Giám đốc Sở GD Kon Tum nêu 2 kiến nghị thúc đẩy giáo dục Tây Nguyên phát triển

11/02/2024 06:44
Doãn Nhàn
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Kiến nghị Chính phủ rà soát, ban hành cơ chế chính sách đặc thù đối với đội ngũ giáo viên công tác tại vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số.

LTS: Giáo dục mỗi địa phương là một “mắt xích” quan trọng quyết định đến sự phát triển toàn diện của sự nghiệp giáo dục và đào tạo đất nước. Tây Nguyên là một trong 6 vùng kinh tế - xã hội của nước ta. Vùng Tây Nguyên gồm 5 tỉnh Đắk Nông, Kon Tum, Gia Lai, Lâm Đồng, Đắk Lắk.

Trong những năm qua, bằng những chính sách và sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, cùng việc triển khai đổi mới phù hợp điều kiện thực tế của từng địa phương, giáo dục và đào tạo vùng Tây Nguyên đang chuyển mình mạnh mẽ.

Nhân dịp xuân Giáp Thìn 2024, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với Tiến sĩ Phạm Thị Trung - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Kon Tum để lắng nghe những chia sẻ và dự định của ngành giáo dục tỉnh Kon Tum trong năm 2024.

GĐ-Sở-2.jpg
Tiến sĩ Phạm Thị Trung - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Kon Tum. Ảnh: Sở Giáo dục và Đào tạo Kon Tum

Phóng viên: Vào tháng 3/2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức Hội nghị phát triển giáo dục và đào tạo vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Cô đánh giá sao về tầm quan trọng của hội nghị đối với sự phát triển giáo dục của tỉnh nhà?

Từ khi hội nghị được triển khai đến nay, giáo dục Kon Tum nói riêng và giáo dục Tây Nguyên nói chung đã có những biến chuyển ra sao?

Tiến sĩ Phạm Thị Trung: Hội nghị có tầm quan trọng rất lớn vì nó cung cấp cơ hội để các nhà quản lý giáo dục, giáo viên và các bên liên quan khác có cái nhìn tổng thể và đưa ra chiến lược dài hạn cho sự phát triển giáo dục trong khu vực Tây Nguyên nói chung và Kon Tum nói riêng. Điều này giúp xác định mục tiêu, chuẩn bị tất cả các điều kiện cần thiết xây dựng cho một hệ thống giáo dục bền vững. Hội nghị là cơ hội để các tỉnh đánh giá tình hình giáo dục và đào tạo giai đoạn 2011 – 2022, từ đó đề xuất mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp để góp phần thực hiện thành công Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị.

Từ khi tổ chức Hội nghị đến nay, với những ý kiến trao đổi của các đại biểu tại Hội nghị, Kon Tum cũng như các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên đang hết sức nỗ lực, cố gắng thay đổi tư duy, thay đổi từ chính các nhà quản lý giáo dục, từ mỗi thầy cô giáo để có cách nhìn nhận thật sự thấu đáo về việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa, về phương pháp dạy học và đánh giá học sinh. Trong đó đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ, giáo viên, đầu tư cơ sở vật chất… Từ những nỗ lực đó, năm 2023, ngành giáo dục và đào tạo Kon Tum đã gặt hái được một số kết quả rất đáng tự hào.

24-3-2023 Hoi nghi GD Tay Nguyen1.jpg
Hội nghị phát triển giáo dục và đào tạo vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Ảnh: Sở Giáo dục và Đào tạo Kon Tum

Phóng viên: Cô vừa chia sẻ rằng năm 2023, ngành giáo dục tỉnh nhà đã gặt hái được một số kết quả rất đáng tự hào. Cô có thể chia sẻ về một số kết quả cụ thể và những kết quả này đã góp phần thay đổi bộ mặt giáo dục Tây Nguyên ra sao?

Tiến sĩ Phạm Thị Trung: Năm 2023, ngành giáo dục và đào tạo tại Kon Tum đã triển khai nhiều nhiệm vụ quan trọng, đặt ra những mục tiêu và có giải pháp cụ thể nhằm cải thiện chất lượng giáo dục trên địa bàn toàn tỉnh.

