Chi phí đầu tư cơ sở vật chất lớn đang là rào cản của ngành Năng lượng tái tạo

16/03/2024 06:26
Ngọc Mai
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Với lĩnh vực năng lượng tái tạo cần tăng cường đào tạo và tái đào tạo giảng viên thông qua các khóa học liên ngành để họ cập nhật nội dung mới vào chương trình.

Trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là Quy hoạch điện VIII) đã chỉ rõ quan điểm ưu tiên phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, tạo đột phá trong an ninh năng lượng quốc gia, góp phần bảo tồn tài nguyên năng lượng, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường trong sản xuất điện. Cũng theo Quy hoạch điện VIII, các nguồn điện năng lượng tái tạo sẽ chiếm tỷ lệ khoảng 31-39% vào năm 2030. Đây cũng là xu hướng phù hợp với sự phát triển của năng lượng tái tạo trên thế giới.

Theo chuyên gia, việc phát triển các nguồn năng lượng tái tạo cho thấy, chúng ta đang rơi vào nguy cơ thiếu hụt nguồn lao động có kỹ năng và kiến thức chuyên môn cao trong lĩnh vực này. Các công việc liên quan đến năng lượng tái tạo (từ thiết kế, chế tạo, lắp ráp, vận hành, kiểm định, giám sát đến bảo trì) đều đòi hỏi sự thành thạo và hiểu biết sâu về hệ thống điện. Các khâu biến đổi điện năng, lưu trữ điện năng và vận hành kết nối với lưới điện quốc gia cũng yêu cầu cán bộ kỹ thuật phải có kiến thức chuyên sâu trong lĩnh vực điều khiển, điện tử công suất.

Nhân lực ngành điện truyền thống được luân chuyển làm dự án năng lượng tái tạo

Đánh giá về thực tế công tác đào tạo nhân lực năng lượng tái tạo hiện nay, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trịnh Trọng Chưởng – Phó Trưởng khoa Khoa Điện (Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội) chia sẻ, nước ta có đường bờ biển dài, khí hậu nhiệt đới gió mùa nên có nhiều điều kiện thuận lợi trong khai thác, sản xuất các nguồn năng lượng tái tạo.

SV ĐHCN HN.jpg
Sinh viên chương trình Năng lượng tái tạo Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đang thực hành. (Ảnh: NTCC)

“Theo tôi được biết, Việt Nam dự kiến cần từ 1,61 đến 1,93 triệu lao động cho quá trình chuyển đổi năng lượng, tạo 315.000 việc làm hàng năm trong lĩnh vực sản xuất điện mặt trời, điện gió và sinh khối đến năm 2030. Điều này đồng nghĩa với việc cần cung cấp người lao động được đào tạo chuyên nghiệp cho thị trường và nhu cầu về nguồn nhân lực cho ngành năng lượng tái tạo sẽ tăng mạnh trong những năm tới, mang lại cơ hội việc làm cho các lao động trẻ.

Tuy nhiên, mặc dù nhu cầu nhân lực năng lượng tái tạo lớn nhưng việc chuẩn bị nhân lực cho ngành còn mang tính cục bộ và thiếu tính lâu dài. Ví dụ, để phục vụ cho các dự án, các nhà máy hoạt động trong ngành Năng lượng tái tạo, nhân lực ngành điện truyền thống thường được luân chuyển làm việc cho các dự án năng lượng tái tạo. Về chuyên môn, họ chủ yếu được cử học khóa học ngắn hạn do chuyên gia nước ngoài hoặc chuyên gia trong nước phối hợp đào tạo”, thầy Chưởng chia sẻ.

Năm 2024, dự kiến chỉ tiêu tuyển sinh của chương trình Năng lượng tái tạo Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội là 50 sinh viên.

Được biết, từ năm 2023, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội tuyển sinh chương trình Năng lượng tái tạo, thuộc ngành Công nghệ Kỹ thuật điện – điện tử. Theo thầy Chưởng, do năm 2023 là năm đầu tiên tuyển sinh chương trình Năng lượng tái tạo nên chỉ tiêu tuyển sinh chưa đạt 100% (mở được 1 lớp với 20 sinh viên, điểm trúng tuyển là 19 điểm).

Nguyên nhân chủ yếu do thí sinh chưa thực sự hiểu đúng về ngành nghề, vị trí việc làm sau khi tốt nghiệp và nhu cầu xã hội. Vấn đề này không chỉ xảy ra với chương trình đào tạo Năng lượng tái tạo mà còn đối với các chương trình mới mở khác của trường.

Chia sẻ về chương trình đào tạo, thầy Chưởng cho hay, sinh viên học ngành Năng lượng tái tạo được trang bị kiến thức về điện tử công suất, điều khiển tự động, công nghệ giám sát, trí tuệ nhân tạo, IoT và công nghệ biến đổi nhiệt; thiết kế, vận hành và nắm vững các công nghệ tiên tiến liên quan đến điện mặt trời, điện gió, thủy điện, nguồn năng lượng tích trữ và các nguồn năng lượng khác.

