Điểm tuyển cao ngất, đâu là khác biệt của SV ĐH Ngoại thương với trường top khác

24/02/2022 06:48
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Khả năng "thực chiến" (kĩ năng làm được việc luôn khi ra trường) và kĩ năng nghề nghiệp được nhà trường rèn luyện cho sinh viên trong quá trình học tập.

Năm 2022, Trường Đại học Ngoại thương bắt đầu tuyển sinh chương trình đào tạo 3 ngành mới gồm Marketing số, Chương trình kinh doanh số thuộc ngành Kinh doanh quốc tế (tuyển sinh tại trụ sở chính Hà Nội) và Truyền thông marketing tích hợp (tuyển sinh tại Cơ sở II Thành phố Hồ Chí Minh). Trường Đại học Ngoại thương tiếp tục giữ ổn định 6 phương thức tuyển sinh.

Trường Đại học Ngoại thương được biết đến là một trong những trường "top" đầu, với điểm chuẩn đầu vào khá cao. Tuy nhiên, thí sinh cũng có những băn khoăn về cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp.

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó giáo sư - Tiến sĩ Vũ Thị Hiền, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường Đại học Ngoại thương có chia sẻ xung quanh vấn đề này.

Phó giáo sư - Tiến sĩ Vũ Thị Hiền, Trưởng phòng Quản lý đào tạo Trường Đại học Ngoại thương. (Ảnh: VNN)

Phó giáo sư - Tiến sĩ Vũ Thị Hiền, Trưởng phòng Quản lý đào tạo Trường Đại học Ngoại thương. (Ảnh: VNN)

Chương trình đào tạo của nhà trường có 3 chương trình (tiêu chuẩn, tiên tiến, chất lượng cao và định hướng nghề nghiệp quốc tế). Trong đó, chương trình tiên tiến và chất lượng cao có nhiều điểm được đánh giá khá giống nhau, Tiến sĩ có thể chia sẻ rõ thêm để các thí sinh hiểu rõ?

Phó giáo sư - Tiến sĩ Vũ Thị Hiền: Chương trình tiên tiến là phương thức tổ chức mà nhà trường hợp tác với đối tác nước ngoài để chuyển giao chương trình vào Việt Nam, và có sự hỗ trợ của đối tác trong việc giảng dạy.

Sinh viên khi học chương trình này có điều kiện và cơ hội được cấp 2 bằng là bằng của Trường Đại học Ngoại thương và bằng của đối tác (nếu như sinh viên có thời gian ra nước ngoài học thời gian tối thiểu).

Ví dụ nếu sinh viên muốn lấy thêm bằng của Hoa Kỳ thì phải sẽ sang đó học một năm, còn nếu không chỉ được nhận chứng chỉ cho những học phần tích lũy.

Trong khi đó, đối với chương trình Chất lượng cao thì nhà trường cũng tiệm cận với chương trình tiên tiến (dạy bằng ngoại ngữ), nhưng chỉ được cấp bằng của Trường Đại học Ngoại thương.

Chương trình chất lượng cao được xây dựng trên nền chương trình tiêu chuẩn, và có đầu ra cao hơn cũng như về tính quốc tế hóa. Nó được thể hiện ở một số điểm đặc trưng, như ngôn ngữ giảng dạy trong chương trình chất lượng cao phần lớn theo Thông tư 23, có tỷ lệ các môn được giảng dạy bằng ngoại ngữ.

Đối với chương trình trên được hợp tác với những đối tác quốc tế và lồng ghép chuẩn đầu ra, đảm bảo cho sinh viên có thể làm việc được trong môi trường quốc tế.

Có một số đánh giá cho rằng, ngành Kinh tế đối ngoại, ngành Logictics và Quản lý chuỗi cung ứng định hướng nghề nghiệp quốc tế có tỷ lệ xin việc được việc cao sau khi ra trường Tiến sĩ có thể chia sẻ thêm gì về đánh giá này?

