Từ khi thực hiện Chương trình 2018, đặc biệt là sau khi ngành giáo dục có chủ trương thực hiện soạn giảng theo phụ lục của công văn 5512, trên mạng xã hội xuất hiện “chợ giáo án 5512”.
Chợ giáo án 5512, ai bán và ai mua?
Chẳng cần giải thích nhiều, chúng ta có thể thấy “chợ giáo án 5512” chỉ dành cho ngành giáo dục, giáo viên mua và cũng chính giáo viên khác bán.
Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có những bài viết phản ánh thực tế khi ngành giáo dục triển khai công văn 5512, từ ý kiến của những giáo viên đang trực tiếp giảng dạy: “Chừng nào Bộ chưa bỏ Công văn 5512, chừng đó giáo viên vẫn còn mệt mỏi”, “1 tiết dạy phải soạn 15 trang, chợ giáo án 5512 tấp nập mua bán trên mạng”;
“Thưa Bộ trưởng Sơn, các mẫu giáo án, kế hoạch 5512 là hình thức cần bỏ hẳn”; “Bên trong những cái chợ giáo án 5512 đã bắt đầu có những cai thầu, đầu nậu”; “Tiền mua, tiền in giáo án mẫu 5512 đang làm giáo viên nghèo đi”…
Trước những phản ứng trái chiều của dư luận, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Công văn số 2613/BGDĐT-GDTrH.
Những tưởng “Công văn số 2613/BGDĐT-GDTrH như cơn mưa xóa tan "nắng hạn" mẫu giáo án 5512”, nhưng thực tế không phải vậy.
Khi triển khai bồi dưỡng chương trình mới trên ETEP, kế hoạch năm học của các cơ sở giáo dục, giáo án (kế hoạch bài dạy) … vẫn bắt buộc theo mẫu trong phụ lục của công văn 5512.
Vì thế “Giáo viên phải "sống chung" với Công văn 5512?”, theo người viết công văn 5512 vẫn là "nguồn sống nuôi dưỡng” “chợ giáo án 5512” trên mạng xã hội.
Lớp 7, lớp 10 chưa học mà “chợ giáo án 5512” đã rộn ràng trên mạng xã hội
Còn khoảng 3 tháng nữa mới vào năm học mới, phần lớn các địa phương đã phê duyệt sách giáo khoa lớp 3, lớp 7, lớp 10 cho năm học 2022-2023.
Học sinh chưa đi học, nhà trường chưa phân công chuyên môn, thế nhưng “chợ giáo án 5512 lớp 7, lớp 10” đã rộn ràng trên mạng xã hội.
Giáo viên trung học cơ sở đã thực hiện chương trình mới lớp 6, nên có nhiều kinh nghiệm hơn trong việc “bán hàng online” trên “chợ giáo án 5512”.
Theo tìm hiểu ở "chợ" này, mỗi bộ môn có giáo viên làm “đầu nậu”, tổ chức thành nhóm soạn giáo án (kế hoạch bài dạy) theo bộ môn, theo mỗi bộ sách giáo khoa, các thành viên giao dịch trên Zalo.
Thành viên của nhóm được nhận trọn bộ giáo án miễn phí, sau khi chuyển cho “đầu nậu” bài mình được phân công soạn, “đầu nậu” sẽ bán sản phẩm trên “chợ giáo án 5512”.
Những thành viên tham gia soạn thảo giáo án (kế hoạch bài dạy) lại tiếp tục “bán”, nên “thị trường” bán giáo án cũng sôi động, cạnh tranh nhau, có giáo viên mua bộ 800.000 đồng/bộ, nhưng cũng có người chỉ mua 100.000 đồng/bộ.
Ảnh chụp màn hình quảng cáo bán giáo án Lịch sử - Địa lý lớp 7 trên mạng xã hội do tác giả cung cấp |
Bậc Trung học phổ thông năm học 2022-2023 mới bắt đầu thực hiện chương trình mới ở lớp 10, vẫn còn đó vấn đề môn Lịch sử, bắt buộc hay tự chọn, thế nhưng “chợ giáo án 5512 lớp 10” hoạt động rộn ràng không kém “chợ giáo án 5512 lớp 7”.
