Mã số 4:

Xót cảnh hai chị em mồ côi vượt khó đến trường

25/11/2011 11:20
Phạm Ngọc
(GDVN) - Bố mất từ nhỏ. Tưởng đâu cuộc sống khó khăn cũng qua thì mẹ lại tiếp tục ra đi  để lại hai chị em mồ côi với khoản nợ viện phí lên đến 50 triệu đồng.
Khi hỏi đường đến nhà hai chị em Vũ Thanh Thủy và Vũ Thị Huyền (Hưng Đạo, Tứ Kỳ, Hải Dương), tôi được bác bán hàng tạp hóa nhiệt tình chỉ đường và hỏi: “Nhà hai đứa ở cuối làng đó. Cháu đến giúp đỡ hai chị em nó hả? Khổ thân hai đứa bố mẹ mất sớm, bây giờ chỉ còn hai chị em từ nuôi nhau”.

Nỗi đau nối tiếp nỗi đau


Hai chị em Vũ Thanh Thủy và Vũ Thị Huyền đều đang học tại trường THCS Hưng Đạo (Tứ Kỳ, Hải Dương). Thủy học lớp 9C, còn Huyền học lớp 8D. Năm hai chị em mới lên ba, lên bốn tuổi thì bố đã qua đời vì căn bệnh lao phổi, trong nhà chỉ còn lại ba mẹ con.

Bố mất sớm, nhà lại nghèo và chủ yếu là làm nông nghiệp nên cuộc sống thêm khó khăn hơn. Mẹ của Thủy và Huyền phải làm lụng vất vả sớm nắng chiều hôm để có tiền trang trải cuộc sống cũng như nuôi hai em ăn học.
Hai chị em Vũ Thanh Thủy và Vũ Thị Huyền (từ phải sang)
Hai chị em Vũ Thanh Thủy và Vũ Thị Huyền (từ phải sang)
Những tưởng cuộc sống cứ thế êm đềm trôi đi, nhưng tai họa lại tiếp tục ập xuống tổ ấm bé nhỏ của hai em. Trong những ngày tháng đi làm cực nhọc, dù nhiều lần đang làm mẹ bị tức ngực, khó thở nhưng vẫn cố chịu đựng. Đến cuối năm 2010, khi thấy sức khỏe quá yếu, mẹ đến bệnh viện khám mới biết mình bị bệnh ung thư máu giai đoạn cuối - căn bệnh vô phương cứu chữa.

Đến tháng 2 năm 2011 thì mẹ của Thủy và Huyền đột ngột qua đời, để lại hai em sống côi cút trong căn nhà nhỏ và khoản nợ viện phí 50 triệu đồng. “Ngày trước, khi còn ba mẹ con cuộc sống đã khó khăn rồi, bây giờ chỉ còn hai đứa lại càng khó khăn hơn”, bà Phạm Thị Loan (bác của hai em) tâm sự.

Cuộc sống thiếu thốn mọi thứ

Ngôi nhà hai chị em Thúy và Huyền đang ở là ngôi nhà nhỏ bé, đã cũ nằm lọt thỏm cạnh ngôi nhà ba tầng cao rộng bên cạnh. Những cánh cửa trong nhà đã sắp hỏng, cánh cửa chính được che tạm bởi những tấm vải cũ kỹ. Chỉ cần “một trận mưa to là nước mưa hắt vào tận giữa nhà”, Thủy cho biết. Còn mái  nhà mặc dù đã được mọi người lợp lại nhưng khi mưa đến cũng bị dột ba, bốn chỗ.
Ngôi nhà nhỏ của hai chị em Thủy và Huyền đang ở
Ngôi nhà nhỏ của hai chị em Thủy và Huyền đang ở
Cánh cửa chính được che bởi những tấm vải cũ, khi có mưa to thì nước mưa hắt vào tận giữa nhà
Cánh cửa chính được che bởi những tấm vải cũ, khi có mưa to thì nước mưa hắt vào tận giữa nhà
Trong nhà, thứ đáng giá nhất là chiếc xe đạp, một cái tivi 14inch cũ nhỏ và chiếc quạt có từ ngày bố hai em còn sống. Còn những vật dụng hằng ngày cũng đã cũ và hỏng hoặc không có. Huyền cho biết chiếc bàn ngồi học ở nhà của hai chị em cũng chính là chiếc giường nằm hoặc dùng chiếu rải xuống đất nằm học.
Những thứ có giá trị nhất trong nhà của hai chị em
Những thứ có giá trị nhất trong nhà của hai chị em
Bữa ăn của hai chị em cũng rất đơn giản, chủ yếu là rau đậu, rau kiếm được quanh nhà hoặc mua ngoài chợ những loại rau rẻ về nấu. Chỉ thỉnh thoảng hai chị em được họ hàng, làng xóm cho thêm lạng thịt, con cá, con tôm.

