Mùa đông, ở trường bán trú, học sinh không còn lạnh

02/01/2020 06:17
Hoàng Thị Thu Hằng
(GDVN) - “Học sinh ở trường bán trú bây giờ sướng rồi! Có vô tuyến để xem, được ăn ở, được học tập. Mùa đông có bình nóng lạnh. Những thứ đấy ở nhà làm gì có".

Mùa đông không lạnh của học sinh trường bán trú vùng cao

Ngôi trường Trung học phổ thông số 1 Bảo Yên (huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai) lấp ló nơi núi đồi trùng điệp, phía trước mặt là dòng sông Chảy uốn khúc quanh co, mặt sông êm đềm, bình lặng…

Ngôi trường thơ mộng này hiện đang là nơi học tập, sinh hoạt của gần 200 học sinh bán trú. 

Chùm ảnh: Học sinh trường Nấm Lư rèn kỷ luật như quân đội
Chùm ảnh: Học sinh trường Nấm Lư rèn kỷ luật như quân đội

Tại trường, các em được thầy cô giáo tổ chức, hướng dẫn thực hiện các nội quy ký túc: từ việc gấp chăn màn, tập thể dục buổi sáng đến việc sắp xếp, thu gọn tư trang và học ôn tập trên lớp vào mỗi tối trong tuần.

Trong tổng số gần 200 học sinh ở bán trú, hầu hết là con em đồng bào dân tộc, đến từ các xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện Bảo Yên. 

Ban đầu, cuộc sống xa nhà không khỏi khiến nhiều em cảm thấy chông chênh, bỡ ngỡ. Biết bao sự lạ lẫm, mới mẻ ở môi trường mới, bạn bè, thầy cô mới. 

Tuy nhiên, bằng  sự nghiêm khắc và tình yêu thương của thầy cô, các em bán trú của nhà trường đã sớm hòa nhập.

Sự nhút nhát, dè dặt ban đầu đã không còn nữa, học sinh trưởng thành hơn, hoạt bát và lanh lợi. Quan trọng hơn cả là các em thực sự có môi trường giáo dục an toàn và hạnh phúc.

Học sinh bán trú ăn ở tại trường, phụ huynh chẳng phải lo (Ảnh:H.H)
Học sinh bán trú ăn ở tại trường, phụ huynh chẳng phải lo (Ảnh:H.H)

Quãng thời gian khi chưa có nhà bán trú, nhiều học sinh phải đạp xe, vượt hàng chục cây số đến trường.  

Thương lắm những học trò mỗi buổi trưa ở lại, chỉ một gói mì tôm, chỉ một chiếc bánh mì qua bữa; thương lắm những học trò với đôi bàn tay cóng đỏ, đôi bàn chân lạnh ngắt mỗi sớm mù sương…

Xa trường hàng chục cây số, buộc các em phải khắc phục khó khăn để đi học. Bất kể những ngày hè oi bức hay những ngày đông giá lạnh học sinh vẫn từng tốp đạp xe ngược dốc đến trường. Lên đến trường, bụng đã đói, chân đã run thì lấy sức đâu mà học.

Xuất phát từ thực tế trên, tỉnh Lào Cai đã triển khai và nhân rộng mô hình trường học bán trú. Điều này nhằm giúp học sinh xa nhà, khó khăn có điều kiện ăn ở, sinh hoạt tại trường. 

Cũng nhờ mô hình trường bán trú, việc quản lý học sinh thuận lợi hơn. Đã lâu rồi không còn những ngày tất bật ngược xuôi gọi học trò đến lớp. Nhờ đó tỉ lệ chuyên cần của trường cấp 3 Bảo Yên (số 1) được duy trì và đảm bảo. 

Học sinh được dạy từ những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống như cách gấp chăn màn sao cho đúng cách (Ảnh:H.H)
Học sinh được dạy từ những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống như cách gấp chăn màn sao cho đúng cách (Ảnh:H.H)

Bên cạnh việc sinh hoạt, học tập và ở tại trường, học sinh còn được tạo mọi điều kiện ăn uống, nâng cao dinh dưỡng với các bếp ăn bán trú. Học sinh đã không còn phải tự túc với những bữa ăn trưa bằng những hộp xôi hay ổ bánh mì mua vội.

