Theo Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông, áp dụng trong năm 2024, chứng chỉ ngoại ngữ VSTEP được đề xuất vào danh mục chứng chỉ miễn thi tốt nghiệp môn ngoại ngữ. Nhiều trường đại học cũng dự kiến đưa chứng chỉ VSTEP vào xét tuyển đại học.
Song, liên quan đến chứng chỉ này, vẫn còn nhiều băn khoăn về quy trình tổ chức thi, việc xây dựng ngân hàng câu hỏi đề thi, chấm thi… liệu đã thực sự đảm bảo độ tin cậy.
Đơn vị tổ chức thi xác định giảm chi phí thi VSTEP
Trao đổi vấn đề này với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Lê Hùng Linh - Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục (Đại học Thái Nguyên) cho biết, chứng chỉ ngoại ngữ VSTEP được đề xuất vào danh mục miễn thi tốt nghiệp môn ngoại ngữ tại Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024 là phù hợp. Lý do là chứng chỉ ngoại ngữ VSTEP đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận về chất lượng và phản ánh đúng năng lực của thí sinh.
Đại học Thái Nguyên là 1 trong 27 cơ sở giáo dục đại học được Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp phép tổ chức thi đánh giá năng lực tiếng Anh theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dành cho Việt Nam. Chia sẻ về công tác tổ chức thi của đơn vị, Tiến sĩ Lê Hùng Linh cho hay, quy trình tổ chức thi được đảm bảo trong từng phần thi do có sự quản lý của Trung tâm Khảo thí quốc gia - Bộ Giáo dục và Đào tạo. Vì vậy, việc tổ chức thi tại Đại học Thái Nguyên được đồng bộ với tất cả các đơn vị được cấp phép tổ chức thi.
Tiến sĩ Lê Hùng Linh - Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục (Đại học Thái Nguyên). Ảnh: website trường. |
“Tất cả lịch thi do Đại học Thái Nguyên tổ chức đều được Bộ Giáo dục và Đào tạo thông qua. Trong quá trình tổ chức thi, Trung tâm Khảo thí quốc gia và Đánh giá chất lượng giáo dục (Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo) là đơn vị cung cấp đề thi và trường sẽ phối hợp với đơn vị chức năng, đảm bảo tuyệt đối vấn đề bảo mật đề thi và an toàn của kỳ thi.
Toàn bộ hệ thống thi trên toàn quốc đều được đồng bộ, dưới sự quản lý của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Mỗi đợt thi, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ mã hóa nội dung ngân hàng đề thi để đảm bảo tính minh bạch, không xảy ra tình trạng gian lận trong thi cử”, Tiến sĩ Linh chia sẻ.
Theo thầy Linh, quá trình chấm thi kỹ năng nói và viết của bài thi chứng chỉ ngoại ngữ VSTEP đều do giáo viên có chứng chỉ chấm thi thực hiện, nhằm đồng bộ nội dung và cách chấm theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Hiện nay, một số đơn vị đã lựa chọn chứng chỉ ngoại ngữ VSTEP làm chuẩn đầu vào cũng như chuẩn đầu ra cho sinh viên.
Mỗi năm, Đại học Thái Nguyên có khoảng 2.000 thí sinh tham gia đăng ký bài thi đánh giá ngoại ngữ VSTEP. Phụ thuộc vào từng giai đoạn, đối tượng thí sinh tham gia bài thi này đều có sự thay đổi.
Giai đoạn từ năm 2019 - 2020, đối tượng thi chủ yếu là người đi làm. Đến giai đoạn từ năm 2020 - 2023, đối tượng chủ yếu là sinh viên và cán bộ trẻ, còn đối tượng là học sinh trung học phổ thông hiện chưa nhiều. Học sinh và phụ huynh đang kỳ vọng chứng chỉ này sẽ được sử dụng để xét tuyển đại học, làm hồ sơ du học.
