Chưa thể tăng thu nhập cho nhà giáo, xin hãy giảm các khoản đóng góp, chứng chỉ

05/03/2022 07:19
Kim Thu
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Giáo viên làm nghề tay trái để kiếm thêm thu nhập thì đương nhiên sẽ không còn toàn tâm toàn ý chăm lo cho giáo dục, dạy học sẽ khó hiệu quả.

Trải qua nhiều đời Bộ trưởng thì vấn đề làm sao để nhà giáo sống được bằng đồng lương và yên tâm công tác vẫn chưa thật sự có đổi mới.

Lương giáo viên (lương + phụ cấp) còn thấp so với mặt bằng chung thu nhập xã hội cũng như nhu cầu trang trải cuộc sống, nhất là giáo viên trẻ thu nhập từ lương không đủ sống là việc có thật hiện nay, nếu không làm nghề tay trái thì cuộc sống sẽ vô cùng vất vả, thậm chí 2 vợ chồng là giáo viên nhưng khó nuôi nổi 1, 2 con nhỏ, phải vay mượn thêm.

Thực tế theo quan sát của người viết là một giáo viên đang đứng lớp thì lương, thu nhập giáo viên công lập gần như vẫn chưa có thay đổi nhiều, vẫn chưa thực hiện được quan điểm chỉ đạo "lương nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong bậc lương hành chính sự nghiệp và có phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng" theo Nghị quyết Trung ương, trong khi các quy định về chứng chỉ, xếp hạng, xếp lương nhà giáo thì thay đổi và "ngốn" không biết bao nhiêu chi phí của các thầy các cô.

Theo người viết dưới đây là các lý do khiến giáo viên vẫn còn chật vật xoay sở để đảm bảo cuộc sống.

(Ảnh minh họa: Vov.vn)

(Ảnh minh họa: Vov.vn)

Thứ nhất, vật giá leo thang

Giai đoạn hiện nay khi vật giá leo thang, kinh tế thế giới biến động khiến giá xăng, gas tăng cao khiến cho hầu hết mọi mặt hàng đều tăng theo.

Những phương tiện gắn với dạy học như máy tính, giấy, tập vở, quần áo,… đều tăng cao trong khi lương giáo viên trong các năm gần đây vẫn “giậm chân tại chỗ”, lương giáo viên mới ra trường cũng chỉ trên dưới 3 triệu đồng mỗi tháng là không đủ chi phí cho việc sinh hoạt hàng ngày.

Học trường phổ thông 12 năm, học đại học 4-5 năm khi ra trường nhà giáo chỉ nhận được mức lương trên dưới 3 triệu thì khó đảm bảo cuộc sống.

Năm 2021 đầy biến động cũng đẩy nhiều giáo viên rơi vào "thế khó" khi phải tìm mọi cách trang trải cuộc sống với đồng lương eo hẹp trong bối cảnh vật giá leo thang.

Lương giáo viên trẻ thì quá thấp, giáo viên dạy trên 10 năm cũng chỉ tầm 5 triệu đồng mỗi tháng thì trong giai đoạn hiện nay giáo viên không biết xoay sở bằng cách nào.

Thứ hai, giáo viên tốn nhiều chi phí cho việc dạy học

Để dạy học tốt, các tiết dạy dự giờ đạt hiệu quả thì giáo viên phải tự bỏ tiền túi đầu tư nhiều trang thiết bị hiện đại để phục vụ việc dạy học như: camera, loa, máy vi tính, máy in, sách tham khảo, đồ dùng dạy học,... các khoản này khiến giáo viên càng vất vả hơn trong điều kiện hiện nay.

Ngành giáo dục trang bị đầy đủ các phương tiện, dụng cụ dạy học, hỗ trợ giáo viên trong dạy học để giáo viên đỡ tốn thêm phần kinh phí là mong muốn của giáo viên cả nước.

Thứ ba, chi phí bồi dưỡng, tập huấn cao

Các đợt bồi dưỡng, tập huấn, nâng cao trình độ,... phần nhiều giáo viên phải tự trang trải chi phí.

