Dự đoán điểm chuẩn vào đại học sẽ không biến động nhiều

25/07/2022 06:44
Trần Lý - Hoài Ân
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Theo Trưởng phòng Quản lý Đào tạo của Trường Đại học Ngoại thương, năm nay phổ điểm điểm chuẩn các ngành đào tạo của trường không tăng vì đề có sự phân hóa rõ.

Ngày 24/7, Báo Tuổi Trẻ, Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và đào tạo), Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) phối hợp tổ chức, với sự đồng hành của Tập đoàn Vingroup tổ chức Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2022.

Tại ngày hội, thông tin với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư Vũ Thị Hiền, Trưởng phòng Quản lý Đào tạo, Trường Đại học Ngoại thương chia sẻ, năm nay Bộ Giáo dục và Đào tạo có nhiều điểm mới trong tuyển sinh đại học tuy nhiên Trường Đại học Ngoại thương vẫn giữ ổn định các phương thức tuyển sinh từ những năm trước.

Phó Giáo sư Vũ Thị Hiền (ở giữa), Trưởng phòng Quản lý Đào tạo, Trường Đại học Ngoại thương. Ảnh:N.A

Phó Giáo sư Vũ Thị Hiền (ở giữa), Trưởng phòng Quản lý Đào tạo, Trường Đại học Ngoại thương. Ảnh:N.A

“Điều quan trọng nhất của tuyển sinh là phải phân tích được kết quả học tập của học sinh theo phương thức phù hợp và đối sánh với các phương thức khác thì mới đưa ra kết luận rằng dùng phương thức đó có hợp lý không.

Cách trường Đại học Ngoại thương tìm kiếm những thí sinh không phải dựa trên tiêu chí đi tìm những học sinh giỏi nhất mà là tìm người phù hợp nhất đối với một chuyên ngành đào tạo. Tôi cho rằng, việc lựa chọn đúng người vô cùng quan trọng và đó cũng là phương châm tuyển sinh của nhà trường.

Tôi lấy ví dụ, một chương trình giảng dạy hoàn toàn bằng ngoại ngữ thì nhà trường sẽ sử dụng kết hợp các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế với các thước đo năng lực. Nếu chỉ tuyển chứng chỉ ngoại ngữ để vào các chương trình học bằng ngoại ngữ thì chưa đủ, bên cạnh đó phải kết hợp với các tiêu chí khác như học bạ, điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông, đạt giải quốc gia, giải tỉnh, các thí sinh học hệ chuyên có kết quả tốt ở những môn lựa chọn để xét tuyển”, Phó Giáo sư Vũ Thị Hiền nhấn mạnh.

Theo Trưởng phòng Quản lý Đào tạo của Trường Đại học Ngoại thương, năm nay phổ điểm điểm chuẩn các ngành đào tạo của trường không tăng vì đề có sự phân hóa khá rõ.

Về việc có phải đăng ký nguyện vọng 1 vào trường thí sinh đã được thông báo trúng tuyển tạm thời không, Phó Giáo sư Vũ Thị Hiền cho biết, tới thời điểm này, tất cả danh sách thí sinh "trúng tuyển có điều kiện" (cần điều kiện điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông) theo phương thức xét tuyển của trường đã đẩy lên hệ thống xét tuyển chung. Tuy nhiên, thí sinh chỉ chính thức trúng tuyển vào một nguyện vọng khi đăng ký tất cả các nguyện vọng trên hệ thống của Bộ Giáo dục và Đào tạo, bao gồm cả các nguyện vọng đã được các trường thông báo trúng tuyển tạm thời.

Trước đó, nhà trường có gửi email cho các thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển các phương thức 1, 2, 5, trong quy trình nhà trường đưa ra, có việc yêu cầu thí sinh đăng nhập vào hệ thống xét tuyển trực tuyến của trường để điền đầy đủ thông tin. Dù bước này có tên là “xác nhận nhập học trực tuyến”, nhưng việc này chỉ nhằm hỏi nguyện vọng thí sinh có dùng tiếp kết quả xét tuyển này hay không chứ không phải là yêu cầu thí sinh nhập học hay xác nhận nhập học.

Lý do Trường Đại học Ngoại thương phải thực hiện các yêu cầu đó là vì thời điểm này, nhiều thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển vào trường đã xác định sẽ đi du học hoặc đã đi du học. Việc biết chính xác số lượng thí sinh trong diện này, sẽ giúp nhà trường có phương án điều chỉnh phù hợp. Nếu thí sinh đủ điều trúng tuyển mà không có nhu cầu học nhưng vẫn “giữ chỗ” thì sẽ mất cơ hội của thí sinh khác.

"Những năm sau, nhà trường vẫn giữ ổn định các phương thức xét tuyển trong đó có phương thức tuyển sinh bằng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Vì đây là phương thức có thể rút ngắn được khả năng tiếp cận giáo dục của một số lượng thí sinh nhất định. Điều này cũng nhằm đảm bảo công bằng giữa các thí sinh mọi vùng miền, đặc biệt là các thí sinh thuộc vùng sâu vùng xa khó tiếp cận với các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, hệ chuyên của các trường”, Phó Giáo sư Vũ Thị Hiền nói.

Gian tư vấn của Trường Đại học Ngoại thương tại Ngày hội tư vấn xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2022. Ảnh:N.A

Gian tư vấn của Trường Đại học Ngoại thương tại Ngày hội tư vấn xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2022. Ảnh:N.A

Cũng bàn về vấn đề phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông, trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Thị Cúc Phương, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Nội cho hay, việc phân bố chỉ tiêu các phương thức xét tuyển thuộc về quyền quyết định của Hội đồng tuyển sinh nhà trường. Trường chưa có kế hoạch giảm chỉ tiêu xét tuyển dựa trên điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông vào kỳ tuyển sinh mới.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Cúc Phương thông tin thêm, năm ngoái, ngành Ngôn ngữ Hàn Quốc, Ngôn ngữ Nhật Bản, Ngôn ngữ Anh và Ngôn ngữ Trung Quốc là 4 ngành có điểm chuẩn rất cao. Cô cho rằng, với phổ điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông thì điểm chuẩn của Trường Đại học Hà Nội năm nay có thể bằng hoặc thấp hơn so với năm 2021.

"Chưa bao giờ trường có ngành có điểm chuẩn 30/30 (tương ứng mỗi môn 10 điểm) hoặc vượt trần, kể cả khi tính điểm tiếng Anh nhân hệ số 2, điểm chuẩn cao nhất năm ngoái với ngành Ngôn ngữ Hàn Quốc là 37,55.

Thông thường để đỗ được các ngành ngôn ngữ của Trường Đại học Hà Nội, điểm trung bình của các thí sinh sẽ dao động khoảng 8,2-9,2 điểm/môn.Năm 2022, Trường Đại học Hà Nội giữ ổn định phương thức xét tuyển so với năm 2021 và mở rộng đối tượng thí sinh tham gia phương thức xét tuyển kết hợp theo quy định của nhà trường. Theo đó, thí sinh sẽ có nhiều cơ hội trúng tuyển hơn. Với ngành mà bản thân yêu thích, các em nên mạnh dạn đặt lên nguyện vọng 1", Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Nội cho hay.

Trần Lý - Hoài Ân