Điểm chuẩn ngành "hot" Logistics có thể tăng 1-3 điểm

06/08/2022 06:58
Minh Lý
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Thạc sĩ Nguyễn Thị Xuân Dung: Điểm chuẩn ngành Logistics năm nay có thể tăng, mức chênh lệch so với năm trước dao động trong khoảng 1-3 điểm.

Ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng là ngành nghiên cứu, phát triển và quản trị các dịch vụ vận chuyển trong quá trình sản xuất kinh doanh giúp người học đưa ra những chiến lược thích hợp nhằm phân phối sản phẩm đến tất cả các khách hàng trong nước và trên thế giới một cách nhanh nhất và hiệu quả nhất. Đây cũng là ngành đang thu hút nhiều sinh viên theo học nên điểm chuẩn vào ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng luôn là điều mà nhiều thí sinh quan tâm.

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Nguyễn Quang Trung, Phó Trưởng phòng Quản lý Đào tạo, Trường Đại học Thương mại cho biết, Logistics và quản lý chuỗi cung ứng là ngành mới nên Bộ Giáo dục và Đào tạo căn cứ vào đội ngũ để đưa ra quy định riêng về chỉ tiêu tuyển sinh của ngành.

“Theo xu hướng của thị trường, trong 3 năm trở lại đây nhiều người dành sự quan tâm đến vấn đề logistics vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Chính vì vậy, số lượng thí sinh đăng ký vào ngành nhiều trong khi chỉ tiêu tuyển sinh còn ít dẫn tới độ cạnh tranh lớn, nâng điểm chuẩn lên cao.

Năm ngoái, điểm chuẩn ngành này của Trường Đại học Thương mại là 27.4 điểm, điểm chuẩn năm nay có thể giữ ổn định hoặc tăng nhẹ 0.1 - 0.25 điểm”, Thạc sĩ Nguyễn Quang Trung nói.

Thạc sĩ Nguyễn Quang Trung, Phó Trưởng phòng Quản lý Đào tạo, Trường Đại học Thương mại. Nguồn: website nhà trường

Thạc sĩ Nguyễn Quang Trung, Phó Trưởng phòng Quản lý Đào tạo, Trường Đại học Thương mại. Nguồn: website nhà trường

Phó Trưởng phòng Quản lý Đào tạo, Trường Đại học Thương mại cho rằng, theo phổ điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm nay, điểm thi môn tiếng Anh thấp hơn so với năm ngoái. Do đó, những ngành nào, trường nào các năm trước tuyển nhiều thí sinh bằng tổ hợp khối D01 thì năm nay điểm chuẩn có thể giảm một chút.

“Mặt bằng chung, điểm môn Ngữ văn năm nay cao hơn nhưng mức độ tăng của điểm Văn so với mức giảm của điểm tiếng Anh là chưa đủ bù. Do vậy, theo tôi, điểm chuẩn của tổ hợp D01 sẽ giảm nhẹ.

Riêng đối với ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng của Trường Đại học Thương mại tuyển sinh bằng cả khối A và D nên có thể xảy ra trường hợp năm ngoái các thí sinh xét tuyển bằng khối D nhiều hơn nhưng năm nay số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển bằng khối A sẽ nhỉnh hơn”, Thạc sĩ Nguyễn Quang Trung chia sẻ.

Căn cứ vào thực tế các trường, chỉ tiêu tuyển thẳng và xét tuyển sớm khá nhiều dẫn tới chỉ tiêu xét tuyển bằng phương thức kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông ít đi, vì vậy dù mặt bằng chung điểm thi có giảm đôi chút thì điểm chuẩn vẫn có thể giữ nguyên hoặc thậm chí cao hơn, đặc biệt ở một số ngành "hot".

Bên cạnh đó, Thạc sĩ Nguyễn Quang Trung cũng lưu ý, nhiều trường đại học đã công bố điểm sàn tuy nhiên thí sinh cần phân biệt rõ đây chỉ là điểm để đảm bảo ngưỡng đầu vào của từng trường, điểm chuẩn thực tế có thể cao hơn nhiều đặc biệt với các ngành có sức cạnh tranh lớn như Logistics và quản lý chuỗi cung ứng.

