Có phải cứ tham gia trực Tết là giáo viên được chi trả tiền làm thêm giờ?

09/01/2023 06:37
NGUYÊN KHANG
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Những thành viên Ban giám hiệu hay những nhà giáo có thâm niên cao tham gia trực 1 ngày có thể tiền làm thêm giờ lên đến trên dưới 1 triệu đồng.

Như đã thành thông lệ, những ngày nhà trường nghỉ Tết Nguyên đán thì cũng đồng thời Ban giám hiệu nhà trường sẽ phân công cán bộ, giáo viên, nhân viên trong trường tham gia trực theo hướng dẫn của Sở, Phòng Giáo dục đã hướng dẫn.

Tuy nhiên, điều mà một số giáo viên, nhân viên hiện nay vẫn còn băn khoăn là tại sao mình cũng tham gia trực nhưng không được chi trả chế độ làm thêm giờ, còn một số lãnh đạo, nhân viên, thành phần cốt cán trong trường lại được chi trả tiền làm thêm giờ, có người lên đến vài triệu đồng.

Thực tế, không phải ai tham gia trực vào điểm điểm học sinh nghỉ Tết là đều được chi trả chế độ làm thêm giờ, bởi điều này đã được các văn bản hiện hành hướng dẫn khá cụ thể, chi tiết. Song, không phải giáo viên nào cũng nắm được những văn bản hướng dẫn về chi trả tiền làm thêm giờ đối với người lao động.

Những giáo viên tham gia trực Tết được hưởng lương làm thêm giờ bằng 300% (Ảnh minh họa: Báo Lao động)

Những giáo viên tham gia trực Tết được hưởng lương làm thêm giờ bằng 300%

(Ảnh minh họa: Báo Lao động)

Tết Nguyên đán năm 2023, giáo viên được nghỉ bao nhiêu ngày?

Để chuẩn bị cho phương án nghỉ Tết Nguyên đán, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội đã trình Thủ tướng cả 2 phương án nghỉ Tết Nguyên đán năm 2023.

Theo đó, phương án 1 là nghỉ từ thứ 6 (ngày 20/1/2023) đến hết thứ 5 (ngày 26/1/2023), tức 29 tháng Chạp năm Nhâm Dần đến hết ngày mùng 5 tháng Giêng năm Quý Mão.

Phương án này đảm bảo số ngày nghỉ Tết không quá dài (7 ngày liên tục), hài hòa số ngày nghỉ trước Tết (2 ngày) và sau Tết, tạo điều kiện cho người dân đi lại, mua sắm Tết, cũng được đa số bộ, ngành đồng ý.

Phương án 2: Công chức, viên chức nghỉ Tết Nguyên đán 2023 từ thứ 7 (ngày 21/1/2023) tới hết Chủ Nhật (ngày 29/1/2023), tức ngày 30 tháng Chạp năm Nhâm Dần đến hết ngày mùng 8 tháng Giêng năm Quý Mão.

Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội đánh giá phương án này có số ngày nghỉ dài (9 ngày liên tục), nhưng năm cũ chỉ nghỉ 1 ngày (30 Tết), gây áp lực giao thông, đi lại, sắm Tết của người dân.

Vì thế, Chính phủ đã có văn bản đồng ý phương án nghỉ tết Tết Âm lịch 2023 kéo dài 7 ngày. Theo đó, lịch nghỉ Tết Âm lịch 2023 của công chức, viên chức bắt đầu từ thứ Sáu ngày 20/01/2023 đến hết thứ Năm ngày 26/01/2023 Dương lịch (tức ngày 29 tháng chạp năm Nhâm Dần đến hết ngày mùng 5 tháng giêng năm Quý Mão).

Chính vì thế, mặc dù đến thời điểm này, các địa phương đã thông báo lịch nghỉ Tết Nguyên đán đến các nhà trường, có nơi học sinh được nghỉ 9 ngày; 10 ngày; 14 ngày; thậm chí là 16 ngày…

Nhưng, giáo viên chỉ được nghỉ 7 ngày, từ ngày 20/01/2023 đến hết ngày 26/01/2023 Dương lịch (tức ngày 29 tháng chạp năm Nhâm Dần đến hết ngày mùng 5 tháng Giêng năm Quý Mão) vì giáo viên là viên chức nên sẽ nghỉ Tết theo lịch chung của cán bộ, công chức, viên chức trên cả nước mà Chính phủ đã đồng ý.

Trong 7 ngày nghỉ Tết chính thức của viên chức, chỉ có 5 ngày Luật cho phép nghỉ (từ 30 đến hết ngày mồng 4 Tết) là được chi trả chế độ làm thêm giờ- nếu người lao động tham gia làm thêm.

Tuy nhiên, thông thường đối với trường học thì học sinh nghỉ giáo viên cũng nghỉ dạy. Nhưng, có thể giáo viên, nhân viên nhà trường sẽ được Ban giám hiệu phân công vào trường để trực (trực hành chính) trong những ngày không phải là 5 ngày nghỉ Tết.

