Đó là quan điểm của TS Tôn Quang Cường – chủ nhiệm Khoa Sư phạm, Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) trong cuộc trao đổi với Báo Giáo dục Việt Nam về phương án cho một kỳ thi quốc gia chung, đặc biệt đối với các trường sư phạm.
Chạy thử nghiệm song song với một cấp học
Về dự thảo ba phương án của một kì thi quốc gia chung để phục vụ mục tiêu xét tốt nghiệp THPT, đồng thời làm cơ sơ tuyển sinh ĐH, CĐ, theo TS Tôn Quang Cường: “Với một kì thi tốt nghiệp THPT bài bản, chính quy, công bằng và có sự phân hóa, phân tầng kết quả học tập, năng lực của học sinh trên cơ sở làm chặt chẽ, có độ giá trị cao thì hoàn toàn có thể sử dụng kết quả đó để tích hợp vào kì thi đầu vào của các trường đại học”.
Lý giải thêm về điều này, TS Tôn Quang Cường cho biết: “Bởi vì chính các trường đại học sẽ cần những người phù hợp với kiến thức đào tạo và mức năng lực phù hợp với chất lượng đào tạo của từng trường”.
TS Tôn Quang Cường (người đứng phát biểu) - Chủ nhiệm Khoa sư phạm Trường Đại học Giáo dục |
Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo định thực hiện ngay trong năm 2015, theo TS Tôn Quang Cường là “không khả thi”.
“Nếu ta định làm như thế, thực chất ta phải thay đổi toàn bộ hệ thống, về chương trình, về cách thức giảng dạy, về thi cử, kiểm tra, đánh giá…. Nếu không giải quyết được những cái đó một cách đồng bộ thì cuối cùng ta lại ra được những con số ảo”. – TS Tôn Quang Cường chia sẻ thêm.
Tuy nhiên, theo TS Tôn Quang Cường, thì lộ trình chuẩn bị cho kì thi quốc gia chung khá thuận tiện, bởi sắp tới có đổi mới chương trình đào tạo, cấp học, sách giáo khoa; vừa đổi mới quá trình đào tạo phổ thông đồng thời áp dụng đổi mới thi cử luôn.
“Một phương án có thể hợp lý là bắt đầu cùng với thời điểm đổi mới, sau đó ta chạy thời gian thử nghiệm song song với thời gian của một cấp học, sau đó thì mới áp dụng”. – TS Tôn Quang Cường bày tỏ.
Cũng theo TS Tôn Quang Cường, có một thực trạng “khi người ta tuyên bố thi cái gì lập tức học cái đấy”. Do đó, khó có thể đảm bảo học sinh sẽ không học lệch, học tủ.
Vì vậy, trong 3 phương án thi mà Bộ GD&ĐT đưa ra, theo TS Tôn Quang Cường: “Tất cả các phương án đều có thể chấp nhận được, việc chọn môn thi không quan trọng bằng việc mình đào tạo theo định hướng nào”. Tuy nhiên, TS Tôn Quang Cường cho rằng nên để ba môn bắt buộc là Toán, Văn, Ngoại ngữ, bởi đây là ba môn học nền tảng. Khi vào đại học học chuyên sâu, những môn cơ bản này hoàn toàn có thể hỗ trợ cho các em.
Khi có 3 môn nền tảng rồi, tùy từng khối thi, tùy từng trường có thể ra các yêu cầu chuyên về cái này hơn là chuyên về cái kia. Trên cơ sở đó, trường học có thể cân nhắc, tính toán, dự báo một tỉ trọng nào đó để tự quyết định, chứ không nhất thiết phải chọn theo một trong ba phương án”.
Nhiều ý kiến lo lắng về tính nghiêm túc, công bằng của một kì thi quốc gia chung, TS Tôn Quang Cường cho rằng cần tổ chức thi chặt chẽ như thi đại học.
“Về nguyên tắc có thể làm được, ta thừa sức, điều kiện, cách thức để đảm bảo cho kì thi được nghiêm túc, đánh giá một cách khách quan và công bằng. Như trước đây, thi tốt nghiệp THPT hay gọi là thi tốt nghiệp cấp 3 có vấn đề gì đâu. Hiện nay có suy nghĩ về vấn đề học thức, chạy theo hư danh, bằng cấp, thành tích… nên mới có tình trạng này”.