Lương, thu nhập giáo viên thấp nên những đợt tập huấn, bồi dưỡng tốn kinh phí khiến giáo viên càng khó khăn hơn.

Gần đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành các quyết định 2453, 2454, 2455 về bồi dưỡng giáo viên học các môn tích hợp có thể giáo viên tự đóng học phí từ 3-7,2 triệu đồng (chưa kể kinh phí tài liệu, chi phí đi lại và chi phí khác) khiến giáo viên cả nước bức xúc là đúng.

Thứ tư, giáo viên muốn đạt chỉ tiêu phải tốn tiền

Trong những nguyên nhân có việc giao các chỉ tiêu thu tiền cho giáo viên chủ nhiệm, nhiều trường giao chỉ tiêu thu bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn, học phí, quỹ phụ huynh học sinh,…giáo viên muốn đạt thì phải tự bỏ tiền túi để đạt chỉ tiêu.

Dù mất tiền nhưng giáo viên đành phải “ngậm bồ hòn làm ngọt” vì phải đạt chỉ tiêu cấp trên giao.

Thứ năm, quá nhiều khoản đóng góp

Giáo viên phải chịu rất nhiều khoản đóng góp bắt buộc nhưng mang tiếng "tự nguyện", các khoản trừ hàng tháng, trừ trực tiếp vào lương thực nhận của giáo viên nhưng lại mang tiếng tự nguyện đóng góp.

Một năm, giáo viên có thể bị trừ rất nhiều ngày lương như quỹ mái ấm công đoàn, quỹ tương trợ, quỹ ủng hộ nạn nhân chất độc da cam, quỹ ủng hộ bão lụt, quỹ bảo trợ trẻ em, quỹ ủng hộ gia đình chính sách, quỹ giao thông nông thôn, quỹ “thắp sáng vùng quê”, quỹ tình thương, quỹ hội chữ thập đỏ, quỹ khuyến học, quỹ sổ vàng nhân đạo, hỗ trợ Covid,...

Tinh thần tương thân tương ái, nhân đạo, chia sẻ khó khăn,… là bản chất tốt đẹp của con người Việt Nam nhưng việc có quá nhiều khoản đóng góp kiểu “bắt buộc” trên khiến giáo viên bức xúc, nhiều giáo viên lương chỉ 3 - 5 triệu đồng, không đủ lo cho cuộc sống của mình chứ đừng nói đến chăm lo gia đình, nhưng lại phải hỗ trợ quá nhiều kinh phí.

Nếu đúng tính chất tự nguyện thì giáo viên nào có thu khập khá hoặc có nguồn thu khác thì tự nguyện hỗ trợ, san sẻ khó khăn mới đúng tính chất chia sẻ, cộng đồng.

Chỉ với những khoản kinh phí phải mất trên, chưa kể các khoản tham gia các hội thi, phong trào,… thì hầu như giáo viên nếu không làm thêm nghề tay trái thì khó xoay sở.

Nhưng giáo viên làm nghề tay trái để kiếm thêm thu nhập thì đương nhiên sẽ không còn toàn tâm toàn ý chăm lo cho giáo dục, dạy học sẽ khó hiệu quả.

Do đó trong lúc chờ thực hiện chế độ tiền lương mới, người viết thiết nghĩ về lâu dài Bộ Giáo dục và Đào tạo nên đẩy mạnh triển khai các giải pháp chính sách tinh gọn biên chế, đầu mối, thành lập trường liên cấp, mở rộng trường tư,… để có nguồn ngân sách tăng lương cho nhà giáo, về trước mắt có thể làm ngay là Bộ hãy rà soát và loại bỏ các chứng chỉ, quy định khiến giáo viên phải "bóp mồm bóp miệng" đóng góp, được như thế cũng đã là một việc làm thiết thực, hiệu quả thể hiện sự quan tâm thật sự đến dời sống của đội ngũ nhà giáo.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Kim Thu