Bông hoa tươi thắm mọc lên từ sau bom đạn chiến tranh chống Mỹ

15/06/2019 07:06
Đỗ Công Tiến
(GDVN) - Cô Lê Thị Lan Anh dù sức khỏe thường xuyên bị đau ốm do ảnh hưởng chất độc da cam nhưng đã tự học và thi đạt trình độ C tiếng Anh và mở lớp dạy học cho trẻ em.

Có một thực tế, năm tháng có thể khiến nỗi đau chiến tranh được xoa dịu nhưng đâu đó trong xã hội vẫn còn rất nhiều gia đình phải gánh chịu nỗi đau của chất độc da cam, nó phá hủy sức khỏe, cuộc sống và hạnh phúc của biết bao người dân Việt Nam, tạo nên nỗi kinh hoàng cho biết bao thế hệ.

Đã có biết bao đứa trẻ vô tội ở Việt Nam bị ảnh hưởng bởi chất độc có tên màu da cam. Nó khiến những đứa trẻ khi vừa mới chào đời đã phải mang trong mình hình hài không giống như người bình thường...

Chiến tranh đã lùi xa mà nỗi đau vẫn còn đâu đó

Lê Thị Lan Anh (thị trấn Xuân Mai - huyện Chương Mỹ - Hà Nội), bằng con đường tự học đã đạt trình độ C tiếng Anh.

Chị là một cô giáo không có bằng Sư phạm, không có cuộc sống như những người bình thường nhưng luôn nghị lực vượt qua khó khăn để sống có ích cho xã hội.

Chị Lê Thị Lan Anh (Chương Mỹ- Hà Nội), sức khỏe yếu, vượt qua khó khăn bằng con đường tự học đạt trình độ C tiếng Anh. Ảnh: Công Tiến
Chị Lê Thị Lan Anh (Chương Mỹ- Hà Nội), sức khỏe yếu, vượt qua khó khăn bằng con đường tự học đạt trình độ C tiếng Anh. Ảnh: Công Tiến

Nhìn gương mặt xinh xắn, phúc hậu, đôi mắt sáng cùng lời nói truyền cảm, ít ai biết được rằng chị bị “dị dạng” bẩm sinh từ khi còn trong bụng mẹ. Nay chị đã 43 tuổi nhưng chỉ cao 1,3m và nặng chưa đầy 40 kg.

Theo lời kể từ bố chị Lan Anh (tức bác Toàn, từng là bộ đội tham gia chiến đấu trực tiếp ở chiến trường Nam Lào - Quảng Trị - Thừa Thiên):

“Lúc vợ bác hạ sinh Lan Anh thì chị có thân hình nhỏ bé lắm, chắc chưa được 2 kg. Chỉ có da bọc xương thôi, không cất nổi một tiếng khóc, thậm chí không đủ sức ngậm vào vú mẹ…

Thân hình thì cong gập về đằng trước, chân tay nhỏ như chiếc que. Ngón tay thì 10 ngón co cứng không duỗi ra được.

Mỗi lần cho con ăn là mỗi lần hai bác chỉ biết nhìn nhau ngậm ngùi không nói hết nỗi buồn… ai cũng nghĩ là con gái bác chẳng sống được mấy ngày… ai đến thăm cũng không cầm được nước mắt, đến đâu bác sỹ cũng lắc đầu, khuyên gia đình đưa con về, sống được ngày nào hay ngày đó…

Hơn 1 năm sau hai bác sinh người con thứ hai, bé trai ra đời, hạnh phúc đâu chẳng thấy… một lần nữa bất hạnh lại đến với gia đình bác khi em bị nhiễm lạnh, người cứ tím tái đi rồi mất.

Cô giáo mở lớp dạy, thu học phí bằng mớ rau, ký gạo
Cô giáo mở lớp dạy, thu học phí bằng mớ rau, ký gạo

Nỗi đau đè lên nỗi đau, cả bầu trời như sụp xuống chân hai bác… thì cũng lúc bấy giờ các bác sĩ mới cho bác biết là các cháu bị ảnh hưởng chất độc màu da cam ngày trước bác tham gia chiến tranh”.

Nhưng rồi phép màu cũng xuất hiện, với nghị lực phi thường, sự chăm sóc ngày đêm của gia đình và nỗi khát khao con mình được bình phục, gia đình đã giúp chị chiến thắng bệnh tật, sức khỏe đã dần hồi phục.

Bông hoa tươi thắm mọc lên sau bom đạn chiến tranh

Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, bố công tác trong quân đội lại là thương binh bậc 3/4 do tham gia chiến đấu ở chiến trường trở về. Mẹ làm công nhân nhà máy ươm tơ Mỹ Đức, bận công việc nên chị đã được bố mẹ gửi về sống cùng bà nội ở huyện Ứng Hoà, tỉnh Hà Tây cũ.