Phó giáo sư - Tiến sĩ Vũ Thị Hiền: Hai ngành trên là ngành có điểm đầu vào cao so với những ngành khác. Đối với ngành Logictics thì thuộc nhóm định hướng nghề nghiệp quốc tế, bởi gắn nó với chứng chỉ quốc tế. Đây là chương trình gắn nội dung chương trình và chuẩn đầu ra hướng về nghề nghiệp cụ thể, và tạo điều kiện cho sinh viên làm việc trong môi trường quốc tế.

Vì vậy khi xây dựng chương trình, nhà trường đã lồng ghép những khối kiến thức nghề nghiệp chuẩn quốc tế vào trong đó. Khi sinh viên tốt nghiệp thì có thể lấy được chứng chỉ quốc tế.

Nếu nói về khả năng tìm kiếm công việc thì hầu hết các ngành ở Ngoại thương đều có thể xin việc làm rất nhanh. Bởi lẽ nhà trường cũng đã dựa trên sự logic khi xây dựng chương trình cũng như đào tạo cho sinh viên.

Khả năng xin việc làm không chỉ đáp ứng được kiến thức một ngành nghề nào đó, mà còn có những yêu cầu khác như khả năng thực chiến (ra trường làm việc luôn) và những kĩ năng nghề nghiệp đòi hỏi, thì Trường Đại học Ngoại thương cũng rèn luyện cho sinh viên trong quá trình học tập tại trường.

Nếu nói Trường Đại học Ngoại thương có điểm đầu vào cao, thì so với các trường khác cũng không phải quá cao, bởi có những trường khác cao hơn.

Điểm quan trọng đối với sinh viên là quá trình học tập 4 năm tại nhà trường, sẽ quyết định xuất phát điểm giống nhau nhưng chuẩn đầu ra, cũng như khả năng tìm kiếm công việc, khả năng khởi nghiệp lại khác nhau.

Theo Tiến sĩ, yếu tố quyết định của trường Đại học Ngoại thương là đào tạo thực chiến cho sinh viên. Đây có phải là điểm khác biệt so với các trường khác?

Phó giáo sư - Tiến sĩ Vũ Thị Hiền: Chuẩn đầu ra được phân định thành 3 nhóm rất là rõ gồm kiến thức, kĩ năng và tự chủ, trách nhiệm. Trong nhiều năm trước đây, chúng ta thường rất chú trọng đến kiến thức, mảng kĩ năng, tự chủ và trách nhiệm cũng được quan tâm nhưng chưa được sát, phù hợp với bối cảnh quốc tế nên hạn chế khả năng tìm kiếm việc làm cũng như khởi nghiệp.

Việc làm không có nghĩa phải đi xin việc, mà còn là tự tạo việc làm cho mình và cho người khác, nó bao gồm cả khả năng tự khởi nghiệp.

Sinh viên Việt Nam khi ra trường thường yếu hơn so với sinh viên nhiều nước phát triển, do vậy mà Trường Đại học Ngoại thương nhận thấy khoảng trống đó nên đã chú trọng nhiều đến kĩ năng, và thái độ chính là tự chủ và trách nhiệm. Nhà trường xây dựng tâm thế vững cho sinh viên khi ra trường, nên khả năng khởi nghiệp của sinh viên rất mạnh.

Từ xưa đến nay, mọi người đều có tư tưởng tốt nghiệp ra trường thành công là đi xin việc, hay doanh nghiệp phải đi tìm mình, tìm người giỏi, điều này đã tạo ra tâm thế không tốt.

Chúng tôi quan điểm là sinh viên khi ra trường không phải là đi xin việc, mà sẵn sàng tham gia vào thị trường nhân lực, và tính chủ động nữa là tự tạo việc làm cho mình với người khác.

Trân trọng cảm ơn Tiến sĩ!

Mạnh Đoàn