Xóm ngụ cư ven sông Hồng

24/05/2012 15:10
Lưu Thị Nhạn – Báo mạng điện tử K30
(GDVN) - Nhà trọ chỉ rộng khoảng 10m2 cao khoảng 2,5m. Nhưng căn nhà nhỏ bé ấy lại là nơi ở của gần 20 người.
Cuộc sống tạm bợ với muôn vàn khó khăn
Trong cái nắng đầu mùa, tôi tìm đến những xóm trọ nghèo ở chân cầu Long Biên để tìm hiểu về cuộc sống của những người làm cửu vạn. Nóng bức, chật chội, ngột ngạt là cảm giác của tôi khi bước chân vào nhà trọ chỉ rộng khoảng 10m2 cao khoảng 2,5m. Nhưng căn nhà nhỏ bé ấy lại là nơi ở của gần 20 người.

Những người sống ở đây cho biết: ngày hè thì nóng bức, ngày đông thì lạnh cóng bởi những cơn gió luồn qua bức vách, còn những ngày nồm thì thật khổ sở vì nền nhà ướt sượt… Khó khăn là vậy nhưng họ vẫn phải chấp nhận vì “Chúng tôi là người làm thuê, làm ra 1 đồng cũng khó nên phải tiết kiệm…”- Bác Lụa (Hưng Yên) cho biết. Hơn nữa, giá trọ ở đây cũng rẻ (khoảng 8.000/đêm), rẻ hơn so với nhiều khu trọ khác.

Những căn nhà ổ chuột dưới chân cầu Long Biên
Những căn nhà ổ chuột dưới chân cầu Long Biên

 Không ti vi, không đài, không nước sạch và thiếu điện thường xuyên là tình trạng chung của những xóm trọ như thế này. Mặt khác, những người làm cửu vạn cũng không cần quan tâm nhiều đến điều ấy. Những điều đó còn xa vời đối với cuộc sống của họ. Cái mà họ quan tâm là ngày mai có phải là ngày rằm, ngày lễ không? Có gánh được nhiều hàng không? Tiền công ngày mai như thế nào?... và còn nhiều thứ khác của cuộc sống mưu sinh.

Những buổi chợ nhọc nhằn 

Công việc của những người làm thuê chủ yếu vào ban đêm khi mà mọi người đã chìm sâu vào giấc ngủ. Những người làm “xe đẩy” phải trở dậy từ 10h tối hôm trước và làm việc đến 2 – 3h sáng hôm sau. Có như vậy mới kịp chuyển hàng vào thành phố. Họ phải đẩy những thùng hàng nặng từ 1 – 2 tạ, khối lượng gấp 2 -3 lần trọng lượng cơ thể. Cô Hoa (Hưng Yên) cho biết: “Những người đi làm xe đẩy mùa đông hay hè lưng áo luôn ướt đẫm mồ hôi. Vất vả lắm mới kiếm ra đồng tiền…”

Công việc của người “đi gánh” bắt đầu khi những người làm xe đẩy kết thúc buổi chợ. Trung bình mỗi lần gánh, những người làm thuê phải gánh hàng khoảng 70 – 80kg mà tiền công khoảng 7.000 – 10.000/chuyến tùy theo đoạn đường dài hay ngắn. Những người đi gánh thường làm việc 9 - 10 tiếng/ngày, đến 10 - 11h hôm sau mà tiền công cũng không nhiều nhặn gì.
Tuy nhiên, những mối làm ăn không dễ dàng có được mà phải đánh đổi bằng mồ hôi, sự cãi vã mới có. Phận của người đi làm thuê cũng không được coi trọng. Khi họ không làm được việc thì sẽ bị chửi bới, chỉ trích, nhiếc móc với những lời khó nghe của dân chợ búa. Bác Bình, 52 tuổi, Hưng Yên ngậm ngùi kể: “Có lần, gánh hàng nặng lại bị xô đẩy lúc chợ đông nên tôi làm đổ mấy thùng xoài Thái của chủ. Thế là một tràng những lời chửi bới. Nào là con mụ già này làm ăn không nên hồn, nhớ mặt lần sau tao “đ...” thuê nữa, về quê cho rảnh nợ… Tuổi cô ta chỉ đáng tuổi con tôi, nhưng mình là người làm thuê nên đành chịu”. 

Lí do mà họ phải cam chịu những lời nói khó nghe đó: “Đi làm thuê nhiều tủi nhục nhưng còn kiếm được miếng cơm, ở quê những ngày 3 tháng 8 như thế này không có việc làm. Nếu có, ngày công cũng rẻ mạt, cả ngày gánh gạch mà chỉ được 60.000 đồng không đủ chi tiêu…”- Cô Thoan (Thái Bình) tâm sự.

Công việc nhọc nhằn là vậy nhưng ở họ vẫn ánh lên sự lạc quan của người lao động. Ở nơi họ vẫn có những nụ cười sau những giờ lao động vất vả vì trong tâm hồn họ tương lai tốt đẹp đang đón chờ…
Địa chỉ gửi bài tham gia cuộc thi “Phóng viên trẻ”:
Thông tin chi tiết xin xem tại ĐÂY
Lưu Thị Nhạn – Báo mạng điện tử K30