Đạt ngưỡng 'sàn' mới vào sư phạm nhưng cử nhân ngành khác vẫn đi dạy 'vô tư'

15/03/2023 06:36
Hương Ly
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Thí sinh đạt ngưỡng điểm "sàn", học lực khá, giỏi mới được xét tuyển vào sư phạm nhưng cử nhân tổng hợp vẫn đi dạy bình thường là nghịch lí.

Cuối tháng 7/2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố ngưỡng điểm nhận hồ sơ xét tuyển vào ngành sư phạm hệ đại học bằng phương thức xét tuyển điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ 19 điểm trở lên.

Riêng ngành Sư phạm Giáo dục thể chất, Sư phạm Âm nhạc và Sư phạm Mỹ thuật mức điểm "sàn" hệ đại học từ 18 điểm trở lên. Còn với hệ cao đẳng, mức điểm "sàn" từ 17 trở lên. [1]

Điều 9 Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non quy định ngưỡng đầu vào ngành đào tạo giáo viên theo phương thức tuyển sinh không sử dụng kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông như sau:

a) Học lực lớp 12 xếp loại từ giỏi trở lên hoặc điểm xét tốt nghiệp trung học phổ thông từ 8,0 trở lên, trừ các trường hợp quy định tại điểm b khoản này;

b) Học lực lớp 12 xếp loại từ khá trở lên hoặc điểm xét tốt nghiệp trung học phổ thông từ 6,5 trở lên đối với các ngành Giáo dục thể chất và Huấn luyện thể thao, Sư phạm âm nhạc, Sư phạm mỹ thuật; ngành Giáo dục Mầm non trình độ cao đẳng. [2]

Sở dĩ, Bộ Giáo dục và Đào tạo phải quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của ngành sư phạm vì đây là ngành đặc thù, ảnh hưởng đến giáo dục nước nhà qua nhiều thế hệ, là ngành được cả xã hội trân trọng (người thầy).

Việc quy định ngưỡng tối thiểu xét tuyển đầu vào để sàng lọc đảm bảo thí sinh có đủ năng lực học tập, công bằng giữa các cơ sở đào tạo trong cùng một ngành/chuyên ngành, cũng như đảm bảo chất lượng chung cho sản phẩm đào tạo ở khối ngành này.

Vấn đề bất cập ở chỗ, quy định thí sinh đạt ngưỡng điểm "sàn", học lực khá, giỏi mới được xét tuyển vào ngành sư phạm, nhưng thực tế cho thấy, cử nhân ngoài sư phạm (thường gọi là tổng hợp), cử nhân sư phạm hệ vừa học vừa làm vẫn đi dạy bình thường là một nghịch lí.

Ảnh chỉ có tính chất minh họa, nguồn: giaoduc.net.vn

Ảnh chỉ có tính chất minh họa, nguồn: giaoduc.net.vn

Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cử nhân ngoài sư phạm có đảm bảo?

Hiện tại, cử nhân tốt nghiệp ngành ngoài sư phạm nếu có nguyện vọng đi dạy học thì phải có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại Thông tư 11/2021/TT-BGDĐT (giáo viên tiểu học) và Thông tư 12/2021/TT-BGDĐT (giáo viên trung học cơ sở, trung học phổ thông). [3], [4]

Thực tế dạy học cho thấy, mặt bằng chung về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của cử nhân tốt nghiệp ngành ngoài sư phạm khó bằng cử nhân sư phạm chính quy.

Hàng năm tôi (giáo viên trung học phổ thông) đều nhận một số sinh viên sư phạm Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh và sinh viên (tổng hợp) một trường đại học tư thục khác trên địa bàn đến thực tập giảng dạy.

Sau 3 tháng thực tập, hầu hết sinh viên sư phạm Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh đều được tôi xếp loại khá, giỏi, nghĩa là các em đều có thể hành nghề tốt sau khi nhận bằng tốt nghiệp.

Tuy vậy, rất nhiều sinh viên trường đại học tư thục này đều yếu cả chuyên môn lẫn nghiệp vụ, kể cả tác phong sư phạm thiếu chuẩn mực, vì chất lượng đầu vào chưa đảm bảo, ý thức nghề nghiệp ở các em không rõ ràng.

Cá biệt có một số giáo sinh về chuyên môn thực sự khiến tôi thấy lo. "Thầy" giảng sai kiến thức bị trò phản ánh nhưng "thầy" vẫn không không biết sửa sai (yếu chuyên môn). "Thầy" cũng rất yếu kĩ năng nghiệp vụ khi xử lí một số tình huống phát sinh trong quá trình dạy học và công tác chủ nhiệm lớp.

Tổ chuyên môn của tôi có giáo viên tốt nghiệp ngành ngoài sư phạm cũng gặp rất nhiều khó khăn trong giảng dạy. Sau nhiều năm dạy học, giáo viên này vẫn chưa soạn được một giáo án đạt yêu cầu.

