Chỉ có trả lương giáo viên theo vị trí việc làm mới chấm dứt được sự bất hợp lý

04/05/2023 06:42
Bùi Nam
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Mong Bộ đi tắt đón đầu nghiên cứu phương án trả lương theo vị trí việc làm cho giáo viên cả nước, xóa bỏ chia hạng bất hợp lý.

Tiếp bài: "Cùng nhìn lại bất cập bổ nhiệm, xếp lương GV bắt đầu từ năm 2015"; Bổ nhiệm, chuyển xếp lương mới cũng rất khó làm hài lòng tất cả GV

Việc chia hạng giáo viên thời gian qua tồn tại rất nhiều bất cập, bất hợp lý vì các hạng I, II, III, IV đều thực hiện cùng một công việc, thậm chí giáo viên hạng III, IV làm việc nặng nhọc hơn, vất vả hơn và hiệu quả cao hơn nhưng xếp lương thua giáo viên hạng I, II.

Bộ Giáo dục đã có nhiều cố gắng, điều chỉnh bất cập chùm Thông tư 01-04 về xếp lương giáo viên nhưng rất khó đáp ứng được mong muốn của thầy cô, vẫn còn sự bất hợp lý trong trả lương, chia hạng và khó làm hài lòng được tất cả giáo viên.

Ảnh minh họa Phạm Linh

Ảnh minh họa Phạm Linh

Nhiều cố gắng của Bộ Giáo dục khi sửa đổi việc bổ nhiệm, xếp lương giáo viên

Trước năm 2015 thì việc xếp lương hưởng theo bằng cấp, thâm niên,…nên bộc lộ rất nhiều bất cập, không khuyến khích, tạo động lực phát triển cho giáo viên trẻ..

Từ năm 2015 đến nay, khi các Thông tư 20, 21, 22, 23/2015/TTLT-BNV-BGDĐT ban hành thì giáo viên đã được xếp lương theo các hạng. Giáo viên mầm non, tiểu học được xếp các hạng II, III, IV; giáo viên trung học cơ sở, trung học phổ thông được xếp các hạng I, II, III.

Tuy nhiên, việc này tiếp tục bộc lộ nhiều bất cập như: giáo viên có trình độ đại học dạy tại trung học phổ thông thì hưởng lương đại học, dạy tại tiểu học, mầm non thì chỉ hưởng lương trung cấp, yêu cầu về các chứng chỉ ngoại ngữ, tin học, các chứng chỉ chức danh nghề nghiệp các hạng, chuyển xếp lương, thi thăng hạng,…khiến giáo viên tốn kém, mệt mỏi.

Năm 2021, Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT được ban hành, giáo viên từ mầm non đến trung học phổ thông vẫn được xếp theo các hạng từ hạng I, II, III, khi chuyển xếp lương từ Thông tư 20-23/2015 sang Thông tư 0104/2021 cũng lại bộc lộ nhiều bất cập.

Nhận thấy những bất cập đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung chùm Thông tư 01-04/2021/TT-BGDĐT.

Người viết cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo dưới sự lãnh đạo của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã rất cầu thị, có trách nhiệm trong việc ban hành Thông tư 08 này.

Hầu hết những điều chỉnh đều có lợi cho giáo viên trong việc xếp hạng như việc bỏ chia hạng đạo đức; bỏ chứng chỉ chức danh nghề nghiệp theo hạng; bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học;…đến việc quy định về thời gian giữ hạng, thăng hạng; bổ nhiệm lương; không cần minh chứng,…

Sắp tới nếu bổ nhiệm theo Thông tư 08/2023 và chùm Thông tư 01-04/2021 sẽ thống nhất cả nước, không còn mỗi nơi, mỗi kiểu, rối rắm, bất cập như trước đó.

Nhiều giáo viên ở các hạng I, II cũ trong cả nước rất phấn khởi, cảm ơn Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có những điều chỉnh hợp lý dù vẫn còn những bất công đối với những đối tượng khác, ví dụ những trường hợp giáo viên có bằng đại học nhiều thành tích đang giữ hạng III, IV hiện nay.

Không dễ để điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung chùm Thông tư 01-04 khi nó có quá nhiều bất cập, nhưng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã rất cố gắng để lắng nghe, ghi nhận các góp ý để điều chỉnh các điểm bất hợp lý.

Tiến tới bỏ chia hạng giáo viên được không?

Một lần nữa, người viết cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 08/2023 sửa đổi, bổ sung chùm Thông tư 01-04/2021 là phù hợp, theo đúng các quy định hiện hành của Chính phủ, Bộ Nội vụ về việc chia hạng, xếp lương, các loại chứng chỉ,…

Nhưng chính việc chia hạng còn nhiều bất công, giáo viên giỏi hạng thấp khiến họ bị bức xúc, nản lòng, mất động lực phấn đấu.

Một số ngành nghề khác, người lao động có tay nghề cao hơn làm việc hiệu quả hơn, tạo ra sản phẩm nhiều hơn, tốt hơn bán được giá hơn thì xếp hạng cao, được trả lương cao hơn là phù hợp.

