5 nguyện vọng giáo viên phổ thông gửi gắm tân Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn

14/04/2021 06:57
KIM OANH
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Chúng tôi tin, chờ đợi thầy Nguyễn Kim Sơn sẽ có những kế hoạch hành động trong một ngày sớm nhất để giúp cho giáo dục phổ thông nước nhà ngày càng khởi sắc hơn.

Ngay sau khi thầy Nguyễn Kim Sơn được Quốc hội phê chuẩn làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thì trên các diễn đàn báo chí đã có rất nhiều bài viết gửi gắm những tâm tư, kỳ vọng vào tân Bộ trưởng sẽ có những thay đổi lớn trong thời gian tới đây nhằm thúc đẩy sự phát triển giáo dục nước nhà.

Những kỳ vọng vào tân Bộ trưởng là một lẽ thường tình bởi giáo dục nước nhà dù đạt được những thành tựu nhất định trong những năm qua nhưng mọi người vẫn thấy nó luôn đan xen những bất cập, hạn chế, có những thời điểm còn khiến cho xã hội chưa thực sự tin tưởng.

Ngay cả với đội ngũ nhà giáo- những người đang giảng dạy trực tiếp ở các cấp học phổ thông cũng có những lúc chưa đồng tình về những chính sách, kế hoạch mà lãnh đạo Bộ, Sở đề ra.

Vì thế, trong bài viết nhỏ này, chúng tôi mong muốn Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn quan tâm, sâu sát hơn nữa về các cấp học phổ thông để có những kế hoạch phù hợp nhằm khích lệ trí tuệ, tâm huyết của đội ngũ nhà giáo và hướng tới chất lượng thật trong những năm học tới đây.

Thầy Nguyễn Kim Sơn- tân Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (Ảnh: moet.gov.vn)

Thầy Nguyễn Kim Sơn- tân Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (Ảnh: moet.gov.vn)

Giáo dục phổ thông đang tồn tại nhiều bất cập

Trong các bậc học hiện nay, bậc học phổ thông là chiếm số lượng cán bộ, giáo viên, nhân viên đông nhất, học sinh cũng có số lượng nhiều nhất. Và, mọi người cũng có thể nhìn thấy các cấp học phổ thông cũng là nơi xảy ra nhiều sự cố nhất trong những năm qua.

Tiêu cực trong thi cử cũng xảy ra ở cấp học này trên diện rộng vào kỳ thi Trung học phổ thông 2018. Sách giáo khoa cũng được đề cập nhiều nhất trong mỗi năm học vì sự “độc quyền” trước đây và sự “nhảy múa” về giá cả của sách giáo khoa chương trình mới bây giờ.

Không chỉ sách giáo khoa mà sách tham khảo, sách bổ trợ cũng được nhiều nhà trường bán trực tiếp, thành ra phụ huynh không có sự lựa chọn. Đầu năm học nào cũng để xảy ra tình trạng này, báo chí vào cuộc thì mọi chuyện cũng cứ ậm ờ…rồi thôi.

Nhưng, vì sao sách tham khảo, sách bổ trợ vào được trường học và vì sao một số nhà trường bán các loại sách này thì…ai cũng biết. Nói thẳng ra, nếu không vì hoa hồng bán sách thì đời nào một số hiệu trưởng nhà trường phải “ôm rơm cho rặm bụng”?.

Rồi tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan ở nhiều địa phương, ở nhiều cấp học phổ thông đang là gánh nặng cho nhiều phụ huynh nghèo và có những lúc trở thành nỗi buồn trong đào tạo.

Thế nhưng, chất lượng giáo dục phổ thông trong những năm qua đang có nhiều chuyện đáng bàn. Có những nơi vì thành tích, vì chỉ tiêu mà giáo viên, nhà trường “đẩy” học sinh lên lớp.

Tình trạng học sinh lớp 6 chưa đọc thông, viết thạo nhưng không hiểu sao vẫn được lên lớp như ở trường Trung học cơ sở - Trung học phổ thông Tân Mỹ (huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp) không phải là cá biệt nếu được khảo sát nghiêm túc.

