Tăng giá vé xe bus Thủ đô: Lợi bất cập hại?

14/04/2012 01:00
Nguyễn Huệ
(GDVN) - Việc tăng giá vé xe bus Thủ đô là một động thái "phản tác dụng" trong thời điểm Bộ Giao thông đang cố gắng giảm tình trạng ùn tắc giao thông.
Mới đây, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội được UBND thành phố giao chủ trì phối hợp cùng liên ngành trình UBND thành phố phê duyệt phương án điều chỉnh giá vé xe buýt để áp dụng thực hiện trong năm 2012 và lộ trình điều chỉnh giá vé đến năm 2015.
Theo đó, giá vé xe bus sẽ đồng loạt tăng giá. Từ mức giá chung 3000 – 5000 đồng/lượt tăng lên mức 5000-7000 đồng/ lượt. Đối với vé tháng có xu hướng tăng xấp xỉ 2 lần, vé đi một tuyến là 45.000 đồng, vé liên tuyến là 90.000 đồng ( đối với sinh viên) và 145.000 đồng( đối với các đối tượng còn lại).

Đòn bẩy cho sự gia tăng phương tiện cá nhân

Có thể thấy, việc điều chỉnh giá vé xe bus là một động thái “phản tác dụng” trong thời điểm hiện tại, khi mà Bộ Giao thông đang có những hành động quyết liệt để giảm tình trạng ùn, tắc giao thông. 
Mới đây, Bộ Trưởng Đinh La Thăng đã công bố các giải pháp chống ùn tắc ở các thành phố lớn bằng cách hạn chế các phương tiện cá nhân, đồng thời tăng cường các phương tiện công cộng, mà xe bus là một phương tiện điển hình. Vậy chủ trương tăng giá xe bus của Thành phố Hà Nội lần này liệu có đi ngược lại giải pháp mà Bộ trưởng Thăng đưa ra?
Sinh viên đứng chờ xe bus đông nghẹt tại một điểm trung chuyển xe bus của thủ đô
Sinh viên đứng chờ xe bus đông nghẹt tại một điểm trung chuyển xe bus của thủ đô

Vũ Thị Quỳnh, sinh viên Học viện Báo chí chia sẻ: “Mình không hiểu Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đang khuyến khích hay hạn chế người dân tham gia giao thông bằng xe bus? Vì khi các hành khách quen thuộc của “phương tiện giao thông công cộng giá rẻ” này phải trả thêm một mức phí cao hơn rất nhiều so với bình thường, họ sẽ không ngần ngại quay lưng đi và lựa chọn cho mình một phương tiện tốt hơn. Do đó, dù trực tiếp hay gián tiếp, chủ trương tăng giá xe bus sẽ thúc đẩy sự gia tăng phương tiện cá nhân”.

Nhiều chuyên gia đã phân tích, việc người dân sử dụng xe máy như một phương tiện chủ yếu trong khi di chuyển là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng quá tải giao thông vào những khung giờ cao điểm của thủ đô Hà Nội. Bên cạnh đó, số vụ tai nạn do điều khiển xe máy luôn cao gấp nhiều lần so với xe bus, do đó, ai dám đảm bảo việc tăng giá xe bus sẽ kiềm chế hoặc ít nhất là không làm gia tăng số vụ tai nạn giao thông trong thời gian tới?

Áp lực phí di chuyển đè nặng người dân

Thực tế cho thấy, những đối tượng chủ yếu lựa chọn xe bus khi di chuyển là học sinh, sinh viên (đa số chưa thể tự lập cuộc sống mà phải phụ thuộc vào nguồn viện trợ của gia đình) và công nhân, viên chức (có thu nhập thấp). Do đó, việc tăng giá vé xe bus sẽ trở thành một áp lực kinh tế lớn đè nặng lên đôi vai họ.
Cách đây không lâu, Bộ Giao thông Vận tải cũng lập đề án hạn chế phương tiện giao thông cá nhân và phí lưu hành xe vào thành phố giờ cao điểm chờ Quốc hội thông qua. Trong một phiên họp báo thường kỳ Chính phủ ngày 1/4, mặc dù Bộ trưởng Đinh La Thăng đã khẳng định: “Chưa thu phí xe trong năm nay”. Tuy nhiên, nếu sang năm tới, những đề án này được thông qua, cộng thêm sự tăng giá vé xe bus sẽ tạo nên tình trạng “phí chồng phí”, và đối tượng chịu thiệt hại chính là người tham gia giao thông tại thủ đô.
Giả thiết thứ hai được đặt ra đó là, nếu UBND thành phố Hà Nội phê duyệt đề án tăng giá vé xe bus nhưng, Nhà nước lại không chấp thuận đề án thu phí phương tiện cá nhân của Bộ Giao thông Vận tải thì sẽ tạo nên một tình trạng trớ trêu đó là: người dân không mặn mà với xe bus công cộng và thay vào đó là di chuyển bằng phương tiện cá nhân.
Bà Nguyễn Lan Hương ở Cầu Giấy, Hà Nội chia sẻ: “Tôi nghĩ, Sở Giao thông thành phố chưa thấu hiểu hết lòng dân. Bởi lẽ, trong thời gian này, công dân thành phố đang lo lắng trước nhiều đề án thu phí của Bộ, từ phí bảo trì đường bộ (được áp dụng từ 1/6); phí hạn chế phương tiện cá nhân, đến phí đi vào thành phố giờ cao điểm và hiện tại, nếu phải chịu thêm áp lực từ tăng giá vé xe bus công cộng như thế này thì chắc chẳng ai dám ra đường”.
Trước áp lực tăng giá của xăng, dầu và cơ sở vật chất cũ kĩ như như hiện nay, UBND thành phố có lý do để thông qua đề án tăng giá vé xe bus của Sở Giao thông thành phố. Tuy nhiên, đứng trước nhiều lý lẽ không đồng tình từ phía dư luận xã hội, UBND thành phố cần cân nhắc thật kỹ để xem xét điều gì có lợi, điều gì có hại cho nhân dân và đề gia quyết sách đúng.
Địa chỉ gửi bài tham gia cuộc thi“Phóng viên trẻ”:
Thông tin chi tiết xin xem tại ĐÂY
Nguyễn Huệ