Trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất giao thẩm quyền cấp bằng tốt nghiệp trung học phổ thông từ giám đốc sở giáo dục và đào tạo sang hiệu trưởng trường trung học phổ thông.
Đề xuất trên nhận được sự đồng tình từ nhiều lãnh đạo trường trung học phổ thông, vì góp phần nâng cao tính tự chủ và trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục. Đồng thời là một bước đi đúng đắn trong tiến trình thực hiện triệt để phân cấp, phân quyền đối với mô hình chính quyền 2 cấp hiện nay.
Tối ưu hoá quy trình cấp bằng, nâng cao trách nhiệm của hiệu trưởng
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Phan Văn Bình - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Bình Điền (thị xã Hương Trà, thành phố Huế) đánh giá, đề xuất giao nhiệm vụ cấp bằng tốt nghiệp trung học phổ thông cho cơ sở trực tiếp đào tạo là hoàn toàn phù hợp với thực tiễn và mục tiêu phổ cập giáo dục, xu thế quốc tế hiện nay, thể hiện rõ định hướng phân cấp, phân quyền trong hệ thống giáo dục.
Bên cạnh đó, hiệu trưởng trực tiếp cấp bằng tốt nghiệp trung học phổ thông cho học sinh sẽ tạo ra sự thuận tiện hơn trong triển khai công việc và quản lý, đồng thời cũng giảm tải được khối lượng công việc cho sở giáo dục và đào tạo.
Cũng theo thầy Phan Văn Bình, khi được giao nhiệm vụ cấp bằng tốt nghiệp trung học phổ thông, trách nhiệm của hiệu trưởng nhà trường sẽ được nâng lên một cách rõ ràng.
“Hiệu trưởng không chỉ là người điều hành hoạt động giảng dạy, kiểm tra đánh giá mà còn phải trực tiếp chịu trách nhiệm về tính chính xác của hồ sơ, văn bằng trong toàn bộ quy trình công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông cho học sinh.
Đây cũng là yếu tố giúp tăng cường tính tự chủ của nhà trường trong hoạt động chuyên môn, tổ chức và cả khâu đầu ra. Được phân quyền nhiều hơn thì cũng phải gắn với trách nhiệm giải trình cao hơn. Sự thay đổi thẩm quyền này nếu được tổ chức tốt sẽ tạo động lực để các trường nâng cao chất lượng đào tạo và siết chặt quy trình đánh giá kết quả học tập của học sinh”, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Bình Điền nhận định.
Cùng bàn về vấn đề này, thầy Bùi Văn Đường - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Chuyên Hoàng Văn Thụ (phường Thịnh Lang, thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình) cho rằng, hiệu trưởng là người trực tiếp chỉ đạo công tác đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá học sinh tại đơn vị mình và nắm rõ nhất quá trình cũng như kết quả học tập của học sinh. Do đó, việc giao quyền cấp bằng tốt nghiệp cho người đứng đầu nhà trường không chỉ là biểu hiện rõ ràng của phân cấp quản lý giáo dục mà còn là sự ghi nhận đúng vai trò, trách nhiệm của người quản lý trực tiếp.

Theo thầy Bùi Văn Đường chia sẻ: “Giao quyền cấp bằng tốt nghiệp trung học phổ thông cho hiệu trưởng cũng đồng nghĩa với việc khẳng định rõ ràng rằng nhà trường phải chịu trách nhiệm toàn diện với “sản phẩm đầu ra” của đơn vị.
Nếu nhìn theo nguyên tắc “nơi nào đào tạo, nơi đó cấp bằng” thì việc trao quyền cho hiệu trưởng càng trở nên hợp lý trong bối cảnh giáo dục Việt Nam đang thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần tự chủ và tự chịu trách nhiệm.
Đây là cơ chế gắn trách nhiệm với quyền hạn, rất phù hợp với thực tiễn, buộc cơ sở giáo dục phải không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, đánh giá đúng năng lực của học sinh và đảm bảo học sinh đạt được chuẩn đầu ra theo đúng quy định”.
Bên cạnh đó, thầy Đường cho biết thêm, nhà trường luôn duy trì và không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục thông qua một quy trình khép kín, từ khâu tuyển sinh đầu vào nghiêm túc, xây dựng chương trình dạy học linh hoạt, đảm bảo chuẩn đầu ra, cho đến việc bồi dưỡng phẩm chất, năng lực toàn diện cho học sinh. Sự trưởng thành toàn diện của học sinh là một trong những cơ sở quan trọng để nhà trường tự tin khẳng định năng lực và trách nhiệm, nếu được giao thêm nhiệm vụ cấp bằng tốt nghiệp cho các em.
Trước đề xuất quy định hiệu trưởng trường trung học phổ thông sẽ là người trực tiếp cấp bằng tốt nghiệp cho học sinh thay vì giám đốc sở giáo dục và đào tạo như hiện nay, thầy Lê Quốc Huy - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Hoa Lư A (huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình) cũng bày tỏ sự đồng tình và đánh giá đây là một bước đi phù hợp với mô hình chính quyền 2 cấp, tăng tính phân cấp, phân quyền, góp phần tăng cường hiệu quả quản lý giáo dục ở cấp cơ sở.

