Trong từ điển tiếng Việt, từ “hạnh phúc” được hiểu là: “trạng thái sung sướng vì cảm thấy hoàn toàn đạt được ý nguyện”.
Còn đối với các định nghĩa về từ “hạnh phúc” thì có rất nhiều nhưng tựu trung lại đó là làm cho con người ta vui vẻ, thoải mái trước công việc và cuộc sống của mình.
Điều chúng tôi cảm thấy thú vị là ngay đầu năm mới này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khi trò chuyện với phóng viên Báo Lao động thì ông đã chia sẻ về từ “hạnh phúc” trong giáo dục.
Vậy, thầy cô, học trò và phụ huynh có thực sự hạnh phúc không?
Hạnh phúc trong giáo dục rất giản đơn nhưng vẫn còn mông lung lắm ( Ảnh minh họa: Moet. gov.vn) |
Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thì: “Nếu học sinh hạnh phúc khi đến trường, giáo viên hạnh phúc khi đứng trên bục giảng, mỗi cán bộ làm trong ngành giáo dục hạnh phúc với công việc của mình thì giáo dục sẽ tốt lên…
Chỉ khi giáo viên hạnh phúc, thì học sinh mới hạnh phúc.
Nhưng làm sao để giáo viên hạnh phúc khi một bộ phận không nhỏ nhà giáo hiện nay phải làm thêm đủ nghề tay trái nuôi nghề tay phải”.
Những chia sẻ của Bộ trưởng cũng thật chí lý. Hạnh phúc không phải cất công đi tìm ở đâu xa mà nó được bắt nguồn từ niềm vui trong công việc, từ những điều giản đơn trong cuộc sống hàng ngày.
Với thầy cô cũng vậy, hạnh phúc đến rồi đi…
Nếu nói rằng giáo viên không hạnh phúc thì e có phần khiên cưỡng bởi phải yêu, phải thích mới chọn lựa học sư phạm để gắn bó với ngành giáo dục, với học trò.
Hạnh phúc khi những lời mình giảng được học trò tâm đắc, thích thú. Hạnh phúc khi thấy học trò biết cư xử với mọi người xung quanh. Hạnh phúc khi thấy các em học sinh trưởng thành.
Và, hạnh phúc cả khi ngày Tết, ngày Nhà giáo Việt Nam được học trò điện thoại, nhắn tin chúc mừng mình. Và, đó là hạnh phúc của người thầy.
Nhưng, hạnh phúc của người thầy ở trường hiện nay có nhiều không, có thường xuyên không?
Chắc chắn sẽ không nhiều bởi những “hạnh phúc” cũng chỉ như những vì sao chợt lóe lên rồi lại nhanh chóng qua đi. Đan xen vào đó là những áp lực vô hình, hữu hình đè nặng.
Làm sao giáo viên hạnh phúc khi thấy những điều trái ngang, những sai phạm của lãnh đạo nhà trường mà không dám nói, làm sao giáo viên hạnh phúc khi suốt ngày chạy theo bệnh thành tích, phong trào thi đua, hồ sơ sổ sách, thao giảng, dự giờ, hội họp…
Hạnh phúc làm sao khi thầy dạy trò mà một bộ phận học trò dửng dưng, thờ ơ với việc học nhưng nhắc nhở, dùng vài lời nghiêm nghị thì lại quy vào tội vi phạm đạo đức nhà giáo?
Giáo viên có hạnh phúc không khi quanh năm phải làm người “đòi nợ” học trò với vô vàn các khoản thu mà trên áp xuống.
Không thu thì không hoàn thành nhiệm vụ mà thu thì cứ đầu giờ lật sổ chủ nhiệm ra nhắc nhở, thu tiền học trò thử hỏi người thầy có còn cảm hứng và hạnh phúc để dạy bài được hay nữa không?
Làm sao giáo viên có thể hạnh phúc khi mà ngoài những giờ dạy chính khóa còn phải tranh thủ đi vận động học sinh đến trường, trao đổi về tình trạng của một số em quậy phá.
Mỗi lần đi vận động học trò nếu gặp gia đình học sinh nghèo khổ, không đủ điều kiện cho con em đến trường thì dễ bởi nếu các em hiếu học, nếu gia đình muốn cho con em mình đi học thì việc vận động, quyên góp cho học trò giờ đây cũng giản đơn vô cùng.
Nhưng, gặp phải gia đình có điều kiện nhưng họ không muốn cho con đi học lại còn tỏ thái độ thờ ơ, hờ hững, thậm chí có những lời lẽ không hay với thầy cô giáo.
Những lúc như vậy, người thầy làm sao không rơi vào cảm giác hụt hẫng, chơi vơi...
Hay, một số trường hợp học sinh có điều kiện nhưng thường xuyên quậy phá lớp, quậy phá nhà trường nhưng cha mẹ lại bênh vực con em mình thì phải nói rằng vất vả vô cùng.
Một số phụ huynh có điều kiện kinh tế nhưng lại ít chú ý đến việc học tập của con cái mình mà chỉ chú ý làm sao gửi gắm, chạy chọt cho con em mình vào các trường học tốt, rồi từ đó để mặc cho nhà trường dạy dỗ.
Trong khi đó nhiều học sinh đi học coi việc học là sự đối phó với gia đình và nhà trường. Những lúc như vậy, làm sao mà thầy cô hạnh phúc được đây?
Hạnh phúc làm sao khi đời sống của phần lớn đội ngũ thầy cô giáo đang còn phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, thử thách trong cuộc sống hàng ngày.
Một trăm thầy cô thì phải có tới 99 thầy cô phải làm thêm nghề tay trái mới có thể trang trải được cuộc sống của mình.
