Năm 2021, Đại học Thái Nguyên được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao nhiệm vụ thực hiện bồi dưỡng giáo viên cốt cán cho 6 tỉnh thành trên cả nước, bao gồm: Hà Giang, Tuyên Quang, Quảng Ninh, Lai Châu, Điện Biên và Thái Nguyên.
Đây là một trong những nội dung nằm trong khuôn khổ kế hoạch thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đồng thời xây dựng kế hoạch dạy học và giáo dục theo hướng phát triển năng lực và phẩm chất của học sinh. Việc triển khai hoạt động này đã đem lại những kết quả rất đáng ghi nhận trong việc nâng cao năng lực giáo viên cốt cán của mỗi tỉnh. Sau khi được bồi dưỡng tại Đại học Thái Nguyên, các giáo viên sẽ về triển khai tập huấn đại trà tại tỉnh của mình.
Xác định đội ngũ giáo viên là yếu tố quyết định thành công của chương trình giáo dục phổ thông mới, Đại học Thái Nguyên đã tổ chức đào tạo cán bộ cốt cán của các tỉnh với đối tượng học viên là giáo viên cấp 1,2,3.
Công tác bồi dưỡng giáo viên cốt cán của Đại học Thái Nguyên cơ bản không bị ảnh hưởng dù dịch COVID phức tạp |
Chia sẻ về công tác triển khai thời gian qua, Phó giáo sư Nguyễn Danh Nam – Trưởng ban Ban Đào tạo, Đại học Thái Nguyên cho biết, thực hiện Kế hoạch số 577/KH-BGD&ĐT ngày 18/6/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc “Tổ chức tập huấn triển khai môn Ngoại ngữ trong Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 cho giáo viên cốt cán các cấp học phổ thông”; Kế hoạch 5277/BGDĐT - GDTrH ngày 17/11/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc tập huấn giảng viên chủ chốt về hướng dẫn triển khai môn Ngoại ngữ thì Đại học Thái Nguyên triển khai tập huấn 2 modul.
Trong đó, modul 1: Hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 với 116 học viên tham gia và Modul 4: Xây dựng kế hoạch dạy học và giáo dục theo hướng phát triển năng lực và phẩm chất của học sinh có 352 học viên tham gia.
Phó giáo sư Nguyễn Danh Nam thông tin, các giáo viên tham gia khóa bồi dưỡng đều là giáo viên cốt cán của các trường, đã nắm vững kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, có kinh nghiệm giảng dạy, xử lý tình huống sư phạm và tổ chức hoạt động dạy - học hiệu quả ở các trường và địa phương mình công tác. Theo đánh giá của các giảng viên, tinh thần của các thầy cô giáo tham gia bồi dưỡng rất tốt, hoàn thành các nhiệm vụ bồi dưỡng đầy đủ, đặc biệt là thái độ học tập rất nghiêm túc, cầu thị, say mê, trách nhiệm. Sự hợp tác với giảng viên đã làm làm nên sự thành công cho khóa bồi dưỡng.
Trong bối cảnh dịch COVID-19 tuy nhiên theo Phó giáo sư Nguyễn Danh Nam, việc bồi dưỡng giáo viên cốt cán cơ bản không bị ảnh hưởng. Theo công văn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc tập huấn cốt cán dự kiến sẽ được triển khai theo hình thức trực tiếp, tuy nhiên do dịch bệnh các đơn vị đều phải chuyển sang hình thức trực tuyến với nhiều giải pháp như:
Phân công và phân cấp bồi dưỡng một cách rõ ràng. Đổi mới công tác quản lí bồi dưỡng.
Xây dựng nội dung chương trình bồi dưỡng thiết thực, chuyên sâu và dựa trên nhu cầu của giáo viên: bồi dưỡng về năng lực dạy học và năng lực giáo dục và quản lý lớp học.
Đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức bồi dưỡng: Đa dạng hóa các hình thức bồi dưỡng do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, chú trọng hình thức bồi dưỡng trực tuyến qua mạng. Ứng dụng phương pháp mới, kiến thức mới. Trong bồi dưỡng, giảm bớt những vấn đề lý thuyết, hàn lâm, tăng cường trao đổi, thảo luận, đưa ra ý kiến, …và đặc biệt phải cho giáo viên thực hành, xem các băng hình minh hoạ để học tập kinh nghiệm.
Sử dụng đội ngũ giảng viên sư phạm cốt cán, phát huy thế mạnh của các trường sư phạm trong công tác bồi dưỡng giáo viên.
Nâng cao ý thức, trách nhiệm tự học, tự bồi dưỡng của giáo viên, có sự hướng dẫn của giáo viên cốt cán, chuyên gia giáo dục.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh và Giám đốc Đại học Thái Nguyên - Phạm Hồng Quang dự giờ thăm lớp bồi dưỡng giáo viên cốt cán tại Lào Cai |
Qua bồi dưỡng giáo viên, đại diện Đại học Thái Nguyên nhận định bất cập lớn nhất hiện nay với các trường là giải bài toán giáo viên dạy môn tích hợp. Để dạy tích hợp, thầy, cô giáo cần được bồi dưỡng. Hiện nay, công tác bồi dưỡng giáo viên nòng cốt để tiếp cận chương trình mới là yêu cầu quan trọng nhất và phải được đặt lên hàng đầu. Họ sẽ là những “máy chủ” nắm thật kỹ để truyền đạt kinh nghiệm và triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới những năm tiếp theo.
Chính vì vậy, công tác bồi dưỡng về đổi mới trong phương pháp giảng dạy cùng việc nâng cao năng lực của mỗi cán bộ giáo viên trở thành giáo viên cốt cán sẽ góp phần tích cực vào nâng cao chất lượng dạy và học tại các địa phương trên cả nước.
Phát huy vị thế, vai trò của một Đại học vùng, Đại học Thái Nguyên tập trung xây dựng đội ngũ, bồi dưỡng đào tạo, nâng cao năng lực giáo viên cốt cán tại các tỉnh thành. Các giáo viên nòng cốt được tham gia bồi dưỡng đều đánh giá công tác bồi dưỡng lần này rất ý nghĩa, thiết thực, hiệu quả; quá trình triển khai cẩn thận, có lộ trình hợp lý, khoa học. Sau khóa học, đa số giáo viên cho rằng, họ đã hiểu hơn về chương trình giáo dục phổ thông 2018, về từ quan điểm xây dựng, các điểm mới, nội dung, mục tiêu, yêu cầu cần đạt, định hướng về phương pháp giáo dục và kiểm tra đánh giá theo phát triển năng lực… Các thầy cô cũng nhận thức rõ vai trò, nhiệm vụ của bản thân trong triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới và hỗ trợ đồng nghiệp tại địa phương tự bồi dưỡng qua hệ thống online.
Với những nỗ lực trong công tác bồi dưỡng giáo viên năm qua, năm 2022, Đại học Thái Nguyên tiếp tục phát huy vai trò và vị thế, làm tốt hơn nữa “nhiệm vụ chính trị”. Đồng thời, phát triển quy mô đào tạo hợp lý; tạo bước chuyển biến căn bản về chất lượng và đào tạo, khoa học và công nghệ, đáp ứng nhu cầu xã hội và hội nhập quốc tế; tập trung phát triển các ngành đào tạo trọng điểm, mũi nhọn đạt chuẩn kiểm định; xây dựng và phát triển tài nguyên giáo dục mở gắn với mô hình điện tử thông minh.