Ngày 3/11, Câu lạc bộ các trường đại học địa phương (trực thuộc Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam) tổ chức tọa đàm “Giải pháp duy trì ổn định và phát triển bền vững của hệ thống giáo dục đại học thuộc địa phương quản lý” với sự tham gia của 13 trường đại học, tổng số 104 người tham gia.
Mở đầu tọa đàm, Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ – Phó chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng vừa qua bão lũ xảy ra từ Bắc miền Trung đến Nam miền Trung, Hiệp hội cũng đã có văn bản gửi các trường kêu gọi chia sẻ khó khăn với các trường ở khu vực bị ảnh hưởng của bão lũ.
Hiệp hội mong rằng các trường tiếp tục giúp đỡ, kêu gọi các địa phương trên tinh thần lá lành đùm lá rách vì hiện nay thiệt hại của các cơn bão, lũ rất dồn dập.
Với nội dung tọa đàm, thầy Nhĩ khẳng định: “Theo Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, các trường đại học địa phương phải nằm trong mạng lưới các trường đại học để thực hiện nhiệm vụ đào tạo đội ngũ cán bộ cho địa phương. Vậy làm sao để chất lượng đào tạo đảm bảo và điều kiện nào thì các trường mới phát triển ổn định và bền vững được thì các trường cần chia sẻ, bàn bạc để cùng nhau thống nhất tháo gỡ khó khăn”.
Ngày 3/11, Câu lạc bộ các trường đại học địa phương (trực thuộc Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam) tổ chức tọa đàm “Giải pháp duy trì ổn định và phát triển bền vững của hệ thống giáo dục đại học thuộc địa phương quản lý” |
Đồng tình với quan điểm này, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến – trưởng ban hỗ trợ giáo dục đào tạo (Hiệp hội Cac trường đại học, cao đẳng Việt Nam) cho rằng: “Buổi tọa đàm là dịp để thầy, cô chia sẻ những vấn đề liên quan đến sứ mệnh, định hướng và những khó khăn, rào cản cần tháo gỡ đối với các trường đại học địa phương trong bối cảnh hiện nay”.
Tại tọa đàm, đại diện một số trường đã nêu những vướng mắc hiện nay mà các trường đại học đại phương đang gặp phải.
Cụ thể, có ý kiến cho rằng để tạo thuận lợi cho các trường đại học địa phương thì cần xác lập lại “hệ thống trường đại học công lập địa phương” để rõ ràng chứ như hiện nay nói “đại học địa phương” là đã bao gồm cả trường công lập và trường tư thục trong khi trường công – trường tư đóng trên cùng một địa bàn lại có những chức năng, nhiệm vụ khác nhau.
Muốn cho trường đại học công lập địa phương ổn định và phát triển thì cần xây dựng chiến lược phát triển phù hợp với từng trường và từng địa phương và cần phải xác định đây là mô hình trường đa ngành theo định hướng ứng dụng, đặc biệt, trường phải có ngành sư phạm, có như vậy mới làm được nhiệm vụ phục vụ sự phát triển của địa phương.
Ngoài ra, về sứ mệnh của các trường thì có ý kiến cho rằng, nếu chỉ giao cho vài trường đại học trọng điểm thực hiện sứ mệnh đào tạo giáo viên từ mầm non đến trung học phổ thông thì rõ ràng sứ mệnh của các trường địa phương ở đâu? Và như vậy tình hình tuyển sinh của các trường này sẽ ngày càng khó khăn hơn.
Hơn nữa, trước đây, theo quy định của Luật viên chức 2010 thì sau khi viên chức đã thực hiện xong hợp đồng xác định thời hạn và tiếp tục ký hợp đồng sẽ được ký hợp đồng không xác định thời hạn (thường gọi là biên chế suốt đời) nhưng từ 1/7/2020 chỉ còn 3 trường hợp viên chức có biên chế suốt đời, vậy khi trường kí hợp đồng thì bổ ngạch cho giảng viên như thế nào….Do đó trường đề xuất Bộ cần có văn bản hướng dẫn cụ thể để các trường thực hiện đúng, hiệu quả…
Trước những kiến nghị của các trường đại học địa phương, lãnh đạo Hiệp hội sẽ ghi nhận và có văn bản gửi lên cơ quan chức năng có thẩm quyền.