Kỳ thi quốc gia chung không chỉ giảm sự lãng phí khi phải tổ chức hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và đại học, giảm chi phí đi lại cho gia đình thí sinh khi tổ chức tại địa phương theo cụm, điểm, mà còn giảm sự lãng phí ở nhiều khía cạnh khác nữa.
TS Tôn Quang Cường chia sẻ: “Nếu lấy thi tốt nghiệp làm căn cứ, người học cũng phải “tử tế” hơn, người dạy cũng phải “tử tế” hơn, nhà trường cũng phải có “ý thức” trong khâu chuẩn bị cho học sinh trong việc định hướng trường thi, định hướng nghề nghiệp. Khi học sinh có định hướng rồi thì sẽ bớt học thêm đi, nhà trường cũng có cách hỗ trợ thêm. Bản thân học sinh không bị mông lung, đến lớp 11,12 không bị tá hỏa lên lo học thêm chỗ này luyện thi chỗ kia”.
Có tâm huyết, khả năng thì học sư phạm
Về kì thi đầu vào các trường đại học, TS Tôn Quang Cường cho rằng không cần thiết phải tổ chức thi đại học thêm một lần nữa, các trường đại học sẽ căn cứ vào điểm của kỳ thi quốc gia chung, đồng thời mỗi trường sẽ có một tiêu chí thêm để tổ chức thi đầu vào, nhưng là thi theo năng lực.
“Ngay cả trong một trường đại học cũng có những lĩnh vực, những khoa chỉ yêu cầu ở mức nào thôi, nên không cần phải lấy điểm quá cao vào trường. Từng trường, từng lĩnh vực, từng khoa đào tạo có thể chủ động làm được việc này”. – TS Tôn Quang Cường cho biết.
Về việc đo năng lực, theo TS Tôn Quang Cường thì “Mỗi trường sẽ có một cách để đo năng lực, lúc này không phải chỉ có mỗi điểm.
Chẳng hạn Trường A có thể tổ chức thi riêng dưới dạng thi viết, trường B có thể vừa thi viết vừa phỏng vấn, nộp hồ sơ, vừa làm bài test theo kiểu của nước ngoài… mỗi trường sẽ chủ động rất nhiều. Mỗi trường được quyền , có cơ hội lựa được những người có mong muốn muốn học”.
Để đảm bảo tính nghiêm túc, công bằng và đánh giá được năng lực của các thí sinh dự thi kỳ thi quốc gia chung này, khâu ra đề đặc biệt quan trọng “cần phải có chuyên gia, người có nghề ra đề”, còn với kiểu ra đề ĐH, CĐ hiện nay “chúng ta vẫn là tập hợp lại, sau đó có một sự lựa chọn, mà sự lựa chọn chưa có tính khoa học”.
Với đặc thù của Trường Đại học Giáo dục là một trường sư phạm, nhiệm vụ đào tạo nguồn giáo viên có chất lượng cho các trường phổ thông trên cả nước, TS Tôn Quang Cương cho biết, đo năng lực đầu vào là một sự sàng lọc, sơ tuyển cần thiết đối với ngành sư phạm.
"Sàng lọc được những đối tượng có sự mong muốn, tâm huyết, khả năng với nghề giáo, giảm sự lãng phí đào tạo đi. Chẳng hạn một người làm văn rất hay nhưng khả năng giao tiếp hạn chế thì phải chuyển sang nghề khác sẽ hay hơn cũng như không thể bắt một anh có thiên hướng học võ phải học nhào lộn. Mặt khác, qua sơ tuyển bằng những công cụ đo khác nhau, thậm chí có thể đo được chỉ số phát triển cụ thể của con người đó, chứ không chỉ đo bằng mặt bằng kiến thức". – TS Tôn Quang Cường giải thích.
Nghề sư phạm là nghề đặc biệt, nghề đào tạo con người. Người giáo viên cần có một chút tố chất thiên bẩm, tố chất năng khiếu, thêm cả yếu tố nghệ thuật, rồi thì đạo đức... chứ không chỉ là kiến thức.
Với các chỉ số khác nhau, mà cụ thể là bao nhiêu chỉ số thì cần phải nghiên cứu và đưa ra. Tuy nhiên, TS Tôn Quang Cường cũng không loại trừ trường hợp cá biệt: “Họ có tiềm năng, theo các chỉ số, tham số khác mình có thể lường trước được chỉ số hiện thời hơi thấp, nhưng kèm theo các yếu tố khác, các tham số khác để đánh giá anh này có khả năng thì vẫn để cho anh có cơ hội phát triển. Do đó, quan trọng là ở người đánh giá”.