Chiếc bể chứa nước ăn cũng đã hỏng, vì vậy “mỗi lần nấu cơm, em thường đi ra nhà ông lấy nước hay trèo qua nhà tắm sang nhà chú lấy nước về nấu cơm”, thấy tôi ngạc nhiên Thủy cười nói: “Em đi bộ sang nhà chú cũng được nhưng trèo qua cho nhanh”.
Chiếc bể chứa nước đã bị hỏng không dùng được nữa. Thủy đang trèo qua nhà tắm để lấy nước nấu cơm
Chiếc bể chứa nước đã bị hỏng không dùng được nữa. Thủy đang trèo qua nhà tắm để lấy nước nấu cơm
Có lẽ do quen cuộc sống khó khăn và quá quen với những bữa cơm đạm bạc rồi, mà Thủy nói rằng: “Bọn em ăn rau quen rồi, bây giờ ăn thịt cũng không thích”.

Cuộc sống vật chất thiếu thốn có thể khắc phục dần dần, nhưng thiếu thốn về đời sống tinh thần thì thật khó có thể bù đắp được. Khi hỏi đến mẹ thì cả hai chị em Thủy và Huyền đang nói cười vui vẻ bỗng cúi mặt xuống không nói câu gì, thỉnh thoảng lại thấy tiếng sụt sịt của Huyền.
Thủy đang dùng cành nhãn nhỏ bịt nỗ thủng của chiếc nồi nấu cơm
Thủy đang dùng cành nhãn nhỏ bịt nỗ thủng của chiếc nồi nấu cơm
Con đường đến trường

Mẹ mất, cuộc sống càng thêm khó khăn, vì vậy ngoài những giờ lên lớp học thì “những buổi được nghỉ ở nhà em đi làm ruộng, rồi đi theo bác cắt cỏ, ai thuê gì thì làm việc ấy”, Huyền chia sẻ, “hai ngày cuối tuần thì bọn em vào trong làng học thêu”.

Bên cạnh hai em có sự giúp đỡ, đùm bọc của họ hàng, làng xóm và thầy cô, bạn bè. Nhưng sự giúp đỡ đó cũng chỉ là một phần, bởi ai cũng còn có cuộc sống gia đình của mình. Vì vậy, trong họ hàng có người đồng ý, cũng có người không đồng ý để hai em tiếp tục đi học. Bà Loan tâm sự: “Nhiều người trong nhà cũng bảo bây giờ hai đứa còn nhỏ đi học còn lo được, nhưng sau này học cao hơn liệu có lo được không ?”.
Bữa cơm của hai chị em có rau và bát cá vụn hàng xóm cho
Bữa cơm của hai chị em có rau và bát cá vụn hàng xóm cho
Tranh thủ lúc chị nấu cơm, Huyền lấy sách ra đọc
Tranh thủ lúc chị nấu cơm, Huyền lấy sách ra đọc
Biết rằng con đường phía trước còn nhiều khó khăn, nhưng hai chị em Thủy và Huyền đều muốn đến trường đi học cùng bạn bè. Huyền tâm sự: “Lúc nhìn mẹ ốm nằm viện, em chỉ nghĩ mình phải cố gắng học cho mẹ vui và không được phụ lòng mẹ”.

Mọi sự giúp đỡ xin gửi về:

1. Hai chị em Vũ Thanh Thủy và Vũ Thị Huyền (Hưng Đạo, Tứ Kỳ, Hải Dương)

- Mã số: 4

2. Hoặc gửi về Quỹ Tấm Lòng Việt Nam - Báo điện tử Giáo dục Việt Nam

- Địa chỉ: số 147 Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội

- Tel: 04.6261.0666 – 04.6261.0888

3. Qua Ngân hàng:

- Tên Tài khoản: Báo điện tử Giáo dục Việt Nam

- Tài khoản số: 1507201058249 tại Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, chi nhánh Cầu Giấy

- Email: tamlongvietnam@giaoduc.net.vn

Lưu ý:

- Khi chuyển tiền ủng hộ cho một hoàn cảnh cụ thể, đề nghị Bạn đọc ghi rõ tên hoàn cảnh hoặc Mã số của hoàn cảnh.

Ví dụ:

Ủng hộ cháu Vi Thị Hạnh hoặc Ủng hộ Mã số 3



Phạm Ngọc