Thầy Lê Hùng Linh thông tin thêm: “Nếu dự thảo này được thông qua sẽ nhận được nhiều sự quan tâm, đặc biệt là đối tượng học sinh trung học phổ thông.
Hiện, kinh phí dự thi đối với thí sinh tự do là 1.500.000 đồng, trong thời gian tới, trung tâm sẽ tham mưu với Đại học Thái Nguyên để giảm mức phí dự thi khoảng 50% - 60% đối với học sinh, sinh viên. Điều này giúp chứng chỉ phổ biến rộng rãi tới các thí sinh, đồng thời, động viên các bạn tham gia bài thi đánh giá năng lực ngoại ngữ VSTEP của Việt Nam nhiều hơn”.
Cũng là đơn vị được Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp phép tổ chức thi chứng chỉ ngoại ngữ VSTEP, các đối tượng tham gia kỳ thi này tại Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh chủ yếu là học sinh, sinh viên và người đi làm - người cần chứng minh năng lực ngoại ngữ.
Trao đổi với phóng viên, Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Trung - Phó Hiệu trưởng nhà trường cho hay, trong nhiều năm gần đây, thí sinh tin tưởng và lựa chọn bài thi chứng chỉ VSTEP của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Trung - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: website trường. |
“Hằng năm, trường tổ chức khoảng 15 đợt thi chứng chỉ ngoại ngữ VSTEP, mỗi đợt thi dao động từ 500 - 700 thí sinh đăng ký tham gia. Quy trình tổ chức thi hiện nay được thực hiện minh bạch, thí sinh theo dõi và đăng ký lịch thi trên cổng thông tin điện tử của trường.
Bên cạnh đó, trường xây dựng nội dung hỗ trợ thi giúp thí sinh tham khảo, chuẩn bị tốt cho kỳ thi này. Ngân hàng đề thi do Trung tâm Khảo thí quốc gia và Đánh giá chất lượng giáo dục của Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cung cấp”, Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Trung thông tin.
Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh cũng hoàn toàn nhất trí với nội dung của dự thảo khi bổ sung chứng chỉ ngoại ngữ VSTEP vào danh mục miễn thi tốt nghiệp môn ngoại ngữ. Thầy Trung chia sẻ rằng, bài thi đánh giá năng lực tiếng Anh VSTEP đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo chuẩn hóa trong từng năm. Hiện, độ tin cậy cũng như quy trình thi đều được đảm bảo và chứng minh rằng, cuộc thi được tổ chức chuyên nghiệp.
Ngoài ra, Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Trung nhận xét: “Theo quan điểm cá nhân, chất lượng chứng chỉ không cần phải cải tiến thêm vì đã tiếp cận và được chuẩn hóa với Khung tham chiếu Trình độ ngôn ngữ chung châu Âu với các bài thi ngoại ngữ quốc tế”.
Còn theo Tiến sĩ Lê Hùng Linh, việc đưa chứng chỉ ngoại ngữ VSTEP vào danh mục chứng chỉ miễn thi ngoại ngữ trong kỳ thi tốt nghiệp sẽ là cơ hội để mọi người quan tâm đến chứng chỉ này. Đồng thời, sẽ có nhiều ý kiến góp ý, phản biện, chia sẻ để Bộ Giáo dục và Đào tạo có những điều chỉnh phù hợp nhằm nâng cao chất lượng kỳ thi”.
Chất lượng đề thi cần được đầu tư nhiều hơn
Cùng bàn về nội dung này, Thạc sĩ Phạm Thị Hà - giảng viên Khoa Ngoại ngữ (Học viện Báo chí và Tuyên truyền), người có nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và chứng chỉ ngoại ngữ VSTEP nêu quan điểm: “Việc bổ sung chứng chỉ ngoại ngữ VSTEP để miễn thi tốt nghiệp môn ngoại ngữ cho học sinh trung học phổ thông là hợp lý vì đây là kỳ thi đánh giá năng lực tiếng Anh theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam và đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận.
