Các địa phương khu vực Tây Nguyên cần đảm bảo chi 20% ngân sách cho giáo dục

24/03/2023 16:20
Nguyên Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Bộ trưởng yêu cầu các địa phương thực hiện đúng quy định của pháp luật trong việc đảm bảo chi 20% ngân sách cho giáo dục.

Phát biểu kết luận tại Hội nghị phát triển giáo dục và đào tạo vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; triển khai thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 06/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, muốn xây dựng, triển khai các chính sách giáo dục và phát triển giáo dục, cần lưu ý đến tính đặc thù riêng của từng vùng.

Thông qua Hội nghị, chúng ta có một sự nhìn nhận sâu hơn bằng những con số, bằng các dữ liệu để cùng nhau nhìn lại, đối chiếu với các tỉnh, cùng nhau chia sẻ, lắng nghe ý kiến từ các đơn vị cơ sở, cùng nhau thống nhất thêm tư tưởng, quan điểm, cách làm, chia sẻ một số giải pháp, có thêm quyết tâm để phát triển giáo dục đào tạo.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu tổng kết Hội nghị

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu tổng kết Hội nghị

Việc phát triển giáo dục cần thời gian lâu dài, không thể một sớm một chiều, nhưng sự thay đổi phải được diễn ra từng ngày.

Nói về những đặc trưng của vùng Tây Nguyên, Bộ trưởng khẳng định có những thuận lợi. Cụ thể Tây Nguyên là một vùng được Đảng, Quốc hội, Chính phủ đặc biệt quan tâm, được cả nước yêu quý và hướng về.

Dù là vùng núi cao nhưng nơi đây không quá khó khăn về chia cắt địa hình, đất đai thuận lợi phát triển nông nghiệp và phát triển kinh tế.

Từ góc độ giáo dục, Tây Nguyên là vùng đất hiền hòa, có nhiều thuận lợi trong phát triển giáo dục nhân cách, đạo đức con người, hướng đến con người hạnh phúc.

Bên cạnh đó, cư dân ở một số khu vực có đời sống kinh tế khá, điều này giúp thuận lợi huy động nguồn lực xã hội cho phát triển giáo dục.

Song, cũng từ đặc điểm vùng mà đặc điểm giáo dục vùng Tây Nguyên có nhiều điểm khác biệt. Là khu vực còn nhiều khó khăn, các cấp chính quyền địa phương, các sở ngành, đặc biệt sở giáo dục và đào tạo và các thầy cô trên địa bàn đang thực thi nhiệm vụ giáo dục và đào tạo nặng nề hơn, nhiều thử thách hơn.

Vùng Tây Nguyên còn có trách nhiệm làm giáo dục đối với đồng bào dân tộc thiểu số với nhiều nhiệm vụ, thử thách. Như vậy, Tây Nguyên phải cố gắng rất nhiều để theo được với tốc độ phát triển kinh tế xã hội, tốc độ phát triển giáo dục của các vùng.

Nơi đây là khu vực đa dạng về dân tộc, đa dạng văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng. Điều này đặt ra yêu cầu với giáo dục Tây Nguyên, đặc biệt giáo dục phổ thông phải làm góp phần bảo tồn giá trị văn hóa, vừa đạt đến giá trị chung của con người Việt Nam nhưng vẫn thực hiện được giá trị văn hóa riêng của khu vực.

Vùng Tây Nguyên lấy sản xuất nông nghiệp làm nền tảng, khi phát triển giáo dục, từ định hướng phát triển dân trí để phục vụ cho phát triển nông nghiệp, nền công nghiệp trong nông nghiệp, quản trị trong sản xuất nông nghiệp cũng vô cùng quan trọng.

Một vấn đề thách thức nữa đối với vùng Tây Nguyên là tỷ lệ người theo học đại học đang ở mức thấp nhất cả nước, chưa đầy 2% dân số. Một trong những việc cấp bách là nâng cao tỷ lệ học đại học để có nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho các mục tiêu kinh tế xã hội.

