Ấy chết, sao ông Giám đốc Sở Giáo dục lại nói về mô hình trường học mới như thế?

14/10/2016 07:15
Bài và ảnh: Lê Văn Vỵ
(GDVN) - “Cái cách làm VNEN của ông quả khác người! Người ta thí điểm Tiểu học, ông triển khai cả Trung học Cơ sở và Trung học Phổ thông”.

LTS: Từ khi áp dụng mô hình VNEN cho đến nay, nhiều phụ huynh, học sinh trên địa bàn Hà Tĩnh đã kiến nghị được hủy bỏ chương trình này để cho con theo học chương trình truyền thống.

Điều lạ là không hề thấy lãnh đạo ngành giáo dục tỉnh này lên tiếng chỉ đạo, định hướng. Mãi cho tới gần đây, trong một cuộc trò chuyện với báo chí, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Tĩnh đã khiến dư luận hết sức bức xúc khi trong cách trả lời của ông đã bộc lộ nhận thức về việc triển khai VNEN hóa ra đụng đâu vướng đó.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả!

Nói đến đâu “vướng” luật đến đó

Trao đổi về mô hình trường học mới VNEN, Tiến sĩ Trần Trung Dũng (Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Tĩnh) đã có những phát ngôn gây choáng.

Ông nói: “Tôi nói một chút về vĩ mô, nước ta qua nhiều lần cải cách, đổi mới giáo dục thì đều hướng đến đổi mới về mặt nội dung.

Mỗi lần cải cách đổi mới về mặt nội dung thì đi cùng với đó là mong muốn các nhà giáo đổi mới về phương pháp. Tuy nhiên, đổi mới như thế nào thì không ai nói?”.

Chết! Sao lại chưa ai nói đến đổi mới như thế nào thưa ông?

Sao ông không đọc, không thấm nhuần tinh thần đổi mới giáo dục được thể hiện rất rõ trong Nghị quyết Trung ương khóa VII (1/1993), Nghị quyết trung ương khóa VIII (12/1996) được thể chế hóa trong Luật giáo dục (12/1998) và đặc biệt là Nghị quyết số 29/NQ/TW ngày 4/11/2013 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về “Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục Việt Nam”?

Cái  cách làm VNEN của ông quả khác người!

Người ta thí điểm Tiểu học, ông triển khai  cả Trung học Cơ sở và Trung học Phổ thông. 

Người ta đang thí điểm thì năm học 2016-2017 với liên tục hai công văn 427/ SGD-GDTrH (ngày 09/4/2016) và 636/ SGD-GDTrH (ngày 10/5/2016), ông đã chỉ đạo triển khai đại trà mô hình VNEN ra toàn tỉnh với 100% trường Tiểu học và Trung học Cơ sở  mà bất chấp Nghị định số 115/2010/NĐ-CP “quy định trách nhiệm quản lý Nhà nước về giáo dục”.

Tại khoản 1 điều 6 hướng dẫn: “Trách nhiệm quản lý Nhà nước về giáo dục của Uỷ ban Nhân dân tỉnh”.

Như vậy, muốn triển khai đại trà chương trình VNEN đến 100% cơ sở giáo dục trong toàn tỉnh phải được Hội đồng Nhân dân tỉnh phê duyệt.

Việc ban hành văn bản 427 và 636 của ông là trái với thẩm quyền cho phép, trái với Nghị định Chính phủ.

Ngày 27/07/ 2016, Uỷ ban Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã có thông báo số 230 “Kết luận của Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh tại buổi làm việc với Sở Giáo dục và Đào tạo” đã tạm dừng triển khai đồng loạt mô hình trường học mới VNEN.

Nhưng không hiểu tại sao 3 tháng sau, trả lời phóng viên của báo chí ông lại vòng vo, né tránh, không thấy được khuyết điểm nghiêm trọng này? Chúng tôi choáng vì tư duy giáo dục kiểu ăn đong, “ăn xổi ở thì” như thế!

Bác sĩ chuyên khoa Lê Ngọc Thắng (người mặc blu trắng): “Để học sinh ngồi sai tư thế trong thời gian dài như vậy khả năng gù, vẹo cột sống, loạn thị là điều có thể xẩy ra”.
Bác sĩ chuyên khoa Lê Ngọc Thắng (người mặc blu trắng): “Để học sinh ngồi sai tư thế trong thời gian dài như vậy khả năng gù, vẹo cột sống, loạn thị là điều có thể xẩy ra”.