Theo đó, bám sát sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2023 Sở Giáo dục và Đào tạo đã chủ động xây dựng chương trình công tác năm học và định kỳ bổ sung các nhiệm vụ trọng tâm với 3.300 nhiệm vụ. Trong đó, đã hoàn thành trước hạn và đúng hạn 2.508 nhiệm vụ (chiếm tỷ lệ 76% nhiệm vụ trọng tâm trong năm).

Các hoạt động giáo dục và đào tạo được đổi mới và có hiệu quả như tổ chức thành công các hoạt động giáo dục mũi nhọn, năng khiếu; tổ chức thành công các hội thi, kỳ thi cấp tỉnh, cấp quốc gia; công tác định hướng phân luồng, tư vấn tuyển sinh được tập trung triển khai; các mô hình huy động trẻ em, học sinh ra lớp tiếp tục được duy trì; tham mưu chỉ đạo kịp thời công tác chuẩn bị các điều kiện phục vụ tuyển sinh đầu cấp năm học 2023 - 2024 và Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023; công tác kiểm tra, đôn đốc các nhiệm vụ giáo dục được các cấp quản lý chú trọng triển khai; cải cách hành chính được chú trọng hiệu quả; chuyển đổi số trong ngành giáo dục được đẩy mạnh. Các chỉ tiêu trọng tâm được giao trên lĩnh vực giáo dục và đào tạo đạt và vượt so với kế hoạch.

Các thành tựu đạt được trong năm vừa qua đã góp phần quan trọng vào sự cải thiện chất lượng của giáo dục tại khu vực Tây Nguyên.

Cụ thể, tỉ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023 của tỉnh Kon Tum đạt tỷ lệ 98,78% (tăng 1,09% so với năm 2022); điểm trung bình các môn thi đạt 6,344 điểm (tăng 0,165 điểm so với năm 2022), xếp vị thứ 38/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; xếp vị thứ 2/5 tỉnh Tây Nguyên (sau tỉnh Lâm Đồng). Toàn tỉnh Kon Tum có 38 bài thi đạt điểm 10. Số lượng học sinh giỏi quốc gia tăng vượt bậc so với năm học 2022-2023 (năm 2022-2023 đạt 16 giải; năm học 2023-2024 đạt 35 giải). Đây là thành tích đạt được cao nhất trong những năm qua cả về số lượng và chất lượng, cụ thể có 5 giải Nhì, 12 giải Ba, 18 giải Khuyến khích.

Một trong những điểm đáng chú ý là tỉnh Kon Tum vẫn đang tiếp tục quan tâm tăng cường đầu tư vào cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác dạy học đáp ứng chương trình Giáo dục phổ thông 2018, cải thiện môi trường học tập, giúp tạo ra một không gian học tập tích cực và khuyến khích sự sáng tạo của học sinh. Ngoài ra, ngành giáo dục Kon Tum tiếp tục quan tâm đào tạo bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên. Việc này giúp tăng cường sự hiểu biết chuyên sâu về phương pháp dạy học và ứng dụng công nghệ trong giảng dạy, từ đó nâng cao chất lượng học tập của học sinh.

Những kết quả tích cực này không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục Kon Tum mà còn ảnh hưởng tích cực đến giáo dục khu vực Tây Nguyên, tạo đà tích cực cho sự phát triển toàn diện của khu vực, góp phần vào việc nâng cao trình độ tri thức và cơ hội phát triển cho cộng đồng.

image006.png
Sở Giáo dục và Đào tạo Kon Tum tổ chức lễ tuyên dương học sinh đoạt giải học sinh giỏi quốc gia phổ thông năm học 2023-2024. Ảnh: Sở Giáo dục và Đào tạo Kon Tum

Phóng viên: Kon Tum là tỉnh miền núi thuộc khu vực Bắc Tây Nguyên. Là người đứng đầu ngành giáo dục Kon Tum, cô đánh giá giáo dục tỉnh nhà đang gặp những khó khăn, thách thức nào, đặc biệt trong bối cảnh toàn ngành đang thực hiện đổi mới căn bản toàn diện giáo dục?