Tuy nhiên, nghề giáo là ngành đặc thù, sản phẩm của giáo viên được tạo ra là sản phẩm trí tuệ, không phải vật chất nên xếp hạng giáo viên thành các các hạng I, II, III rất khiên cưỡng.

Bất cập hiện nay các giáo viên hạng I, II ở các cấp học, bậc học chỉ dựa vào bằng cấp, chứng chỉ, một số thành tích,… không có gì chứng minh họ dạy tốt hơn giáo viên hạng thấp như hạng III, IV.

Thậm chí hiện nay các giáo viên tuy chỉ xếp hạng IV nhưng dạy rất tốt, rất nhiệt tình, được đồng nghiệp, học sinh quý mến,… còn giáo viên xếp hạng I, II không hiệu quả nhưng vẫn là giáo viên hạng cao. Nó sẽ tạo ra sự bất công.

Giáo viên hạng nào cũng làm công việc như nhau, cũng giảng dạy số tiết định mức như nhau, cũng thi đua khen thưởng như nhau, vi phạm cùng bị xử lý như nhau,…nhưng lại có người ở hạng I, có người ở hạng III, chênh lệch hệ số lương khá lớn là không phù hợp.

Việc chuyển xếp lương theo Thông tư 08/2023 sửa đổi, bổ sung chùm Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT về cơ bản không có nhiều thay đổi về xếp hạng giáo viên, vẫn sẽ có giáo viên không đổi mới, dạy không hiệu quả do trước đây được xếp hạng cao nay lại chuyển xếp lương ở hạng cao hơn.

Không một phụ huynh nào muốn con em mình học với giáo viên hạng thấp, dù thực tế giáo viên ở hạng thấp có thể dạy tốt, giỏi hơn giáo viên hạng cao.

Dù có nhiều cố gắng, nhưng bất cập lớn nhất của chia hạng là bất công cho người ở hạng thấp làm việc hiệu quả hơn hạng cao là điều khó có thể chỉnh sửa đối với ngành giáo dục.

Trả lương giáo viên theo vị trí việc làm sẽ xóa được sự bất hợp lý

Theo Luật Giáo dục 2019, nhiệm vụ của nhà giáo là giảng dạy và giáo dục theo kế hoạch, chương trình giáo dục.

Cùng một cấp học, bậc học thì nhiệm vụ của giáo viên là như nhau, chỉ có hiệu quả thì có thể khác nhau, mà hiệu quả thì đã được xét và hưởng các chế độ thi đua, khen thưởng theo các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.

Do đó, phân hạng giáo viên là không phù hợp thực tế, khó tạo sự công bằng trong giáo dục. Nếu làm việc hiệu quả, có thành tích sẽ được khen thưởng, được nâng lương trước hạn,…

Việc xếp lãnh đạo, giáo viên thành các hạng rất bất cập, rắc rối, bất công.

Ví dụ, một giáo viên hạng I có hệ số lương, phụ cấp thâm niên,…thực nhận có thể khoảng 15 triệu mỗi tháng, trong khi một giáo viên khác dạy 10 năm, cùng công việc như nhau nhưng ở hạng thấp hơn mức lương chỉ khoảng 5-6 triệu mỗi tháng.

Nghị quyết 27/NQ-TW về trả lương theo vị trí việc làm là rất phù hợp thực tiễn, trả lương theo vị trí việc làm là việc trả lương đúng đắn nhất, công tác ở vị trí nào được trả lương theo vị trí đó.

Nếu đúng lộ trình từ năm 2021, sẽ trả lương theo vị trí việc làm không chỉ giáo viên mà ở tất cả hệ thống chính trị, tuy nhiên vì nhiều lý do khách quan nên vẫn chưa thực hiện được.

Đầu năm 2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP về Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Theo đó, Nghị quyết nêu nhiệm vụ: “Đẩy mạnh cải cách công vụ, công chức; đổi mới công tác đánh giá cán bộ, công chức, viên chức và các quy định liên quan cán bộ, công chức, viên chức nhằm bảo đảm đồng bộ quy định của Đảng; quy định các chế độ, chính sách phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài; trình cấp có thẩm quyền về lộ trình cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW và hoàn thành hệ thống thể chế, chính sách. Triển khai các giải pháp để bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; xây dựng cơ chế, chính sách cải thiện điều kiện và môi trường làm việc, sớm khắc phục tâm lý né tránh, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức và tình trạng công chức, viên chức xin nghỉ việc”.

Bộ Nội vụ sẽ chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan trình cấp có thẩm quyền về lộ trình thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27 và chuẩn bị các cơ sở, điều kiện cần thiết để triển khai thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW ngay khi được cấp có thẩm quyền cho phép.

Xét theo vị trí việc làm, trong các cơ sở giáo dục có 3 vị trí: Lãnh đạo, giáo viên, nhân viên.

Giáo viên cả nước gần 1,3 triệu người, chỉ cần trả lương không công bằng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến giáo viên, sẽ khó giữ chân, thu hút giáo viên giỏi gắn bó với nghề. Hy vọng, việc thực hiện trả lương theo vị trí việc làm sẽ sớm được triển khai để những sự bất cấp trong việc trả lương giáo viên được giải quyết tận gốc.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Bùi Nam