Còn việc ra đề kiểm tra, nếu tổ trưởng, tổ phó chuyên môn không chỉnh sửa đề thì không thể sử dụng được. Giáo viên này chấm bài kiểm tra cũng thiếu chính xác, luôn bị đồng nghiệp than phiền.

Giáo viên này có làm chủ nhiệm lớp một năm nhưng bị nhiều học sinh và phụ huynh phản ánh đến hiệu trưởng vì người thầy yếu nghiệp vụ sư phạm trong việc quản lí, xử lí khi các em vi phạm nội quy kỉ luật.

Tiết học 45 phút, có học sinh mất trật tự trong lớp, giáo viên dừng lại la mắng và "giảng đạo" (nói chuyện lẽ phải) cho học sinh nghe hết phần nửa thời gian. Vậy là lớp học vừa bị mất bài vừa phải "chịu trận" trong thời gian dài rất mệt mỏi.

Nhiều năm qua, hiệu trưởng vẫn không dám để giáo viên này làm chủ nhiệm lớp, chỉ phân công giảng dạy theo đúng số tiết nghĩa vụ. Trong mắt lãnh đạo, giáo viên này được xem là "chỗ trũng" của tổ chuyên môn.

Đáng buồn, có giáo viên tiếng Anh tốt nghiệp ngành ngoài sư phạm bị nhiều học sinh phản đối vì phát âm không chính xác. Học sinh đi học thêm ở trung tâm, được học tiếng Anh với giáo viên bản ngữ nên các em dễ dàng biết được thầy cô mình phát âm đúng hay sai.

Theo ghi nhận của tôi, chất lượng giảng dạy của nhiều giáo viên ngoài sư phạm ở nơi đơn vị tôi đang công tác đang khó bằng đồng nghiệp tốt nghiệp ở trường đại học sư phạm.

Cũng có một số giáo viên viên (ngoài sư phạm) có trình độ chuyên môn tốt nhưng họ vẫn gặp không ít trở ngại trong dạy học vì thiếu phương pháp. Họ thiếu kĩ năng truyền đạt nên học sinh rất khó hiểu bài, dẫn đến thầy trò bất hòa, uy tín người thầy bị giảm sút.

Nói thêm, trường tôi có 120 giáo viên thì có 1/3 thầy cô tốt nghiệp ngành ngoài sư phạm, nhiều nhất là môn tiếng Anh. Vậy nên, một số giáo viên có thâm niên hàng chục năm nhưng hiệu trưởng vẫn không phân công thầy cô giảng dạy lớp 12.

Một câu chuyện khác, đồng nghiệp của tôi có vợ là sinh viên học ngành sư phạm tiểu học (nhiều môn) hệ vừa làm vừa học một trường đại học ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Sinh viên này học đến năm 3 thì sinh con, việc học gián đoạn mất 6 tháng (nghỉ thai sản) nhưng vẫn tốt nghiệp đại học đúng thời hạn vì... nhờ người thân đi học thay. Hiện người này là giáo viên tiểu học một trường công lập ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Câu chuyện này cho thấy, việc đào tạo ngành sư phạm hệ vừa làm vừa học ơ đâu đó còn rất lỏng lẻo, việc kiểm soát chất lượng đầu ra khiến không ít người băn khoăn.

Có thể khẳng định, quy định học sinh đạt ngưỡng điểm "sàn", học lực khá, giỏi mới đủ điều kiện xét tuyển vào ngành sư phạm là chủ trương rất đúng đắn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, giúp đào tạo được đội ngũ giáo viên giỏi trong tương lại.

Tuy vậy, nếu việc tuyển dụng giáo viên không được thực hiện một cách nghiêm túc, chặt chẽ thì trường học sẽ thiếu những thầy cô giáo giỏi nghề, cuối cùng học sinh vẫn chịu nhiều thiệt thòi nhất. Và quy định học sinh đạt ngưỡng điểm "sàn", học lực khá, giỏi mới đủ điều kiện xét tuyển vào ngành sư phạm sẽ chẳng còn mấy tác dụng.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://baochinhphu.vn/cong-bo-nguong-diem-dau-vao-cac-nganh-su-pham-nam-2022-102220729212247882.htm

[2] https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Thong-tu-08-2022-TT-BGDDT-Quy-che-tuyen-sinh-dai-hoc-nganh-Giao-duc-Mam-non-510093.aspx

[3] https://luatvietnam.vn/giao-duc/thong-tu-11-2021-tt-bgddt-chuong-trinh-boi-duong-nghiep-vu-su-pham-giao-vien-tieu-hoc-200907-d1.html

[4] https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Thong-tu-12-2021-TT-BGDDT-boi-duong-nghiep-vu-nguoi-co-nguyen-vong-giao-vien-trung-hoc-470288.aspx

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Hương Ly