Ăn xôi Chùa ngọng miệng!

04/06/2019 06:00
HOÀNG TRƯỜNG SA
(GDVN) - Các em tha hồ trao đổi, mở tài liệu ngang nhiên mà giám thị thấy cũng phải quay mặt nơi khác làm ngơ, coi như không thấy, không biết vì “ngọng miệng” rồi.

Còn hơn hai chục ngày nữa là các em học sinh cuối cấp 3 sẽ bước vào kỳ thi trung học phổ thông Quốc gia năm học 2018-2019, tôi phải viết những dòng này, có viết xong thì trong người mới nhẹ vơi, mới nguôi ngoai phần nào bức xúc mấy lâu nay!

Đó là các hội đồng coi thi ở các địa phương còn có nhiều bất cập trong quá trình tổ chức coi thi trung học phổ thông Quốc gia trong những năm vừa qua nhưng không ai dám nói, dám thẳng thắn lên tiếng.

Giám thị coi thi (Ảnh minh họa: TTXVN).
Giám thị coi thi (Ảnh minh họa: TTXVN).

Cha ông ta từ xưa đã từng nhắc nhở: “Ăn xôi chùa ngọng miệng”! Có nghĩa là một khi mình làm việc gì, lỡ “ăn” của người ta rồi, khi gặp chuyện thì “khó nói” vì bị “xôi” chèn ngang họng nên không nói ra được.

Mặc dù ở trên đã có nhiều cải tiến, thay đổi nhân sự của hội đồng coi thi nhưng chung quy có một “quy trình” như sau:

Trước khi thi, địa phương và trường sở tại (trường được chọn làm hội đồng coi) gặp “cơm thân mật” với chủ tịch hội đồng.

Có thể vị này sẽ được nhận phong bì gọi là “tiền cà phê”, “tiền sinh hoạt” và được chủ nhà gợi ý việc coi thi cần nhẹ nhàng, tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh làm bài vì đây là vùng khó khăn…

Sau đó, trong buổi họp toàn thể hội đồng, vị Chủ tịch Hội đồng sẽ “truyền đạt” lại với các giám thị những lời “gởi gắm” ấy của địa phương để quý thầy cô coi thi “thông suốt”…

Sau buổi họp hội đồng đầu tiên là màn liên hoan gọi là “cây nhà lá vườn” hoành tráng.

Có lần về một trường vùng sâu làm công tác coi thi, tôi cùng mấy thầy cô trong ban lãnh đạo, thư ký đi kiểm tra cơ sở vật chất trước một bước.

Nỗi khổ của giáo viên khi đi coi thi trong địa bàn
Nỗi khổ của giáo viên khi đi coi thi trong địa bàn

Khi mở cánh cửa phòng thư viện trường, tôi giật mình thấy những thùng, két bia chất cao ngất.

Tôi quay qua hỏi thầy sở tại: “Đại lý bia họ mượn phòng gởi hàng hả?” thì thầy cười vui vẻ: “Bia để đãi mấy thầy đó!”.

Mặc dù đã có tiền công tác phí, tiền bồi dưỡng công tác coi thi nhưng thầy cô coi thi không phải bỏ tiền túi ra để thuê phòng trọ mà được địa phương “hỗ trợ” nơi chốn nghỉ ngơi. Đó là khách sạn, phòng nghỉ máy lạnh đàng hoàng, tươm tất…

Chuyện ăn uống mới là chuyện “đại sự” vì có ăn no, ăn ngon thì thầy cô mới có sức khỏe và luôn … vui vẻ.

Sẽ có một lực lượng hùng hậu người nấu ăn, phục vụ.

Họ là thợ nấu được thuê mướn về và có cả những phụ huynh đang có con em dự thi.

Bữa sáng gồm nhiều món cho thầy cô lựa chọn tùy sở thích.

Đó là hủ tiếu, phở, xôi gà, cháo gà …

Món tráng miệng có đủ loại trái cây mùa hè như dưa hấu, ổi, vải, chôm chôm, sầu riêng… 

Món uống buổi sáng là cà phê sữa đá, hay đủ loại nước uống trái cây…

Bữa ăn trưa gọn gàng hơn vì các thầy cô còn nghỉ ngơi ít phút để vào coi thi buổi chiều.

