèn luyện, tự học, tự bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn để đóng góp cho sự phát triển giáo dục nước nhà, đưa giáo dục mầm non lên tầm cao mới, đạt mức tiên tiến trong khu vực và thế giới; chăm lo cho các cháu trẻ em mầm non, thế hệ tương lai của đất nước”.
Tại buổi giao lưu, những giáo viên mầm non đến từ khắp mọi miền đất nước đã cùng chia sẻ những khó khăn, thách thức cũng như kinh nghiệm vượt qua để bám trường, bám lớp nuôi dạy những mầm non tương lai của đất nước.