Với mô hình bán trú, các em được chăm lo đầy đủ về dinh dưỡng và sức khỏe trong mỗi bữa ăn. Nhà trường luôn cố gắng cải thiện thực đơn đa dạng, phong phú và nâng cao chất lượng dinh dưỡng trong mỗi khẩu phần ăn.

Nhờ đó nhiều em cao lớn, phổng phao trông thấy bởi chế độ ăn uống, sinh hoạt, nghỉ ngơi điều độ, đúng giờ giấc. 

Ngoài ra, các dịch vụ chăm sóc y tế tại chỗ cho học sinh khu ký túc cũng được nhà trường đặc biệt quan tâm. Mùa đông học sinh có nước nóng sinh hoạt - điều mà ở nhà các em không thể có.  

Chia sẻ về điều kiện ăn, ở tại trường bán trú, em Hoàng Thị Ngân tâm sự:

“Ở kí túc, chúng em chủ động về thời gian, tổ chức hoạt động học tập khoa học và hiệu quả hơn rất nhiều, đặc biệt khi thời tiết bất thường, thầy cô luôn nhắc nhở phải giữ ấm, ở đây em được quan tâm chu đáo như ở nhà”.

Dạy con chữ, dạy cách làm người

Theo thông lệ, sau mỗi tiết học buổi chiều,  học sinh lại náo nức với những hoạt động tập thể rộn ràng và sôi động. 

Nhà trường ưu tiên dành một khoảng không gian rộng rãi, thoáng đãng của sân trường để học sinh vui chơi, tập thể dục, thể thao.

Đến trường vùng cao bây giờ, nhiều người sẽ không khỏi bất ngờ khi nhìn thấy những cô cậu học trò người đồng bào dân tộc khiêu vũ,  tập luyện võ thuật...

Biên chế còn chả mấy ai muốn làm, bỏ thì ai đi dạy ở vùng cao nữa?
Biên chế còn chả mấy ai muốn làm, bỏ thì ai đi dạy ở vùng cao nữa?

Ngày 30-10 hàng năm, nhà trường cũng tổ chức lễ hội  hóa trang Halloween cho học sinh.

Những cô cậu học sinh tưng bừng trong các tiết mục hóa trang, được hóa thân thành thành nhiều nhân vật Á- Âu. 

Điều này không chỉ mang đến không khí vui vẻ cho giờ ngoại khóa mà còn thể hiện sự cởi mở trong việc tiếp thu văn hóa của học sinh vùng cao.

Những ngày tháng 12/2019, khu quản lý ký túc đã quyết định phá lệ, thay vào việc bọn trẻ rục rịch lên lớp ôn bài, thầy cô đã mở vô tuyến màn ảnh rộng, để phục vụ niềm háo hức của các em trong trận đấu chung kết bóng đá nam của các chiến binh “Sao vàng” ở kỳ Seagame 30 diễn ra tại Philippines. 

Những pha bóng bứt tốc, những đường chuyền kĩ thuật, những cú đánh đầu hiểm hóc, những pha tạt bóng điệu nghệ của các cầu thủ U22 đã đem lại niềm hân hoan cho các cô cậu học sinh khu ký túc. 

Trên tivi, các cầu thủ đang ăn mừng, ôm nhau thật chặt, và các cổ động viên này cũng vậy, các em cùng chia sẻ niềm vui, hạnh phúc vô bờ trong không gian đầy tình thân và ấm áp. 

Các hoạt động ngoại khóa luôn được nhà trường đầu tư thời gian và công sức (Ảnh:H.H)
Các hoạt động ngoại khóa luôn được nhà trường đầu tư thời gian và công sức (Ảnh:H.H)

Thầy giáo Nguyễn Văn Hưng, Phó Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Nhà trường luôn cố gắng tạo cho học sinh bán trú một không gian có sự kết nối, ấm áp và thân thiện, cần tạo cho các em sự quan tâm, chia sẻ và động viên để các em luôn cảm thấy môi trường giáo dục trong nhà trường an toàn và hạnh phúc”. 

