Mặc dù chỉ mới ở dạng Đề cương cho đề án về các kì thi ở cuối bậc phổ thông mà Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập (gọi tắt là Hiệp hội) chuẩn bị theo chỉ thị của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, nhưng những tiêu chuẩn, điều kiện trong Đề cương này thu hút nhiều bình luận của giới học giả.
Kì thi này được xác định là là kì thi “cuối bậc phổ thông” chứ không phải là kì thi “tốt nghiệp phổ thông” hay “tuyển sinh đại học”.
Có thể được chứng nhận hoàn thành phổ thông sớm
Trình bày về Đề cương này, GS. TSKH Lâm Quang Thiệp, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, cho biết đây là kì thi cuối bậc phổ thông để công nhận tốt nghiệp và lấy kết quả xét tuyển vào đại hoc là hoạt động được nhiều người quan tâm.
Vì giáo dục đại học đã ngày càng trở thành đại chúng, kiến thức đại học càng trở nên cần thiết cho nhiều nghề nghiệp.
GS. Lâm Quang Thiệp trình bày Đề án thi cuối bậc phổ thông. Ảnh Xuân Trung |
Theo đó, kì thi này được gọi là kì thi “cuối bậc phổ thông”, vì sao không gọi là kì thi tốt nghiệp hay tuyển sinh, đại học? GS. Lâm Quang Thiệp giải thích, vì chúng hỗ trợ cho cả hai mục tiêu công nhận tốt nghiệp phổ thông và tuyển sinh đại học nhưng không đồng nhất với một trong hai kì thi đó.
Đối tượng được xác định để tham gia kì thi này là mọi học sinh ở cấp cuối bậc phổ thông (đã hoặc chưa tốt nghiệp).
Nó khác với kì thi tốt nghiệp THPT hiện tại ở chỗ, đối tượng được mở rộng không nhất thiết là học sinh đã học hết phổ thông, chỉ cần ở cuối bậc phổ thông, có thể bao gồm những người tự học hoặc không học phổ thông nhưng muốn được xác nhận trình độ và dự tuyển vào các trường đại học và chuyên nghiệp.
Từ đó không bị khống chế thời gian tổ chức thi ở cuối niên khóa phổ thông trung học, và có thể tổ chức nhiều lần trong năm.
Cũng có thể nếu mọi người có nhu cầu được xác nhận trình độ tương đương tốt nghiệp phổ thông và được tuyển vào đại học. Đây được xem là loại thi thành quả học tập, đánh giá theo chuẩn sẽ dựa vào chương trình phổ thông, tính điểm dựa vào một phân bố chuẩn đại diện học sinh cuối bậc phổ thông.
Theo đó, kì thi này cũng khác kì tuyển sinh đại học, cao đẳng ở chỗ: Kì thi là mục tiêu xác nhận trình độ tốt nghiệp phổ thông, nó không nhằm một ngành đào tạo cụ thể nào của trường đại học và được tổ chức nhiều lần trong năm.
Môn thi được thiết kế xin ý kiến ở hai phương án: Thứ nhất, các môn thi đơn gồm: Toán, tiếng Việt, Khoa học tự nhiên (Vật lí, Hóa học, Sinh học), Nhân văn Khoa học xã hội (Văn, Sử, Địa, Chính trị) và Ngoại ngữ (tiếng Anh, Pháp, Nga, Trung).
Mọi thí sinh đều phải thi hai môn đơn Toán và tiếng Việt, và được chọn một trong hai môn tích hợp (hoặc thi cả hai) Khoa học tự nhiên, Nhân văn và Khoa học xã hội.
Mỗi kì thi được tổ chức chỉ trong hai buổi, buổi đầu hai môn Toán và tiếng Việt, buổi hai là các môn Khoa học tự nhiên, Nhân văn, Khoa học xã hội và ngoại ngữ.