Theo thầy Huy, nếu dự thảo được thông qua, nhà trường sẽ chủ động hơn rất nhiều trong công việc, đặc biệt là trong khâu hoàn tất các thủ tục sau kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông.
“Từ trước đến nay, việc cấp bằng tốt nghiệp trung học phổ thông vẫn diễn ra bình thường. Khi học sinh đã hoàn thành chương trình học, vượt qua kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, đạt chuẩn đầu ra và có kết quả rõ ràng thì dù bằng do ai cấp cũng chỉ là công nhận kết quả đó, là một bước xác nhận chính thức.
Hiện nay, hiệu trưởng vẫn cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời sau kỳ thi cho học sinh. Nay nếu chính thức giao thêm bước trực tiếp cấp bằng tốt ngiệp trung học phổ thông sẽ rất hợp lý. Bên cạnh đó, theo quy trình hiện tại, giám đốc sở giáo dục và đào tạo phải tiếp nhận toàn bộ số liệu, hồ sơ điểm của từng trường, tổ chức kiểm tra, phê duyệt và cấp bằng, sau đó nhà trường tiếp nhận và phát lại cho học sinh.
Trong thời gian tới, nếu hiệu trưởng được giao nhiệm vụ cấp bằng thì quy trình này sẽ được tối ưu hóa, giảm chi phí và tiết kiệm nguồn nhân lực. Khi đó, nhà trường chỉ cần in ấn bằng tốt nghiệp theo mẫu quy định thống nhất, về phôi bằng thì cần hướng dẫn rõ ràng hơn từ Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Như vậy vừa nhanh gọn, vừa nâng cao trách nhiệm của hiệu trưởng trong việc đảm bảo độ chính xác của hồ sơ, đồng thời tiết kiệm được chi phí cho xã hội”, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Hoa Lư A chia sẻ.

Chuyển giao thẩm quyền phải đi kèm với quy trình thực hiện đồng bộ và cơ chế giám sát chặt chẽ
Bên cạnh sự đồng tình với đề xuất thay đổi thẩm quyền cấp bằng tốt nghiệp trung học phổ thông, lãnh đạo một số cơ sở giáo dục cũng nhấn mạnh rằng đây là một bước chuyển quan trọng, đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng và giám sát chặt chẽ để đảm bảo chất lượng, tính pháp lý và quyền lợi chính đáng của người học.
Theo thầy Phan Văn Bình - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Bình Điền: “Bằng tốt nghiệp trung học phổ thông mang giá trị pháp lý và ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người học, do đó, bên cạnh việc thay đổi thẩm quyền cấp bằng, cần đảm bảo sự giám sát chặt chẽ, quy trình thực hiện đồng bộ và thống nhất trong toàn hệ thống giáo dục.
Để triển khai tốt, hiệu trưởng các trường phải hiểu rõ quy trình, nắm vững cách thức thực hiện và xây dựng phương pháp làm việc thống nhất trong nội bộ nhà trường, đảm bảo tính nghiêm túc, chuẩn xác theo đúng yêu cầu từ cấp trên”.

Chia sẻ quan điểm về nội dung này, thầy Bùi Văn Đường bày tỏ, thay đổi thẩm quyền cấp bằng tốt nghiệp trung học phổ thông cho học sinh không chỉ đơn thuần là một bước cải cách hành chính, mà còn là sự chuyển giao trách nhiệm và niềm tin từ cấp quản lý sang cơ sở giáo dục, nơi trực tiếp tổ chức đào tạo, đánh giá và đồng hành cùng học sinh suốt ba năm học trung học phổ thông.
“Để việc cấp bằng tốt nghiệp được thực hiện nhất quán, minh bạch, khi Luật có hiệu lực thì Bộ Giáo dục và Đào tạo cần ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết, quy định cụ thể về văn bằng, chứng chỉ số và lộ trình cấp, sử dụng văn bằng, chứng chỉ số.
Những quy định này sẽ là căn cứ pháp lý để nhà trường triển khai đúng trách nhiệm được giao và là cơ sở để tạo sự tin tưởng của xã hội vào chất lượng giáo dục tại từng địa phương, từng cơ sở.
Lãnh đạo trường trung học phổ thông cũng cần chủ động tìm hiểu, nắm chắc quy trình, tổ chức bồi dưỡng đội ngũ và xây dựng phương pháp làm việc thống nhất trong nội bộ nhà trường. Việc cấp bằng không thể làm qua loa mà phải thực hiện một cách nghiêm túc, bài bản, đảm bảo tính chuẩn xác, minh bạch, đúng quy định từ cấp trên”, thầy Đường nhấn mạnh.