Sớm có giải pháp nâng cao tỷ lệ học đại học ở vùng Tây Nguyên

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng nêu ra các nhiệm vụ quan trọng đối với giáo dục vùng Tây Nguyên.

Thứ nhất, về việc tổng kết 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, cùng với toàn ngành, các tỉnh cần chủ động, có sự so sánh để thấy từ thời điểm bắt đầu đổi mới theo Nghị quyết 29, qua 10 năm đổi mới, các địa phương đã làm được những gì.

Bộ trưởng mong muốn các địa phương chủ động, nỗ lực trong triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018. Ảnh minh họa: Nguyên Phương

Bộ trưởng mong muốn các địa phương chủ động, nỗ lực trong triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018. Ảnh minh họa: Nguyên Phương

Bộ trưởng mong muốn các địa phương chia sẻ hết những việc đã làm được và đưa ra các kiến nghị, đề xuất giải quyết những vấn đề vướng mắc còn tồn tại.

Thứ hai, thực hiện yêu cầu của đoàn giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội về triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018, các địa phương phải thực hiện giải trình việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Bàn về việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ trưởng nhấn mạnh, quá trình đổi mới không được quá cứng nhắc, không quá nóng vội.

“Đôi khi chúng ta hoang mang trước những môn học mới, còn khó khăn nhưng phải thấy rằng, chương trình mới đặt ra những mục tiêu lớn, một số mục tiêu vùng thuận lợi thực hiện được ngay, vùng khó khăn thì phải bắt tay ngay vào chuẩn bị, dần dần đáp ứng được mục tiêu đó.

Chương trình mới với tính mở rất cao, dành quyền chủ động cho các tỉnh, các địa phương, trường học, tự chủ cao cho từng giáo viên, học sinh. Chính vì vậy, các địa phương cần chủ động vì cấp tỉnh là cấp triển khai, quyết định thành công của chương trình”, Bộ trưởng cho biết.

Bộ trưởng cũng mong muốn các địa phương khi triển khai chương trình cần tập trung chỉ đạo, đầu tư cơ sở vật chất, đội ngũ,... có nhịp đầu tư đảm bảo, đầu tư đúng thời điểm, đặc biệt tập trung cao độ trong giai đoạn năm 2023- 2034.

Quá trình triển khai, các tỉnh, khu vực khó khăn cần chú ý, nếu triển khai không khéo, không tập trung toàn bộ nguồn lực có thể gia tăng khoảng cách giữa các tỉnh, các vùng miền về mặt giáo dục. Bởi lẽ, chương trình mới cần yếu tố công nghệ thông tin, năng lực đội ngũ.

Cùng với việc ban hành các nghị quyết, đề án, các địa phương cũng cần tăng cường kiểm tra, đốc thúc quá trình triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018. Các sở giáo dục và đào tạo tham mưu kịp thời cho các tỉnh tháo gỡ khó khăn, đặc biệt khâu giáo viên, tập huấn, hỗ trợ giáo viên, có các giải pháp kèm theo.

Bộ trưởng yêu cầu các địa phương thực hiện đúng quy định của pháp luật trong việc đảm bảo chi 20% ngân sách cho giáo dục. Bên cạnh đó, cần tập trung trung kiên cố hóa trường học, quy hoạch mạng lưới các điểm trường cần được tiến hành một cách thận trọng, hợp lý. Đây là nhiệm vụ quan trọng với vùng Tây Nguyên.

Các tỉnh cũng cần tăng cường quản lý nhà nước với các cơ sở giáo dục ngoài công lập: tăng cường lắng nghe để hỗ trợ, chia sẻ, quan tâm vì trường tư cũng cần được hỗ trợ rất nhiều; đồng thời tăng cường thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ quản lý nhà nước.

“Đặc biệt, thời gian tới, bằng nhiều biện pháp phải nâng cao tỷ lệ học đại học ở khu vực Tây Nguyên. Bộ rất quan tâm việc thúc đẩy, phát triển giáo dục đại học của khu vực”, Bộ trưởng cho hay.

Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo về tình hình phát triển giáo dục, đào tạo vùng Tây Nguyên giai đoạn 2011-2021 và nhiệm vụ, giải pháp phát triển giáo dục đào tạo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, giáo dục vùng Tây Nguyên đã đạt được nhiều kết quả quan trọng song vẫn còn nhiều khó khăn thách thức.

Chất lượng giáo dục phổ thông có nhiều chuyển biến tích cực. Tỷ lệ học sinh lên lớp ở cả 3 cấp Tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông có chiều hướng gia tăng, dần tiệm cận với bình quân của cả nước.

Năm học 2020 - 2021, trung bình tỷ lệ học sinh Tiểu học lên lớp của khu vực là 98,29% (thấp hơn bình quân cả nước 0,92%; thấp nhất trong cả nước). Đối với cấp trung học cơ sở, tỷ lệ học sinh lên lớp trung bình là 98,04% (thấp hơn bình quân cả nước là 0,14%, đứng thứ 5 so với các vùng trong cả nước). Đối với cấp trung học phổ thông, tỷ lệ học sinh lên lớp trung bình là 98,18% (cao hơn bình quân cả nước 0,35%, đứng thứ hai so với các trong cả nước).

Do đặc thù dân cư và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh trong vùng nên tỷ lệ học sinh lưu ban ở cấp Tiểu học, trung học cơ sở vẫn còn khá cao so với cả nước.

Đối với tình trạng học sinh bỏ học, các địa phương đã triển khai nhiều giải pháp để khắc phục, chính vì vậy, trong các năm qua, tỷ lệ học sinh bỏ học đã giảm đáng kể, tuy nhiên tỷ lệ học sinh bỏ học các cấp vẫn cao hơn bình quân chung cả nước. Tỷ lệ học sinh bỏ học các cấp lần lượt là 0,11% đối với cấp Tiểu học (cao hơn 0,02% so với bình quân cả nước); 0,86% đối với cấp trung học cơ sở và 1,32% đối với cấp trung học phổ thông (đều cao hơn 0,13% so với bình quân cả nước).

Năm học 2021 - 2022, tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp trung học phổ thông toàn vùng đạt 97,77% (thấp hơn bình quân cả nước 0,8%).

Trung bình điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022 của vùng Tây Nguyên là 6,13 điểm (thấp hơn trung bình cả nước 0,27 điểm). Trong đó, trung bình điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông các môn của vùng Tây Nguyên đều thấp hơn trung bình cả nước từ 0,06 đến 0,6 điểm.

Về kết quả đào tạo nguồn nhân lực, quy mô đào tạo đại học và sau đại học tại địa phương ổn định và tăng dần qua các năm, đáp ứng cơ bản nhu cầu nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao dân trí, chất lượng nguồn nhân lực của khu vực Tây Nguyên.

Toàn vùng có 09 cơ sở giáo dục đại học và phân viện của các trường đại học, 04 trường cao đẳng sư phạm, với 08 chương trình đào tạo được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục. Hiện nay trên địa bàn vùng, chỉ còn Đắk Nông chưa có trường đại học.

Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của Vùng tăng nhanh với tốc độ tăng bình quân là 2,1%/năm, cao hơn tốc độ tăng của cả nước (là 1,2%) và chỉ thấp hơn vùng Đông Nam Bộ.

Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo đạt 50,2%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ chỉ đạt 16,9%. Tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm đạt khoảng 83,95%.

Năm học 2020 - 2021, quy mô sinh viên đại học của vùng là 30.221 sinh viên (tăng 1.781 sinh viên so với năm học 2019 - 2020, thấp nhất trong sáu vùng kinh tế - xã hội của cả nước), trong đó, sinh viên là người dân tộc thiểu số chiếm 13,3% (tăng 0,8% so với năm học 2019 - 2020). Quy mô học viên cao học là 191 học viên, không có nghiên cứu sinh.

Tây Nguyên là vùng có số lượng sinh viên đại học, cao đẳng thấp nhất cả nước. Tỷ lệ sinh viên đại học, cao đẳng chỉ đạt 1,8%.

Nguyên Phương