Thông tin Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị Quốc hội ban hành nghị quyết tháo gỡ, cho phép tuyển dụng các giáo viên tốt nghiệp cao đẳng với điều kiện sẽ tự bồi dưỡng để đạt chuẩn đến năm 2030 không chỉ thu hút nhiều quan tâm của các giáo viên, nhà quản lý giáo dục mà còn nhận được một số ý kiến từ cơ sở đào tạo cao đẳng sư phạm.
Bàn đến vấn đề này, Thạc sĩ Đào Ngọc Anh, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Vĩnh Phúc chia sẻ, nghị quyết cho phép tuyển dụng các giáo viên tốt nghiệp cao đẳng nếu được ban hành thì về cơ bản sẽ tạo ra một làn sóng thay đổi theo chiều hướng tích cực.
Giáo viên trình độ cao đẳng đáp ứng được yêu cầu dạy cấp tiểu học
Thạc sĩ Đào Ngọc Anh, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Vĩnh Phúc. (Ảnh: website Nhà trường). |
Thạc sĩ Đào Ngọc Anh chỉ ra những thuận lợi, đồng thời phân tích và đưa ra một số lưu ý để quá trình thực hiện không bị vướng mắc (trong trường hợp nghị quyết cho phép tuyển dụng giáo viên cao đẳng được ban hành).
Thứ nhất, sinh viên sư phạm hệ cao đẳng sớm có việc làm.
Về vấn đề này, thầy Đào Ngọc Anh cho rằng, trước khi có Luật Giáo dục 2019, những giáo viên có trình độ cao đẳng đang công tác tại các cơ sở giáo dục từ tiểu học trở lên, những sinh viên đang học ngành sư phạm hệ cao đẳng, hoặc đã tốt nghiệp nhưng chưa đi dạy thì đều phải thực hiện nâng chuẩn trình độ lên bậc đại học.
Song, với những đối tượng chưa đi dạy và chuẩn bị ra trường sẽ khó được tuyển dụng vì chưa đạt yêu cầu bằng cấp (theo quy định giáo viên từ cấp tiểu học phải đạt trình độ đại học).
“Do vậy, nếu những đối tượng giáo viên cao đẳng được tuyển dụng thì các em sẽ được đi dạy, có đồng lương ngay. Với nguồn thu nhập này, giáo viên có thể chi trả kinh phí đào tạo khi học lên, hoàn thành chuẩn trình độ đại học được nhanh hơn”, thầy Anh cho biết.
Thứ hai, tạo hiệu quả học đi đôi với hành.
Quá trình học tập luôn được xác định với phương châm là xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời. Sinh viên tốt nghiệp cao đẳng không phải là "xếp bút nghiên", ngừng học, mà các em hoàn toàn có thể học lên với trình độ cao, sâu hơn vào một thời điểm nhất định để đáp ứng điều kiện, yêu cầu giảng dạy.
“Khi sinh viên sư phạm có bằng tốt nghiệp cao đẳng được tuyển dụng thì các giáo viên sẽ được cọ xát, có tính thực tiễn với chương trình giáo dục phổ thông, từ đó cũng giúp cho quá trình học liên thông lên đại học được thuận lợi hơn.
Thực tế, trước đây, không phải gia đình nào cũng mạnh về kinh tế để cho con đi học đại học, khi đó, họ sẽ chọn học tại các trường cao đẳng với lộ trình "truyền thống" đó là sau khi tốt nghiệp, các em đi làm một thời gian rồi có thu nhập thì sẽ lại tiếp tục sự nghiệp học lên cao, củng cố bằng cấp.
Do vậy, nếu nghị quyết cho phép tuyển dụng giáo viên trình độ cao đẳng được ban hành sẽ tạo thuận lợi cho các em này sớm được đi dạy theo “nợ chuẩn”, các em vừa có kỹ năng thực hành nghiệp vụ sư phạm, vừa có thu nhập ổn định để đẩy nhanh quá trình học bồi dưỡng về sau”, thầy Anh chia sẻ.
Thứ ba, giáo viên trình độ cao đẳng đáp ứng được yêu cầu dạy cấp tiểu học.
Dưới góc độ cơ sở đào tạo, thầy Anh cho rằng, dù ở bất cứ chương trình đào tạo thuộc trình độ nào, thì mỗi trình độ đều có một chuẩn đầu ra được quy định để đánh giá năng lực người học.
Đối với bậc tiểu học, người học tốt nghiệp trình độ cao đẳng sư phạm hoàn toàn đáp ứng đủ điều kiện, yêu cầu dạy học. Điều này cũng đã được chứng minh rất rõ vào thời điểm trước khi Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực từ ngày 01/7/2020, những giáo viên trình độ cao đẳng vẫn được tuyển dụng và tham gia dạy học, không có vấn đề gì.
“Vấn đề còn đang băn khoăn đó là việc thay đổi trình độ giáo viên dạy cấp tiểu học. Về mặt chính sách, giáo viên tiểu học phải đạt trình độ đại học trở lên. Luật đã quy định thì nghiễm nhiên đối tượng phải thực hiện. Song, điều kiện này còn chưa sát với tình tình thực tiễn hiện nay khi nguồn cung giáo viên trình độ đại học ở các địa phương không đủ để tuyển dụng, trong khi nhiều giáo viên trình độ cao đẳng lại chưa được đi dạy do không có bằng đại học”, thầy Anh cho biết.
