LTS: Trong khi dư luận đang xôn xao về việc thí sinh đạt 29, 30 điểm không vào đúng nguyện vọng của mình thì ngành sư phạm lại lấy điểm đầu vào thấp kỷ lục, có trường bị nghi chỉ lấy 12,5 điểm.
Là một giáo viên tâm huyết, cô giáo Phan Tuyết chia sẻ nỗi buồn trước hiện thực "chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm" như hiện nay.
Cô cũng nhấn mạnh việc xây dựng chất lượng đội ngũ nhà giáo là vô cùng quan trọng trong công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Trên thế giới, nghề dạy học vẫn luôn được trân trọng nhất. J.A.Cômen xki đã gọi người giáo viên là người “chuyển giao ngọn đuốc của nền văn minh”, “sợi dây chuyền giữa các thế hệ” và coi chức vụ mà xã hội trao cho người giáo viên là chức vụ quang vinh mà dưới ánh mặt trời này không có chức vụ nào ưu việt cho bằng.
Người giỏi, người tài đã quay lưng với nghề giáo nên các trường sư phạm buộc phải tuyển thí sinh với mức điểm quá thấp. (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn) |
A.Đixtecvec nhận định: “Chính giáo viên là những người gieo hạt giống, không có giáo viên thì thế giới sẽ lùi lại chỗ dã man”.
K.Đ.Usinxki cũng đã khẳng định: “Sự nghiệp dạy học trông bề ngoài thì bình thường, nhưng đó là sự nghiệp vĩ đại nhất của lịch sử loài người” ...
Ở nước ta cũng vậy, nghề dạy học luôn được xem là nghề cao quý trong tất cả nghề cao quý. Nào là “kĩ sư tâm hồn”, “viên kim cương nhân loại”, “người gieo hạt giống vàng của chân lý”…
Thế nhưng thực tế thì sao? Nghề dạy học đang bị nhiều người ghẻ lạnh. Cái câu “chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm” tưởng như đã được gọt bỏ sau bao năm thì nay đang được “hồi sinh” trở lại.
Với mức điểm xét tuyển đại học năm nay đang làm nhiều người sửng sốt khi một số ngành thi ba môn đạt điểm tuyệt đối (30 điểm) vẫn không thể đậu thì ngành sư phạm ở một số trường đại học chỉ tuyển sinh với số điểm lẹt đẹt như bằng điểm sàn thậm chí có trường chỉ xét khoảng 12.5 điểm là đậu.
Người giỏi, người tài đã quay lưng với nghề giáo nên các trường sư phạm buộc phải tuyển thí sinh với mức điểm quá thấp như thế.
Điểm chuẩn của Trường Đại học Sư phạm (Đại học Huế). (Ảnh đăng trên báo Vietnamnet.vn) |
Nếu như nghe ai nói “thầy giỏi mới có trò giỏi” một số người sẽ chạnh buồn vì trong thực tế thầy giỏi vẫn có nhiều trò ngu.
Nhưng chắc chắn thầy ngu không thể nào và không bao giờ có được trò giỏi điều này đã được minh chứng trong thực tế.
Vì sao học sinh quay lưng với nghề giáo?
Những mĩ từ dùng ca ngợi nghề giáo giờ chỉ còn trên lý thuyết mà thực tế và lý thuyết thì cách nhau cả một dặm dài.
Trong thực tế, nghề dạy học hiện nay vẫn đang được xem như nghề “bạc như vôi” vì sự đòi hỏi, kì vọng của xã hội vào thầy cô rất lớn nhưng sự đãi ngộ cho họ lại chẳng đáng là bao.
Cách đây chưa lâu, báo Dân Trí có đăng một trường hợp thầy giáo ở Hà Nội kêu cứu vì không thể có được 40 triệu đồng để chữa bệnh.
Trong khi rất cảm thông với đồng nghiệp nhưng ngành Giáo dục nơi thầy công tác và những đồng nghiệp của thầy ở khắp mọi nơi cũng chẳng thể giúp được nhiều vì họ vẫn còn quá nghèo chẳng biết lấy nguồn kinh phí ở đâu mà giúp.
Ai ở trong nghề mới biết, hai vợ chồng dạy học nếu không dạy thêm lương chỉ đủ cho gia đình họ (khoảng 4 người) sống tằn tiện dưới mức chi tiêu bình thường.
“Chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm” vẫn còn nguyên ý nghĩa! |
Nếu muốn mua một mảnh đất, làm một cái nhà nhỏ để ở, mua một ít trang thiết bị hay phương tiện đi lại hoặc khám chữa bệnh chỉ phải vay ngân hàng.
Nhưng vay rồi hàng tháng phải gồng mình trích tiền lương để trả nợ nên hầu như giáo viên các trường đều là “con nợ” của ngân hàng vì lẽ đó.
