Sau các bài viết phản ánh về vấn nạn dạy thêm, học thêm trực tuyến diễn ra tại các trường ở huyện Đông Anh, Hà Nội mà Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã đăng tải, thu hút được rất nhiều sự quan tâm, chú ý của độc giả và phụ huynh.
Các phụ huynh cũng nêu lên thắc mắc về việc để tình trạng dạy thêm trực tuyến diễn ra tràn lan trên địa bàn thì trách nhiệm quản lý của Hiệu trưởng nhà trường, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đông Anh đến đâu?
Đặc biệt trong bối cảnh học sinh học chính khóa trực tuyến đã rất vất vả, nay còn phải học thêm online. Bởi lẽ, việc học thêm trực tuyến không chỉ gây áp lực học hành cho học sinh, không những thế, khi học thêm trực tuyến bằng các thiết bị điện tử, nếu quá cường độ cho phép thì cũng sẽ dễ gây ra tình trạng cháy, nổ dẫn đến các tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra với học sinh.
Cũng theo các phụ huynh, nếu việc học thêm chỉ diễn ra trong phạm vi của một nhóm nhỏ trong một lớp tại Trường Trung học cơ sở Kim Nỗ như lời của Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Kim Nỗ và lời của lãnh đạo Phòng Giáo dục huyện Đông Anh nhận định thì sự việc sẽ không có gì đáng nói.
Trường Trung học cơ sở Kim Nỗ, Đông Anh nơi để xảy ra việc dạy thêm trực tuyến tại lớp 8A1 và 9A1 được Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải. Ảnh: Trung Dũng |
Tuy nhiên, ngay sau khi Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải bài viết phản ánh tình trạng học thêm trực tuyến ở 1 lớp tại trường Trung học cơ sở Kim Nỗ thì phụ huynh trường này tiếp tục phản ánh dạy thêm ở một lớp khác. Sau đó, nhiều phụ huynh có con học tại Trường Tiểu học Kim Nỗ cũng đã đồng loạt gửi thông tin, tư liệu phản ánh về việc dạy thêm tại lớp 2B của trường này.
Điều này là đáng báo động và minh chứng cho những phản ánh rằng, việc học thêm trực tuyến ở Đông Anh không phải chỉ ở một trường, lớp đơn lẻ mà diễn ra ở nhiều lớp, nhiều trường như phụ huynh phản ánh là có cơ sở.
Đáng chú ý, khi trả lời phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam trong bài viết “Trưởng phòng Giáo dục Đông Anh: cấm tuyệt đối dạy thêm trong bối cảnh dịch COVID”, cô Dương Thị Sáu – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đông Anh khẳng định rằng: “Về sự việc của Trường Trung học cơ sở Kim Nỗ thì Phòng Giáo dục cũng đã được nghe qua báo cáo của trường gửi lên.
Trên cơ sở đó, chúng tôi cũng đã yêu cầu nhà trường kiểm tra, làm rõ tất cả các vấn đề. Trong đó, việc dạy thêm và học thêm chúng tôi đã cấm tuyệt đối rồi, không được dạy thêm, học thêm trong bối cảnh học sinh đang còn phải học trực tuyến như hiện nay”.
Không chỉ có vậy, khi được hỏi về hướng xử lý những sự việc đã xảy ra và phương án xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra các sai phạm đó, cô Sáu cũng đã chia sẻ cùng phóng viên rằng: “Trong ngày 17/10, chúng tôi cũng yêu cầu nhà trường tiến hành kiểm điểm với cô T. và cô H, là giáo viên dạy thêm của lớp 9A1. Đồng thời, chúng tôi cũng làm rõ trách nhiệm, tại sao lại có sự việc như thế và phải kiểm điểm nghiêm túc.
Bên cạnh đó, Phòng Giáo dục cũng đã ra văn bản để tham mưu Ủy ban nhân dân huyện Đông Anh, nhằm chấn chỉnh chung tất cả các trường học trên địa bàn. Trong đó có việc chấn chỉnh dạy thêm học thêm của các trường (nếu có). Kể cả việc đảm bảo an toàn tuyệt đối cho học sinh khi tham gia học trực tuyến. Để tránh xảy ra những tai nạn đáng tiếc như cháy, nổ thiết bị học tập với học sinh khi học trực tuyến giống như một số địa phương mà báo chí đã thông tin.
Ngoài các văn bản yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo trên thì đồng thời chúng tôi cũng chấn chỉnh tất cả các vấn đề liên quan đến việc thu chi của các trường. Hiện tại, huyện cũng chưa có thông báo các khoản thu chi gì với các trường theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội.
Hiện tại thì chúng tôi cũng đang cho rà soát tất cả mọi việc theo những thông tin mà báo chí phản ánh. Còn trong trường hợp nó để lại những vấn đề khác thì chúng tôi phải tiến hành những bước tiếp theo.
Khi đó Phòng Giáo dục cũng cần phải có báo cáo lên Ủy ban nhân dân huyện Đông Anh để xem xét trách nhiệm với các đồng chí trong Ban Giám hiệu. Bước đầu thì chúng tôi cứ cho rà soát, để chấm dứt việc dạy thêm học thêm trên địa bàn.
Với sự việc tại trường Trung học cơ sở Kim Nỗ, ngay sau khi có thông tin và Hiệu trưởng báo cáo lên thì chúng tôi đã cho dừng ngay việc dạy thêm học thêm ở lớp đó. Đồng thời, chúng tôi cũng đang xử lý trong phạm vi của từng lớp để xảy ra sự việc trước đã. Các giáo viên cũng đã phải kiểm điểm trách nhiệm của mình rồi. Khi ổn thỏa, chúng tôi sẽ tính đến các phương án tiếp theo để làm việc với Ban Giám hiệu nhà trường”.
Sau khi sự việc dạy thêm ở cấp 2 Kim Nỗ, thì phụ huynh trường Tiểu học Kim Nỗ cũng gửi thông tin tố con bị “ép” học thêm online. Ảnh: internet |
Tuy nhiên ngay sau trả lời của cô Sáu, phụ huynh Tiểu học Kim Nỗ đã phản ánh đến Tạp chí tình trạng dạy thêm online ở lớp 2B Tiểu học Kim Nỗ.
Tạp chí cũng đã đăng tải trong bài viết: “Đông Anh: Sau cấp 2, giờ đến phụ huynh TH Kim Nỗ tố con bị “ép” học thêm online”.
Sau khi bài viết được đăng tải, phóng viên đã rất nhiều lần liên hệ qua điện thoại và để lại tin nhắn đặt lịch liên hệ công tác về kết quả rà soát việc dạy thêm và xử lý trách nhiệm của người đứng đầu trường học khi để xảy ra sai phạm, nhưng đến nay đều không có phản hồi.
Tính từ thời điểm cô Dương Thị Sáu – Trưởng phòng Giáo dục huyện Đông Anh trả lời phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam rằng, sẽ cho rà soát lại toàn bộ việc dạy thêm, học thêm trên địa bàn (ngày 19/10) đến nay đã hơn 10 ngày.
Trước những bức xúc của phụ huynh về tình trạng dạy thêm online, phóng viên cũng đã liên hệ nhiều lần gọi điện và để lại tin nhắn liên hệ với Giám đốc và Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội nhưng đều chưa nhận được câu trả lời.