Giáo viên nếu tự bồi dưỡng phải học theo số tín chỉ
Bàn về yêu cầu "tự bồi dưỡng để đạt chuẩn trình độ đối với giáo viên tốt nghiệp cao đẳng", Thạc sĩ Anh cho rằng, cần quy định rõ giáo viên cao đẳng “tự bồi dưỡng” có nghĩa là giáo viên tự học, thiếu chỗ nào từ học chỗ đó, hay tự bỏ kinh phí ra để đi học.
Nếu là tự học, tự bồi dưỡng thì giáo viên cần bồi dưỡng những gì? Đâu sẽ là nơi để những giáo viên cao đẳng này thực hiện bồi dưỡng? Thời gian bồi dưỡng tối thiểu là bao lâu? Và đào tạo xong thì cần có những chứng nhận gì? Những vướng mắc này cần phải được làm rõ.
Nếu là tự bỏ kinh phí thì sẽ có những giáo viên cao đẳng gặp khó khăn về kinh tế bởi mức lương khởi điểm cho đội ngũ giáo viên này không nhiều. Những giáo viên có điều kiện thì đã chủ động học lên rồi.
Bên cạnh những băn khoăn, thầy Anh cũng đề xuất một số lưu ý:
Theo đó, đầu tiên cần xem xét Luật Giáo dục 2019.
Theo thầy Anh, hiện tại, luật quy định trình độ giáo viên tiểu học phải là đại học. Nhưng thực tế đang không có đủ nguồn tuyển dẫn đến thiếu giáo viên, nhất là nguồn nhân lực triển khai chương trình mới. Do vậy, cần phải xem lại Luật Giáo dục để có biện pháp tình thế trong bối cảnh thiếu nguồn tuyển giáo viên trong khi không ít giáo viên chưa được đi dạy do chỉ có bằng cao đẳng.
Đáng nói, trước đây, khi luật chưa thay đổi, những giáo viên trình độ cao đẳng vẫn đảm bảo kiến thức, kỹ năng sư phạm, đáp ứng chất lượng giảng dạy. Do vậy, thầy Anh băn khoăn, có nhất thiết phải quy định giáo viên cấp tiểu học phải có trình độ đại học hay không, nhất là khi có những giáo viên trình độ cao đẳng, kỹ năng dạy tốt, tâm huyết với nghề nhưng vì điều kiện kinh tế, gia đình, con nhỏ, không sắp xếp được thời gian học để nâng chuẩn.
Lưu ý thứ hai, cần quy định rõ đối tượng, số lượng giáo viên trình độ cao đẳng cần tham gia bồi dưỡng là những ai, là bao nhiêu? Chương trình nâng chuẩn như thế nào để đáp ứng yêu cầu đạt trình độ đại học. Tránh tình trạng sinh viên ồ ạt đi học nâng chuẩn dẫn đến thừa nhân lực và thiệt thòi cho người học nếu học xong không được tuyển dụng.
Lưu ý thứ ba, đó là cần làm rõ những cơ sở, đơn vị nào được phép đào tạo nâng chuẩn trình độ giáo viên và kết thúc khoá đào tạo thì người học sẽ được cấp chứng nhận nào. Về vấn đề này, người học không tự mình quyết định được nội dung bồi dưỡng gồm những gì, đào tạo thêm cái nào, và ở đâu. Do vậy, cần phải có hướng dẫn cụ thể cho các cơ sở đào tạo và đội ngũ giáo viên nếu thực hiện nâng chuẩn.
Lưu ý thứ tư, giáo viên tham gia bồi dưỡng nâng chuẩn trình độ phải được học theo số tín chỉ. Điều này sẽ đỡ mất thời gian của người học và tránh được tình trạng đối tượng học một ít là được cấp chứng chỉ ngay khi tham gia các lớp bồi dưỡng.
Để quản lý được điều này, theo thầy Anh, cần phải thông báo cụ thể lộ trình đào tạo theo tín chỉ những nội dung cần thiết phải học khi nâng chuẩn đại học một cách bài bản. Những môn học tín chỉ này phải đáp ứng đủ điều kiện để sau khi hoàn thành, người học có thể quy chuẩn ra bằng đại học sư phạm.
“Đào tạo trình độ đại học và cao đẳng không có khoảng cách quá xa về mặt khối lượng kiến thức. Do vậy, nếu đào tạo cho đối tượng từ cao đẳng lên đại học thì cần quy định rõ những nội dung nào giáo viên cần phải bồi dưỡng thêm, tránh học tràng giang, thiếu trọng tâm, trọng điểm", thầy Anh cho biết.
Lưu ý thứ năm, tuyển được giáo viên cao đẳng, lãnh đạo các cơ sở giáo dục phải xem xét, đánh giá giáo viên, chỉ ra điểm mạnh, điểm thiếu sót ở phần kiến thức, kỹ năng nào để từ đó có căn cứ yêu cầu giáo viên đi học bồi dưỡng. Làm tốt điều này sẽ tránh được tình trạng giáo viên học dàn trải, gây lãng phí tiền bạc và thời gian.