Các thầy cô đừng đổ lỗi cho ai, hãy cùng nhau thay đổi

29/10/2018 06:00
Y HÂN
(GDVN) - Thay đổi phương pháp để học sinh ham học hơn là trách nhiệm và là sứ mệnh của giáo viên chứ không phải tìm lỗi, đổ lỗi cho học sinh hay cha mẹ học sinh.

LTS: Thẳng thắng cho rằng, giờ đây, việc đổ lỗi cho học sinh hay đổ lỗi cho bất cập trong chính sách giáo dục như một bình phong để người làm giáo dục "vớ tới" khi bị dư luận lên tiếng, tác giả Y Hân đã đưa ra bài viết thể hiện quan điểm của mình về vấn đề này.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả.

Gần đây, tôi nhận được nhiều lời than phiền của nhiều giáo viên về việc học sinh không còn ngoan, không còn ham học, tâm lý ỷ lại...

Cũng bởi như như vậy nên cũng có một số giáo viên "mất lửa" thậm chí đã sẵn sàng đổi nghề để không còn "trăn trở" gây stress.

Thực tế đã có giáo viên chọn cách bỏ nghề giáo để khỏi áy náy lương tâm vì...bất lực trong việc giáo dục học sinh.

Hiện trạng học sinh thiếu động lực học tập kể trên diễn ra nhiều mà ai cũng thấy và đa phần giáo viên đổ lỗi cho học sinh.

Theo tôi, khi giáo viên có một sự đổ lỗi như thế nghĩa là giáo viên đang chối bỏ "trách nhiệm" giáo dục của nghề mình chọn.

Các thầy cô đừng đổ lỗi cho ai, hãy cùng nhau thay đổi (Ảnh minh họa: TTXVN).
Các thầy cô đừng đổ lỗi cho ai, hãy cùng nhau thay đổi (Ảnh minh họa: TTXVN).

Nói vậy, thì nhiều giáo viên sẽ phản ứng và có thể phản ứng gay gắt vì cho rằng "học sinh lúc không muốn học thì không tài nào dạy nổi".

Buổi trò chuyện Nỗi niềm nhà giáo nằm trong dự án TEACH (cùng giáo viên thay đổi) diễn ra ngày 30/09/2018 vừa qua, cô Bùi Trân Phượng có nói đại ý rằng tìm ra thủ phạm để làm gì, có lôi ra đánh đòn được đâu, quan trọng là tìm giải pháp và giải pháp trước tiên là tự cứu.

Để thấy rằng, thay đổi phương pháp để học sinh ham học hơn là trách nhiệm và là sứ mệnh của giáo viên chứ không phải tìm lỗi, đổ lỗi cho học sinh hay cha mẹ học sinh.

Điều này không có nghĩa là tôi tách riêng và xem nhẹ giáo dục gia đình nhưng là đang đề cao giá trị và trọng trách người thầy và những người làm công tác giáo dục một cách nghiêm khắc hơn.

Còn theo tôi, giáo viên có tâm và trăn trở vì thế hệ trẻ thì không nên chọn hướng đi có phần tiêu cực là chuyển nghề.

Vì, giáo dục cần giáo viên tâm huyết và thực sự vì con người (nói điều này bởi có một số ít xem nghề giáo như một nghề an nhàn và cứ bình bình để không vi phạm kỷ luật thì sẽ dạy năm này qua năm khác, rồi đều đều nhận lương hàng tháng và đến hạn tăng lương là được).

Lỗi tại ai?

Các thầy cô đừng đổ lỗi cho ai, hãy cùng nhau thay đổi  ảnh 2Chất lượng giáo viên là nhân tố quyết định thành bại của đổi mới giáo dục

Là ta đang tìm nguyên nhân, nhưng để nói nguyên nhân thì các giáo viên trực tiếp đứng lớp có thể chỉ ra hàng loạt trong một buổi họp.

Nhưng, giải pháp để đi sửa cái lỗi ấy nhiều lúc giáo viên không dám chỉ ra vì sợ cấp trên (bởi có nhiều chỉ tiêu trong trường học đang làm cho học sinh ỷ lại và học sinh biết được không học tốt cũng được lên lớp).

Và, khó khăn hơn chính là giáo viên có chỉ ra được giải pháp cũng không đủ can đảm thực hiện một mình, ở đây không đồng bộ đã đành vì một giáo viên có phương pháp tốt và phù hợp với một học sinh, một số lớp hay một nhóm nào đó nhưng không thể theo suốt để giám sát kết quả trong quá trình thực hiện thời gian dài.

Chưa kể khi đơn độc thực hiện một phương pháp cải tiến nào đó thường bị lạc lõng và bị xem như "chơi trội", nên phần nhiều là cứ theo đường lối chính sách chủ trương mà làm "cho lành".

Giờ đây, đổ lỗi cho học sinh hay đổ lỗi cho bất cập trong chính sách giáo dục như một bình phong để người làm giáo dục "vớ tới" khi bị dư luận lên tiếng là lựa chọn tôi thường xuyên bắt gặp.

Nếu can đảm và trách nhiệm hơn thì giáo viên ơi mình hãy thay đổi trước và cùng nhau nhen nhóm để có trách nhiệm hơn trong vai trò giáo dục, nếu cùng nhau đoàn kết "chơi trội" khi đó chúng ta sẽ không còn đơn lẻ.

Y HÂN