LTS: Trước vấn đề sĩ số lớp học ở một số nơi hiện nay quá đông, tiếp tục bàn về những đổi mới trong chương trình giáo dục mới, tác giả Nguyễn Cao đã có bài viết gửi đến độc giả.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo thông qua chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, dự thảo chương trình môn học và mới đây là thực nghiệm chương trình.
Điều dư luận quan tâm và ngay cả các thầy trong ban soạn thảo chương trình giáo dục phổ thông mới đang băn khoăn là sĩ số lớp học ở một số nơi hiện nay quá đông.
Sĩ số lớp học ở một số nơi hiện nay quá đông (Ảnh minh họa: TTXVN). |
Nhiều thầy cũng đã lo ngại sẽ khó thành công khi áp dụng chương trình mới.
Song, tại sao những người thực hiện lại không “liệu cơm gắp mắm” để hướng tới một chương trình phù hợp cho cả thầy và trò trong tương lai?
Người Việt Nam ta từ xưa đến nay đều nằm lòng câu: “Đáo giang tùy khúc, nhập gia tùy tục” (đến sông theo khúc, vào nhà theo tục) để nói đến sự thích nghi của con người khi bước vào một môi trường mới.
Và, có lẽ đối với giáo dục cũng vậy, chúng ta không thể chạy theo cái này cái kia mà quên mất mình đang ở đâu.
Đổi mới phải bám vào thực tiễn và môi trường, bối cảnh của giáo dục Việt Nam.
Một mô hình, một phương pháp giáo dục dù hay và tiên tiến đến đâu nhưng có thể áp dụng ở nước này, địa phương này thành công nhưng lại cũng có thể áp dụng ở nước khác, địa phương khác không thành công.
Có lẽ chính vì vậy mà giáo sư, tiến sĩ khoa học Nguyễn Xuân Hãn (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng:
“Muốn làm gì thì làm nhưng đổi mới sách giáo khoa phải dựa trên hai nguyên tắc cơ bản: Phù hợp với phong tục tập quán Việt Nam và đáp ứng được nhu cầu hội nhập quốc tế.
Việc đổi mới sách giáo khoa nếu không được làm khoa học, cẩn trọng sẽ để lại những hậu quả nghiêm trọng, gây không ít xáo trộn cho gia đình, xã hội cũng như hoạt động dạy và học của nhà trường và đặc biệt là học sinh”.
Rõ ràng, cách đặt vấn đề của thầy Nguyễn Xuân Hãn ngắn gọn và phù hợp với thực tiễn giáo dục nước nhà bởi thay đổi kiểu gì cũng phải “phù hợp với phong tục tập quán Việt Nam và đáp ứng được nhu cầu hội nhập quốc tế”.
Thấy gì sau khi thực nghiệm chương trình
Sau khi thực nghiệm chương trình, giáo sư Đỗ Đức Thái - Chủ biên chương trình môn Toán cho hay:
“Việc thực nghiệm chương trình môn toán ở 2 lớp sĩ số lên tới 65 học sinh/lớp của một trường nội thành Hà Nội khiến giáo viên quay như… chong chóng nhưng chỉ đạt được yêu cầu ở mức chấp nhận được.
Đáng lo ngại là những học sinh đuối trong lớp sẽ không được quan tâm đúng mức.
Chúng ta giải quyết vấn đề sĩ số không chỉ vì người học mà còn phải vì giáo viên. Phải biết thương giáo viên. Họ dạy để sống chứ đâu phải dạy để… chết”.
Đồng quan điểm với thầy Thái, tiến sĩ Bùi Phương Nga - Chủ biên chương trình môn khoa học ở cấp tiểu học, chia sẻ:
“Tôi đi dự giờ thực nghiệm ở một lớp có 60 học sinh. Dù giáo viên đã rất nỗ lực, tổ chức hoạt động khá tốt nhưng cuối giờ thì giáo viên tâm sự rất thực với chúng tôi là nếu cô mà dự giờ chúng em mấy tiết liền thì chúng em mệt lắm.
Thực nghiệm một vài tiết thì kiểm tra, đánh giá nói lên được điều gì? |
Nói như vậy để thấy rằng giáo viên chỉ có thể cố gắng được trong một thời gian ngắn”.
Và, giáo sư Nguyễn Minh Thuyết - Tổng Chủ biên chương trình giáo dục phổ thông tổng thể cũng cho rằng:
“Một lớp quá đông thì giáo viên làm sao có thể tổ chức trải nghiệm thực tiễn?