Tiến sĩ Phạm Thị Trung: Trong thời gian qua, việc phát triển giáo dục và đào tạo Kon Tum bên cạnh những kết quả rất đáng tự hào còn không ít khó khăn, thách thức.

Cụ thể, công tác quy hoạch mạng lưới trường lớp còn có nhiều bất cập nhất định, việc huy động và hình thành trường phổ thông ngoài công lập chưa đạt chỉ tiêu đề ra. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học ở một số cơ sở giáo dục còn thiếu, chưa đồng bộ so với yêu cầu triển khai chương trình Giáo dục phổ thông hiện hành và chương trình Giáo dục phổ thông 2018 thiết bị thí nghiệm, thực hành; hệ thống nhà ăn, nhà bếp, nhà nội trú, của nhiều trường phổ thông dân tộc bán trú còn thiếu so với nhu cầu; nhà công vụ cho giáo viên ở vùng sâu, vùng xa chưa đáp ứng yêu cầu.

Số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập còn thiếu so với định mức và quy mô học sinh tăng hàng năm. Đội ngũ giáo viên ở vùng sâu vùng xa thiếu tính ổn định, thiếu nguồn tuyển. Công tác đào tạo bồi dưỡng, đào tạo giáo viên đáp ứng yêu cầu triển khai một số bộ môn mới, hoạt động giáo dục theo chương trình Giáo dục phổ thông 2018 còn lúng túng, chưa đáp ứng yêu cầu; năng lực của một bộ phận cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên chưa đáp ứng tốt so với yêu cầu tổ chức triển khai chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Mặc dù chất lượng giáo dục đã có sự chuyển biến nhưng vẫn chưa đồng đều giữa các địa phương. Việc huy động trẻ em, học sinh ra lớp, duy trì sĩ số, nâng cao tỷ lệ chuyên cần ở một số địa phương còn thấp, nhất là tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ ra lớp.

Các chính sách hỗ trợ và nguồn lực đầu tư cho giáo dục của vùng miền núi và dân tộc chưa đáp ứng so với nhu cầu thực tiễn. Cần có cơ chế, chính sách phù hợp cho vùng Tây Nguyên, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số để thúc đẩy giáo dục phát triển, tạo đà cho kinh tế - xã hội phát triển; chú trọng giáo dục văn hoá bản địa, tiếng dân tộc thiểu số để phát triển con người toàn diện, đáp ứng yêu cầu giáo dục chung của cả nước cũng như gìn giữ văn hoá Tây Nguyên…

Đối mặt với những thách thức này, cần có sự hỗ trợ từ Chính phủ, các bộ ngành Trung ương và các tổ chức liên quan để giáo dục ở Kon Tum cải thiện chất lượng giáo dục trong thời gian sắp tới.

thayhung-01-4759.jpg
Thầy Phạm Văn Hùng – Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học xã Đắk Hà (huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum) phải đứng lớp 32 tiết/tuần vì trường thiếu giáo viên. Ảnh: MT

Phóng viên: Để có một Tây Nguyên phát triển tương xứng với tiềm năng, rất cần một sự bứt phá trong chính sách về giáo dục và đào tạo cho cả vùng.

Từ những đặc thù của giáo dục tỉnh nhà như đã chia sẻ, vậy cô có kiến nghị, đề xuất gì để thúc đẩy giáo dục Kon Tum nói riêng và giáo dục Tây Nguyên nói chung có bước chuyển mình mạnh mẽ trong thời gian tới?

Tiến sĩ Phạm Thị Trung: Sở Giáo dục và Đào tạo Kon Tum có kiến nghị, đề xuất với Quốc hội, Chính phủ để thúc đẩy giáo dục Kon Tum nói riêng và giáo dục Tây Nguyên trong thời gian tới.