Trong khi, tỉ lệ học sinh giỏi, học sinh khá hàng năm vẫn gia tăng, các cuộc thi vẫn được tổ chức triền miên, phổ cập các cấp học đều đạt…

Thi đua là tốt, là điều đáng biểu dương, đáng trân trọng nhưng đâu đó vẫn đang tồn tại những thật-giả trong giáo dục phổ thông nên dẫn đến nỗi lo thường trực cho nhiều người.

Tất nhiên, những điều này đã tồn tại hàng chục năm qua, qua nhiều đời Bộ trưởng nhưng chưa thể giải quyết dứt điểm được.

Vì thế, chúng tôi mong muốn tân Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn sâu sát hơn, chỉ đạo quyết liệt hơn để các nhà trường hướng vào chất lượng thật, trung thực với hiệu quả đào tạo. Những thầy cô giáo được làm những điều trong khả năng của mình chứ không phải dạy một đàng mà được chỉ đạo đánh giá chất lượng một nẻo.

Giáo viên phổ thông mong muốn gì ở thầy Bộ trưởng?

Thực ra, phía sau Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thì còn có các Thứ trưởng và 21 Vụ, Cục, các Sở, Phòng Giáo dục ở các địa phương…

Đối với bậc học phổ thông đang có Vụ Giáo dục Tiểu học; Vụ Giáo dục Trung học tham mưu và đưa những kế hoạch để phát triển chất lượng giáo dục nhưng rõ ràng giáo viên đang rất cần một luồng gió mới từ tân Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn.

Muốn thay đổi chất lượng giáo dục phổ thông rất cần vai trò đầu tàu của Bộ trưởng. Cho dù ngay sau khi nhận nhiệm vụ Bộ trưởng thì thầy Nguyễn Kim Sơn đã có “tâm tư” gửi thầy cô giáo. Nhưng có lẽ, giáo viên sẽ cần hơn khi họ thấy được những văn bản chỉ đạo rõ ràng…

Thứ nhất: Bộ cần hướng tới việc dạy thật, học thật, các kỳ thi của cả giáo viên và học sinh phải trung thực, vì sự phát triển giáo dục nước nhà. Không thể để tình trạng đầu năm ra chỉ tiêu hàng loạt rồi cuối năm báo cáo thành tích, vỗ tay rần rần…rồi thôi.

Chất lượng giáo dục đang có vấn đề- đó là một thực tế mà thầy cô giáo nào cũng thấy. Nhiều học sinh không chịu học, không có kiến thức cơ bản nhưng vẫn lên lớp bình thường, thậm chí còn được khen thưởng.

Điểm đẹp, học bạ đẹp là điều đang khá phổ biến ở các nhà trường. Nhiều Ban giám hiệu cần thành tích để báo cáo, nhiều giáo viên vẫn cần số lượng học sinh khá, giỏi nhiều để được xét thi đua và có thể dạy thêm.

Vì thế, đâu đó vẫn có tình trạng “làm thật ăn cháo, làm láo được khen”. Những thầy cô dạy thật, trách nhiệm với nhà trường, với học trò thường thua thiệt, vất vả hơn và học sinh cũng…ghét nhiều hơn.

Thứ hai: Bộ nên chỉ đạo các địa phương giảm bớt các hội thi, cuộc thi đối với cả giáo viên và học sinh hiện nay. Nếu thi, hãy hướng tới chất lượng cuộc thi và phải thực sự trung thực, khách quan.

Người ra đề thi học sinh giỏi, chấm thi học sinh giỏi phải là những người không liên quan đến ôn thi học sinh giỏi. Không để tình trạng một số giáo viên vừa ôn thi cho học sinh, vừa ra đề và được phân công chấm thi học sinh giỏi luôn.

Giám khảo chấm sáng kiến kinh nghiệm, chấm thi giáo viên dạy giỏi…không nhất thiết cứ phải là lãnh đạo mà sẽ tốt hơn khi những người cầm cân nảy mực là những giáo viên đứng lớp có kinh nghiệm thực tiễn.

Tuy nhiên, tình trạng này đang rất phổ biến ở các địa phương, các cấp học.

Thứ ba: Bộ nên chấn chỉnh các địa phương để xảy ra tình trạng khen thưởng học sinh xuất sắc tràn lan ở cấp tiểu học và tình trạng nâng điểm đối với học sinh cuối cấp để xét tốt nghiệp.

