4 nguy cơ “vỡ trận” tổ hợp các môn tự chọn trong chương trình lớp 10 mới

11/03/2022 06:29
Bùi Nam
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Môn học quá ít học sinh lựa chọn có thể không tránh khỏi tình trạng một lớp học chỉ có một vài em học sinh, có những môn nhiều học sinh chọn lại thiếu giáo viên.

Chương trình mới ở bậc trung học phổ thông sẽ được bắt đầu triển khai từ năm học 2022-2023 đối với lớp 10; áp dụng cuốn chiếu cho những năm học tiếp theo với lớp 11 và 12.

Hiện chỉ còn khoảng 5 tháng nữa sẽ thực hiện triển khai ở lớp 10.

Theo đó, nội dung giáo dục cấp trung học phổ thông gồm các môn học bắt buộc và các môn học tự chọn.

Trong đó, bảy môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc bao gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, Nội dung giáo dục của địa phương. Hai môn học tự chọn: Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2.

Năm môn học lựa chọn từ ba nhóm môn học (mỗi nhóm chọn ít nhất một môn học): nhóm môn khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật); nhóm môn khoa học tự nhiên (Vật lý, Hoá học, Sinh học); nhóm môn Công nghệ và Nghệ thuật (Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật).

Việc cho học sinh tự chọn theo môn học được đánh giá là một bước tiến của chương trình mới, phân hóa dần ở bậc phổ thông.

Các em sẽ chọn môn học theo đúng sở thích của mình và phù hợp với yêu cầu kiến thức định hướng nghề nghiệp đa dạng trong xã hội, phân hóa dần cho học sinh từ bậc trung học phổ thông.

Tuy nhiên, thời gian thực hiện gấp, việc chưa chuẩn bị kỹ nhân lực, vật lực đáp ứng việc lựa chọn môn học và điều kiện thực tế tại các cơ sở giáo dục hiện nay nên khi cho học sinh được toàn quyền lựa chọn môn học sẽ có nhiều rắc rối, phức tạp phát sinh.

Nếu được lựa chọn sẽ có tình trạng học sinh đổ xô lựa chọn môn này bỏ môn kia, khó khăn trong dự báo nguồn nhân lực giáo viên,… sẽ khiến các trường trung học phổ thông sẽ vô cùng khó đoán.

Liệu có tình trạng “ép” học sinh chọn các môn đã định sẵn? Nếu như vậy thì trái với ý nghĩa của việc được chọn môn.

Trong phạm vi bài viết, người viết xin được trình bày vấn đề mà nhiều giáo viên, phụ huynh, học sinh lớp 10 rất quan tâm đó là những khó khăn khi học sinh sẽ lựa chọn môn học mà theo người viết nếu không có hướng dẫn và phương án hợp lý có thể sẽ "vỡ trận".

Nỗi lo thừa, thiếu giáo viên khi học sinh tự chọn môn học bậc trung học phổ thông. Ảnh: Giaoducthoidai.vn

Nỗi lo thừa, thiếu giáo viên khi học sinh tự chọn môn học bậc trung học phổ thông. Ảnh: Giaoducthoidai.vn

Thứ nhất, tình trạng thừa, thiếu cục bộ giáo viên khi học sinh chọn môn

Theo chương trình mới, học sinh được học các môn bắt buộc, được lựa chọn 5 môn trong 3 nhóm môn (gồm 9 - 10 môn) sẽ dẫn đến tình trạng học sinh chọn nhiều môn khác nhau dẫn tới chênh lệch số lượng học sinh giữa các môn, điều này sẽ liên quan trực tiếp đến việc sắp xếp nhân sự, giáo viên trong trường học có nhiều xáo trộn.

Môn học quá ít học sinh lựa chọn sẽ dẫn đến thừa giáo viên, có thể không tránh khỏi tình trạng một lớp học chỉ có một vài em học sinh, trong khi có những môn học số lượng học sinh chọn quá đông nhưng điều kiện đội ngũ giáo viên lại không thể đáp ứng.

Một số bộ môn Lịch sử, Sinh học, Vật lý,... nếu không có học sinh lựa chọn thì giáo viên sẽ như thế nào?

Xuất hiện bộ môn mới là môn Nghệ thuật (gồm 2 phân môn Âm nhạc, Mĩ Thuật) nhưng lại là môn tự chọn cũng gây khó khăn cho các trường trung học phổ thông, nếu không tuyển dụng thì có thể thiếu giáo viên, nếu tuyển dụng mà học sinh không lựa chọn thì thầy cô phải "ngồi chơi xơi nước".