Trao đổi thêm về Đề án một kì thi cuối bậc phổ thông, ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT), cho biết bản thân kì thi này nếu dùng đề trắc nghiệm thì làm được, tự luận có vẻ khó hơn. “Xây dựng ngân hàng đề trắc nghiệm có thể làm. Việc thi của ta nếu so sánh vớ nước ngoài thì chưa được nhưng xét trong hoàn cảnh nước ta thì có chuyển biến. Tốt thì chưa tốt lắm nhưng không phải là làm không theo quy trình, và vẫn còn nhiều điều xử lí. Với kì thi cuối bậc phổ thông khó nhất là đối với người ra đề, vì chương trình phổ thông hiện tại có nâng cao và chương trình chuẩn” ông Nghĩa cho biết.
Công nghệ được áp dụng trong kì thi này được thiết kế chủ yếu theo phương pháp trắc nghiệm khách quan, kết hợp một số câu hỏi tự luận ngắn cho các môn có nhu cầu bổ sung.
GS. Thiệp cho biết, việc xác định ngân hàng câu hỏi, thiết kế đề thi, xây dựng các đề thi tương đương được triển khai theo lí thuyết và công nghệ đo lường hiện đại (Lí thuyết ứng đáp câu hỏi).
Công nghệ phát triển ngân hàng câu hỏi, xây dựng đề thi tương đương sẽ có trong đề án chi tiết.
Đề án một kì thi cuối bậc phổ thông này được nhiều chuyên gia đánh giá tốt, tuy nhiên cũng không khỏi nhiều băn khoăn đòi hỏi phải giải quyết dứt điểm nếu muốn áp dụng trong thời gian tới.
Bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước cho biết, nghe qua Đề án này thì hay nhưng bà băn khoăn rằng, học sinh học xong 12 năm thì có gì để đánh giá kết quả?
Vì trình độ dân trí của dân tộc là ở bậc này, và giải quyết vấn để tốt nghiệp THPT như thế nào, tổ chức ra sao? Theo bà Bình, kì thi này có tính chất cao hơn kì thi tốt nghiệp hiện hành, nếu cao quá thì khó làm.
“12 năm phổ thông phải được đánh giá, đánh giá như thế nào? Phương án này hay nhưng làm không phải dễ, ngay chuyện thi trắc nghiệm dân mình còn lúng túng. Phải chăng chỉ thi tốt nghiệp nghiêm chỉnh cũng không phải dễ” bà Bình nhấn mạnh.
Qua trao đổi, GS. Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, cho biết thi phổ thông và đại học phải tách hẳn ra mới giải quyết được các vấn đề. Kì thi phổ thông chỉ là nền móng, còn kì đại học mới làm ra sản phẩm, thậm chí phổ thông chỉ là cái “phôi” cho đại học.
Theo quan điểm của GS. Dong, đã đào tạo, đã đầu tư thì phải có thi, nhưng câu hỏi đặt ra làm thế nào để đánh giá trình độ phổ thông chung nhất mà mỗi người Việt Nam đều có trình độ đó.
GS. Lâm Quang Thiệp cũng giải thích thêm về Đề án này: “Thực ra, kì thi này dựa vào thành quả học tập trong thiết kế đề thi. Thực chất kì này kkhông khác kì thi tốt nghiệp THPT nhưng chất lượng hơn vì dùng công nghệ mới.
Kì thi tốt nghiệp hiện nay không đánh giá hết các môn học THPT, mỗi năm một môn làm cho hệ thống không được ổn định. Kì thi này sẽ linh động hơn, không phải học sinh học hết THPT mới được dự thi, thậm chí học một nửa và không học phổ thông cũng có thể dự thi, chứ không phải cao hơn kì thi tốt nghiệp THPT”.
Được biết, Đề án sau khi thu thập ý kiến hoàn chỉnh, nếu được dư luận đồng tình sẽ trình Chính phủ xem xét và cho ý kiến.
Mục tiêu của Đề án này là nhằm xác nhận trình độ tốt nghiệp phổ thông và cung cấp xét tuyển đại học, cao đẳng, có đảm bảo tính khoa học và khả thi. Vấn đề khi thực hiện kì thi này sẽ có những thách thức và thuận lợi riêng. Thách thức lớn nhất đây là kì thi có tác động lớn tới xã hội, nếu để xảy ra sẽ ảnh hưởng lớn. Đa số nhà giáo chưa thành thạo trong việc viết câu hỏi trắc nghiệm khách quan để đo lường các mục tiêu học tập.