Học sinh tiểu học xuất sắc nhiều là tốt nhưng nó phải thực chất chứ không phải giống như những năm qua một số giáo viên nuôi, dạy thêm học sinh ở nhà rồi tìm cách nâng điểm các môn mình dạy và đi xin điểm của các môn khác (Âm nhạc, Thể dục, Tiếng Anh, Mĩ thuật) để học sinh được khen thưởng.

Không phải tình trạng cuối năm thì các trường linh động để giáo viên có thể dàn xếp với nhau “kéo” những học trò không học mà vẫn được xét tốt nghiệp như thường ở cấp Trung học cơ sở. 100 hay 99% học sinh tốt nghiệp nhưng không phải trường hợp nào cũng xứng đáng.

Điều trớ trêu là vừa tổng kết cho học sinh lớp 9 thì phần lớn học sinh được xếp loại khá, giỏi nhưng chỉ một tháng sau thi tuyển sinh 10 thì điểm lại thấp thê thảm.

Thấp đến nỗi có học sinh chỉ đạt 0.58 điểm/ môn vẫn đậu lớp 10! Trong khi, những em mà yếu quá thì học sinh đã chủ động không thi lớp 10 hoặc đã được nhà trường “động viên” đi học nghề.

Thứ tư: Bộ cần có kế hoạch chấn chỉnh về ý thức, thái độ học tập và tu dưỡng đạo đức của học sinh. Hiện nay, nhiều học sinh không có động lực học tập, ý thức rèn luyện chưa tốt nhưng các nhà trường đang rất lúng túng trong xử lý.

Vì sao vậy, mấu chốt của vấn đề là khống chế tỉ lệ học sinh giỏi, khá, tốt nghiệp, phổ cập, xây dựng trường chuẩn, thi đua của giáo viên…

Thành ra, nó cứ phải rích rắc, ràng buộc chặt chẽ với nhau. Giáo viên tổng kết điểm đúng thì chỉ tiêu nhà trường không đạt, giáo viên bị cắt thi đua, nhà trường bị cắt thi đua.

Học sinh chán nản thì bỏ học mà bỏ học thì lại khổ phổ cập mà phổ cập thì lại cũng nhà trường làm.

Vì thế, nhiều học sinh bỏ học lâu ngày nhưng đến khi kiểm tra học kỳ thì giáo viên lại vận động vào kiểm tra để cho học sinh lên lớp nhằm đảm bảo tỉ lệ học sinh lên lớp, học sinh không bỏ học.

Cái vòng luẩn quẩn như ma trận bát quái ấy khiến cho chất lượng thực của các cấp học phổ thông ở một số địa phương, trường học không không nâng lên được mà hạn chế, bất cập cũng từ đó mà ra.

Thứ năm: nhiệm kỳ của thầy Nguyễn Kim Sơn sẽ gần tương đồng với việc hoàn thiện lộ trình thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018. Hai thầy tiền nhiệm của thầy Sơn đã khởi xướng, ban hành chương trình và thực hiện những bước đi đầu tiên.

Nhiệm kỳ của thầy Sơn sẽ là một nhiệm kỳ để hoàn tất chương trình giáo dục phổ thông 2018 nên thời gian tới đây thì lãnh đạo Bộ và các Sở cần tập trung, quan tâm nhiều hơn đến việc bồi dưỡng, tập huấn cho giáo viên phổ thông.

Chương trình mới chỉ thành công khi giáo viên lĩnh hội được những nội dung cơ bản của chương trình nhưng cách bồi dưỡng hiện nay đang quá dàn trải, áp lực mà hiệu quả không cao.

Chúng tôi hy vọng, trong thời gian tới đây thì tân Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn sẽ giúp cho giáo dục phổ thông tốt hơn bằng những kế hoạch cụ thể, phù hợp, “trọng chất” chứ không “trọng lượng”, trọng hình thức như hiện nay.

Và, chúng tôi tin, chờ đợi thầy Nguyễn Kim Sơn sẽ có những kế hoạch hành động trong một ngày sớm nhất để giúp cho giáo dục phổ thông nước nhà ngày càng khởi sắc hơn.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

KIM OANH