Thứ hai, học sinh chưa định hướng đúng về bộ môn lựa chọn

Khi học sinh tự chọn môn học nhưng chưa có định hướng nghề nghiệp chưa rõ ràng sẽ ảnh hưởng đến việc chọn nghề, thi cử của các em về sau.

Học sinh ở lớp 10 chọn 5 môn nào thì sẽ theo 5 môn đó suốt bậc trung học phổ thông, không thể có lựa chọn khác.

Có nhiều trường hợp sau khi học năm lớp 11, 12 thì học sinh mới định hướng đúng và chọn môn để tuyển sinh đại học hoặc định hướng chuyên sâu.

Ví dụ, một học sinh không chọn môn Lịch sử, nhưng lên lớp 11, lớp 12 các em lại có định hướng, nguyện vọng thi tuyển sinh đại học các khối có môn trên thì sẽ giải quyết như thế nào?

Nhiều em ở lớp 9 thì cũng chưa có định hướng rõ ràng, còn mơ hồ nên nếu chọn sai thì các em sẽ không còn cơ hội sửa đổi cũng rất thiệt thòi cho các em.

Thứ ba, chọn các môn trong môn tích hợp ở lớp 9 như thế nào?

Năm học 2022 - 2023 học sinh lớp 9 còn được học các đơn môn Vật lý, Hóa học, Sinh học… nên học sinh còn biết cơ bản để lựa chọn môn nhưng kể từ năm 2024-2025 học sinh lớp 9 đã học chương trình mới thì đã không còn các môn trên mà là 2 môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý.

Học sinh lớp 6 đến lớp 9 không học các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học khi vào lớp 10 làm sao có thể biết mình đam mê, có kiến thức phân môn nào để lựa chọn.

Bên cạnh đó, hiện nay ở các trường đại học sư phạm đã tuyển sinh, đào tạo ngành Khoa học tự nhiên đáp ứng yêu cầu chương trình mới ở bậc trung học cơ sở.

Giáo viên môn Khoa học tự nhiên định hướng như thế nào cho học sinh chọn các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học để học ở lớp 10.

Đây cũng là vấn đề cần được nghiêm túc xem xét.

Thứ tư, học sinh ở lại, chuyển trường sẽ như thế nào?

Học sinh chọn 5 môn học nên xác suất học sinh khác chọn giống 5 môn là khá thấp nên khi học sinh học không đạt phải ở lại (lưu ban), học lại hay chuyển trường khác mà không có các môn trên thì sẽ như thế nào?

Ví dụ một học sinh lớp 11 chọn 5 môn Vật lý, Hóa học, Lịch sử, Công nghệ, Nghệ thuật nhưng khi ở lại năm học sau không có các môn trên thì học sinh sẽ ra sao?

Người viết cho rằng trong giai đoạn hiện nay với nhận thức của học sinh, nếu để học sinh toàn quyền lựa chọn môn học theo cảm tính thì có thể “vỡ trận” vì các lý do trên nhưng nếu định hướng chọn môn cho học sinh thì lại sai quan điểm, mục tiêu của chương trình đổi mới.

Theo người viết, để tránh tình trạng “vỡ trận” khi học sinh lựa chọn môn học, vừa sức đáp ứng của nhà trường về nhân sự, cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm,... thì mô hình trường liên cấp 2, 3 nên được tận dụng tối đa để có thể tận dụng mọi nguồn lực hỗ trợ, phục vụ giảng dạy và điều tiết giáo viên kịp thời tránh tình trạng học sinh chọn mà không có giáo viên dạy.

Có thể tận dụng giáo viên 2 phân môn là Âm nhạc, Mĩ thuật ở bậc trung học cơ sở để dạy ở bậc trung học phổ thông nếu học sinh chọn, nếu có tình trạng dư giáo viên ở bậc trung học phổ thông (do học sinh không chọn hoặc ít chọn) thì các giáo viên trên có thể dạy ở bậc trung học cơ sở.

Nếu sáp nhập trường liên cấp 2, 3 thì có thể tận dụng các nguồn lực để thực hiện chương trình mới không quá nhiều xáo trộn, bên cạnh đó cũng tinh gọn bộ máy, giảm được một phần nhân sự.

Chỉ còn khoảng 5 tháng, các em học sinh lớp 10 bắt đầu học chương trình mới trong đó có rất nhiều khó khăn, phức tạp trong việc chọn môn học, vì thế, rất mong Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm có hướng dẫn chi tiết để các trường có phương án tối ưu, tránh tình trạng học sinh lựa chọn theo cảm tính hoặc đổ xô chọn các môn giống nhau dễ "vỡ trận".

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Bùi Nam