Từ điều này, đội ngũ  giáo viên trực bán trú luôn ý thức được công việc và trách nhiệm của mình. Chủ động, linh hoạt trong việc quan tâm tới đời sống vật chất và tinh thần của các em. 

Các thầy cô trực tối, các thầy cô chủ nhiệm luôn tận tình, ân cần như những người cha, người mẹ. Lo lắng quan tâm khi các em gặp vấn đề vướng mắc; tư vấn, hỗ trợ khi các em gặp khó khăn.

Ngoài ra việc đảm bảo an toàn cho học sinh bán trú cũng được nhà trường đề cao.

Học sinh được dạy con chữ, được dạy cách làm người (Ảnh:H.H)
Học sinh được dạy con chữ, được dạy cách làm người (Ảnh:H.H)

Thầy Diệp Minh Nam, giáo viên trực tiếp phụ trách khu bán trú của học sinh chia sẻ: 

“Nhà trường đẩy mạnh tăng cường kỹ năng đối phó các tình huống bất thường, kĩ năng tự vệ bản thân, kỹ năng giao tiếp... cho học sinh bán trú là vấn đề quan trọng và cần thiết. 

Bởi vậy, từ đầu năm học, hàng loạt nội dung như giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản; chống tảo hôn; hôn nhân cận huyết, lạm dụng tình dục, an toàn giao thông… được thầy trực tiếp đưa vào nội dung giáo dục kỹ năng cho học sinh bán trú. 

Thông qua đó học sinh sẽ tự nâng cao thể chất, kỹ năng sống cần thiết cho mình”.

Mỗi tối trong tuần, theo quy định, các em bán trú học tập trung từ 19h30 đến 21h30. Đây là khoảng thời gian để các em thực hiện các nội dung bài tập các thầy cô giao về nhà, chuẩn bị soạn bài vở cho buổi sau trên lớp. 

Để tạo cho các em nền tảng kiến thức vững chắc, không gian học tập hiệu quả, các phòng học luôn được mở mỗi tối, mỗi lớp biên chế tầm 30 học sinh, các em được ôn bài, được thầy cô hướng dẫn học và giải đáp thắc mắc cho từng bài tập khó. 

Các em được các bạn trong câu lạc bộ Toán, Tiếng Anh và các môn văn hóa khác chia sẻ phương pháp học tập. 

Với sự chuyên cần, tự giác, nhiều học sinh bán trú là những cá nhân tiêu biểu xuất sắc trong đội tuyển học sinh giỏi cấp tỉnh của trường. 

Nhiều học sinh tích cực tham gia các hoạt động, là hạt nhân của các phong trào của lớp, nhiều cán bộ lớp gương mẫu, tích cực cũng đều là những học sinh ở khu bán trú.

Phụ huynh thường nói: Học sinh bây giờ đi học sướng hơn so với ở nhà (Ảnh:H.H)
Phụ huynh thường nói: Học sinh bây giờ đi học sướng hơn so với ở nhà (Ảnh:H.H)

Sự thành công của mô hình bán trú không chỉ giúp học sinh phát triển toàn diện mà phụ huynh cũng hoàn toàn yên tâm gửi con cho nhà trường.

Anh Tráng A Pao phụ huynh em Tráng A Tình vui vẻ nói: 

“Với mô hình bán trú tại trường, tôi không lo con thiếu, con đói. Tôi thật sự yên tâm được gửi gắm con mình học tập và sinh hoạt tại đây.

Học sinh ở trường bán trú bây giờ sướng rồi! Có vô tuyến để xem, được ăn ở, được học tập. Mùa đông có bình nóng lạnh. Ở nhà làm gì có.

Phụ huynh cũng muốn gửi lời cảm ơn các thầy cô, cảm ơn Đảng và Nhà nước đã quan tâm tới con em dân tộc ở vùng khó khăn chúng tôi...”

Có thế thấy, mô hình trường học bán trú thực sự là nơi gửi gắm con em của nhiều phụ huynh vùng khó khăn, giúp các bậc làm cha mẹ yên tâm tuyệt đối vì một môi trường giáo dục lành mạnh và an toàn.

Hoàng Thị Thu Hằng