Và, tất nhiên là những ngày này giáo viên, nhân viên sẽ không có thêm chế độ gì ngoài tiền lương, phụ cấp hiện có bởi đây không phải là những ngày nghỉ Tết của công chức, viên chức mà là những ngày làm việc bình thường.

Một khi là ngày làm việc bình thường, hiệu trường có thể sẽ phân công giáo viên trực trường- cho dù vào cũng chẳng làm gì bởi trong trường đã có Ban giám hiệu, nhân viên, bảo vệ đang làm việc hành chính. Các phòng học, phòng chức năng thì đã khóa cửa, niêm phong, văn phòng thì Ban giám hiệu làm việc.

5 ngày nghỉ Tết, Ban giám hiệu nhà trường ít khi phân công giáo viên trực Tết

Lâu nay, câu chuyện trực Tết vẫn được giáo viên phản ánh khi Tết đến, Xuân về trên các phương tiện thông tin đại chúng vì nhiều thầy cô giáo được phân công mà không được chi trả chế độ làm thêm giờ.

Thực ra, theo hướng dẫn của Bộ luật Lao động hiện hành, nếu người lao động tham gia làm việc vào những ngày nghỉ, ngày lễ sẽ được hưởng chế độ làm thêm giờ.

Cụ thể như sau: “Vào ngày thường, ít nhất bằng 150%; vào ngày nghỉ hằng tuần, ít nhất bằng 200%; vào ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày”.

Tuy nhiên, khi áp dụng ở địa phương, vẫn có nơi không cho chi trả chế độ trực Tết nên mới có chuyện giáo viên phải góp tiền thuê người trực Tết thay. Hoặc, có nơi hướng dẫn không chi trả tiền làm thêm giờ nhưng cho phép những người tham gia trực Tết được nghỉ bù. Tuy nhiên, cán bộ, nhân viên nghỉ bù thì được chứ giáo viên nghỉ bù thì ai dạy thay cho mình?

Song, những địa phương không cho chi trả chế độ làm thêm giờ hiện nay rất ít, đa phần cho nhà trường chi trả chế độ làm thêm giờ đối với những cán bộ, giáo viên, nhân viên trực Tết vào 5 ngày nghỉ chính.

Những trường thuộc khu vực vùng sâu, vùng xa- nơi mà cán bộ, giáo viên, nhân viên không phải là người địa phương, đa phần là địa bàn khác đến công tác thì việc phân công trực Tết gặp khó khăn.

Tuy nhiên, đa phần các trường học hiện nay thuộc khu vực nông thôn, thị thành thì giáo viên phần lớn là người địa phương hoặc lân cận nên việc tham gia trực Tết không phải là khó khăn.

Đặc biệt, những địa phương được chi trả tiền làm thêm giờ thì giáo viên hiếm khi phải tham gia trực Tết vào 5 ngày nghỉ Tết theo luật định. Bởi lẽ, trước khi nghỉ thì Sở, Phòng đã hướng dẫn rất cụ thể về đối tượng trực Tết, đó là: Ban giám hiệu; bảo vệ, nhân viên; có thể phân công thêm thành viên cốt cán trong trường.

Vì vậy, những thành viên tham gia trực Tết thường bao gồm: bảo vệ nhà trường (trực đêm); hiệu trưởng; phó hiệu trưởng; chủ tịch công đoàn; bí thư đoàn trường; tổng phụ trách đội; nhân viên. Ngay cả tổ trưởng chuyên môn cũng ít khi được phân công trực trong 5 ngày Tết.

Mỗi ngày trực, sẽ có 1 người trực lãnh đạo (Ban giám hiệu) và 1 người trực hành chính nên 5 ngày này cũng chỉ cần tối đa là 10 lượt trực. Thông thường, những thành viên Ban giám hiệu sẽ luân phiên trực chính, trường lớn thì mỗi người trực khoảng 1,5- 2 ngày; trường nhỏ thì mỗi người trực 2,5 ngày.

5 lượt còn lại, dành cho chủ tịch công đoàn; bí thư đoàn trường; tổng phụ trách đội; nhân viên. Và, tất nhiên, những ngày trực này sẽ được hưởng 300% tiền làm thêm giờ- chưa kể tiền lương. Vì thế, những thành viên Ban giám hiệu hay những nhà giáo có thâm niên cao trực 1 ngày có thể tiền làm thêm giờ lên đến trên dưới 1 triệu đồng.

Nếu giáo viên hiểu đúng tinh thần trực Tết thì sẽ không còn băn khoăn tại sao mình cũng tham gia trực nhưng lại không được chi trả tiền làm thêm giờ mà lãnh đạo nhà trường, thành viên cốt cán và nhân viên trực lại được kê tiền làm thêm giờ.

Bởi lẽ, giáo viên trực, thông thường là trực hành chính- trực không nằm trong 5 ngày nghỉ Tết Nguyên đán nên không được chi trả tiền thêm giờ là đúng với hướng dẫn hiện hành.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

NGUYÊN KHANG