Cùng bàn về vấn đề này, Thạc sĩ Nguyễn Thị Xuân Dung, Phó Trưởng phòng Truyền thông, Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng là một trong những ngành thu hút đông đảo thí sinh trong nhiều năm gần đây tại HUTECH, điểm chuẩn đều thuộc nhóm cao nhất trong gần 60 ngành đào tạo tại trường.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Xuân Dung, Phó Trưởng phòng Truyền thông, Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: NVCC

Thạc sĩ Nguyễn Thị Xuân Dung, Phó Trưởng phòng Truyền thông, Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: NVCC

Chẳng hạn như năm 2021, điểm trúng tuyển của ngành Logistics theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông là 20 điểm (mức điểm chuẩn của trường dao động từ 18-22 điểm), phương thức xét điểm thi đánh giá năng lực là 700 điểm.

Năm 2022, ngoài phương thức xét tuyển điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông chưa có số liệu thống kê (do thí sinh đang trong thời gian đăng ký), đối với các phương thức xét tuyển sớm thì số lượng nguyện vọng vào ngành này khá lớn, luôn đứng “top” đầu trong tất cả các ngành.

Cụ thể, đối với phương thức xét tuyển học bạ có khoảng hơn 700 nguyện vọng đăng ký, đối với phương thức đánh giá năng lực có 301 nguyện vọng. Nhà trường dự kiến dành 150 chỉ tiêu cho ngành này.

Theo Thạc sĩ Nguyễn Thị Xuân Dung, hiện tại chưa kết thúc thời gian đăng ký nguyện vọng nên khó có thể kết luận hay dự đoán chính xác điểm chuẩn, nhưng với phổ điểm thi năm nay cùng với mức độ quan tâm về ngành của thí sinh thì điểm chuẩn ngành Logistics năm nay có thể tăng, mức chênh lệch so với năm trước dao động trong khoảng 1-3 điểm.

Các tổ hợp xét tuyển ngành này tại Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh gồm A00 (Toán, Lý, Hóa), A01 (Toán, Lý, Anh), C01 (Toán, Văn, Lý), D01 (Toán, Văn, Anh). Năm nay, nhìn chung, đề thi và độ khó các môn trong mỗi tổ hợp đều tương đương nhau nên điểm chuẩn từng tổ hợp của trường dự kiến cũng sẽ không quá chênh lệch.

Điểm sàn theo phương thức xét tuyển điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2022 ngành Logistics của trường là 18 điểm. Để lựa chọn ngành này, ngoài điều kiện về điểm xét tuyển, Thạc sĩ Nguyễn Thị Xuân Dung cho rằng: "Thí sinh nên có một số tố chất như tư duy logic và tư duy hệ thống tốt, tinh thần trách nhiệm cao, yêu thích kinh doanh - xuất nhập khẩu, nếu có thêm khả năng tiếng Anh thì càng thuận lợi.

Tất nhiên, không thể đòi hỏi các thí sinh phải có tất cả các tố chất này mà còn cần rèn luyện liên tục trong quá trình học tập. Sinh viên cũng phải cần cù, chịu khó, không ngại di chuyển do yêu cầu học tập thực tế tại doanh nghiệp, cảng hàng không, cảng biển,... đối với ngành này rất cao".

Phó Trưởng phòng Truyền thông, Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh thông tin thêm, sinh viên ngành Logistics có thể làm việc ở các vị trí kinh doanh dịch vụ vận tải (đường biển, đường không...), kinh doanh xuất nhập khẩu, chăm sóc khách hàng... trong các công ty logistics; điều phối dịch vụ logistics, điều phối đơn hàng, điều phối phương tiện vận tải, quản lý kho bãi, quản lý vận chuyển, giám sát đối tác logistics... trong công ty sản xuất, kinh doanh.

Đặc biệt, Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh chú trọng kiến thức chuyên sâu mảng vận tải và ngoại thương, cũng là những mảng có nhu cầu nhân lực đặc biệt lớn hiện nay. Với nhu cầu cung ứng hàng hóa không bao giờ ngừng, mối quan hệ giữa các nước phụ thuộc vào kết nối thương mại toàn cầu, động lực giao thương giúp ngành Logistics luôn đảm bảo được vị thế trong tổng thể phát triển kinh tế của đất nước. Đây cũng là triển vọng cho những sinh viên mong muốn theo học ngành này.

Minh Lý