Đa số GV trình độ cao là thỉnh giảng, HT Đại học Mỹ thuật Công nghiệp lý giải

22/09/2023 06:24
Kim Ngân
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Tiến sĩ Phạm Hùng Cường cho biết, hiện, số lượng giáo sư, phó giáo sư tham gia nghiên cứu trong lĩnh vực nghệ thuật của cả nước đều đang thiếu.

Vừa qua, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã đăng tải bài viết "Đa số GV trình độ cao của Trường ĐH Mỹ thuật Công nghiệp đều là thỉnh giảng" trong đó nêu, theo thông tin công khai của nhà trường cho thấy, số lượng giảng viên có trình độ tiến sĩ, học hàm giáo sư, phó giáo sư làm giảng viên thỉnh giảng hiện đang nhiều hơn làm giảng viên toàn thời gian.

Ngay sau đó, lý giải vấn đề này với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Phạm Hùng Cường – Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp cho biết, với các trường đào tạo nghệ thuật, giảng viên là nghệ sĩ, họa sĩ,… các thầy cô chủ yếu đi sâu vào sáng tác thực tiễn chứ ít có nhu cầu học lên để nâng cao trình độ.

Chính vì vậy, nếu so sánh về học hàm, học vị của đội ngũ thuộc các trường nghệ thuật với các trường đào tạo những lĩnh vực khác thì sẽ có sự chênh lệch, điều này là dễ hiểu.

Khái niệm giảng viên chất lượng cao, trình độ chuyên môn cao đối với khối ngành nghệ thuật không thể đơn thuần xét theo học hàm, học vị.

Sinh viên ngành thiết kế thời trang Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp thực hành kỹ thuật kết hạt cườm. Ảnh: Website nhà trường

Sinh viên ngành thiết kế thời trang Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp thực hành kỹ thuật kết hạt cườm. Ảnh: Website nhà trường

“Với đặc thù trường nghệ thuật, chúng tôi đánh giá cao những giảng viên có nhiều tác phẩm đạt các giải thưởng trong nước, quốc tế hoặc có tham gia nhiều dự án nghệ thuật đã được ghi nhận, được ứng dụng trong thực tiễn.

Như vậy, không căn cứ hoàn toàn vào học hàm, học vị để đánh giá năng lực, trình độ của giảng viên.

Dĩ nhiên, trường vẫn tuân thủ quy định về trình độ giảng viên là đào tạo đại học cần giảng viên trình độ thạc sĩ trở lên, đào tạo sau đại học là giảng viên trình độ tiến sĩ trở lên”, thầy Cường cho hay.

Tiến sĩ Phạm Hùng Cường nhận định, hiện tại, số lượng giáo sư, phó giáo sư tham gia nghiên cứu trong lĩnh vực nghệ thuật của cả nước đều đang thiếu chứ không riêng gì Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp.

Vì vậy, đội ngũ giáo sư, phó giáo sư hiện đang tham gia thỉnh giảng và hỗ trợ cho nhiều trường đại học khác nhau, có nhiều thầy cô vừa tham gia thỉnh giảng tại Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, vừa tham gia thỉnh giảng ở những cơ sở đào tạo khác.

Ở một số quốc gia tiên tiến, họ không phân biệt giảng viên thỉnh giảng hay giảng viên cơ hữu. Điều quan trọng là các thầy cô giáo đều tâm huyết, giảng dạy giỏi và đào tạo được sinh viên từ kiến thức chuyên môn đến thực tiễn.

Tất nhiên, nếu trường thu hút được nhiều giáo viên có học hàm, học vị và có những trình độ cao, giàu kinh nghiệm thì đó vẫn là thành công cho hoạt động đào tạo.

Tiến sĩ Cường thông tin, thời gian qua, các trường đào tạo khối ngành nghệ thuật đều bày tỏ lo ngại rằng, nhân lực ngành nghệ thuật có học hàm học vị, trình độ cao sẽ càng ngày càng giảm đi. Bởi lẽ, người học ít có nhu cầu học lên tiến sĩ để nâng cao trình độ.

Các giảng viên tham gia giảng dạy, thường đề cao việc sáng tạo nghệ thuật nhiều hơn, họ không “mặn mà” với việc học lên tiến sĩ.

Các thầy cô tích cực tham gia các dự án nghệ thuật và có nhiều sản phẩm ứng dụng trong thực tiễn. Như ngành thời trang, thiết kế đồ hoạ, thiết kế nội thất, thiết kế trang trí gốm, sơn mài… thầy cô tham gia nhiều vào các phong trào sáng tác và đạt được giải thưởng cao, điều này khẳng định chất lượng của đội ngũ và còn mang tính thực tiễn cao.

Ngoài ra, việc xét phong hàm giáo sư, phó giáo sư đối với lĩnh vực nghệ thuật cũng rất khắt khe. Vì là ngành đặc thù nên để đáp ứng các tiêu chuẩn, tiêu chí chung là không hề dễ. Hơn nữa, số lượng ứng viên vốn đã ít nên đội ngũ giáo sư, phó giáo sư của ngành nghệ thuật trên cả nước vẫn thiếu và không dễ có thể cải thiện về số lượng.

Trong bối cảnh khó khăn chung về đội ngũ như vậy, các trường đào tạo khối ngành nghệ thuật đều phải có những giải pháp mời các giáo sư, phó giáo sư tham gia thỉnh giảng tại trường.

Tại Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, các thầy cô có học hàm giáo sư, phó giáo sư, đa số đều đã đến tuổi nghỉ hưu, không còn là giảng viên cơ hữu nữa.

Dẫu vậy, các thầy cô vẫn nhiệt tình với công tác giảng dạy và tham gia thỉnh giảng cho nhiều trường đại học. Do đó, vấn đề về đội ngũ là một bài toán chung đặt ra cho các trường nghệ thuật hiện nay.

Về công tác đào tạo, Tiến sĩ Phạm Hùng Cường cũng cho biết, với đặc thù trường nghệ thuật nên nhà trường đào tạo theo quy mô nhỏ.

“Mỗi lớp tối đa từ 17-18 sinh viên, có những chuyên ngành mỹ thuật truyền thống chỉ có vài sinh viên/lớp - đây là những ngành mà Nhà nước muốn giữ lại nên dù ít sinh viên, trường vẫn tiếp tục đào tạo như ngành Thiết kế trang trí thảm, Gốm, Sơn mài,…

Quy mô lớp học nhỏ nên vấn đề nguồn thu cũng là một khó khăn với nhà trường”, thầy Cường chia sẻ.

Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp đề xuất, cần có cơ chế đặc thù trong sử dụng lao động đối với các trường nghệ thuật, ngoài tính theo học hàm, học vị thì nên xét theo kinh nghiệm sáng tác, thành tích trong sáng tác.

Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cần quan tâm hơn và có cơ chế đặc thù về việc thu học phí đối với trường đào tạo nghệ thuật.

“Với các ngành học khác, có thể đến 60 sinh viên/lớp nhưng ngành nghệ thuật như chúng tôi chưa đến 20 sinh viên/lớp. Nguồn thu học phí rất ít, trong khi chi phí đào tạo lớn vì cần người mẫu, dụng cụ, phòng chức năng,…

Trường đặc thù phải có cơ chế thu học phí riêng, theo đề xuất của các trường sao cho phù hợp, còn với mức học phí quy định theo mặt bằng chung như hiện nay khiến chúng tôi gặp nhiều khó khăn trong công tác đào tạo và trong đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đáp ứng yêu cầu học tập", Tiến sĩ Cường bày tỏ nguyện vọng.

Kim Ngân