Mặc dù còn khá mới mẻ và tồn tại một số hạn chế, song, việc đưa chứng chỉ ngoại ngữ VSTEP vào danh mục miễn thi môn ngoại ngữ cũng sẽ giúp chứng chỉ ngày càng hoàn thiện hơn, được biết đến và công nhận rộng rãi hơn không chỉ ở các cơ sở giáo dục, cơ quan hành chính sự nghiệp mà còn ở các doanh nghiệp”.
Thạc sĩ Phạm Thị Hà - Giảng viên Khoa Ngoại ngữ (Học viện Báo chí và Tuyên truyền). Ảnh: NVCC. |
Các đối tượng tham gia chứng chỉ VSTEP chủ yếu là sinh viên với mục đích đạt chuẩn đầu ra để xét tốt nghiệp đại học, ngoài ra là công chức, viên chức, các học viên lựa chọn đăng ký thi với mục đích học sau đại học. Bên cạnh đó, mỗi đơn vị sẽ có những cách quy đổi chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế riêng để tuyển sinh đầu năm học”.
Đồng thời, Thạc sĩ Phạm Thị Hà cũng nhận xét rằng, quy trình tổ chức thi hiện nay được đánh giá khá chặt chẽ, từ khâu tổ chức thi đến công tác chấm thi. Đối với ngân hàng đề thi, theo cô Hà, hiện nay, các đơn vị được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép tổ chức thi chứng chỉ ngoại ngữ VSTEP đã tổ chức nhiều đợt thi hơn, đồng nghĩa với việc chất lượng ngân hàng đề thi sẽ ngày càng tốt và hoàn thiện hơn.
“Còn việc đặt lên bàn cân so sánh chứng chỉ ngoại ngữ VSTEP và các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế như IELTS, TOEIC là khá khập khiễng.
Xét về mặt thời gian và mức độ phổ biến, chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế đã có từ rất lâu và được nhiều cơ sở giáo dục quốc tế, nhiều doanh nghiệp lớn, nhỏ dùng để đánh giá năng lực ngoại ngữ.
Trong khi đó, chứng chỉ ngoại ngữ VSTEP được ban hành và áp dụng tổ chức thi từ tháng 3/2015 và đối với các doanh nghiệp, chứng chỉ ngoại ngữ VSTEP còn khá mới mẻ.
Về mức độ uy tín của bài thi, đơn vị thiết kế bài thi IELTS là Hội đồng khảo thí Cambridge, TOEIC là viện khảo thí ETS của Hoa Kỳ, còn bài thi VSTEP là của Bộ Giáo dục và Đào tạo của Việt Nam. Mặc dù vậy, chứng chỉ ngoại ngữ VSTEP đang ngày càng hoàn thiện và chứng minh được độ tin cậy thông qua mức độ phổ biến của loại chứng chỉ này tại các cơ sở giáo dục, đơn vị hành chính sự nghiệp và doanh nghiệp.
Về ngân hàng đề thi, ngân hàng đề thi VSTEP khá phong phú và có tính cập nhật qua các đợt thi. Về chất lượng đề thi, một số sinh viên có phản ánh về chất lượng bài nghe của một số đề chưa thực sự tốt, tuy nhiên số lượng này không nhiều và độ khó giữa các đề chưa thực sự đồng đều.”, Thạc sĩ Phạm Thị Hà nhận định.
Để chất lượng của đề thi chứng chỉ ngoại ngữ VSTEP được đánh giá tương xứng với chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, cần phải có sự đầu tư vào việc đào tạo chuyên gia làm đề, kiểm thử đề thi để đảm bảo độ khó giữa các đề; đồng thời, rà soát lại các đề thi đang sử dụng trong ngân hàng đề thi của Trung tâm Khảo thí quốc gia và Đánh giá chất lượng giáo dục.