Năm 2023, các trường mong được giao khoán trong tuyển dụng giáo viên

04/03/2023 06:40
Mỹ Tiên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Người viết đề xuất sau khi giao khoán tuyển dụng cho các trường, có thể mỗi tháng, mỗi quý tuyển dụng một lần để bổ sung giáo viên thiếu.

Một trong những vấn đề khó khăn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, thực hiện chương trình mới đó chính là cả nước thiếu nhiều giáo viên, việc tuyển đủ giáo viên thời gian tới vẫn sẽ là bài toán hóc búa.

Hiện nay, cả nước thiếu hơn một trăm ngàn giáo viên, nhiều giáo viên nghỉ việc nhưng nhiều sinh viên sư phạm thất nghiệp, thi tuyển không đạt, nhiều giáo viên phải hợp đồng với mức lương bèo bọt 2-3 triệu mỗi tháng.

Ảnh minh họa: Minh Ngọc

Ảnh minh họa: Minh Ngọc

Bộ Chính trị đã giao bổ sung gần 66.000 biên chế giáo viên trong giai đoạn từ 2022 đến 2026, riêng năm học 2022-2023 giao bổ sung 27.850 biên chế giáo viên mầm non, phổ thông công lập.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề nghị các tỉnh, thành phố chỉ đạo khẩn trương triển khai tổ chức tuyển dụng 27.850 biên chế giáo viên cấp mầm non và phổ thông.

Nhưng người viết được biết đến cuối năm học 2022-2023, rất khó tuyển đủ 27.850 giáo viên.

Dưới đây là một số nguyên nhân rất khó tuyển đủ 27.850 giáo viên như: các môn học mới như Ngoại ngữ, Tin học, Âm nhạc, Ngoại ngữ,…không có nguồn tuyển; lương giáo viên còn thấp, áp lực cao, nhiều giáo viên bỏ việc; vừa tuyển dụng vừa giảm biên chế 10% giáo viên,…

Theo người viết phải có giải pháp mạnh dạn giao khoán cho các trường đồng thời thực hiện các giải pháp sau đây mới hy vọng có thể tuyển được giáo viên có chất lượng trong thời gian tới.

Thứ nhất, mạnh dạn giao khoán tuyển dụng cho nhà trường

Hiện nay, quy trình tuyển dụng giáo viên dù thi tuyển hay xét tuyển đều trải qua nhiều khâu, tầng nấc, thủ tục nên quá trình tuyển dụng khó khăn, nhiều ứng viên trượt dù thiếu giáo viên.

Mạnh dạn giao khoán cho các trường tự chủ trong việc tuyển dụng vừa giảm khâu trung gian vừa đơn giản hóa thủ tục hành chính vừa giao trách nhiệm cho các trường, là xu thế tất yếu.

Trường tuyển và chịu trách nhiệm trước ngành về chất lượng, còn hiện nay cấp trên tuyển dụng trường phải nhận, khiến rất nhiều trường hợp tuyển dụng không đạt yêu cầu, không ai chịu trách nhiệm.

Thứ hai, tuyển dụng đặc cách sinh viên tốt nghiệp loại khá, giỏi

Sinh viên sư phạm hoặc sinh viên các ngành khác có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm tốt nghiệp loại khá, giỏi nên được tuyển dụng đặc cách vào các cơ sở giáo dục.

Suốt quá trình học 4 năm ở trường đại học, nếu tốt nghiệp loại khá, giỏi thì các em xứng đáng được tuyển dụng đặc cách, không phải trải qua kỳ thi hoặc xét tuyển nhiều vòng, nhiều khâu như hiện nay.

Hiện nay, đối tượng được ưu tiên tuyển dụng theo Nghị định 140/2017/NĐ-CP là: “Sinh viên tốt nghiệp đại học loại xuất sắc tại cơ sở giáo dục đại học ở trong nước hoặc nước ngoài được công nhận tương đương về văn bằng, chứng chỉ theo quy định của pháp luật có kết quả học tập và rèn luyện xuất sắc các năm học của bậc đại học và phải có đạt các giải ba các kỳ thi từ cấp tỉnh trở lên” nên có rất ít sinh viên được ưu tiên trong tuyển dụng.

Để giải quyết bài toán thiếu trầm trọng giáo viên hiện nay, nên có quy định sinh viên loại khá, giỏi được tuyển dụng đặc cách

Thứ ba, tuyển dụng đặc cách giáo viên hợp đồng

Về tuyển dụng đặc cách giáo viên đã có nhiều năm công tác, Công văn 336/GDĐT-NGCBQLGD của Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu rõ, năm 2019, Bộ Chính trị và Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương cho phép các địa phương thực hiện xét đặc cách đối với số giáo viên đã có hợp đồng lao động và đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội từ năm 2015 trở về trước trong chỉ tiêu biên chế, có năng lực, trình độ phù hợp với yêu cầu của vị trí cần tuyển dụng.

Những địa phương chưa thực hiện xong việc tuyển dụng đặc cách theo chỉ đạo của Bộ Chính trị và Thủ tướng Chính phủ và theo hướng dẫn tại Công văn số 5378/BNV-CCVC của Bộ Nội vụ khẩn trương hoàn thành để bảo đảm quyền lợi của giáo viên có nhiều năm công tác.

Tại khoản 2 Công văn số 5378 của Bộ Nội vụ quy định “2. Đối tượng được xem xét tuyển dụng đặc cách là giáo viên đang làm hợp đồng lao động theo vị trí việc làm giảng dạy tại cơ sở giáo dục công lập, đã có thời gian ký hợp đồng lao động có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội làm công việc giảng dạy tại các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn trước ngày 31/12/2015, trong chỉ tiêu biên chế, có năng lực, trình độ phù hợp với yêu cầu của vị trí cần tuyển dụng.”

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay vẫn còn giáo viên hợp đồng không phải viên chức, nên có chính sách tiếp tục tuyển dụng đặc cách đối tượng này.

Thứ tư, tuyển dụng nhiều đợt trong năm

Hiện nay, việc tuyển dụng chỉ mỗi năm một lần khiến các cơ sở giáo dục rất bị động, khó tuyển đủ giáo viên, nhiều sinh viên sư phạm có đầy nhiệt huyết nhưng chờ cả năm mới đến đợt tuyển dụng nên đã nhảy việc, chuyển việc.

Người viết đề xuất sau khi giao khoán cho các trường, các trường sẽ chủ động tuyển dụng liên tục khi thiếu giáo viên, có thể tuyển nhiều đợt trong năm, có thể mỗi tháng, mỗi quý tuyển dụng một lần để bổ sung giáo viên thiếu.

Thực hiện tốt các giải pháp trên trên cộng với việc tìm cách tăng thu nhập, giảm áp lực cho giáo viên thì việc tuyển dụng có thể tuyển dụng đầy đủ giáo viên trong thời gian tới.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Mỹ Tiên