Do vậy, chúng tôi không tin và không ca ngợi việc một giáo viên dạy lớp học quá đông học sinh mà vẫn dạy tốt”. [1]
Từ những ý kiến của người trong cuộc cho ta thấy thực tế các lớp học hiện nay ở một số địa phương quá đông.
Mặc dù đã được quy định trong các văn bản hướng dẫn là cấp tiểu học không quá 35 học sinh/lớp; cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông không quá 45 học sinh/lớp.
Nhưng, thực tế thì nhiều địa phương, nhất là khu vực thành phố sĩ số mỗi lớp cao hơn quy định rất nhiều. Nhiều nơi có sĩ số đến 65 học sinh/lớp như giáo sư Đỗ Đức Thái đã nói trong quá trình thực nghiệm.
Chính vì sĩ số đông nên việc áp dụng chương trình mới và đổi mới phương pháp giảng dạy không phải lúc nào cũng được thực hiện tốt.
Lời tâm sự của một giáo viên thực nghiệm với Tiến sĩ Bùi Phương Nga là điều mà Bộ cần lưu tâm hơn “nếu cô mà dự giờ chúng em mấy tiết liền thì chúng em mệt lắm”.
Không mệt sao được nếu cứ dạy giống như thực nghiệm với hơn 60 học trò/lớp?
Chương trình mới, khác chương trình hiện hành như thế nào?
Chương trình hiện hành chủ yếu là truyền thụ kiến thức cho học trò, chương trình mới là chuyển từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học.
Bởi, theo định hướng của chương trình giáo dục mới thì giáo viên là người tự chủ trong phương pháp giảng dạy, trong quá trình đứng lớp thì:
“Giáo viên đóng vai trò tổ chức, hướng dẫn hoạt động cho học sinh, tạo môi trường học tập thân thiện và những tình huống có vấn đề để khuyến khích học sinh tích cực tham gia vào các hoạt động học tập, tự phát hiện năng lực, nguyện vọng của bản thân, rèn luyện thói quen và khả năng tự học, phát huy tiềm năng và những kiến thức, kỹ năng đã tích lũy được để phát triển” [2].
Như vậy, điều cốt lõi là giáo viên giúp cho học sinh tự phát huy khả năng, năng lực của bản thân trong quá trình học tập.
Theo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, chương trình giáo dục mới tới đây sẽ hình thành và phát triển cho học sinh 5 phẩm chất chủ yếu với 10 năng lực cốt lõi.
5 phẩm chất gồm: yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm.
Các năng lực cốt lõi gồm 3 năng lực chung và 7 năng lực chuyên môn.
Các năng lực chung là tự chủ và tự học; giao tiếp và hợp tác; năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo.
Các năng lực chuyên môn gồm năng lực ngôn ngữ, năng lực tính toán, năng lực tìm hiểu tự nhiên và xã hội, năng lực công nghệ, năng lực tin học, năng lực thẩm mỹ, năng lực thể chất.
Thầy Nguyễn Minh Thuyết nói, ai viết sách giáo khoa thì phải tự thực nghiệm |
Các năng lực chuyên môn này được hình thành, phát triển chủ yếu thông qua một số môn học và hoạt động giáo dục nhất định.
Điều chúng tôi băn khoăn là lấy gì để làm thước đo 5 phẩm chất chủ yếu và 10 năng lực cốt lõi như chương trình giáo dục phổ thông mới đã đề ra.
Bởi, ngoài việc thông qua chương trình tổng thể, dự thảo chương trình môn học thì cho đến giờ Bộ vẫn chưa công bố về cách kiểm tra, đánh giá người học như thế nào?
Nếu chương trình mới áp dụng các phương pháp mới trong khi sĩ số lớp học một số nơi cao như vậy thì việc học sinh tự nghiên cứu hay thảo luận nhóm liệu có đem lại hiệu quả và giáo viên sẽ quản những lớp học đó như thế nào?
Liệu rồi lần đổi mới này có “phù hợp với phong tục tập quán Việt Nam và đáp ứng được nhu cầu hội nhập quốc tế” hay không?
Tài liệu tham khảo:
[1] https://www.google.com.vn/thanhnien.vn/giao-duc/thay-gi-qua-thuc-nghiem-chuong-trinh-moi-giao-vien-se-duoi-955822.html&usg
[2] Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể.