Dạy trực tuyến bận ngập đầu vẫn phải thao giảng và làm đủ thứ hồ sơ sổ sách

08/12/2021 06:45
Thuận Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Khi giáo viên bị phân chia nhiều công việc phải làm một lúc thì chắc chắn sẽ thiếu sự toàn tâm trong công tác giảng dạy.

Giáo viên dạy trực tuyến vất vả gấp chục lần dạy học trực tiếp. Dạy học trực tuyến không đơn giản chỉ cần đưa bài giảng soạn sẵn lên rồi thầy cô ngồi nói hết giờ là xong, để tạo hứng thú cho học sinh học tập các thầy cô giáo phải thiết kế bài giảng hấp dẫn thông qua các ứng dụng của công nghệ thông tin.

(Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: Báo Tuyên Quang) (Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: Báo Tuyên Quang)

Ngoài dạy học, giáo viên còn một núi công việc như ra đề kiểm tra, ra bài tập cuối tuần để gửi cho các em ôn tập, rồi nhận bài, chấm bài, nhận xét bài làm, liên hệ với phụ huynh, phụ đạo thêm những học sinh yếu, học sinh không có điều kiện tham gia lớp học chính khóa…

Tất cả điều này cũng phải làm trên các ứng dụng, để thực hiện thành thạo cũng không hề đơn giản. Giáo viên phải tự mày mò, học hỏi, làm hết lần này đến lần khác đôi khi chưa thành công. Ngoài giờ lên lớp thì suốt ngày ôm máy tính để nghiên cứu và học tập.

Lẽ ra các cơ quan quản lý giáo dục cần thấu hiểu và chia sẻ với những nổi nhọc nhằn của giáo viên dạy trực tuyến mùa dịch để giảm đi những hoạt động chuyên môn chưa thật sự cần thiết như thao, hội giảng, kiểm tra hồ sơ sổ sách.

Thế nhưng, một số địa phương cứ bê nguyên xi kế hoạch năm học bình thường áp thẳng vào năm dịch bệnh để buộc thầy cô phải thực hiện, làm cho những vất vả, nhọc nhằn do dạy trực tuyến càng tăng gấp nhiều lần.

Một tiết dạy dự giờ cấp tỉnh phải chuẩn bị cả tháng trời

Không chuẩn bị sao được khi một người dạy có tới vài chục thậm chí dăm dục giáo viên vào ngồi dự. Rồi mười người trăm ý, nói là không đánh giá xếp loại nhưng nghe nhiều lời góp ý xăm xoi cũng muốn loạn óc.

Thế nên, giáo viên nào được giao trọng trách dạy thao giảng cấp thị, tỉnh cũng phải nỗ lực để chuẩn bị tiết dạy sao cho hoàn hảo nhất.

Dạy trực tiếp đã khổ, thao giảng cấp tỉnh mà dạy trực tuyến thì nỗi khổ, sự áp lực phải tăng gấp chục lần. Bài giảng phải được soạn đẹp mắt, sinh động hơn nhiều khi dạy bình thường để khỏi bị đánh giá là đơn điệu, là chưa áp dụng triệt để công nghệ thông tin.

Một đồng nghiệp của người viết vừa dạy xong một tiết chuyên đề cấp tỉnh với số người dự lên đến dăm chục người. Cô giáo H. (đề nghị không nêu tên) nói mình dạy xong như vừa trút được gánh nặng ngàn cân.

Từ ngày được phân công thể hiện chuyên đề, cả tháng trời mất ăn mất ngủ lo bài soạn. Không chỉ mình cô, cả gia đình cũng được huy động vào đóng vai để mẹ quay làm ví dụ vì dịch bệnh không thể gọi học sinh đến minh họa.

Vì chịu áp lực nặng nề từ nhiều phía, nên ngày nào giáo viên cũng phải học bài, soạn bài và dạy thử. Giáo án thiết kế xong gửi cho tổ trưởng chuyên môn, cho phó hiệu trưởng, cho giáo viên cốt cán xem và góp ý. Rồi thay đổi, chỉnh sửa theo ý người này, người kia đến khi ai cũng đồng ý mới thôi.

Cô giáo đồng nghiệp còn cho biết: “Em ăn kiêng cả tháng mà không xuống cân, lo bài dạy mấy tuần là sụt mất 3 kg”.

Giáo án in xong bắt in lại

Xong tiết dạy dự giờ cấp tỉnh, nhiều trường học bắt đầu đợt kiểm tra hồ sơ sổ sách giáo viên giữa kỳ (giáo viên có ít nhất 4 lần kiểm tra hồ sơ trong năm trừ những lần kiểm tra đột xuất).

Khổ nhất là, hồ sơ buộc phải in ra, đóng tập, kể cả những bài giảng điện tử. Khi kiểm tra, nhà trường không ưng phần nào sẽ yêu cầu giáo viên chỉnh sửa và in lại.

Có thầy cô giáo phải sửa lại khá nhiều vì cho rằng hồ sơ làm không đúng mẫu quy định. Chưa nói mất toi tiền giấy, tiền mực mà cái công ngồi sửa lại hồ sơ theo mẫu quy định cũng chiếm không ít thời gian.

Giáo viên áp lực việc dạy, bức xúc vì kiểu kiểm tra hồ sơ “vạch lá tìm sâu” nhưng cũng phải thực hiện vì đã là lệnh trên ban xuống nếu không làm sẽ vi phạm quy chế chuyên môn. Giáo viên nào bị đánh dấu vi phạm quy chế chuyên môn thì xem như có nỗ lực giảng dạy cuối năm cũng đừng mơ xếp hoàn thành nhiệm vụ.

Khi giáo viên bị phân chia nhiều công việc phải làm một lúc thì chắc chắn sẽ thiếu sự toàn tâm trong công tác giảng dạy.

Qua bài viết này, giáo viên chúng tôi mong muốn rằng, lãnh đạo nhà trường, cấp sở, phòng cần có sự thấu hiểu, cảm thông mà bớt đi những hoạt động chuyên môn chưa thật sự cần thiết để giúp thầy cô dành toàn tâm ý giúp học sinh hoàn thành nhiệm vụ học tập trong giai đoạn khó khăn này.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Thuận Phương