Mục tiêu chương trình là đào tạo nhân lực chất lượng cao, ứng dụng công nghệ, trang bị kiến thức và kỹ năng về công nghệ tích hợp, các tiêu chuẩn tích hợp, giám sát và dự đoán các trạng thái của hệ thống có sự tham gia của nguồn năng lượng tái tạo, đồng thời bổ sung kiến thức về điện tử công suất và biến đổi điện năng. Khi bổ sung thêm các mảng kiến thức mới, một số nội dung không thực sự quá cần thiết phải lược bớt trong chương trình đào tạo (ví dụ: tiết kiệm năng lượng, tự động hóa quá trình sản xuất,…).

Về thực hành, Khoa khuyến khích sinh viên thực hiện dự án và thực hành theo hướng sáng tạo, từ đó phát triển kỹ năng tư duy và khả năng giải quyết vấn đề. Hiện Khoa và nhà trường đang triển khai các đề tài, dự án thuộc lĩnh vực năng lượng xanh để bổ sung nguồn lực trang thiết bị cho quá trình giảng dạy và nghiên cứu.

“Mức thu nhập của nhân sự ngành Năng lượng tái tạo tại Việt Nam có thể biến động tùy thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng thường ổn định và có khả năng tăng dần theo thời gian. Lương khởi điểm của người lao động trong lĩnh vực năng lượng tái tạo tại Việt Nam dao động từ 12 -18 triệu đồng/tháng”, thầy Chưởng thông tin.

Được biết, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội đào tạo ngành Kỹ thuật điện và Năng lượng tái tạo đến nay đã được 14 năm. Chỉ tiêu tuyển sinh của ngành mỗi năm dao động từ 30 - 40 sinh viên.

Chia sẻ về ngành học này, Tiến sĩ Hoàng Trung Kiên – Trưởng khoa Khoa Công nghệ và Kỹ thuật ứng dụng của trường nhận định rằng, vai trò của năng lượng tái tạo trong việc sản xuất điện rất quan trọng.

“Việc sử dụng những nguồn năng lượng tái tạo có tiềm năng lớn như năng lượng gió, mặt trời; hay nguồn năng lượng khác như thủy triều, sinh khối,… là xu thế tất yếu trong bối cảnh nguồn nhiên liệu hóa thạch ngày càng cạn kiệt, các vấn đề về môi trường ngày càng trầm trọng.

Do có sự tham gia của nhiều nguồn năng lượng sơ cấp nên cơ cấu các nguồn phát điện tại Việt Nam cũng phong phú hơn, đòi hỏi những công nghệ mới cần phải được cập nhật, vận hành và sử dụng sao cho hiệu quả, đồng thời giảm thiểu các tác động tiêu cực tới môi trường”, thầy Kiên chia sẻ.

Trước bối cảnh đó, vấn đề thầy Kiên đặt ra là nguồn nhân lực năng lượng tái tạo cần phải được trang bị các kiến thức và kỹ năng mới để đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động.

SV USTH.jpg
Sinh viên ngành Kỹ thuật điện và Năng lượng tái tạo Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội thực hành. (Ảnh: NTCC)

Trao đổi về tính đặc thù của ngành, thầy Kiên cho rằng, các công nghệ trong lĩnh vực năng lượng tái tạo thay đổi liên tục nên thị trường lao động đòi hỏi nguồn nhân lực cần có kiến thức và kỹ năng cập nhật. Chính vì vậy, dù thời gian đào tạo ngành Kỹ thuật điện và Năng lượng tái tạo của trường chỉ có 3 năm đối với chương trình cử nhân (theo tiến trình Bologna của châu Âu) nhưng Khoa vẫn phải thường xuyên cập nhật nội dung giảng dạy để bắt kịp với các xu thế mới.

Theo thầy Kiên, chương trình đào tạo ngành Kỹ thuật điện và Năng lượng tái tạo của trường có điểm nổi bật là sinh viên học bằng tiếng Anh. Nhờ đó, các em được trau dồi kỹ năng ngoại ngữ vững chắc để có thể chủ động cập nhật kiến thức khoa học, công nghệ và kỹ thuật trong tài liệu nước ngoài. Phương pháp đào tạo của ngành chú trọng đến tính ứng dụng, thực tiễn cao, linh hoạt theo các đối tượng sinh viên. Thời lượng thực hành của sinh viên ngành Kỹ thuật điện và Năng lượng tái tạo chiếm khoảng 25-30% chương trình đào tạo; phòng thí nghiệm hiện đại với các trang thiết bị tân tiến để phục vụ việc học tập, nghiên cứu và thực hành của sinh viên.

