Mã số 43B

Lúc con chào đời cũng là lúc bắt đầu quãng đời bất hạnh của cha

05/05/2012 06:00
Thanh Tuyển
(GDVN) - Nhìn con leo lắt trong kiếp người khờ dại, phận làm cha không thể thốt lên thành lời bởi nỗi đau ấy vẫn đang từng ngày rỉ máu trong trái tim mềm sức cùng lực kiệt.
Ông Phạm Dư Uông (sinh năm 1941), ở thôn Vũ Đông, xã Hồng Lĩnh, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất quê lúa Thái Bình giàu truyền thống cách mạng, tiếp bước cha anh năm 1961 ông theo tiền phương vẫy gọi lên đường nhập ngũ đóng tại sư đoàn 312. Giữa mưa bom bão đạn của kẻ thù, người lính trẻ ấy luôn kiên cường anh dũng xông pha trong trận mạc. Nhưng ngày qua ngày sức khỏe của ông cứ yếu dần đi không còn đủ sức chiến đấu, ít lâu sau ông xin đơn vị được xuất ngũ trở về. Trở về làng, theo tâm nguyện của các cụ, ông lập gia đình với bà Lê Thị Bấm và sinh hạ được hai người con. Người con trai đầu là Anh Phạm Văn Hưng (SN 1975), người con gái út là chị Phạm Thị Thu Hà (SN1977). Với cuộc sống bình dị đời thường có nếp có tẻ là niềm vui, niềm hạnh phúc cho mọi cặp vợ chồng nghèo đói khổ, còn đối với vợ chồng ông thì nó lại khác. Người con trai đầu tiên ra đời là giây phút ông cười khi nghe được tiếng khóc trẻ thơ, là giây phút ông được tận hưởng cảm giác làm cha nhưng lại là khoảnh khoắc mở đầu cho sự đau đớn của quãng đời bất hạnh về sau.
Ông Phạm Dư Uông bên người con trai ngây dại của mình.
Ông Phạm Dư Uông bên người con trai ngây dại của mình.
Từng ngày, anh Hưng được sống trong vòng tay âu yếm của cha mẹ cũng là thời gian căn bệnh bẩm sinh vốn đã có sẵn trong người của anh dần phát bệnh. Ông tâm sự: “Lúc ban đầu nó cũng như bao đứa trẻ bình thường khác nhưng khi Hưng nó lớn lên được 1 tuổi trông không lanh lợi, hiếu động. Vợ chồng tôi thấy nó không biết nói mà cũng chẳng biết cười, thân hình thì ngày một lả lướt đi. Hai vợ chồng chúng tôi đưa con lên viện khám thì bác sĩ cho biết rằng, ngay từ khi mới sinh nó ra đã mang trong người căn bệnh tâm thần bẩm sinh do di chứng chiến tranh mà tôi để lại”. Và cũng kể từ ngày đó ông bị tê liệt về tinh thần, hao mòn về thể xác. Ông lo cho chuỗi tháng ngày còn lại về sau, rồi đây biết bao nhiêu đứa con nữa khi chào đời liệu có chung một số phân hẩm hiu như người anh của nó không? Ngày đứa con thứ hai của ông chào đời là nỗi lo lòng của ông bị thắt lại. May sao ông trời thương đến đã ban cho cuộc đời ông một cô con gái kháu khỉnh hiền hòa không tâm thần điên dại như anh Hưng. Trong căn nhà cô quạnh ảm đảm ấy giờ chỉ còn lại 3 người: 2 vợ chồng già cùng với 1 người con trai điên dại. Đang dở nói chuyện với ông bỗng một tiếng la om xòm xen lẫn tiếng cười vang lên khằng khặc từ góc buồng tối tăm phát ra khiến ông ngừng nói, lệ rơi.
Anh Phạm Văn Hưng mang căn bệnh tâm thần bẩm sinh
Anh Phạm Văn Hưng mang căn bệnh tâm thần bẩm sinh
Cố nén cảm xúc, ông tiếp lời: “Đấy nó lại lên cơn đấy các chú ạ ! mỗi lần nó phát bệnh là dữ lắm mọi thứ trong nhà từ bát đĩa đến bàn ghế cũng đều bị nó đập đổ. Nhiều người đã bảo tôi nhốt nó vào cũi để tiện trông nom nhưng tôi không nỡ. Nhìn con nhà người ta sửa cho bố từng chạn bát, chiếc giường mà quay lại nhìn đứa con mình thì đang ra sức hì hục đập phá, cố họng tôi cứ “nghẹn ứ” lại không nói lên lời”. Mấy năm trở về trước còn sức khỏe ông vẫn đi phu hồ, còn bây giờ ở luống tuổi về già ông chỉ loanh quanh, luẩn quẩn ở nhà để làm những công việc nhỏ nhặt đỡ đần thêm cho người vợ tảo tần. Và đằng sau những vất vả khó nhọc của ông là những nỗi niềm chua xót cho số phận người con trai độc đinh của mình. Hằng đêm ông vẫn thức trắng nằm trăn trở mà chiếc gối ông nằm ướt đầm nước mắt. Bản thân ông giờ đây cũng mắc phải chứng bệnh thoái hóa cột sống, bị thoái hóa đi mất 3 đốt. Hai vợ chồng quanh năm lam lũ giờ đây chỉ còn biết dựa dẫm vào 4 sào ruộng chua màu cùng khoản tiền trợ cấp nhà nước dành cho anh Hưng là 360.000 nghìn đồng. Không đủ một cuộc sống nghèo ! Nắng đã lên ! cái nắng của mùa hè rát bỏng cũng không thể nào ngăn cản được những dòng suy nghĩ của tôi về ông, về những câu thơ mà ông đã cất lên từ đáy lòng sâu thẳm:
Kể ra cái tuổi của cha

Lợn gà cám bã trông nom cửa nhà

Tối khuya cơm chuyện mặn mà

Khuyên con dạy cháu mới là thủy chung

Ngờ đâu cha khổ quá chừng

Đất bùn, lúa nước bạn cùng với cha.

Mọi sự giúp đỡ xin gửi về:

1.  Ông Phạm Dư Uông (sinh năm 1941), thôn Vũ Đông, xã Hồng Lĩnh, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình.

Mã số 43B

2. Hoặc gửi về Quỹ Tấm Lòng Việt Nam - Báo điện tử Giáo dục Việt Nam

- Địa chỉ: số 147 Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội

- Tel: 04.6261.0666 – 04.6261.0888

3. Qua Ngân hàng:

- Tên Tài khoản: Báo điện tử Giáo dục Việt Nam

- Tài khoản số: 1507201058249 tại Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, chi nhánh Cầu
Giấy

- Email: tamlongvietnam@giaoduc.net.vn

Điểm nóng

Nhật ký Chí Viễn

Nhật ký Lớp học Hy vọng

Nhật ký Kim Bon

Nhật ký Pả Vi

"Bữa cơm có thịt" đến với Nậm Mười

Suối Giàng & "Bữa cơm có thịt"

Phẫu thuật miễn phí

 Video Clip

Thanh Tuyển