Với đồng lương giáo viên hiện nay, nếu tuổi nghề dưới 10 năm thì nuôi thân cũng còn chưa đủ chứ nói gì đến gia đình. Đó là chưa kể những năm gần đây muốn được đứng trên bục giảng thì thầy cô phải đầu tư mất trắng mấy năm lương mới có thể có việc làm!?
Vậy học sinh có hạnh phúc không?
Hạnh phúc của học trò là “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”, nhưng đến trường, đến nhà thầy, đến trung tâm gia sư nhiều như hiện nay thì làm làm sao mà học sinh có thể “vui” được đây?
Áp lực về kiểm tra, thi cử, áp lực vì nhiều khi phải làm những diễn viên bất đắc dĩ cùng với thầy cô trong các hội thi, thao giảng…
Nhiều học trò trở thành những con rối trong màn kịch của thầy cô thì có lẽ các em sẽ khó cảm nhận được những điều “hạnh phúc” trọn vẹn.
Giáo sư Trần Hồng Quân: Giáo dục là ngôi đền thiêng để mọi người gửi niềm tin |
Phụ huynh có hạnh phúc không khi mà hàng năm ngoài tiền học phí phải đóng thêm rất nhiều khoản tiền khác như học thêm, xã hội hóa, mua sách giáo khoa, sách tham khảo... cho con em mình mà cái gì cũng nhiều, cái gì cũng lắm?
Chúng ta cứ thử hình dung, trong bối cảnh hiện nay có nhiều phụ huynh học sinh còn vất vả chạy ăn, công việc bấp bênh mà đầu năm học phải lo cho con hàng chục triệu đồng đóng tiền học thì đó là một áp lực quá sức đối với họ.
Một khi cha mẹ không có tiền đóng học cho con em mình thì các em học sinh cũng nơm nớp lo sợ thầy cô ở trường, cũng thấy ngại với bạn bè khi hàng ngày vẫn được cô thầy nhắc nhở trước lớp về những khoản tiền này, tiền kia chưa đóng .
Vậy, hạnh phúc là gì?
Hạnh phúc có thể giáo viên, học sinh và phụ huynh tự tìm thấy cho mình, tự đến với mình nhưng cũng có nhiều khi rất khó tìm được bởi nhiều những áp lực, nhiều những ràng buộc vô lý, cổ hủ của cách quản lý nhà trường, của ngành giáo dục hiện nay.
Bởi, những chỉ tiêu, số lượng đặt ra đầu năm bắt buộc thuộc cấp phải thực hiện. Những khoản tiền mà Ban Giám hiệu "vẽ" ra bắt buộc phụ huynh phải đóng.
Muốn giáo viên, học sinh và phụ huynh hạnh phúc, tất nhiên mình ngành giáo dục chưa đủ nhưng ngành giáo dục vẫn là chủ yếu nhất.
Trong đó, vai trò các thành viên Ban Giám hiệu nhà trường là rất quan trọng.
Cần phải đối xử công bằng, bình đẳng, gần gũi với giáo viên trong các hoạt động giáo dục. Bớt đi những áp lực không cần thiết, bớt đi những cuộc thi vô bổ. Bớt đi những áp lực học hành cho học trò.
Và, nhất thiết đừng xem phụ huynh là “kho tiền” để đánh tráo khái niệm bằng nhiều từ ngữ mĩ miều mà thu hoài, thu mãi.
Theo chúng tôi, hạnh phúc phải là sự chung tay của mọi người cho giáo dục nước nhà và cần phải có một quyết tâm lớn của toàn xã hội. Đó là sự kết hợp chặt chẽ giữa các ban nghành, gia đình, nhà trường.
Đối với nhà trường phải làm đúng được tinh thần “kỷ cương- tình thương- trách nhiệm”. Thầy phải ra thầy, trò phải ra trò.
Không nên tạo ra tình trạng lạm thu đầu năm khiến phụ huynh phải ngao ngán, chán nản.
Không nên nặng về thành tích, về cái hình thức bên ngoài mà chúng ta phải đào tạo, bồi bổ kiến thức cho các em, rèn luyện cho các em có lối sống đạo đức tốt, tạo cho các em thấy được “nhà trường là ngôi nhà thứ hai” để các em học tập và rèn luyện.
Đối với gia đình phải coi việc học của các em là cần thiết, tạo cho các em thấy được việc học là quan trọng để từ đó các em có tinh thần tự học, chủ động tiếp thu kiến thức bài vở.
Khuyến khích các em học thầy, học bạn, học ở mọi nơi, mọi lúc. Tránh “bồi bổ” cho các em những tư tưởng xấu, những mặt trái của xã hội. Phải tạo cho các em một môi trường lành mạnh, có sự đầu tư đúng về thời gian, về tinh thần và vật chất .
Đối với xã hội cần tích cực đấu tranh và lên án mạnh mẽ những tiêu cực như tình trạng lạm thu trong nhà trường, tình trạng bạo bạo lực và bệnh thành tích đang xảy ra khắp nơi.
Tạo mọi điều kiện tốt nhất cho các trường học, có những chế độ đãi ngộ phù hợp cho đội ngũ giáo viên. Đồng thời, xử lý nghiêm minh những giáo viên sai phạm, thiếu động lực phấn đấu.
Hạnh phúc có thể rất gần nhưng cũng có thể rất xa xôi đối với môi trường giáo dục. Muốn có hạnh phúc, tất nhiên cần phải thay đổi rất nhiều, trong đó thay đổi đầu tiên phải là cách quản lý, điều hành của đội ngũ lãnh đạo của ngành giáo dục hiện nay.