Bữa cơm tối mới thực sự rôm rả, đầy ắp đồ ăn thức uống và đầy ắp tiếng cười, tiếng cụng ly “dô, dô” vang dội cả sân trường.

Các bàn nhậu được bung ra, bia khui nghe lốp bốp thật vui, đầy hứng khởi.

Các món đặc sản là tôm hấp bia, cầy tơ bảy món, gà tiềm, đùi thịt heo hầm đậu phộng, cua rang me…

Thầy cô có dịp ăn uống thả cửa vì được địa phương, được trường chiêu đãi.

Được đi coi thi quả là một “phần thưởng” cuối năm cho thầy cô…may mắn.

Nói “may mắn” vì những thầy cô coi thi “khó khăn, gắt gao” các năm trước đều không được nhà trường đưa vào danh sách coi thi, chỉ có những thầy cô “biết điều, ngoan hiền” thì luôn được đi coi thi hàng năm.

Trong quá trình thi thì bắt đầu xuất hiện những màn “gởi gắm” phía sau “hậu trường”.

Việc “gởi gắm” này chỉ có Chủ tịch Hội đồng biết và “chỉ đạo” cho Phó Chủ tịch Hội đồng phụ trách chuyên môn thực hiện.

Ví dụ năm nay có con anh Ba, anh Tư gì đó bên huyện, bên tỉnh, bên ban ngành nào đó dự thi thì sẽ được “chủ nhà” cung cấp phòng thi, số báo danh.

Thầy Kiên Trung lật tẩy tử huyệt và chiêu trò trong thi quốc gia
Thầy Kiên Trung lật tẩy tử huyệt và chiêu trò trong thi quốc gia

Vị Chủ tịch Hội đồng sẽ “nhờ” vị Phó Chủ tịch Hội đồng phân công những giám thị “ruột” coi phòng đó, gợi ý nếu cần sẽ “hỗ trợ” cho thí sinh đó làm bài tốt…

Hoặc dặn em học sinh đó trước buổi thi nào, làm bài chừng nửa tiếng, kêu đau bụng để được giám thị đưa lên phòng y tế… Ở đó đã có người chờ sẵn để “giúp đỡ”…

Có ai bảo rằng: tiêu cực chỉ có trong khâu chấm thi là chưa chuẩn xác mà là tiêu cực xảy ra cả ở khâu coi thi.

Thành ra, trong quá trình thi, nếu có thanh tra trên về thì luôn có sự “báo động” cho các phòng thi phải “nghiêm túc”, chờ thanh tra ra về thì  “tháo khoán” cho cho các em trao đổi một chút cũng… không sao, nhất là thời điểm loa báo còn 15 phút nữa sẽ hết giờ.

Nhưng, vẫn có những thầy cô có lòng tự trọng, dù cách xa nhà chừng vài ba chục cây số vẫn không ở lại mà chạy xe đi về.

Các buổi ăn uống họ đều tự túc, ra ngoài hàng quán ăn cho xong bữa.

Vì sao?

Bởi, một khi đã ăn cơm của phụ huynh, uống lon bia của phụ huynh thì việc coi thi nghiêm túc, khách quan bị “vô hiệu hóa”.

Các em tha hồ trao đổi, mở tài liệu ngang nhiên mà giám thị thấy cũng phải quay mặt nơi khác làm ngơ, coi như không thấy, không biết vì “ngọng miệng” rồi.

Toàn bộ kinh phí cho khâu ăn uống, nghỉ ngơi của hội đồng coi thi là của phụ huynh đóng góp, của địa phương “ủng hộ”.

Có khi mỗi em đóng 200 ngàn đồng (có nơi gọi là “tiền chống trượt”), cứ thế nhân lên số lượng mà các trường có học sinh dự thi phải nộp…

Điều đáng nói là có khi số tiền này lên đến cả hàng trăm triệu đồng nhưng việc thu chi không có hóa đơn, chứng từ gì cả.

Thành ra vị phụ trách của trường đặt hội đồng coi thi, qua mỗi mùa thi cũng kiếm được một mớ kha khá.

Bài viết thể hiện quan điểm, góc nhìn, nhận thức và kinh nghiệm riêng của tác giả, không nhất thiết trùng với quan điểm của Tòa soạn.

HOÀNG TRƯỜNG SA