Chị Lan Anh đã có những năm tháng tuổi thơ tươi đẹp bên bà nội với những ngày nắng cũng như ngày mưa luôn được bà đưa tới lớp.

Nói về tuổi trẻ của mình, chị Lê Thị Lan Anh vui vẻ chia sẻ: “Ngày bé chị ở cùng bà nội và đi học, chị cũng thuộc top có học lực khá ở trong lớp, năm lớp 4 được cô giáo cử là đại diện lớp đi thi viết chữ đẹp.

Sang đến cấp II thì mọi chuyện bắt đầu xảy ra, sức khỏe giảm sút và hơn nữa là chị bắt đầu ý thức được nỗi bất hạnh về sức khỏe của mình.

Vì sức khỏe suy yếu, chị chỉ theo học được đến lớp 9 thì cũng là lúc sức khỏe của chị ngày càng suy yếu, tưởng chừng không qua khỏi… và chị buộc phải nghỉ học.

Đam mê ngoại ngữ, cuối năm 1996, khi sức khỏe có chiều hướng khá lên, chị xin bố mẹ cho đi học tiếng Anh.

Lớp học miễn phí cho trẻ em nghèo
Lớp học miễn phí cho trẻ em nghèo

Không đành lòng từ chối mong muốn của con gái, bố chị đã gửi chị ra nhà bác ruột ở Hà Nội để học tiếng Anh”.

Với lòng đam mê ngoại ngữ và đặc biệt là tiếng Anh, chị đã học miệt mài không kể ngày đêm.

Nhưng cuộc sống luôn có những đổi thay, học được một năm thì sức khỏe của chị lại rơi vào tình trạng rất yếu… chị trở về nhà với vốn tiếng Anh được học cộng với việc mua thêm sách về tự học ở nhà rồi đăng ký thi và được cấp chứng chỉ C tiếng Anh.

“Ngày đó, thời gian rảnh ở nhà chị phụ gia đình bán quán nước, một hôm chị hàng xóm biết chị học tiếng Anh dưới Hà Nội về đã dẫn con sang nhà nhờ dạy kèm môn tiếng Anh chị vui lắm và nhận lời giúp cháu”- chị Lan Anh chia sẻ

Phụ huynh thấy con học hiểu và tiến bộ, “tiếng lành đồn xa” nhiều phụ huynh dắt con đến nhờ chị dạy học. Mặc dù hàng tháng vẫn phải đến bệnh viện điều trị, nhưng chị Lan Anh vẫn bám lớp.

Thời gian đầu chị dạy miễn phí, được khoảng gần 1 năm thì các phụ huynh đề nghị chị nhận một khoản tiền nhỏ gọi là chi phí điện, điều hòa … thế là chị đã làm ra tiền, đồng tiền từ niềm tin, niềm đam mê và lòng nhiệt huyết.

Thấy mình đã làm được điều gì đó cho cuộc đời, cho xã hội, phần nào đã giúp bố mẹ có thêm tiền thuốc thang cho mình.

Tiếng lành đồn xa, học trò ngày một đông, được sự động viên của gia đình, của mọi người, năm 2000 chị bắt đầu mở lớp dạy Tiếng Anh tại nhà. 

Nhiều học sinh của chị dạy đến nay đã thành đạt, trở thành phiên dịch viên, thầy giáo, cô giáo dạy ngoại ngữ. Ảnh minh họa: LA
Nhiều học sinh của chị dạy đến nay đã thành đạt, trở thành phiên dịch viên, thầy giáo, cô giáo dạy ngoại ngữ. Ảnh minh họa: LA

“Có những ngày thay đổi thời tiết, bệnh xương khớp, bệnh dạ dày hoành hành, chân tay đau nhức, toàn thân ê ẩm, nhưng không vì thế mà chị cho lớp nghỉ, chị luôn suy nghĩ rằng học trò là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của chị” - Chị Lan An trải lòng.

Hiện tại chị Lan Anh đang dạy 6 lớp với khoảng 60 học sinh. Chị đang ấp ủ kế hoạch sẽ đi học thêm để nâng cao trình độ ngoại ngữ của bản thân.

Nhiều học sinh của chị dạy đến nay đã thành đạt, trở thành phiên dịch viên, thầy giáo cô giáo dạy ngoại ngữ. Không chỉ truyền đạt kiến thức, biết bao thế hệ học sinh đã được chị Lan Anh dạy bảo về đạo đức làm người và là tấm gương sáng về nghị lực sống.

Đỗ Công Tiến