Vụ trưởng Thành, GS Thuyết dẫn công văn 5512 "đá" 108 tổ hợp xuống các trường?

27/03/2022 07:08
Cao Nguyên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Tôi không đồng ý nhiều nội dung mà Vụ trưởng Nguyễn Xuân Thành và Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết chia sẻ với truyền thông về Chương trình mới bậc trung học phổ thông.

Liên quan đến môn học tự chọn lớp 10 năm học 2022-2023, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có nhiều bài viết phân tích về sự bất cập trong việc triển khai Chương trình mới.

Có thể liệt kê một số bài viết nhận được nhiều sự quan tâm của bạn đọc như: Chương trình mới 'đẻ' ra 108 nhóm môn, nguy cơ 'vỡ trận' nhãn tiền ngày 23/3; Lo thiếu giáo viên Nghệ thuật, làm chương trình kiểu 'sinh con rồi mới sinh cha' ngày 24/3;

Vụ trưởng Thành cho thấy Bộ Giáo dục lúng túng, bị động triển khai CT2018 ngày 25/3; Bộ Giáo dục và GS. Thuyết không lường hết sự phức tạp, hậu quả của 108 tổ hợp ngày 26/3.

Nhận thấy việc lựa chọn tổ hợp môn đối với học sinh lớp 10 cần bàn bạc một cách thấu đáo nhằm tìm ra giải pháp tháo gỡ những bất cập, vướng mắc khi các nhà trường triển khai Chương trình mới vào năm học tới, tôi xin có thêm đôi điều trao đổi với Phó Vụ trưởng Nguyễn Xuân Thành (Vụ Giáo dục Trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo) và Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết (Tổng Chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông 2018).

Việc triển khai Chương trình mới bậc trung học phổ thông còn nhiều bất cập. (Ảnh minh họa: Dương Hà/giaoduc.net)

Việc triển khai Chương trình mới bậc trung học phổ thông còn nhiều bất cập. (Ảnh minh họa: Dương Hà/giaoduc.net)

Thứ nhất, ngày 25/3/2022, trả lời phỏng vấn Tuổi trẻ, các nhà trường sẽ phải làm gì khi có tới hàng chục, thậm chí là hơn trăm tổ hợp môn học mà học sinh có thể có nhu cầu học, ông Nguyễn Xuân Thành cho biết:

"Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT đã quy định các trường có thể xây dựng các tổ hợp môn học từ 3 nhóm môn học và chuyên đề học tập để vừa đáp ứng nhu cầu của người học vừa bảo đảm phù hợp với điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của nhà trường." [1]

Còn Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết thì viện dẫn, "từ cuối năm 2020 Bộ Giáo dục đã có Công văn 5512/BGDĐT hướng dẫn thực hiện chương trình, trong đó có việc xây dựng kế hoạch giáo dục". [2]

Được biết, Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH có nội dung, "nhà trường xây dựng một số tổ hợp gồm 5 môn học được chọn từ 3 nhóm môn học lựa chọn trong chương trình và xây dựng một số tổ hợp 3 cụm chuyên đề của 3 môn học để vừa đáp ứng nhu cầu của học sinh vừa bảo đảm phù hợp với điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của nhà trường". [3]

Trong khi đó, yêu cầu cần đạt về phẩm chất chủ yếu của học sinh bậc trung học phổ thông theo Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT là: yêu nước; nhân ái; chăm chỉ; trung thực; trách nhiệm. Cùng với đó là yêu cầu cần đạt về năng lực chung của học sinh: năng lực tự chủ và tự học; năng lực giao tiếp và hợp tác; năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo. [4]

Vậy, tôi xin hỏi Vụ trưởng Thành và Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT và Công văn 5512/BGDĐT quy định các trường có thể xây dựng các tổ hợp môn học từ 3 nhóm môn học và chuyên đề học tập (chứ không phải 108 nhóm môn) thì làm sao có thể đáp ứng nhu cầu của người học để phát triển hàng loạt phẩm chất, năng lực?

Bởi, muốn phát triển các phẩm chất (yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm) và năng lực (gồm 20 năng lực con: tự lực; tự khẳng định và bảo vệ quyền, nhu cầu chính đáng; tự điều chỉnh tình cảm, thái độ, hành vi của mình; thích ứng với cuộc sống...) của học sinh như yêu cầu của chương trình thì nhà trường phải xây dựng đủ 108 nhóm môn - không được bỏ nhóm nào mới thỏa đáng.

Thứ hai, ông Thành nói thêm, từ năm 2020, Bộ Giáo dục đã ban hành nhiều văn bản pháp lý, đồng thời tổ chức tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên, theo Tuổi trẻ.

Còn nhớ, cuối tháng 8/2021 khi nhiều địa phương phản ánh về việc thiếu giáo viên dạy theo chương trình mới, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn mới nêu giải pháp "sẽ có kế hoạch làm việc với hệ thống trường đại học sư phạm để trao đổi về nội dung tập huấn, bồi dưỡng giáo viên và phát triển ngành nghề đào tạo thuộc nhóm sư phạm." [5]

Và thời điểm hiện tại, Thành phố Hồ Chí Minh cũng chẳng có trường trung học phổ thông nào (ngoại trừ số ít trường tư thục) thực hiện hợp đồng, biên chế với giáo viên các môn: Nội dung giáo dục địa phương, Hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp; Nghệ thuật (Âm nhạc, Mỹ thuật).