Ảnh chụp màn hình quảng cáo bán giáo án Vật lý lớp 10 trên mạng xã hội do tác giả cung cấp |
Người viết trong vai giáo viên cần mua giáo án môn Vật lý lớp 10, đã liên hệ với “đầu nậu” theo Zalo trên quảng cáo, được người bán cho biết giá 1.200.000 đồng/bộ bao gồm cả kế hoạch bộ môn, 800.000 đồng/bộ riêng giáo án, nếu đăng ký, chuyển tiền ngay hôm nay, giá bán còn 500.000 đồng/bộ.
Thật buồn, khi công văn 5512 vô hình trung đã “đẻ” ra “chợ giáo án 5512” vô cùng xấu xí, càng buồn hơn, khi những thầy cô giáo mua, bán giáo án, đang "bán đi tư cách người thầy".
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã có bài diễn văn xúc động, tại Lễ bế giảng và trao bằng cử nhân năm 2022.
“…Chúng ta đang ở giữa yêu cầu của thời đại, đất nước, giữa đòi hỏi của phụ huynh, mong muốn của học sinh, suy cho cùng để làm tốt bổn phận của nhà giáo không hề dễ chút nào.
Giáo viên không thể dạy học sinh can đảm và trung thực khi chính mình không dám đối diện với sự thật.
Bằng nhiều cách khác nhau, các em giúp trẻ nói thật, dám nói thật, dù đó là lỗi lầm, là sai trái, chỉ dám nói thật thì người ta mới dám nhận lỗi và sửa lỗi, để rồi các trẻ đó sẽ trở thành người dám bảo vệ sự thật”.
Những thầy cô mua, bán giáo án trên mạng xã hội, sự thật là chưa làm tốt bổn phận của nhà giáo, cho dù “Soạn và dạy học theo giáo án 5512, nhiều học sinh chẳng biết gì”.
Thầy cô không dám nói thật, không dám đối diện với sự thật, mua giáo án 5512 về chỉ để làm đẹp hồ sơ, để đối phó, vậy làm sao dạy học sinh đây?
Làm sao để “giúp trẻ nói thật, dám nói thật, dù đó là lỗi lầm, là sai trái, chỉ dám nói thật thì người ta mới dám nhận lỗi và sửa lỗi, để rồi các trẻ đó sẽ trở thành người dám bảo vệ sự thật”?
Công văn số 2613/BGDĐT-GDTrH đã nêu rõ “Các phụ lục kèm theo Công văn 5512 được sử dụng để tham khảo trong việc xây dựng kế hoạch dạy học các môn học, kế hoạch tổ chức các hoạt động giáo dục, kế hoạch giáo dục của giáo viên, kế hoạch bài dạy (giáo án)", điều này chỉ rõ, giáo viên không bắt buộc phải soạn giáo án theo 5512!
Các thầy cô giáo không nên tiếp tay duy trì “chợ giáo án 5512”, hãy soạn giảng theo cách riêng của của mình, mình cho là đúng nhất, làm sao bài giảng "chạm" được trái tim học sinh, phát huy, bồi dưỡng được phẩm chất và năng lực của học trò.
Nếu cán bộ quản lý kiểm tra hồ sơ giáo án, bắt bẻ tại sao không theo mẫu 5512, thầy cô hãy dũng cảm thực hiện, dám nói thật, dám đối diện với sự thật “Soạn và dạy học theo giáo án 5512, nhiều học sinh chẳng biết gì”.
Thầy cô hãy là người dám bảo vệ sự thật, nói với cán bộ quản lý rằng “Công văn số 2613/BGDĐT-GDTrH đã nêu rõ “Các phụ lục kèm theo Công văn 5512 được sử dụng để tham khảo”, người viết tin rằng, thầy cô vừa làm tấm gương mẫu mực cho cán bộ quản lý.
Tài liệu tham khảo:
- Công văn số 5512, 2613/BGDĐT-GDTrH.
- https://vov.vn/emagazine/soi-dong-cho-giao-an-truoc-nam-hoc-moi-881320.vov
- https://laodong.vn/giao-duc/soi-dong-cho-giao-an-theo-cong-van-5512-cua-bo-gddt-922258.ldo.
- https://laodong.vn/giao-duc/soi-dong-cho-giao-an-giao-vien-di-mua-giao-an-la-hinh-anh-xau-xi-923819.ldo
- https://www.nguoiduatin.vn/giat-minh-cho-mua-giao-an-online-ho-da-ban-tu-cach-nguoi-thay-a474865.html
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.