Nhớ lại vào năm 1997 trở đi nhờ có chính sách ưu đãi không thu học phí ở các trường sư phạm và giáo viên được hưởng thêm tiền thâm niên, đứng lớp mà lượng thí sinh đăng kí thi vào những trường sư phạm này tăng lên đột biến.
Nhờ thế điểm chuẩn những năm này cũng tăng khá cao. Nhưng chỉ vài năm sau đó, tín hiệu đáng mừng đã không còn nữa, chuyện học sinh giỏi quay lưng với ngành sư phạm lại trở nên phổ biến.
Không tuyển được thí sinh giỏi, dù nỗ lực cách mấy thì các trường sư phạm cũng không thể đào tạo ra được những người thầy giỏi.
Câu chuyện từ thực tế
Cách đây mươi năm, một tỉnh nọ thiếu trầm trọng giáo viên bậc Trung học phổ thông. Sau khi xin được chỉ tiêu mở lớp đào tạo giáo viên phổ thông trung học cho tỉnh.
Năm ấy, nhiều thí sinh đã tham gia thi và đậu với số điểm không thể thấp hơn là 3 môn chỉ đạt tầm 8 đến 11 điểm.
Không ít thí sinh trúng tuyển vào lớp học này mà quá nửa trong đó là học sinh vừa thi rớt vào trường trung cấp và cao đẳng sư phạm của tỉnh.
Sau 4 năm lứa sinh viên này ra trường. Ngày đầu tiên dạy thực tế trên lớp, có học sinh về kể: “Cô con không biết làm toán. Bạn Hùng làm cách khác có kết quả vẫn đúng nhưng cô bảo bạn làm sai”.
Nhiều ngày sau về, các bé lại bàn tán: “Hôm nay trên lớp bạn Dũng hỏi nhiều quá làm thầy lúng túng chẳng biết trả lời ra sao”.
Có em lên án “giải bài tập nhưng cô cứ nhìn từng chữ trong sách giải hoặc giáo án, bạn nào làm khác cách trong ấy, cô cũng nói sai ngay”.
Bồi dưỡng tốt cho đội ngũ giáo viên để thực hiện Chương trình phổ thông mới |
Nhiều đồng nghiệp còn thẳng thừng nói: “Nhìn đề kiểm tra của tổ đưa cho nhưng thầy ấy chẳng biết đề đúng sai chỗ nào?”, người bảo “chẳng bao giờ dám ra một cái đề kiểm tra vì không biết ra thế nào mới đúng”…
Môn Toán, Lý, Hóa đã thế, những môn Giáo dục công dân, Lịch sử, Địa Lý… có thầy cô đi dạy mà chẳng nắm được ngày tháng cuộc Tổng tiến công, ý nghĩa kết quả hay những tấm gương anh hùng trong chiến đấu nếu không nhìn vào sách…
Dạy địa mà cô vẽ cái lược đồ cũng sai lên sai xuống, những câu hỏi “Vì sao? Như thế nào?...” học sinh cũng chẳng có được câu trả lời thuyết phục.
Hay chuyện dạy Ngữ văn có em về kể: “Cô con dạy chán lắm, chỉ cho đọc và trả lời trong sách còn không bao giờ dẫn chứng thêm tư liệu bên ngoài. Học như thế con ở nhà đọc sách cũng được”…
Để có những học sinh giỏi, xuất sắc “sánh ngang các cường quốc năm châu” thì những giáo viên kiểu này làm sao đảm nhiệm nổi trọng trách?
Trở lại câu chuyện đầu vào của các trường sư phạm điểm tuyển sinh quá thấp như hiện nay thì sau 4 năm đào tạo, chúng ta sẽ cho ra lò những giáo viên liệu có đủ đáp ứng với những đòi hỏi mới của ngành Giáo dục hay không?
Chưa nói đến giáo viên sau này được đào tạo đa môn để dạy theo chương trình mới? Câu trả lời chắc chắn sẽ chẳng có được điều đó.
Không có lực lượng kế cận tài giỏi, ngành Giáo dục sẽ thực hiện ra sao trong công cuộc đổi mới của mình?
Chúng ta có thể bỏ ra hàng nghìn tỉ đồng để đổi mới phương pháp dạy học, để thay đổi sách giáo khoa liên tục chỉ sau mươi năm nhưng một điều quan trọng và cốt lõi hơn hết chính là việc chuẩn bị một đội ngũ nhà giáo đủ tâm và đủ tầm lại đang bị bỏ ngỏ.
Đây cũng chính là nút thắt để ngành Giáo dục phải tháo gỡ trước khi nghĩ đến việc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục như hiện nay.
Tài liệu tham khảo:
http://caodangvinhphuc.edu.vn/vi/news/Doi-tac/Vai-tro-cua-nguoi-thay-giao-trong-xa-hoi-hien-dai-14/