Bộ Giáo dục nên nghiêm cấm triệt để việc bán sách giáo khoa trong nhà trường

13/06/2019 06:55
Phan Tuyết
(GDVN) - Bán sách kiểu “bia kèm lạc" một bộ hơn nửa triệu đồng chỉ có thể nói rằng chính những ngôi trường ấy đang bòn rút những đồng tiền mồ hôi nước mắt của phụ huynh

Những thực trạng đáng buồn khi nhà trường thành nơi kinh doanh văn phòng phẩm

Một loạt bài viết về chuyện bán sách giáo khoa trong nhà trường được đăng tải trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đang nhận được sự đồng tình của dư luận.

Nhiều trường phụ huynh phản ánh bán bộ sách giáo khoa chỉ vài chục ngàn, nhưng bán kèm rất nhiều sách tham khảo, sách bổ trợ không cần thiết khiến bộ sách lên đến cả triệu đồng. Ảnh: NVCC.
Nhiều trường phụ huynh phản ánh bán bộ sách giáo khoa chỉ vài chục ngàn, nhưng bán kèm rất nhiều sách tham khảo, sách bổ trợ không cần thiết khiến bộ sách lên đến cả triệu đồng. Ảnh: NVCC.

Bởi tình trạng nhà trường biến thành cửa hàng kinh doanh văn phòng phẩm không chỉ xảy ra ở một trường, một địa phương mà rất nhiều nơi vẫn đang làm thế.

Có nơi chỉ bán sách giáo khoa thông thường, nhưng không ít địa phương hiện nay, đơn cử như một số trường học ở Hà Nội bán sách theo kiểu trục lợi.

Không trục lợi thì tại sao phụ huynh mua sách không được phép chọn những cuốn sách mình ưng ý mà nhà trường bán theo kiểu ấn định buộc phải mua?

Được biết, hoa hồng trích lại từ những cuốn sách tham khảo, sách nâng cao lên đến 40%.

Món lợi nhuận lớn đã làm mờ mắt nhiều người quản lý, bất chấp lời ca thán, sự phẫn nộ của phụ huynh.

Bán sách mà theo kiểu “bia kèm lạc” với số tiền một bộ sách hơn nửa triệu đồng chỉ có thể nói rằng chính những ngôi trường ấy đang bòn rút những đồng tiền mà nhiều phụ huynh phải đổ mồ hôi và nước mắt mới có được.

Trường tiểu học Ninh Hiệp "đánh úp" bán sách, bán bút cho học sinh giá cao

Bòn những đồng tiền từ mồ hôi nước mắt ấy của cha mẹ học sinh, người ta vui thích, sung sướng quá hay sao?

Có người phản ánh, nhà trường còn quy định cả vở viết in logo của trường, cha mẹ có mua vở khác tốt đến đâu cũng không được chấp nhận.

Bộ sách giáo khoa lớp 4, lớp 5 chỉ hơn 300 ngàn đồng thì đội lên 600 ngàn đồng.

Bởi vì kèm vào bộ sách giáo khoa là nhiều cuốn sách tham khảo, sách nâng cao nhưng cả năm chẳng thấy con học một chữ, làm một bài, vì cả ngày học trên trường còn thời gian nào cho con học thêm trong ấy?

Chưa dừng ở đó, họ bán không chừa bất kỳ cái gì phục vụ việc học cho các em, từ cuốn vở viết, tờ giấy kiểm tra đến cục gôm tẩy, cái bút, cây thước, nhãn vở, bìa bao…

Phụ huynh dù bất bình nhưng vẫn phải vui vẻ móc hầu bao vì sợ con mình bị để ý.

Là giáo viên, ai lại không thấy đau, thấy xót khi nghe những bình luận của bạn đọc thế này sau mỗi bài viết:

“Đồng tiền đã len vào thành trì đạo đức làm biến dạng tôn sư trọng đạo”.

“Vì hoa hồng khủng từ bán văn phòng phẩm, nhà trường đang biến thành cái chợ”…

Không ít người đã lên tiếng kêu gọi: “Theo tôi nên cấm triệt để hiện tượng này bất kể lý do gì... ..giáo viên trong trường chỉ dạy học và học sinh cũng chỉ đến trường để học.

Còn tất cả mọi thứ hãy để cho cha mẹ các em quyết định. Tránh những lợi ích nhóm với nhau..

Đừng nói là không bắt buộc rồi trên ép xuống… cuối cùng nhân dân phải chịu..gây tâm lý coi thường nhà trường và coi thường giáo viên”.

“Chúng tôi tha thiết nhắn gửi đến những người lãnh đạo trường học. Đừng vì đồng tiền mà bán rẻ danh dự nhà giáo”.

Để môi trường giáo dục trong sạch, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần cấm triệt để hoạt động buôn bán trong trường học

Phụ huynh Tiểu học Phù Đổng vã mồ hôi mua sách cho con giá bằng cả tạ thóc

Với lý do, cảnh báo cho phụ huynh tránh mua sách giả, sách kém chất lượng nên nhiều địa phương yêu cầu nhà trường, giáo viên tuyên truyền, định hướng cho phụ huynh mua sách tại trường.

Chính vì điều này, không ít nơi đã biến trường học vốn yên bình thành nơi kinh doanh văn phòng phẩm hỗn độn với không ít lời bàn ra tán vào.

Không ít địa phương còn có kiểu kinh doanh biến tướng như đã phản ánh ở trên làm cho môi trường giáo dục nhuốm màu vụ lợi.

Điều này, làm mất niềm tin của người dân vào giáo dục. Làm hoen ố hình ảnh người thầy trong mắt phụ huynh, học sinh.

Khi không còn sự tôn sư trọng đạo, giáo viên sẽ dạy dỗ khó khăn như thế nào?

Từ những thực trạng trên, chúng tôi nghĩ Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có Công văn cấm tuyệt đối nhà trường bán sách.

Nhiều địa phương nên học hỏi tỉnh Khánh Hòa tuyệt đối không bán sách trong nhà trường.

Có thế mới trả lại được môi trường bình yên, trong sạch vốn có cho giáo dục như ngày nào.

Phan Tuyết