“Sinh viên học ngành Kỹ thuật điện và Năng lượng tái tạo có nhiều cơ hội bứt phá. Tuy nhiên, khi đã chọn học kỹ thuật, sinh viên cần xác định để tiến xa hơn, phải nắm bắt được từ những công đoạn nhỏ nhất.

Mức lương khởi điểm của sinh viên học ngành Kỹ thuật điện và Năng lượng tái tạo có thể sẽ thấp, không được như kỳ vọng ban đầu của sinh viên. Tuy nhiên, các em đừng vội nản chí bởi đây sẽ là giai đoạn quan trọng để trau dồi, học hỏi kỹ năng, làm bước đệm cho sự phát triển lâu dài sau này”

_Tiến sĩ Hoàng Trung Kiên_

Về đội ngũ giảng viên tham gia giảng dạy ngành Kỹ thuật điện và Năng lượng tái tạo của Khoa, thầy Kiên cho biết gồm có giảng viên cơ hữu và thỉnh giảng, đặc biệt là đội ngũ giảng viên nước ngoài. Gần 90% giảng viên của trường có trình độ tiến sĩ trở lên. Song song với công tác giảng dạy, các thầy cô đã triển khai nhiều đề tài nghiên cứu.

Cần tăng cường đào tạo và tái đào tạo giảng viên

Bên cạnh những thuận lợi, theo các lãnh đạo Khoa, ngành đào tạo về năng lượng tái tạo còn phải đối mặt với một số khó khăn nhất định.

Chia sẻ về điều này, theo thầy Kiên, về vĩ mô, các dạng năng lượng và công nghệ luôn mang tính cập nhật trong khi cơ chế chính sách của nhà nước đang chưa ổn định. Thêm vào đó, khó khăn đến từ sự phân bổ không đồng đều vị trí việc làm (sản xuất, thiết kế, xây lắp, và vận hành), một số mảng nghiên cứu và sản xuất vẫn dựa vào nguồn lực đầu tư từ nước ngoài.

Chương trình đào tạo của ngành cũng cần phải được cập nhật và điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn, đồng thời tăng cường hợp tác với doanh nghiệp để sinh viên có thêm các cơ hội thực tập, thực hành, cọ xát với môi trường làm việc thực tiễn cũng như gia tăng cơ hội tuyển dụng trong tương lai.

Thêm nữa, theo thầy Kiên, sinh viên theo đuổi lĩnh vực năng lượng tái tạo còn gặp rào cản về trình độ ngoại ngữ và tâm lý e dè đối với chọn học ở môi trường quốc tế. Do đó, nhà trường có chương trình bổ trợ tiếng Anh để sinh viên cải thiện trình độ ngoại ngữ trước khi bước vào học chuyên ngành.

Còn thầy Chưởng cho rằng, chi phí đầu tư cơ sở vật chất của ngành khá lớn. Việc đầu tư phòng thí nghiệm, phòng thực hành phải thực hiện theo lộ trình và tiến độ đào tạo. Thêm nữa, các cơ sở sản xuất điện từ năng lượng tái tạo hầu hết cách xa nhà trường nên sinh viên đi thực tập doanh nghiệp, thực tập tốt nghiệp có những khó khăn nhất định.

Một trong những thách thức khác đối với đào tạo chương trình Năng lượng tái tạo là đội ngũ giảng viên. Cụ thể, năng lượng tái tạo là lĩnh vực đa ngành nên đòi hỏi giảng viên phải cập nhật và nắm vững không chỉ kiến thức về năng lượng tái tạo mà còn cần hiểu biết sâu rộng về hệ thống điện, trí tuệ nhân tạo, điện tử công suất,… Chưa kể, với sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ, giảng viên cần duy trì tự đào tạo, nghiên cứu liên tục, cập nhật công nghệ để không bị lạc hậu.

Để giải quyết các thách thức về nhân sự giảng viên, theo thầy Chưởng, cần tăng cường đào tạo và tái đào tạo giảng viên thông qua các khóa học liên ngành, ví dụ như về lĩnh vực Internet of Things (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), để giúp họ nắm bắt các xu hướng công nghệ mới nhất.

Thường xuyên tổ chức hội thảo và diễn đàn khoa học mang tính liên ngành - nơi các giảng viên có cơ hội học hỏi cũng như chia sẻ nguồn lực nghiên cứu; tổ chức hội thảo khoa học giữa giảng viên ở các trường đào tạo về năng lượng tái tạo để tạo điều kiện giao lưu học thuật và trao đổi kinh nghiệm giảng dạy.

Đồng thời, cần hợp tác chặt chẽ hơn nữa với doanh nghiệp để xây dựng dự án chuyển giao công nghệ. Nên có các chính sách thu hút nhân lực chất lượng cao tham gia giảng dạy chương trình Năng lượng tái tạo.

Ngọc Mai