Đối với Quốc hội, đề nghị Quốc hội nghiên cứu, có chủ trương mở rộng đối tượng thụ hưởng Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, nhất là các trường có đông học sinh dân tộc thiểu số, các trường mầm non vùng khó đồng thời hỗ trợ bổ sung cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cho các trường thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.

Đối với Chính phủ, kiến nghị Chính phủ rà soát, ban hành cơ chế chính sách đặc thù đối với đội ngũ giáo viên công tác tại vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Bổ sung chỉ tiêu biên chế còn thiếu cho ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Kon Tum tương ứng với sự gia tăng quy mô học sinh và không cắt giảm 10% số lượng người làm việc cơ học trong đơn vị sự nghiệp, giáo dục công lập do ngân sách Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên và đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo một phần chi thường xuyên lĩnh vực giáo dục.

Phóng viên: Nhân dịp đầu xuân Giáp Thìn 2024, cô có kỳ vọng như thế nào về sự phát triển của giáo dục Kon Tum? Năm tới, ngành giáo dục tỉnh nhà đặt ra những nhiệm vụ phát triển trọng tâm nào?

mang-ao-moi-den-hoc-sinh-vung-kho-75298-6.jpg
Học sinh Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Đăk Nhoong (huyện Đắk Glei). Ảnh: Sở Giáo dục và Đào tạo Kon Tum

Tiến sĩ Phạm Thị Trung: Thời gian tới, ngành giáo dục Kon Tum tiếp tục củng cố và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, đảm bảo bình đẳng trong tiếp cận giáo dục của Nhân dân, thực hiện đầy đủ và kịp thời các chế độ, chính sách đối với nhà trường, nhà giáo và học sinh, sinh viên, đồng thời sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho giáo dục; tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04-11-2013 của Ban chấp hành Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; Kết luận số 51-KL/TW ngày 30-5-2019 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Thứ nhất, tiếp tục tập trung thực hiện các nghị quyết, kết luận của Đảng, Quốc hội, các văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh về giáo dục và đào tạo; tiếp tục tập trung nguồn lực thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13, Nghị quyết số 51/2017/QH13 của Quốc hội khóa XIV và Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 18/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ về về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông bảo đảm chất lượng, hiệu quả, đúng lộ trình.

Thứ hai, tiếp tục triển khai các đề án, kế hoạch và quy hoạch ngành giáo dục, đào tạo phù hợp với việc thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) và Nghị quyết Đại hội đại biểu tỉnh Đảng bộ lần thứ XVI. Tập trung thực hiện các nghị quyết, kết luận của Đảng, Quốc hội, các văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh về giáo dục, đào tạo; tập trung nguồn lực thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông bảo đảm chất lượng, hiệu quả, đúng lộ trình.

Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt, chỉ đạo và triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án nâng cao chất lượng giáo dục đối với học sinh dân tộc thiểu số tính đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 theo Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 06-5-2021 của Tỉnh ủy.

Thứ tư, tiếp tục xây dựng kế hoạch phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý phù hợp với quy mô phát triển của Ngành; tiếp tục nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp. Tuyển dụng hết số lượng người làm việc đã được giao; ưu tiên tuyển dụng đối với các môn Ngoại ngữ, Tin học, các bộ môn mới trong Chương trình GDPT 2018 và giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học.

Thứ năm, tăng cường thu hút các nguồn lực đầu tư cho giáo dục và đào tạo. Ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tối thiểu bảo đảm thực hiện Chương trình giáo dục mầm non, chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Tiếp tục thực hiện lồng ghép có hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 và giai đoạn 2021 - 2030.

Thứ sáu, tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả kế hoạch thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 - 2030” của Thủ Tướng Chính phủ. Tăng cường các giải pháp thực hiện Kế hoạch triển khai Phong trào “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023 - 2030” trên địa bàn tỉnh theo Quyết định số 1315/QĐ-TTg ngày 09 tháng 11 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ.

Thứ bảy, tiếp tục tham mưu, hoàn thiện quy hoạch mạng lưới trường, lớp học theo hướng tinh gọn, phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội và quy mô phát triển giáo dục của địa phương.

Trân trọng cảm ơn cô!

Doãn Nhàn