Ông quả quyết: “Về cơ sở vật chất ta dù giữ nguyên vẫn có thể tổ chức được. Ở đâu có điều kiện khang trang hơn thì sẽ hỗ trợ được tốt hơn. Còn những cái ở đâu chưa có, về sau có điều kiện thì sẽ bổ sung dần”.

Tại sao ông có thể trả lời như vậy trong khi mô hình trường học mới VNEN yêu cầu sự đồng bộ không chỉ về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học và cả đội ngũ cán bộ, giáo viên?

Để triển khai mô hình trường học mới VNEN trong hoàn cảnh không có tiền hỗ trợ của dự án, các cơ sở giáo dục trên địa bàn Hà Tĩnh đã phải “vắt chân lên cổ”, vay nợ để đập bục giảng, chỉnh sửa bàn ghế, mở rộng phòng học, trang trí lớp học, thế mà cán bộ giáo viên cấp dưới không được ông khen mà ông còn chê trách:

Không phải cứ đập bục giảng cưa ngắn bàn hay mua tài liệu mới là thực hiện mô hình trường học mới, vì đó chỉ là những yếu tố hỗ trợ để chúng ta thực hiện tốt hơn. Nhưng để nguyên thì vẫn triển khai được, chúng ta phát triển dần, tiếc là anh em máy móc quá!”.

Thưa ông Tiến sĩ! Ông có biết không đập bục giảng là vì phòng hẹp quá chỉ 36 m2, làm sao đủ diện tích để “kê bàn ngồi theo mâm” và  phải cưa bàn vì bàn học sinh vốn thiết kế ngồi ngang 2 hoặc 5 em một bàn,  bây giờ tổ chức học theo nhóm, không cưa bàn không thể  bố trí được.

Ông có biết ở một số trường ghế ngồi của học sinh đóng cố định vào chân bàn không?  

Không có ghế xoay,  nguy cơ cong vênh cột sống, vẹo cổ, lác mắt là điều không tránh khỏi.

Vậy mà ông không “tiếc” cho tương lai học sinh vẹo cổ lác mắt mà “tiếc là anh em máy móc quá”?

Thưa ông, làm giáo dục phải hướng đến chuẩn mực chứ có phải  gặp chăng hay chớ?

Ngay cả bàn ghế, cơ sở vật chất trường học của học sinh đã có Thông tư  liên tịch số 26/2011/TTL-BGD&ĐT-BKHCN-BYT của ba Bộ: Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Khoa học và Công Nghệ, Bộ y tế về “Hướng dẫn tiêu chuẩn bàn ghế học sinh các trường Tiểu học, trường Trung học Cơ sở, trường Trung học Phổ thông”,  mà sao ông lại phát biểu tùy tiện thế?

Không phải Sách giáo khoa, vậy là cái gì?

Cách ông nói về sách VNEN càng “choáng” hơn. Trong đoạn văn 3 câu mà khi thì ông nói là “công cụ hỗ trợ”, khi thì “sách này bản chất gần như là giáo án trong hồ sơ chuyên môn”, khi thì “tài liệu”, khi thì “tài liệu tham khảo” và ông kết luận:

Công văn Sở Giáo dục và Đào tạo về việc chuẩn bị sách cho năm học mới 2016-2017.
Công văn Sở Giáo dục và Đào tạo về việc chuẩn bị sách cho năm học mới 2016-2017.

“Tài liệu ấy viết trên cơ sở Sách giáo khoa hiện hành nó không phải mới cũng không phải Sách giáo khoa”, thì nó là cái gì?

Ấy chết, sao ông Giám đốc Sở Giáo dục lại nói về mô hình trường học mới như thế? ảnh 3

Phụ huynh bức xúc vì sách VNEN mua về không học, trả lại nhà trường không nhận

Không phải mất công, nếu mang bất cứ cuốn sách VNEN nào thì ngoài bìa sách phía trên cũng in đậm dòng chữ “Dự án mô hình trường học mới Việt Nam”  và giữa sách là  dòng chữ in “sách thử nghiệm”. 

Đã là sách thử nghiệm mục đích để thể nghiệm trong phạm vi hẹp.

Theo tôi được biết, sách thử nghiệm hoặc là phát không cho đối tượng được chọn tham gia thử nghiệm (vì có tiền dự án đến những 2000 tỷ đồng) hoặc nếu bán cũng sẽ được hỗ trợ giá.

Sách thử nghiệm khoa học không có bán ở ngoài  đại lý sách, vậy mà tại Hà Tĩnh “sách thử nghiệm” được bán với giá kinh doanh? Học sinh con em nhân dân lao động muốn có một bộ sách VNEN phải mất vài tạ lúa. 