Vậy thì làm gì có chuyện tập huấn cho giáo viên - kể cả thầy cô dự kiến được phân công dạy lớp 10 năm học tới ở Thành phố Hồ Chí Minh cũng chỉ mới bắt đầu lựa chọn các bộ sách, chưa có kế hoạch tập huấn gì cả.

Và tôi cũng không hiểu vì sao đội ngũ biên soạn chương trình gọi là môn Nội dung giáo dục địa phương, Hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp vì "nội dung", "hoạt động", "hướng nghiệp" thì khác với "môn".

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết còn thanh minh, Bộ Giáo dục cũng đã tổ chức tập huấn giáo viên và cán bộ quản lý về xây dựng kế hoạch giáo dục (module 4). Một số sở giáo dục cũng đã có công văn hướng dẫn rất cụ thể, rõ ràng.

“Cho nên, nếu các trường đã nghiên cứu kĩ công văn của Bộ Giáo dục, của Sở Giáo dục và chuẩn bị sẵn sàng từ trước thì sẽ không lúng túng", theo VietNamNet.

Cá nhân người viết đã tập huấn xong module 4 (trung học phổ thông) và nhận thấy, cốt lõi của module này là khái quát về xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường; hướng dẫn xây dựng được kế hoạch giáo dục của tổ chuyên môn (gồm kế hoạch dạy học môn học và kế hoạch tổ chức các hoạt động giáo dục).

Chỉ việc thay tên gọi "giáo án" bằng "kế hoạch bài dạy", module 4 làm cho giáo viên càng nhức đầu thêm, việc học cũng chẳng được tích sự gì, bởi giáo viên bậc phổ thông bồi dưỡng module 4 phải nộp 3 sản phẩm theo mẫu phụ lục 1, 2, 4 – Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH, khiến công việc thầy cô quá tải.

Bài viết "Chương trình lớp 10 mới: hơn 100 tổ hợp môn học?" đăng trên Báo Tuổi trẻ ngày 22/3/2022 dẫn lời nhiều hiệu trưởng trên cả nước cho biết, các trường học đang gặp khó khăn khi triển khai Chương trình mới ở lớp 10 - cũng là minh chứng không thể chối cãi. [6]

Thứ ba, trường hợp học sinh ở lớp 10 chọn một tổ hợp môn học, đến lớp 11 lại có nguyện vọng thay đổi thì giải quyết như thế nào, ông Thuyết gợi ý, "nhà trường bảo lưu kết quả học tập của học sinh ở lớp 10 để được lên lớp, nếu đủ điều kiện. Nhưng để có đủ kiến thức, kĩ năng theo học các môn học ở tổ hợp mới, dĩ nhiên, học sinh đó phải học lại chuyên đề của môn học mới ở lớp 10”.

Chuyện cho học sinh bảo lưu kết quả là đương nhiên nhưng bắt các em phải học lại chuyên đề của môn học mới ở lớp 10 là thiếu khả thi. Ai sẽ chịu trách nhiệm giảng dạy, đánh giá cho học sinh? Học sinh học vào thời gian nào? Học sinh chỉ học chuyên đề thì có đảm bảo kiến thức để theo học lớp cao hơn hay không?

Ngoài ra, việc học sinh xin chuyển trường đến trường mới không có tổ hợp môn đã học ở trường cũ thì xử lí thế nào? Không còn cách nào khác, lúc này hiệu trưởng phải từ chối, khổ nhất vẫn là học sinh từ tỉnh này đến tỉnh kia học.

Xem ra Làm gì có chuyện Bộ Giáo dục lúng túng khi triển khai chương trình 2018 - nếu chỉ viện dẫn bằng văn bản mà không nhìn vào thực tế ở cơ sở, làm sao thỏa đáng?

Tài liệu tham khảo:

[1] //tuoitre.vn/hon-100-to-hop-mon-hoc-lop-10-hoc-sinh-chon-nha-truong-tu-van-20220324212754757.htm

[3] //thuvienphapluat.vn/cong-van/Giao-duc/Cong-van-5512-BGDDT-GDTrH-2020-xay-dung-va-to-chuc-thuc-hien-ke-hoach-giao-duc-cua-nha-truong-462988.aspx

[2] //vietnamnet.vn/vn/giao-duc/tong-chu-bien-noi-ve-gan-100-to-hop-tu-chon-trong-chuong-trinh-lop-10-moi-825508.html

[4] //luatvietnam.vn/giao-duc/thong-tu-32-2018-tt-bgddt-ban-hanh-chuong-trinh-giao-duc-pho-thong-moi-169745-d1.html

[5] //vnexpress.net/thach-thuc-voi-truong-hoc-khi-chuong-trinh-lop-10-thay-doi-4441679.html

[6] //tuoitre.vn/chuong-trinh-lop-10-moi-hon-100-to-hop-mon-hoc-20220321223525663.htm?fbclid=IwAR3t93O1NaifIuemnNPHaobjJQ1N_j5fFnHGXuoCvGiRSxvhrqGiGRpKsGw

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Cao Nguyên