Sách VNEN được dự án quảng bá “ba trong một”, nghĩa là học sinh dùng để tự học, giáo viên dùng để hướng dẫn  học sinh học và phụ huynh dùng để giúp con hoàn thiện bài học, vậy mà ông Giám đốc lại bảo học VNEN không cần sách?

Sách thử nghiệm học VNEN, môn Tiếng Việt.
Sách thử nghiệm học VNEN, môn Tiếng Việt.

Ông quả quyết: “trong quá trình thực hiện, tôi không ký văn bản chỉ đạo sử dụng tài liệu VNEN”!

Có đấy thưa ông, ông không trực tiếp ký, nhưng trong công văn ký thay Giám đốc là cấp phó của ông, điều này không chỉ anh em trong ngành giáo dục biết mà ngay cả cơ sở kinh doanh sách cũng biết.

Công văn này tôi được một cán bộ ngành phát hành sách cung cấp, đó là công văn số  94GDĐT-GDTH “về việc chuẩn bị sách cho năm học mới 2016-2017”.

Công văn gửi ngày 5/7/2016, đến Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Hà Tĩnh ngày 6/7/2016. Số Công văn đến là 166, sau đó  Phòng Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh đã sao công văn gửi cho các trường Tiểu học trên địa bàn.

Công văn rất sốt sắng với việc tiếp thị phát hành sách. Để tiện bạn đọc theo dõi tôi xin ghi lại nội dung công văn và miễn có lời bình luận thêm:

“Kính gửi: Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thị xã, thành phố.

Sở Giáo dục và Đào tạo đã có công văn số 773/SGD&ĐT-GDTH ngày 1/6/2016 cảnh báo sách in lậu, sách giả trên thị trường.

Sở đề nghị các Phòng Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các trường Tiểu học tư vấn, hướng dẫn cho các bậc phụ huynh không tự ý mua Sách giáo khoa không rõ nguồn gốc để học trước trong hè 2016.

Đối với những trường Tiểu học đã đăng kí mua tài liệu hướng dẫn học mô hình trường học mới Việt Nam theo Công văn số 636/SGDĐT-GDTH ngày 10/05/2016 của Sở Giáo dục và Đào tạo, Công ty Sách - thiết bị trường học Hà Tĩnh và Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam sẽ cung cấp đầy đủ sách đến tận từng trường Tiểu học trong tháng 7/2016.

Vào thời điểm trên, các trường Tiểu học chuẩn bị điều kiện để nhận và bố trí phát hành sách cho học sinh”.

Trong Công văn có ghi  nơi nhận ngoài Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, thị xã, thành phố để thực hiện, còn có địa chỉ Giám đốc và các Phó Giám đốc để báo cáo. 

Lạ là làm sao ông không biết được?

Nhưng điều tôi muốn nói là với việc phát hành sách thử nghiệm rộng rãi này, nhưng người trực tiếp tham gia đã vi phạm Luật giáo dục, vi phạm “Điều lệ trường học”.

32 em học sinh lớp 5A1 trường Tiểu học Thạch Châu (Hà Tĩnh) đã nộp đủ số tiền 822.000đ/ em để mua bộ sách thử nghiệm VNEN và vở.
32 em học sinh lớp 5A1 trường Tiểu học Thạch Châu (Hà Tĩnh) đã nộp đủ số tiền 822.000đ/ em để mua bộ sách thử nghiệm VNEN và vở.

Tại Điều 29, Khoản 3, Luật giáo dục quy định:

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành chương trình giáo dục phổ thông, duyệt Sách giáo khoa để sử dụng chính thức, ổn định, thống nhất trong giảng dạy, học tập ở các cơ sở giáo dục phổ thông, trên cơ sở thẩm định của Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa”.

Và  tại Khoản 1, điều 24 Điều lệ trường trung học  quy định: “Việc giảng dạy và học tập theo chương trình giáo dục do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành”.

Mô hình trường học mới VNEN có quy mô  một chương trình giáo dục với khung chương trình, cách thức tổ chức dạy học, sách thử nghiệm, hình thức đánh giá (hướng dẫn 4669) chưa được Hội đồng quốc gia thẩm định và Bộ trưởng ban hành, cớ sao lại chỉ đạo phát hành rộng rãi tận xuống các cơ sở, từng học sinh thưa ông?

Chúng ta đang xây dựng Nhà nước pháp quyền, điều hành chỉ đạo giáo dục cũng không là ngoại lệ!

Bài viết thể hiện quan điểm, nhận thức, góc nhìn và cách hành văn của riêng tác giả.

Bài và ảnh: Lê Văn Vỵ